VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Việc của người làm sách là trao cho nó cơ hội

Thứ Năm, 09/06/2022 16:39

Với mong muốn nâng cao nhận thức về giới cũng như truyền đạt tiếng nói của cộng đồng yếm thế, “Tủ sách Giới” sắp ra mắt tới đây của San Hô Books là một nỗ lực góp thêm sức mạnh để những tiếng nói ấy ngày có thêm sức mạnh và ảnh hưởng hơn nữa với xã hội. Cuộc trò chuyện với chị Trần Thủy Thiên Kim - đại diện và là thành viên đồng sáng lập thương hiệu San Hô Books sẽ giúp bạn đọc hiểu nhiều hơn về sứ mệnh, trách nhiệm cũng như những gì mà những người thực hiện Tủ sách mong muốn mang đến cho độc giả Việt Nam. Trần Thủy Thiên Kim từng tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Lý luận văn học tại trường University College London, hiện chị đang sinh sống và làm việc tại Anh.

- Ý tưởng từ đâu mà “Tủ sách Giới” ra đời, thưa chị?

+ “Tủ sách Giới” là thành quả của nhiều yếu tố khác nhau, từ việc nhận thức được sự thiếu vắng tiếng nói và góc nhìn đa chiều - đa màu về những vấn đề xoay quanh chủ đề “giới” trên thị trường sách Việt Nam, cho đến mong muốn mang lại cho độc giả Việt cả những tác phẩm kinh điển lẫn đương thời nhất về “giới” thông qua các tác phẩm hư cấu và phi hư cấu trên thế giới. Suy cho cùng, lí do đơn giản nhất là tủ sách ra đời như một tiếng nói đại diện cho những giá trị nhân văn mà từng thành viên trong San Hô Books coi trọng.

- Vậy đâu là đối tượng cũng như sứ mệnh mong muốn hướng đến của Tủ sách này?

+ Sứ mệnh mà tủ sách hướng tới thật sự không có gì quá cao siêu. Trước tiên là việc hi vọng sự hiện hữu của những chủ đề/vấn đề được thảo luận trong mỗi cuốn sách sẽ được nhận thức rõ rệt hơn, sau đó là mong mọi vấn đề, mọi câu chuyện sẽ đều được xem xét dưới nhiều điểm nhìn. Sự thấu hiểu và lòng cảm thông giữa người với người chính là điểm xuất phát cho mọi tư duy phản biện. Chính vì vậy, đối tượng độc giả mà tủ sách hướng tới là tất cả mọi người. Dù là người luôn quan tâm và am hiểu về những vấn đề xoay quanh “giới”, hay một người chưa bao giờ dành quá nhiều thời gian cho chủ đề này, San Hô tin rằng tủ sách sẽ mang lại cho bạn đọc những kiến thức mới mẻ, thú vị.

- Bao gồm các nhánh khác biệt, từ phụ nữ, nam giới cho đến cộng đồng LGBTQ+; dường như có một ý định lớn hơn về việc cung cấp các góc nhìn khác về giới đối với nhận thức xã hội ngày nay trong Tủ sách này?

+ Như đã nói ở trên, đây là một trong những sứ mệnh cốt lõi mà San Hô đưa ra cho việc thành lập tủ sách. Quá dễ dàng để tô một màu trắng hay đen cho mọi câu chuyện, nhất là khi câu chuyện về giới thường chỉ được kể theo cách rất một chiều. Ví dụ như khi dư luận phản ánh về việc bị xâm hại, một nửa chỉ trích nạn nhân, nửa còn lại cảm thông, một số thương hại, nhiều người phẫn nộ, nhưng lại thiếu đi điều quan trọng nhất - tiếng nói của nạn nhân. Hơn hết, để hiểu và giảm thiểu những bi kịch như vậy xảy ra lần nữa, ta cần làm rõ nguyên nhân đằng sau hành động: những kẻ gây ra tội ác là ai, có điều kiện giáo dục thế nào… Mọi vấn đề đều cần được nhận thức với chiều sâu và sự đa chiều cần thiết.

Các tác phẩm hư cấu gây được tiếng vang lớn thuộc "Tủ sách Giới" của San Hô Books.

- Có thể thấy rằng các tác phẩm mới được phát hành như Mắt nào xanh nhất, Ta vẫn sống trong lâu đài, Đây là lạc thú; hoặc sắp tới là The Power of the Dog đều là các tác phẩm nổi tiếng và có giá trị. Vậy việc chọn lựa tác phẩm vào Tủ sách được tiến hành theo tiêu chí nào?

+ Việc lựa chọn sách dựa vào nhiều yếu tố như độ uy tín tác giả, phản hồi từ giới phê bình, hay tầm ảnh hưởng của tác phẩm đến cộng đồng, nhưng quan trọng nhất là bản thân tác phẩm thú vị ở đâu, nói lên điều gì, và sâu sắc thế nào.

Phẩm chất của chính tác phẩm quan trọng hơn nhiều so với tên tuổi của tác giả hay mức độ bán chạy, dù hai điều này thường may mắn thay là đi liền với nhau (nhờ sự rộng mở về tư tưởng của xã hội bây giờ, nhưng vẫn có những tác phẩm xuất sắc từng nhận nhiều phản ứng trái chiều từ người đọc như Mắt nào xanh nhất).

Quan trọng nhất, không có một cuốn sách nào trong tủ sách này không được các thành viên đọc cẩn thận và suy nghĩ kĩ càng trước khi quyết định mang về. Chúng tôi muốn chia sẻ với người đọc những gì chúng tôi đọc, và cảm thấy ấn tượng.

- Ngày nay độc giả ngày càng có nhiều tiếng nói quan trọng. Đứng từ góc độ của người làm sách, liệu có thể dung hòa được tính chất lượng từ khâu chọn lựa của các chuyên gia với thị hiếu chung của người đọc không?

+ Khi Mắt nào xanh nhất ra mắt lần đầu tại Mĩ, tác phẩm không nhận được quá nhiều tiếng vang từ giới phê bình. Thú vị là các học giả/nhà phê bình gốc Âu-Mĩ tập trung vào văn phong và phê phán Morrison vì văn phong đơn giản, có phần bình dân thái quá của bà, nhưng những nhà phê bình Mĩ gốc Phi lại tìm thấy sự đồng cảm với các nhân vật và những mảnh đời trong câu chuyện. Tới giờ, các giáo viên vẫn tranh luận rằng tác phẩm này có phù hợp cho trẻ em hay không, nhưng tất cả đều không thể phủ nhận sức mạnh giáo dục của tác phẩm cho bất kì độ tuổi nào.

Chuyên gia hay nhà phê bình cũng đều là người đọc sách. Mỗi người có quyền có cảm nhận của riêng mình, và tất cả đều có cái lí của mình. Một trong những sức mạnh lớn nhất của sách là mang đến cho ta một góc nhìn với những lập luận hoàn toàn mới lạ mà có thể chúng ta hoàn toàn chưa bao giờ được tiếp cận, dẫn đến khó chịu, bất đồng, khó chấp nhận. Trong chính sự cự tuyệt ấy, ta không chỉ hiểu thêm về thứ ta ghét, mà ta còn hiểu được thêm về chính bản thân mình, vì sao mình lại từ chối cảm thông hay đón nhận những điều này. Việc đọc sách nên là một cuộc đối thoại, và đừng coi thường người đọc, cũng như người viết, cho dù họ có là ai.

Các tựa sách non-fiction dự kiến nằm trong "Tủ sách Giới".

- Hẳn nhiên một điểm cân bằng là khó đạt được, đối với một nền văn chương cũng như đọc sách còn nhiều non trẻ và có phần đơn giản như Việt Nam. Thế thì, đâu là yếu tố được ưu tiên hơn khi xây dựng Tủ sách, thị hiếu độc giả hay chất lượng văn chương, dẫu cho có thể là… bán không chạy?

+ Đương nhiên một cuốn sách hoàn hảo, thỏa mãn được mọi yếu tố trên có lẽ không tồn tại, hoặc nếu có thì cũng chưa chắc đã bán chạy khi mang về Việt Nam. Chính vì vậy, chúng tôi tập trung đa dạng hóa các lựa chọn trong Tủ sách, để mỗi độc giả đều có thể tìm thấy cho mình một điều gì đó hợp lí và ưng ý.

Mắt nào xanh nhất cho ta thấy ta về bi kịch của xã hội phân biệt chủng tộc; Đây là lạc thú yêu cầu ta tự vấn chính mình về trách nhiệm của bản thân nếu ta là người “trong cuộc” (nếu bạn thân nhất của bạn bị tố cáo là xúc phạm/xâm hại một người khác, bạn sẽ phản ứng thế nào?); Ta vẫn luôn sống trong lâu đài kể một câu chuyện ma mị, có phần cổ tích, về mong muốn độc lập của phụ nữ.

Sắp tới, trong “Tủ sách Giới”, độc giả cũng có thể tìm thấy một biển trời kiến thức và lí luận phê bình về giới qua tác phẩm của học giả Oxford Armia Srinivasan trong The right to sex (tạm dịch: Quyền được ấy); nhưng nếu bạn muốn lắng nghe một lời tự sự nhẹ nhàng, cá nhân, không kém sự thật, lại có thể lựa chọn My body (tạm dịch: Thân em) để lắng nghe siêu mẫu Emily Ratajkowski kể về trải nghiệm phải tìm cách mua lại hình ảnh của chính mình trong một ngành công nghiệp coi sắc đẹp của phụ nữ là một món hàng. Dần dần “Tủ sách Giới” sẽ còn đa dạng hơn nữa.

- Vấn đề cốt tủy khác của một Tủ sách còn là thời gian tồn tại. Từ trong quá khứ không ít Tủ sách mang được sứ mệnh vô cùng ý nghĩa, thế nhưng khi chưa đi được bao lâu thì phải tạm dừng vì nhiều yếu tố. Đối với “Tủ sách Giới”, đâu là thang đo cũng như cách thức “giữ nhiệt” cho tủ sách này?

+ Sự cân bằng giữa yếu tố kinh điển và đương thời có lẽ là cách tốt nhất để giữ nhiệt cho một tủ sách như thế này, xen kẽ những Toni Morrison và Shirley Jackson với những góc nhìn đương đại của Mary Gaitskill, Sarah Hall, Rebecca Watson, Armia Srinivasan... Gần như độc giả quốc tế đang đọc và tiếp cận điều gì, độc giả của “Tủ sách Giới” của San Hô Books cũng được đọc và tiếp cận những điều tương tự.

"Một cuốn sách hay là một cuốn sách hay, dù có xấu về hình thức cũng không thay đổi thực tế rằng nó vẫn là một cuốn sách hay. Việc của người làm sách là khiến cho người đọc nhận thấy được tiềm năng của một cuốn sách, và cho nó cơ hội".
- Trần Thủy Thiên Kim -

- Ngày nay rất nhiều phương thức được tạo ra để thu hút độc giả. Có thể là việc in đi in lại chỉ toàn tác phẩm kinh điển, là việc tôn sùng ngoại hình ở các bản đặc biệt… trong khi trách nhiệm đối với người đọc cũng như xã hội là điều không thể bỏ qua. Việc hỗ trợ độc giả tự xác lập quan điểm, thái độ trước các sự kiện cụ thể liên quan tới vấn đề giới trong đời sống xã hội Việt Nam hiện đại là rất ý nghĩa. Vậy theo chị, đứng từ nhãn quan của người làm sách, đâu là trách nhiệm cũng như tôn chỉ không thể đánh mất của người làm sách trong thời đoạn nhiều phương thức giả hiệu hiện diện như hiện nay?

+ Một cuốn sách hay là một cuốn sách hay, dù có xấu về hình thức cũng không thay đổi thực tế rằng nó vẫn là một cuốn sách hay. Việc của người làm sách là khiến cho người đọc nhận thấy được tiềm năng của một cuốn sách, và cho nó cơ hội. Điều này có thể đạt được qua việc tập trung vào hình thức bìa, chất lượng giấy, cách dàn trang, hay đảm bảo chất lượng dịch, chất lượng biên tập... Quan trọng nhất, để tất cả những cố gắng này trở nên xứng đáng, người làm sách phải hiểu, tôn trọng, và tự tin về cuốn sách mình đang làm, hiểu được trách nhiệm và tầm quan trọng của mình trong công đoạn xuất bản, từ đó tôn trọng chính những người sẽ đọc tác phẩm này.

- Chị có vẻ tự tin với dự án của mình?

+ “Tủ sách Giới” với những tác phẩm trong đó không chỉ là điều mà độc giả Việt Nam cần có, muốn có, mà chúng ta còn xứng đáng có. Có thể tôi đang hơi quá lạc quan, nhưng có lẽ cũng là sự lạc quan cần thiết khi muốn làm một dự án quan trọng thế này. Câu trả lời là đúng, chúng tôi hoàn toàn tự tin với dự án này.

- Cám ơn chị đã chia sẻ!

“Tủ sách Giới” mong muốn góp thêm tiếng nói của người trong cuộc về các vấn đề giới mang tính thời sự như thân thể, tình dục, bình đẳng giới, vai trò giới... Từ đó gợi mở nhiều góc nhìn để độc giả tự xác lập quan điểm, thái độ của bản thân trước các sự kiện cụ thể liên quan tới vấn đề giới trong đời sống xã hội Việt Nam hiện đại.

Tủ sách sẽ gồm các nhánh như Phụ nữ, Nam giới và LGBTQ+; các đầu sách được tuyển chọn là các tác phẩm hư cấu - tự sự đạt giải thưởng lớn, đề cập tới những vấn đề giới có ý nghĩa lâu dài và mang tính thời sự, cũng như phi hư cấu đi sâu vào các khía cạnh về giới.

THUẬN NGÔ thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)