VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi: Thổi vào Sao La phong vị văn hóa Việt

Thứ Năm, 12/05/2022 07:12
Hoạ sĩ Ngô Xuân Khôi. Ảnh: Hoàng Xuân Tuyền

Cái tên Ngô Xuân Khôi gắn liền với nhiều bức minh họa các truyện ngắn trên Văn nghệ Quân đội và các tờ báo hàng đầu cả nước. Gần đây, ông được biết đến đến với danh xưng “cha đẻ Sao La” khi tạo hình của ông đoạt giải cao nhất cuộc thi sáng tác biểu tượng vui cho SEA Games 31 và Para Games 11 được tổ chức tại Việt Nam. Sao La, từ loài vật khá bí ẩn và ít người biết đến, qua bàn tay họa sĩ và khi trở thành linh vật của SEA Games 31 đã được quan tâm rộng rãi. Những chia sẻ của ông với VNQĐ.

BẤT NGỜ VÌ SỰ QUAN TÂM ĐẶC BIỆT DÀNH CHO SAO LA

- Xin chào họa sĩ Ngô Xuân Khôi! SEA Games 31 đang diễn ra tưng bừng tại Việt Nam. Một sự kiện thể thao của các nước Đông Nam Á sau 19 năm nước ta mới lại trong tư cách chủ nhà, và mỗi người dân Việt Nam đều hòa vào niềm hân hoan đó. Với ông, chắc hẳn còn có những cảm xúc đặc biệt hơn?

+ Đúng vậy. Ngoài sự hân hoan chào đón sự kiện thể thao lớn của khu vực như mọi công dân nước chủ nhà, tôi còn có cảm xúc riêng vì tham gia sự kiện này tôi đóng góp mẫu biểu tượng vui Sao La, một hình ảnh đang được chú ý và quảng bá rộng khắp khi SEA Games đang diễn ra.

- Vâng! Hình ảnh những chú Sao La ngộ nghĩnh, biểu tượng vui của SEA Games 31 giờ đây đã tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, trên các đường phố của Hà Nội và các địa phương có các môn thi đấu diễn ra. Cảm xúc của ông lúc này có khác gì so với khi nghe tin mẫu thiết kế Sao La của mình đã đoạt giải cao nhất và được chọn để làm biểu tượng của SEA Games 31?

+ Cảm xúc hai lần này rất khác nhau. Lần trước khi nghe tin Sao La giành giải cao nhất cuộc thi tôi hồi hộp và xúc động. Còn bây giờ thấy tự hào và hạnh phúc và có chút bất ngờ. Lần trước hồi hộp, xúc động vì cuộc thi chọn mẫu logo và biểu tượng vui kéo dài hơn một năm trời, quãng giữa thời gian đó có nhiều luồng dư luận, có nhiều tranh cãi, có những lúc tưởng chừng như cuộc thi không có hồi kết, cảm xúc chuyển động như hình sin với biên độ cực đại và cực tiểu. Và bây giờ, đến ngày khai mạc SEA Games khi hình ảnh Sao La đang tưng bừng khắp các đường phố với nhiều sắc thái, nhiều chất liệu, nhiều kích cỡ, tại các địa phương có môn thi đấu diễn ra tôi thấy tự hào, hạnh phúc. Sao La dần khẳng định sự đúng đắn khi được lựa chọn và nó như một điều đặc biệt, một điểm nhấn ấn tượng cho SEA Games lần này. Tôi có chút bất ngờ trước sự quan tâm đặc biệt của truyền thông và cộng đồng về Sao La.

Sao La - Linh vật chính thức của SEA Games 31 và Para Games 11 là sáng tạo của họa sĩ Ngô Xuân Khôi.

- Biểu tượng cho một sự kiện lớn đòi hỏi sự hội tụ của rất nhiều yếu tố, và như ông chia sẻ, yếu tố bản sắc văn hóa Việt luôn được ông coi trọng khi sáng tác biểu tượng Sao La. Có lẽ đó không thể là một sự nhất thời mà là quá trình tích lũy, kết tinh theo thời gian của người làm nghệ thuật. Ông nghĩ thế nào về điều này?

+ Chính vì Sao La còn ít người biết đến, thậm chí trước cuộc thi này nó gần như bị lãng quên, người Việt, nhất là lớp trẻ không biết đến niềm tự hào có một không hai này nên trong cách tạo hình, chọn màu sắc, chọn trang phục tôi muốn thổi vào đó phong vị văn hoá Việt. Văn hoá là khái niệm rộng, nó vừa cụ thể vừa trừu tượng. Khi ta ăn cơm, uống nước chè, tiếp xúc với những người nói cùng thứ tiếng quanh ta cũng là vô thức tạo nên những thói quen, những nếp văn hoá Việt. Một đạo diễn nổi tiếng từng nói đại ý rằng: Sau một đêm có thể trở thành triệu phú, tỉ phú nhưng để thành người có văn hoá thì mất rất nhiều thời gian. Đất nước, dân tộc cũng vậy phải hàng trăm, hàng ngàn năm mới tạo nên nền văn hoá của mình. Tôi may mắn tiếp xúc nhiều với các tác phẩm văn học đa dạng của nhiều tác giả trên mọi vùng miền trong quá trình đọc để minh hoạ nên nó giúp ích nhiều trong công việc. Văn hoá là bản sắc, là sự khác biệt chứ không phải sự ngang bằng. Nhiều bạn trẻ nói rằng, thế giới người ta đã vẽ thế kia, sao mình vẫn vẽ thế này, đó là một sự hiểu sai về văn hoá.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi trong quá trình phác thảo biểu tượng Sao La. Ảnh: NVCC

Khi tạo hình Sao La tôi cũng suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng tôi chọn cách vẽ sao la bình dị, gần gũi, giống nhân vật trong nghệ thuật múa rối nước, trang phục có phần giống nông dân, nhưng có nét của môn võ truyền thống Việt Nam. Cách tạo hình và màu sắc của Sao La không lai căng, không pha tạp, nó có nét bình dị gần với dân gian, đó là chủ đích.

- Khi tìm ý tưởng để sáng tạo biểu tượng vui cho SEA Games 31 ông có nghĩ đến các lựa chọn khác trước khi Sao La xuất hiện?

+ Trước khi Sao La xuất hiện tôi cũng có nghĩ nhiều đến các con vật khác nhưng để tìm hình ảnh thật sự ấn tượng, độc đáo, riêng biệt quả là khó. Khi nghĩ đến Gấu trúc của Olympic Bắc Kinh 2008, Gấu Misa của Thế vận hội Maxtcơva 1980 tôi chợt nhớ đến Sao La…

- Một sự tình cờ, năm 2022 cũng là tròn 30 năm loài Sao La được phát hiện tại Việt Nam. Ngoài thông điệp thể thao hữu nghị, biểu tượng còn mang thông điệp về bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. Cá nhân ông có nghĩ thông điệp này sẽ được lan tỏa trong các vận động viên tham dự SEA Games cũng như cộng đồng các nước Đông Nam Á, bởi Sao La còn có tên khác là “Kỳ lân châu Á”?

+ Có chứ, chắc chắn nó lan toả theo dòng sự kiện của Đại hội Thể thao Đông Nam Á không những mang thông điệp về bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm mà còn tiếp thêm sức mạnh niềm tự hào cho các vận động viên nước chủ nhà thi đấu thăng hoa thành công, và Sao La là một dấu ấn, một kỉ niệm đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Trước khi kết quả cuộc thi được công bố, Tổng cục Thể dục, Thể thao có kết nối để tôi được gặp gỡ với bộ phận truyền thông của Tổ chức Bảo vệ động vật quý hiếm Việt Nam (WWF). Họ nói rằng mấy chục năm truyền thông để nâng cao ý thức cộng đồng nhằm bảo tồn sao la nhưng không hiệu quả, không lan tỏa nhanh, rộng như những ngày gần đây sao la được chọn làm biểu tượng vui cho hai sự kiện thể thao lớn mà Việt Nam là nước chủ nhà là SEA Games 31 và Para Games 11.

Những tấm Huy chương vàng đầu tiên của các vận động viên Việt Nam tại SEA Games 31 trong ngày thi đấu 10/5. Các vận động viên với Sao La bản nhồi bông trên tay.  Ảnh đồ họa của Báo Tuổi trẻ.

- Tạo hình 3D linh vật Sao La năng động và đáng yêu trong 40 nội dung thi đấu tại SEA Games 31 đã được Ban Tổ chức giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Cá nhân ông thấy thích thú với tạo hình Sao La gắn với các môn thi đấu nào?

+ Tạo hình Sao La cho các bộ môn thi đấu khá đa dạng, ngộ nghĩnh nhưng tôi vẫn hơi tiếc vì những hoạ sĩ 3D lại bám vào hình con sao la thật, lông lá, sẫm màu nên thiếu đi sự cách điệu, khác xa bản gốc đã được duyệt.

MINH HỌA: CHẮP CÁNH CHO TÁC PHẨM VĂN HỌC

- Tên tuổi của họa sĩ Ngô Xuân Khôi không chỉ được những người yêu hội họa biết đến mà còn quen thuộc với những độc giả yêu văn học qua các minh họa trên các ấn phẩm sách, báo văn nghệ. Văn học và hội họa cũng gần nhau hơn cả trong các ngành nghệ thuật. Ông có nhìn nhận gì về sự tương tác giữa văn học và hội họa dưới góc độ nghề nghiệp của mình?

+ Hoạ sĩ thời Phục hưng Leonardo da Vinci có câu nói nổi tiếng: “Thơ là hoạ cảm thấy, hoạ là thơ nhìn thấy”. Mối liên hệ giữa văn học và hội hoạ mật thiết, chặt chẽ thế đấy. Có điểm chung là vậy nhưng ngôn ngữ biểu hiện của hai loại hình này rất khác nhau. Dưới góc độ nghề nghiệp người hoạ sĩ phải cảm thụ được tác phẩm văn học, hiểu được ý tưởng, thông điệp của nhà văn gửi qua tác phẩm, thể hiện bức vẽ như thế nào đó để làm “sáng” hơn cho vấn đề.

- Văn nghệ Quân đội cũng là tờ tạp chí văn nghệ coi trọng mĩ thuật. Chúng tôi luôn coi mỗi bức minh họa là sáng tạo lần hai của tác phẩm, là đôi cánh để tác phẩm bay lên, mở ra cho bạn đọc những cảm nhận đa chiều. Là một trong không nhiều họa sĩ cộng tác lâu năm với Văn nghệ Quân đội, ông có thể chia sẻ một chút về công việc minh họa cho tác phẩm văn học?

+ Vẽ minh hoạ cho các tác phẩm văn học đến với tôi như một cơ duyên và sự may mắn. Với Văn nghệ Quân đội cũng vậy. Khi đang học phổ thông tôi đã được tiếp xúc với ấn phẩm này rồi và tôi đã từng nói đùa với bạn bè rằng: Chờ ngày xem tranh của mình ở đây nhé. Thế mà mấy chục năm sau tôi mới bén duyên với Văn nghệ Quân đội. Khi trong quân ngũ tôi công tác tại Ban tuyên huấn trung đoàn, làm anh thủ thư, tôi đọc các truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, từng mê những bức vẽ của các hoạ sĩ như Văn Đa, Huy Toàn, Lê Trí Dũng, Thành Chương, Quách Đại Hải… nên khi được cộng tác tôi rất vui và luôn nỗ lực làm tốt nhất trong khả năng có thể. Làm theo đơn đặt hàng có những khó khăn nhất định, ví dụ như sự câu thúc về thời gian. Đôi khi nó còn có những khó khăn khác như vốn sống về những vấn đề trong tác phẩm văn học nêu, những miền văn hoá khác mà mình chưa trải nghiệm, đơn giản như trang phục, tập tục… Cảm xúc nữa. Cảm xúc sau khi đọc tác phẩm văn học quyết định rất lớn đến bức vẽ của người minh hoạ. Vẽ cho tác phẩm văn học không có nghĩa là kể lại bằng hình ảnh một cách thô thiển, hữu hình mà đôi khi gợi mở, tạo liên tưởng, chắp cánh cho tác phẩm lên những nấc thang cao hơn.

Một cái khó nữa cho người làm minh hoạ là: Làm sao tạo dựng được phong cách mà không lặp lại chính mình, không phải vẽ như sự quen tay. Tìm bút pháp mới, chất liệu khác để luôn có sự bất ngờ cho độc giả, đó chính là điều những người làm công việc này tự đặt ra cho mình.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi tại triển lãm "Nghệ thuật bìa sách Việt Nam" đang diễn ra tại Nhà triển lãm mỹ thuật, 16, Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: NVCC

- Triển lãm “Nghệ thuật bìa sách Việt Nam” đang diễn ra tại Hà Nội hội tụ những gương mặt họa sĩ tiêu biểu trong làng sáng tác bìa sách. Và ông cũng là một trong số đó…

+ Vâng. Đây là triển lãm đầu tiên về chuyên đề này của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Khá bất ngờ là triển lãm này thu hút được sự quan tâm của báo giới và những người làm công tác xuất bản. Là người gắn bó với công tác xuất bản gần 30 năm, công việc chính là thiết kế bìa sách, tôi có chọn lọc và góp vào triển lãm khoảng hơn 20 mẫu bìa qua các thời kì.

- Ông có nhớ mình từng vẽ khoảng bao nhiêu bìa sách? Và một số bìa mà ông thấy ưng ý khi vẽ và sau này nhìn lại vẫn thấy thích?

+ Tôi chưa bao giờ thống kê số lượng, nhưng cứ nhẩm tính 26 năm, mỗi năm 100 bìa thì con số cũng phải hàng ngàn. Tất nhiên không phải cái nào cũng đẹp, có những bìa làm theo sự vụ, theo định kì, công thức có sẵn. Bìa sách cũng giống như trào lưu kiến trúc hay thời trang ấy. Cái nào chạy theo thời sự, thời trang sẽ sớm bị phủ định, sớm bị lãng quên. Những cái theo cách kinh điển sẽ có sức sống bền lâu hơn.

Bìa sách cũng phụ thuộc nhiều đến sức sống, mức lan toả của tác phẩm văn học nữa. Có những bìa sách đạt kết quả tốt là nhờ sự cộng hưởng của đề tài, chất lượng văn học của tác phẩm với kinh nghiệm và cả xúc của người làm bìa. Có thể kể tên bìa: Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh; Những thói thường của nhà văn Nguyễn Bình Phương... Những bìa sách này đã đoạt giải bìa đẹp, sách đẹp của Hội Xuất bản những năm trước.

Một số cuốn sách do hoạ sĩ Ngô Xuân Khôi vẽ bìa trưng bày tại triển lãm.  Ảnh: NVCC

- Có một sự thực là, không phải họa sĩ nào, dù là có tài ở những mảng khác cũng có thể vẽ minh họa hay thiết kế bìa sách vì những đòi hỏi riêng, những tiêu chí riêng của nó. Ông nghĩ điều gì đã gắn bó ông với công việc này?

+ Thú thực tôi cũng không biết vì sao nữa. Duyên phận thì phải. Tôi học trong trường là chuyên ngành tranh tường, bích hoạ, lẽ ra phải làm những bức vẽ to, hoành tráng. Nhưng cũng như chuyện vợ chồng vậy, do duyên số. Tình yêu đến khi sống gần nhau rồi tương thích, rồi thấu hiểu và nhường nhịn. Nghề chọn người cũng có lẽ là vậy. Sự ngon đến trong khi ăn chứ không phải lúc nhìn trước đó.

ĐỪNG NHÂN DANH NGHỆ THUẬT ĐỂ LÀM SAI LỆCH LỊCH SỬ

- Ông nghĩ sao về mảng đề tài chiến tranh cách mạng và những gì các thế hệ họa sĩ đã làm từ những năm chiến tranh đến nay? Liệu có còn những khoảng trống nào cần lấp đầy sau một độ lùi về thời gian hay cần những cách nhìn khác lạ, “hợp thời” hơn?

+ Đề tài chiến tranh cách mạng vẫn là món nợ lớn của giới mỹ thuật với lịch sử đất nước. Sau Nhớ một chiều Tây Bắc của họa sĩ Phan Kế An; Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Giặc đốt làng tôi của họa sĩ Nguyễn Sáng; Vượt trọng điểm của họa sĩ Lê Trí Dũng… chưa có tác phẩm nào mới thể hiện đúng tầm vóc các chiến công vang dội của của quân dân ta trong giai đoạn lịch sử hào hùng ấy. Chiến tranh vệ quốc sao phải nhìn lại, đánh giá lại? Giống như chống giặc Nguyên Mông, giặc Minh, giặc Thanh để bảo vệ chủ quyền, độc lập, tự do sao phải nhìn lại? Vả lại, nhìn góc nào cũng không nên làm sai bản chất vấn đề, sự kiện.

- Gần đây, sự kiện một triển lãm tranh về đề tài Điện Biên Phủ bị dừng cấp phép vì chất lượng và thông điệp truyền tải. Một vấn đề đặt ra là thái độ nghệ thuật và tâm thế của người nghệ sĩ với các sự kiện lịch sử. Lịch sử cần được tôn trọng nhưng nghệ thuật lại vốn là câu chuyện khôn cùng. Liệu có thể có một sự minh định thuyết phục trước những tranh cãi và những góc nhìn nhiều khi rất khác nhau về một vấn đề?

+ Lịch sử có bản quyền của nó. Đó là: Sự thật như nó vốn có. Chúng ta đang đòi hỏi, đang đi tìm sự thật chưa sáng tỏ, cần minh bạch nhiều vấn đề. Vậy tại sao có những sự thật đã rõ mười mươi với những nhân chứng còn sống đây, sao lại có thể nhìn méo mó lệch lạc như vậy, gắn nó với địa danh cụ thể, sự kiện cụ thể? Đừng nhân danh nghệ thuật để làm sai lệch lịch sử. Trong thời đại ngày nay, theo tôi biết không ai cấm ai sáng tạo nghệ thuật cả. Cái thiếu là tài năng và tâm huyết. Tôi nhớ một câu nói rất hay về tự do: Tự do là anh muốn làm gì cũng được nhưng đừng ảnh hưởng người khác. Ảnh hưởng đến dân tộc, đến tiền nhân, ảnh hưởng sự thật lịch sử, sự hi sinh xương máu cha ông lại là vấn đề khác rồi.

- Ông có nghĩ, với những sự kiện lịch sử trọng đại, với những nhân vật có vị trí trang trọng linh thiêng trong kí ức nhân dân cách tiếp cận của nghệ sĩ cần có sự đồng điệu với số đông công chúng, ít nhất, đó không phải là những đề tài để đi quá xa trong những cái gọi là thể nghiệm hay cá tính nghệ thuật?

+ Chưa nói đến luật về việc sử dụng hình ảnh cá nhân nhất là hình ảnh các danh nhân, những tượng đài linh thiêng trong lòng nhân dân, chỉ nói về lương tâm, hay cách chơi đưa báu vật của người khác ra thể nghiệm thì quả là “to gan”. Ở đây tôi muốn nói thêm về tính thời điểm nữa, tức là độ tuổi, thần thái, sức khoẻ của nhân vật. Người vẽ không vô tình đâu…

- Cám ơn ông đã chia sẻ với VNQĐ!

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi với bản vẽ biểu tượng vui của SEA Games 31 và Para Games 11. Ảnh: NVCC

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi sinh năm 1961 tại Thành phố Vinh, Nghệ An. Năm 1983, sau khi xuất ngũ, ông thi đỗ và học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, tốt nghiệp Ngành Hội họa hoành tráng năm 1991. Hiện ông là Họa sĩ trưởng tại Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. Ngô Xuân Khôi là một trong những họa sĩ vẽ minh họa và thiết kế bìa sách có uy tín hàng đầu hiện nay. Ông cũng là cộng tác viên thường xuyên vẽ minh họa cho các ấn phẩm của Văn nghệ Quân đội.

BẢO AN thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)