VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Nguyễn Bình: Văn hóa bản địa như sao Bắc Đẩu dẫn đường

Thứ Năm, 20/01/2022 10:32

Ngày 9/1/2021 vừa qua tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động cuộc vận động Sáng tác văn học về đề tài Thiếu nhi và trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất năm 2021 dành cho tác giả 35 tuổi trở xuống. Nguyễn Bình, chàng trai 20 tuổi với bản dịch Truyện Kiều sang Tiếng Anh (The Tale of Kiều) đã vinh dự được nhận giải thưởng này cho lĩnh vực văn học dịch. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đánh giá đây là một người trẻ “có trí tuệ đặc biệt, thông thạo 5 ngôn ngữ cổ của các dân tộc, 9-10 tuổi đã đọc Hán tự rất giỏi. Để dịch được Truyện Kiều, Bình phải đọc nhiều sử thi bằng tiếng của các dân tộc cổ. Nguyễn Bình từng nói Truyện Kiều của Nguyễn Du không phải là quá khứ, nó tiếp tục sống với hiện đại, mang vẻ đẹp của hiện đại”. Nguyễn Bình hiện đang là du học sinh ở Mĩ, theo học ngành thiên văn học. VNQĐ xin được giới thiệu cuộc trò chuyện với dịch giả trẻ tuổi này.

TRUYỆN KIỀU VĂNG VẲNG TIẾNG QUÊ HƯƠNG

- Xin chào dịch giả Nguyễn Bình, chúc mừng bạn vừa giành giải thưởng Tác giả trẻ của Hội nhà văn Việt Nam với bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh. Dịch văn học là một việc khó, dịch thơ càng khó, và dịch Truyện Kiều càng khó hơn bởi rất nhiều “chuyện xưa tích cũ” trong nhiều câu thơ cần phải giải thích độc giả mới rõ nghĩa được. Vì sao bạn lại chọn dịch Truyện Kiều?

+ Đó là một quyết định vừa mang tính sáng tạo, vừa mang tính cộng đồng, vừa mang tính cá nhân. Sáng tạo là bởi vì tôi được truyền cảm hứng sau khi đọc các bản dịch sử thi Hy Lạp-La Mã sang tiếng Anh của John Dryden và Alexander Pope, và bỗng dưng muốn làm một điều tương tự với một tác phẩm kinh điển của Việt Nam, bởi những điều Dryden nói về tiếng Latin cứ làm tôi nghĩ đến tiếng Việt mãi. Cộng đồng là bởi tôi muốn bằng cách nào đó lan rộng sự hiểu biết về văn hóa Việt Nam ra thế giới, ít nhất là ở các quốc gia nói tiếng Anh, và tôi nghĩ rằng Truyện Kiều là bước đầu để đạt được mục tiêu đó. Còn cá nhân là bởi khi tôi bắt đầu dịch Kiều, tôi mới xa nhà lần đầu tiên trong đời, và những dòng thơ trong Kiều cứ văng vẳng trong đầu, vừa như một lời gợi nhắc về quê hương, vừa như tiếng lòng của bản thân tôi. Ba lí do chính như vậy, cộng thêm hàng trăm lí do thứ yếu khác, cuối cùng đã thúc đẩy tôi dịch Kiều suốt hai năm trời, mãi đến tháng 5/2021 mới hoàn thiện.

- 10 năm trước bạn đã xuất hiện trên văn đàn với bộ truyện giả tưởng Cuộc chiến với hành tinh Fantom, nhưng trong một chia sẻ trên “Viết và Đọc” bạn kể lại rằng hồi học phổ thông bạn rất ngại học môn Văn. Có điều gì bí mật ở đây chăng, một bạn học sinh không thích học môn văn nhưng lại viết bộ truyện giả tưởng gây bất ngờ độc giả?

+ Tôi nghĩ cũng chẳng phải là bí mật gì cả. Tôi không thích học môn Văn ở phổ thông đơn giản là vì nó quá vô hồn. Tôi từng ghét Kiều cũng vì thế: lúc nào học sinh cũng bị dạy phải tâng bốc, phải ca tụng Kiều theo những cách nhất định, thậm chí còn bị dạy những cách đó trước khi thực sự đọc và tương tác với Kiều. Lúc nào cảm thụ văn học cũng bị chèo kéo sang những chủ đề hết sức hời hợt và chung chung như “tình yêu quê hương đất nước”, một thứ quả thật là chi phối văn học Việt Nam, song để phân tích và so sánh mọi tác phẩm theo góc nhìn như thế thì chả khác nào biến nó thành một động lực kiểu Freud (Freudian). Tôi nhớ hồi tôi đọc Qua đèo Ngang và nghĩ về cảm giác khủng hoảng hiện sinh khi đứng nhìn trời giữa phong cảnh thiên nhiên rộng lớn. Tôi muốn được phân tích, được cảm thụ theo cái đó, nhưng trong văn học nhà trường, làm gì có chỗ cho những thứ như thế? Có nhiều tác phẩm tôi phải đọc ngoài khuôn khổ trường học thì mới thích, ví dụ như thơ Xuân Diệu, các bài ngâm khúc trung đại, hay nổi bật nhất là Kiều. Tôi cho rằng nếu môn Văn không chịu đổi mới, những người như tôi vẫn sẽ là một hiện tượng kéo dài mãi: rất yêu thích văn học và viết lách, nhưng đi thi lúc nào cũng lo nhất là môn Văn vì còn không chắc mình sẽ lết được qua điểm 7.

Truyện Kiều bản dịch tiếng Anh của Nguyễn Bình.

- Sau 10 năm, bạn mới trở lại với văn học trong tư cách là một dịch giả, chuyển ngữ một tác phẩm văn học lớn của đất nước sang Tiếng Anh. Vậy 10 năm đó, tình yêu văn học của bạn “cất” ở đâu, vì sao bạn không sáng tác thường xuyên như nhiều bạn trẻ khác?

+ Thực ra tôi cũng sáng tác nhiều lắm chứ. Viết bộ Fantom được vài năm, tôi bắt đầu chán ngấy khoa học viễn tưởng. Tôi trở nên say mê lịch sử thế giới hiện đại, rồi say mê các truyện của James Joyce, Franz Kafka, Virginia Woolf và Sadegh Hedayat, nên tự nhiên lại đi thử viết tiểu thuyết dòng ý thức về cuộc sống sau một cuộc chính biến tưởng tượng, lấy cảm hứng từ Cách mạng Iran, Xung đột Israel-Palestine và Mùa xuân Ả Rập. Tôi đi từ một đứa đam mê những thứ hào nhoáng như phi thuyền người ngoài hành tinh bắn nhau loạn xạ thành một người quan tâm tới những bất công ở đời thường và chú trọng đến tâm lí nhân vật. Song có lẽ tôi chưa tâm huyết đủ, nên cuối cùng các dự án đó đều bị bỏ dở. Cuối cùng tôi chuyển sang thơ - một thứ mà tôi vốn nghĩ sẽ không hợp với mình - và phải đến lúc đó, nhiệt huyết sáng tác của tôi mới ùa về. Từ đó đến nay, tôi chỉ viết một mình thơ thôi. Có lẽ bài học ở đây là nếu bạn đam mê một cái gì và cố gắng lắm rồi nhưng cũng chẳng có đủ nhiệt huyết, bạn cứ tiếp tục thử nghiệm ở nhiều khía cạnh, nhiều thể loại khác nhau, rồi cái nhiệt huyết mà bạn hằng mong ước ắt sẽ đến.

Năm 10 tuổi Nguyễn Bình đã nổi lên như một tác giả trẻ tuổi nhiều triển vọng với bộ tiểu thuyết giả tưởng Cuộc chiến với hành tinh Fantom

SỰ HỢP LƯU CỦA “VĂN TRÊN TRỜI” VÀ “VĂN DƯỚI ĐẤT”

- “Nhuận bút dành để mua kính thiên văn nghiên cứu vũ trụ”- câu trả lời phỏng vấn của bạn với một tờ báo mà tôi còn nhớ, hóa ra không phải là một câu nói vui, khi biết hiện nay bạn đang theo học ngành Thiên văn học tại Mĩ. Phải chăng bạn đã âm thầm chuẩn bị để trở thành một nhà Thiên văn học từ lúc 10 tuổi?

+ Tôi cũng không chắc nữa. Tôi không quan niệm đam mê như một thứ tuyến tính đi từ một niềm hi vọng thuở nhỏ và trở thành một thứ to lớn. Cách đây không lâu, tôi có đọc về cách các nhà sinh học miêu tả thuyết tiến hóa từ trước đến nay. Một sự biến đổi tuần tự từ vượn người sang người là cách chúng ta thường thấy, nhưng lối suy nghĩ đó đã lỗi thời rồi. Sau đó, họ ưa chuộng mô hình cây phân nhánh, trong đó sinh vật tiến hóa thành các nhánh rồi từ nhánh này mọc ra các nhánh khác, rồi một số nhánh thì đến đường cùng còn các nhánh khác thì tiếp tục phát triển và sinh ra nhiều nhánh hơn. Gần đây, họ nhận ra các nhánh tưởng chừng tách biệt cũng có thể quay lại với nhau, ví dụ như người Neanderthal và con người giao phối rồi để lại chứng tích ADN trong mỗi chúng ta. Sự tiến hóa theo đó không phải một chuỗi tuyến tính, cũng chẳng phải một cái cây, mà giống như các nhánh sông tách ra rồi lại gặp nhau, và theo tôi, đam mê cũng giống như thế. Tôi không âm thầm theo đuổi thiên văn học bấy lâu nay; Thiên văn học là một nhánh sông tưởng chừng như đã cạn khi tôi dành nhiều thời gian hơn cho văn học và nghệ thuật, song một ngày nọ, nhánh sông của văn học nghệ thuật và nhánh sông của thiên văn học lại tái ngộ, và hệ quả của buổi trùng phùng đó chính là tôi ngày hôm nay.

- Thiên văn học và Văn học theo bạn, có điều gì giống nhau?

+ Thầy tôi từng bảo Thiên văn học hiện đại là ngành khoa học “thuần túy” nhất, bởi ngoài những ứng dụng gần quỹ đạo Trái Đất như theo dõi sao chổi và dự đoán các cơn bão mặt trời, thiên văn học chẳng “giúp” được gì cho nhân loại cả. Tôi đặt “giúp” ở trong ngoặc kép là bởi khi nói về sự “giúp đỡ”, chúng ta thường nghĩ đến việc ứng dụng trực tiếp: hóa học giúp nhân loại vì chúng ta có thể tạo ra các vật liệu mới, các hóa chất có ích, v.v.; sinh học giúp nhân loại vì chúng ta có thể hiểu hơn về sinh lí con người và các sinh vật khác rồi biết cách chữa bệnh. Nhưng con người theo đuổi thiên văn học chỉ vì chúng ta muốn vươn đến các vì sao, muốn đi đến tận cùng của những câu hỏi mang tính hiện sinh về vũ trụ và thế giới. Tương tự như thế, các nhà văn cũng chẳng bao giờ đặt bút để “giúp” nhân loại một cách thực tiễn. Họ viết cho mình, cho bạn bè, cho người thân, cho đất nước, đúng, nhưng cái ảnh hưởng họ mang lại cũng không cứu người theo cách của sinh học, mà chỉ truyền cảm hứng và khơi dậy lòng người. Theo tôi, chính vì vậy mà cả Văn học và Thiên văn học đều có một mức độ lí tưởng cao, đều đòi hỏi một sự trưởng thành nhất định để dấn thân sâu vào trong lãnh địa của chúng. Tôi hay gọi Thiên văn học là “văn trên trời”, còn Văn học là “văn dưới đất” cũng để nhấn mạnh điểm tương đồng này.


Tôi không âm thầm theo đuổi Thiên văn học bấy lâu nay; Thiên văn học là một nhánh sông tưởng chừng như đã cạn khi tôi dành nhiều thời gian hơn cho văn học và nghệ thuật, song một ngày nọ, nhánh sông của văn học nghệ thuật và nhánh sông của thiên văn học lại tái ngộ, và hệ quả của buổi trùng phùng đó chính là tôi ngày hôm nay.
Ảnh: Nguyễn Bình tại Trường Đại học Arizona, Mĩ. 

- Điều hấp dẫn bạn nhất trong ngành Thiên văn học là gì?

+ Ơn trời là bạn hỏi câu này. Tôi mong các bài phỏng vấn khác cũng hỏi vậy nhiều hơn. Một năm trước, khi được hỏi như thế, tôi sẽ kể ngay cho bạn về các vì sao, nhưng bây giờ, câu trả lời của tôi lại là các thiên hà. Thiên văn học hiện đại đang nỗ lực hướng tới một định nghĩa thiên hà mới, bởi càng ngày, chúng ta càng nhận ra các thiên hà không chỉ dừng lại ở những cục mây bụi khổng lồ hình xoáy ốc như dải Ngân Hà hay thiên hà Andromeda. Có những vật thể mới được phát hiện mà trông còn chả giống thiên hà, hoặc là vì chúng bị khuếch tán rất nhiều (gọi là ultra-diffuse galaxy, thiên hà siêu khuếch tán), hoặc là vì chúng quá ít sao và quá tối (gọi là ultra-faint dwarf, thể lùn siêu tối), hoặc là vì các đặc điểm khác nữa. Khác với Kiều và Đạm Tiên, các nhà thiên văn học không thể chỉ nói: “Chớ nề u hiển mới là chị em”, rồi gộp các thể lùn siêu tối vào cùng nhóm với các thiên hà khổng lồ và sáng rực rỡ như dải Ngân Hà. Nhóm nghiên cứu của tôi đang cố gắng phân tích các vật thể dị thường này và lật lại quá trình tiến hóa của chúng để trả lời xem chúng ta có nên coi chúng là các thiên hà hay không, rồi từ đó thì một thiên hà nên được định nghĩa như thế nào.

NGƯỜI TRẺ VÀ NỖI BẤT AN VỀ TƯƠNG LAI

- Chúng ta đang nói nhiều về toàn cầu hóa. Tuy nhiên cốt lõi của toàn cầu hóa lại là câu chuyện giữ gìn bản sắc văn hóa. Bạn đi du học, giỏi ngoại ngữ, là một “công dân thế giới”, bạn thấy rằng nguồn gốc, xuất xứ của một người trẻ có vị trí như thế nào trong việc định vị giá trị của họ?

+ Tôi không nghĩ “giá trị” là một từ phù hợp ở đây; tôi không thích miêu tả con người bằng những diễn ngôn như thế. Tôi cho rằng dù chúng ta có muốn, có biết hay không, chúng ta đều mang quê nhà của mình đi khắp mọi nơi. Cái văn hóa bản địa, cái tiếng mẹ đẻ và cái quê hương là ba thứ chính yếu tác động đến cốt cách, đến thế giới quan của chúng ta. Đối với thế hệ trẻ, quả thật là họ có nhiều cơ hội tiếp xúc với thế giới hơn, nhưng tôi không nghĩ ba thứ nêu trên sẽ dễ dàng buông bỏ họ. Trên thực tế, việc xa nhà khiến tôi trân trọng những giá trị của quê nhà hơn. Tôi in tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống để dán lên cửa phòng mình, tôi treo một tấm bản đồ Hà Nội trên tường phòng nữa. Đấy là những điều khi còn ở Việt Nam, tôi cũng chẳng nghĩ là mình sẽ làm, nhưng cuối cùng lại làm, và nhiều người trẻ khác mà tôi biết cũng thế. Có thể nói, càng đi xa, càng phải đối mặt với những thứ mới lạ và hỗn độn, người trẻ sẽ càng tìm đến quê hương và văn hóa bản địa như một ngôi sao Bắc Đẩu dẫn đường cho thủy thủ ngày xưa.

- Giao tiếp nhiều với các bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia, bạn thấy rằng vấn đề chung lớn nhất của những người trẻ tuổi hai mươi như bạn hiện nay là gì?

+ Tôi nghĩ một vấn đề lớn của những người trẻ hiện nay là sự bất an về tương lai. Chúng ta đang sống trong những năm cuối cùng trước khi biến đổi khí hậu để lại những hậu quả không thể khắc phục được. Cùng lúc đó, sức ép của gia đình, của xã hội và lời nói dối của chủ nghĩa tân tự do đều là những gánh nặng khiến đôi vai của người trẻ oằn xuống trên cương vị những người chèo lái thế giới trong tương lai. Phải sống thế nào khi tất cả mọi thứ tưởng chừng như thật nặng nề, thật rối loạn? Một thế giới đầy rẫy những bất bình đẳng, ngập tràn những áp lực tiền bạc và nhức nhối trước sự trỗi dậy của các phong trào chủ nghĩa dân tộc chính là thế giới mà người trẻ đã, đang và sẽ phải bước vào.

“Nhờ có sự hỗ trợ của các công cụ tìm kiếm trên các thiết bị công nghệ, các bạn trẻ ngày nay dường như biết tất cả mọi thứ, nhưng có vẻ như lại chẳng mấy người biết sâu sắc tường tận một vấn đề gì”- Bạn nghĩ sao về nhận xét này?

+ Tôi nghĩ đây là một nhận xét vô căn cứ, xuất phát từ sự thiếu hiểu biết mang tính bảo thủ của thế hệ cao tuổi vẫn còn không tin tưởng công nghệ và những người tiếp thu công nghệ trẻ hơn mình. Trước khi tôi có cơ hội theo học thiên văn học ở Mĩ, mọi kiến thức thiên văn học của tôi đều phụ thuộc vào các công cụ tìm kiếm trên Internet. Các pho sách mà tôi đọc về Kiều, về sử thi Hy Lạp-La Mã, về thơ ca truyền thống của phương Tây cũng đều là nhờ tôi bỏ công tìm kiếm trên Internet. Quả thật là thế hệ trẻ có những người không sử dụng các công cụ tìm kiếm cho mục đích tốt, nhưng để biến những người đó thành đại diện của cả giới trẻ thì lại là một điều non dại và ngốc nghếch. Tôi khuyến khích những người có nhận xét như vậy thực sự ra đường nói chuyện với nhiều người trẻ và tham gia các hoạt động của người trẻ nhiều hơn.

- Cuộc sống và học tập của bạn trong hai năm đại dịch Covid-19 vừa qua tại Mĩ bị ảnh hưởng ra sao, những bài học mà cá nhân bạn nhận được sau đại dịch là gì?

+ Trong suốt hai năm vừa rồi, cuộc sống của tôi cũng bị đảo lộn rất nhiều, từ những chuyện học hành đến những chuyện cá nhân. Tôi thậm chí còn chưa thể về được Việt Nam lấy một lần. Không những thế, khi tôi bắt đầu viết phần trả lời cho câu hỏi này, biến thể Omicron lại làm mọi thứ rối tung lên một lần nữa, nên chắc là đại dịch vẫn chưa đến hồi kết. Tôi muốn chờ cho mọi thứ thực sự ổn định hẳn, chờ cho thế giới bước sang một nguyên trạng mới, rồi hẵng đúc kết xem mình đã học được những gì.

- Xin cảm ơn dịch giả Nguyễn Bình về cuộc trò chuyện.

Nguyễn Bình sinh ngày 16/12/2001 tại Hà Nội. Hiện đang học ngành Thiên văn học và Nghệ thuật ngành Ngôn ngữ học tại Đại học Arizona, Tucson, Mĩ. 
Nguyễn Bình sáng tác bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Bên cạnh sáng tác và dịch thuật anh còn viết và công bố các bài báo khoa học về lĩnh vực Thiên văn học trên Tạp chí Tia sáng
Giáo sư văn chương người Mĩ 
Bruce Weigl nhận xét về bản dịch Truyện Kiều của Nguyễn Bình: “Đây là bản dịch mang tính học thuật quan trọng nhất của tác phẩm này cho đến nay, xứng đáng trở thành một phần quan trọng trong việc nghiên cứu Truyện Kiều”.

TIỂU HOÀNH thực hiện

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)