VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa: Để hát xẩm không bị lãng quên

Thứ Năm, 31/03/2022 15:21

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa hiện nay đang công tác tại Kênh Truyền hình VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam. Chị cũng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc. Mai Tuyết Hoa là người học trò xuất sắc của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. Từ tình yêu với nghệ thuật hát xẩm, chị đã thành lập ra nhóm Xẩm Hà Thành, một trong những Nhóm xẩm “hiếm” ở Việt Nam còn biểu diễn nghệ thuật hát xẩm và các làn điệu dân tộc. Chị nói rằng, nếu không nghiên cứu, đào sâu thì nghệ thuật hát xẩm sẽ bị lãng quên và biến mất. Chia sẻ với VNQĐ, Mai Tuyết Hoa mong muốn hát xẩm sẽ được lan tỏa, được giảng dạy, đào tạo một cách chuyên nghiệp nhất.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa. Ảnh: NVCC

HẠNH PHÚC KHI ĐƯỢC KHÁN GIẢ ĐÓN NHẬN

- Xin chào nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, phố đi bộ hồ Gươm được mở cửa trở lại, hơn 2 năm, nhóm Xẩm Hà Thành mới được biểu diễn trước khán giả. Cảm xúc của chị và những nghệ sĩ khác trong nhóm như thế nào?

+ Suốt hai năm qua, tôi và các nghệ sĩ nhóm Xẩm Hà Thành mong chờ từng ngày để được ra sân khấu trước Tượng đài Vua Lê diễn cho khán giả Thủ đô. Thật sự, mỗi buổi diễn ở đây chi phí cho nghệ sĩ chẳng đáng là bao, nhưng bất kì nghệ sĩ nào cũng muốn diễn ở đây, dù là nghệ sĩ nhân dân, hay nghệ sĩ ưu tú. Bởi vì chúng tôi là những người làm nghề, và muốn được diễn với sự đón nhận gần gũi của khán giả, ở đây chúng tôi mới được thật sự là chính mình, lao động nghệ thuật một cách say mê và tận hiến nhất… đó chính là niềm hạnh phúc chung của nhóm Xẩm Hà Thành.

Nhóm Xẩm Hà Thành là tập hợp của nhiều nghệ sĩ từ những đơn vị nghệ thuật khác nhau, có nghệ sĩ chèo, cải lương, quan họ, ca Huế… Vậy cơ duyên nào đã kết hợp mọi người vào làm một nhóm?

+ Chính từ tình yêu chung là xẩm mà chúng tôi đến với nhau cùng tổ chức những đêm hát xẩm, dĩ nhiên hát xẩm vẫn là nòng cốt chính trong các chương trình biểu diễn, ngoài ra còn có: hát văn, chèo, cải Lương, ca Huế, quan họ… Nhóm Xẩm Hà Thành là sự kết hợp của nhiều nghệ sĩ mà trước kia là đồng nghiệp, là bạn diễn lâu năm cùng nhau rồi các thế hệ học sinh của nhóm đào tạo... Nhiều nghệ sĩ ở các đơn vị nghệ thuật khác đến xem nhóm Xẩm Hà Thành biểu diễn và họ đã yêu sân khấu này, và họ cũng mong muốn được tham gia nhóm để biểu diễn. Từ đó các chất liệu nghệ thuật của nhóm được phong phú đa dạng.

Những đoàn nghệ thuật khác có sân khấu riêng, có nhà hát riêng, có một đội ngũ chuyên nghiệp làm hậu cần, chuẩn bị kĩ thuật. Nhưng nhóm Xẩm Hà Thành thường diễn ở những sân khấu nhỏ, ở phố đi bộ, ở cửa đền… Điều đó có khiến chị chạnh lòng không?

+ Điều đó khiến tôi có nhiều trăn trở và chạnh lòng chứ, dĩ nhiên diễn ở đâu thì cũng chỉ mong muốn được khán giả đón nhận. Nhưng chạnh lòng ở chỗ, nhóm Xẩm Hà Thành chưa có một sân khấu chuyên nghiệp để luyện tập, biểu diễn, vì nghệ thuật cần có không gian sáng tạo để phát huy từng thế mạnh của nghệ sĩ. Dù hát xẩm vốn dĩ là loại hình nghệ thuật truyền thống mang tính dân dã đường phố, người hát xẩm ngày xưa thường gắn liền với manh chiếu hát ở bến sông, cổng chợ, sân đình… Nhưng nghệ thuật muốn được bảo tồn, gìn giữ, thì phải có cách làm chuyên nghiệp, căn bản, ước muốn của chúng tôi chỉ cần có một văn phòng làm việc và một sân khấu để những buổi biểu diễn có thể bán vé, làm truyền thông, như một sự kiện văn hóa nghệ thuật.

Nhóm Xẩm Hà Thành trong MV Tiêu diệt Corona. Ảnh: NVCC

- Thu nhập của nghệ sĩ thường rất thấp, đặc biệt những nghệ sĩ biểu diễn những loại hình nghệ thuật dân gian. Các nghệ sĩ của nhóm Xẩm Hà Thành đã làm gì để vừa nuôi dưỡng đam mê với nghệ thuật, vừa có thể đảm bảo cuộc sống?

+ Để nghệ sĩ sống bằng mức lương thu nhập trong các nhà hát dường như là điều không thể, nên mỗi nghệ sĩ đã có những cách thức để vừa có thêm thu nhập ngoài mà vẫn giữ được lửa với nghệ thuật. Đa phần họ phải đi diễn ở ngoài và trình diễn thêm một loại hình nghệ thuật khác, ví dụ nghệ sĩ chèo thì sẽ đi hát văn, nghệ sĩ cải lương thì đi hát đám cưới, hát hội nghị, hoặc đóng phim, nghệ sĩ hát tuồng thì đi múa lân, đánh trống cho những sự kiện khai trương, khánh thành… Hầu như tất cả nghệ sĩ đều phải lăn lộn với nhiều công việc ở ngoài để có thêm thu nhập. Nghệ sĩ bây giờ rất đa tài, tôi nghĩ đó là một sự may mắn, bởi nếu không làm thêm những công việc ở ngoài thì chắc chắn nghệ sĩ phải chuyển sang một ngành nghề khác không liên quan tới nghệ thuật, thì đó là một điều đáng tiếc.

ĐỂ NGHỆ THUẬT HÁT XẨM KHÔNG BỊ LÃNG QUÊN

- Xã hội càng ngày hiện đại văn minh nhưng nghệ thuật hát xẩm lại ngày càng mai một, đặc biệt sau sự ra đi của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Là một người nghiên cứu xẩm, hát xẩm, chị suy nghĩ gì về điều này?

+ Ở nước ta, nghệ thuật hát xẩm chưa được đưa vào trong chương trình giảng dạy chính khóa, chưa có một giáo trình nào để dạy hát xẩm. Hát xẩm hoàn toàn dạy bằng truyền miệng lẫn nhau. Rất may UBND Quận Hoàn Kiếm, đã có chương trình riêng cho nhóm Xẩm Hà Thành biểu diễn tại tượng đài Vua Lê cho khán giả hàng tuần, nhưng vẫn là quá ít với một loại hình đặc sắc như xẩm. Các đoàn nghệ thuật khác về cải lương, chèo, tuồng còn được làm bài bản từ gốc, được trả lương hàng tháng, dù thấp, có các kì liên hoan sân khấu, nhưng nghệ thuật hát xẩm làm gì có những điều như vậy? Khi tôi nghiên cứu khóa luận về xẩm thì thấy loại hình nghệ thuật này vô cùng hay và giá trị, tôi sợ nếu không nghiên cứu, đào sâu thì nghệ thuật xẩm sẽ mất, sẽ bị lãng quên. Nghệ thuật hát xẩm từng có một thời lừng lẫy, đặc sắc, xẩm chạm tới niềm vui, niềm đau của con người. Từ một loại hình ca hát của người hát rong khiếm thị kéo đàn nhị bên chiếc thau đồng mà đã phát triển, sáng tạo trở thành hệ thống bài bản đạt tới một trình độ gọi là “Nghệ thuật hát xẩm”. Tôi mong muốn hát xẩm sẽ được lan tỏa, được giảng dạy, đào tạo một cách chuyên nghiệp nhất.

- Khi xã hội Việt Nam hiện đại ngày càng du nhập những dòng nhạc đương đại mới mẻ thì dường như những điệu hát dân tộc như xẩm đang dần yếu thế. Đặc biệt là người trẻ, họ ít quan tâm tới âm nhạc truyền thống của dân tộc, nói đúng hơn là họ không biết nghe. Chị suy nghĩ gì về điều đó?

+ Tôi không trách người trẻ, mà luôn tự vấn: “Tại sao người ta không nghe mình hát?”. Vì quan niệm, sở thích của mỗi thời khác nhau, những gì hay nhất, hấp dẫn nhất, mới mẻ nhất thì tại sao không đưa vào trong chất liệu nghệ thuật truyền thống? Muốn khán giả trẻ có thể hiểu và tiếp thu, thì mình phải truyền tải những gì họ cần. Thực tế, là chúng tôi đã thành công, nhiều bạn sinh viên tới thưởng thức và tìm hiểu, thậm chí mong muốn nhờ tôi thực hiện những dự án liên quan tới xẩm: lập Page Xẩm Quán, xẩm trên Tiktok… dù các bạn không phải là sinh viên về âm nhạc. Nhưng tôi thấy người trẻ tiếp cận với âm nhạc truyền thống rất hiện đại, mà thậm chí có những điều chúng tôi cần phải học tập người trẻ.

- Loại hình nghệ thuật nào cũng cần có sự tìm tòi đổi mới, vậy nhóm Xẩm Hà Thành đã có những sáng tạo gì trong phong cách biểu diễn, lời ca, giai điệu để khán giả đương đại dễ dàng đón nhận?

Loại hình nghệ thuật nào cũng cần có sự sáng tạo, ví dụ một bài xẩm cổ dài mười phút thì chắc chắn khán giả bây giờ sẽ khó nghe, nhưng làm ngắn lại chỉ tầm hai phút mà phải có những nét chấm phá gây ấn tượng nhất, đặc sắc nhất thì sẽ kéo khán giả. Vốn dĩ, cuộc sống hiện đại nhanh hơn, gấp gáp hơn nên cách thưởng thức nghệ thuật cũng phải nhanh và trực diện. Rap đang là chất liệu được khán giả ưa chuộng và tôi nhìn thấy sự tương đồng giữa chất liệu xẩm cổ và hát ráp đương đại, như những câu rap của Đen Vâu, hoặc trong những chương trình Rap Việt, chất liệu đều là đồng giao, hát nói có vần điệu. Nhóm Xẩm Hà Thành cũng từng kết hợp với Nhà hát Múa rối Trung Ương trong chương trình phòng chống dịch covid với bài xẩm Tiễu trừ Corona, và chúng tôi cũng mong muốn kết hợp với những loại hình nghệ thuật khác để có những thể nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho xẩm.

Mỗi cuối tuần, nhóm nghệ sĩ Xẩm Hà Thành lại biểu diễn tại đền Vua Lê - phố đi bộ hồ Gươm. Ảnh: NVCC

- Trong các tác phẩm của nhóm Xẩm Hà Thành trình diễn, thứ nhất là biểu diễn những bài kinh điển của xẩm cổ truyền thống, thứ hai là sáng tác và trình diễn những bài xẩm để nói về những sự kiện của xã hội đương đại. Chị có thể chia sẻ về phong cách cũng như định hướng duy trì và phát triển của nhóm Xẩm Hà Thành?

+ Chúng tôi cố gắng gìn giữ đúng những giá trị của xẩm truyền thống: xẩm Thập, xẩm Chợ, Chênh Boong, Phồn Huê… hoặc muốn tái hiện một phần nào đó nét văn hóa xưa: Xẩm tàu điện Hà Nội. Ngoài ra sẽ sáng tạo trên những giai điệu xẩm cổ truyền lồng những lời thơ mang hơi thở của cuộc sống đương đại, có tính tuyên truyền như: Tiễu trừ Corona, Văn hóa giao thông, Xẩm trà đá, Xẩm đường lưỡi bò… Với mong muốn ai cũng có thể nghe được xẩm, dù già hay trẻ, địa vị thế nào, tầng lớp gì cũng sẽ cảm nhận được những giá trị tinh thần, cách giáo dục con người mà xẩm mang lại.

CỐ GẮNG ĐỂ CÓ CHẤT RIÊNG

- Nhắc tới nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, người ta sẽ là một đệ tự chân truyền của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Chị đã làm gì để khán giả nhớ tới mình với chất riêng?

+ Nghệ nhân, NSƯT Hà Thị Cầu được coi là “báu vật dân gian” chắc chắn sẽ không có người thứ hai ở Việt Nam hát xẩm hay như bà. Đương nhiên, một người thầy tài hoa như vậy thì bất kì người học trò nào cũng bị ảnh hưởng… Nhưng tôi là người nghiên cứu âm nhạc, đặc biệt là nghệ thuật hát xẩm, được học đàn nhị bài bản từ nhỏ ở Nhạc viện, thì sẽ hiểu và tạo ra một phong cách riêng dựa trên những căn bản mà mình được học. Bất kì người nghệ sĩ nào muốn sống được trong lòng khán giả cũng cần có một nét riêng, vì vốn dĩ cảm xúc của nghệ sĩ là không ai giống ai. Ngay cả khi tôi dạy cho các học sinh của mình, tôi chỉ muốn họ có một nền tảng căn bản, và phát triển theo một phong cách riêng biệt.

Album Xẩm của nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa.

- Dù đã hoạt động nghệ thuật hơn 20 năm trời, nhưng phải đến năm 2019, chị mới ra Album đầu tay và tới giờ vẫn là album duy nhất. Vậy dự định trong thời gian sắp tới của nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa là gì?

+ Để đánh dấu chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình thì ngoài những chương trình xẩm tôi tổ chức cùng nhóm Xẩm Hà Thành đã đạt được những dấu ấn đặc biệt để lại trong lòng khán giả và giới chuyên môn thì năm 2019 tôi đã ra album đầu tay và cũng đã nhận được sự đón nhận nồng hậu từ khán giả. Hiện nay, tôi vẫn ấp ủ những album tiếp theo, nhưng dường như công chúng không còn nghe đĩa nhạc nữa, nên cần phải có những cách làm mới: thu thanh và làm MV trên Youtube, Tiktok,… Là một nghệ sĩ, tôi luôn muốn đổi mới không chỉ trong phong cách biểu diễn mà trong cách tiếp cận tới khán giả cũng phải mới mẻ.

- Xin cảm ơn chị về những chia sẻ!

NGUYỄN ĐỨC CẦM thực hiện




 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)