Dòng chảy
TS. Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình

Để di sản thực sự sống trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân

Thứ Sáu, 25/03/2022 08:08

Ninh Bình, vùng đất “tụ sơn, hội thủy, tụ nhân, hội tụ văn hóa dân tộc”, địa danh văn hóa đặc sắc của đất nước Việt Nam với những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống đã cùng cất cánh trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, như một trong những điểm đến không thể bỏ qua của mỗi du khách khi đến Việt Nam. Tỉnh Ninh Bình đang ở thời điểm 30 năm kể từ ngày tái lập (1/4/1992 - 1/4/2022), nhưng địa danh Ninh Bình thì đã xuất hiện vào năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), từ đó đến nay đã 200 năm. 30 năm với một vùng đất là một khoảng thời gian ngắn, nhưng Ninh Bình đã tiến được những bước dài, nắm bắt được thời cơ và xu hướng phát triển của thời đại, nhận diện tiềm năng và thế mạnh, có định hướng đúng cùng những điều chỉnh kịp thời để phát triển nhanh và bền vững. Mời bạn đọc cùng nhìn lại chặng đường 30 năm của vùng đất cố đô, những gì Ninh Bình đã và đang làm qua bài đối thoại với TS. Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.

VNQĐ: Thưa TS. Phạm Quang Ngọc! Tỉnh Ninh Bình trong những hợp nhất, rồi trở về là Ninh Bình, đến nay là 30 năm, nhưng danh xưng Ninh Bình được biết đã xuất hiện cách đây 200 năm. Có thể nói Ninh Bình hôm nay là kết quả từ những thăng trầm biến đổi của lịch sử…

TS. Phạm Quang Ngọc: Ninh Bình nằm ở cực nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, nơi tiếp nối giao lưu kinh tế, văn hóa giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa vùng đồng bằng Bắc bộ với Bắc Trung bộ và vùng núi rừng Tây Bắc của Tổ quốc, bởi vậy mà cách đây hàng vạn năm, con người đã chọn nơi này làm điểm tụ cư.

Là vùng đất có vị trí chiến lược trong suốt hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc, bao cuộc trường chinh bảo vệ non sông bờ cõi vẫn còn ghi dấu trên đất Ninh Bình. Đây còn là vùng rút lui chiến lược để vào Thanh Hoá của tướng Đô Dương và nhiều nữ tướng thời Hai Bà Trưng; đất phát tích của Đinh Tiên Hoàng Đế; là kinh đô của ba triều đại (Nhà Đinh, nhà Tiền Lê và buổi đầu nhà Lý) trong 42 năm; nơi vua Lê Đại Hành phá Tống, bình Chiêm bảo vệ non sông, bờ cõi; là căn cứ quan trọng để nhà Trần hai lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông; là bàn đạp để vua Quang Trung và đoàn quân áo vải thực hiện cuộc tiến công thần tốc đại phá quân Thanh...

Danh xưng Ninh Bình lần đầu xuất hiện trong sử sách là năm Minh Mệnh thứ 3 (năm 1822), đến nay vừa tròn 200 năm. Trải qua tiến trình lịch sử và 200 năm được ghi danh trong sử sách, vùng đất Ninh Bình đã trở thành một vùng đất hội tụ di sản, địa danh văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc của đất nước Việt Nam, thu hút sự quan tâm, ngưỡng mộ của đông đảo nhân dân trong nước và quốc tế, có đóng góp quan trọng trong quá trình đấu tranh, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Nói về cảnh quan thiên nhiên, Ninh Bình nổi tiếng có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, giá trị, tiêu biểu là: Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, nơi được ví như một bảo tàng địa chất ngoài trời với hệ thống hang động hết sức phong phú, được UNESCO đánh giá là khu vực có vẻ đẹp tự nhiên độc đáo vào loại quý hiếm trên thế giới. Bên cạnh đó, còn có khu Tam Cốc - Bích Động, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Vườn quốc gia Cúc Phương - khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn, lưu trữ nhiều loài động thực vật đa dạng và phong phú của Việt Nam và vùng biển Kim Sơn - khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng…

Về văn hóa và con người, Ninh Bình là quê hương của Đinh Bộ Lĩnh, Lý Quốc sư Nguyễn Minh Không mà nhân dân quen gọi là Thành Nguyễn, trong dân gian còn lưu truyền câu ca “Đại Hữu sinh Vương, Điềm Dương (Giang) sinh Thánh” là nói về quê của hai vị thánh nhân này. Và còn rất nhiều các bậc hiền tài khác như Thái phó Trương Hán Siêu, Trạng Bồng Vũ Duy Thanh, Thượng thư Phạm Thận Duật... Qua các thời kì lịch sử, nhiều anh hùng, danh nhân, nhà quân sự, khoa học, chính trị, tướng lĩnh lực lượng vũ trang, các học giả, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ người Ninh Bình có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương đất nước. Các giá trị văn hóa, nghệ thuật ở Ninh Bình cũng rất phong phú, trong đó nổi bật là nghệ thuật hát chèo, hát xẩm, múa trống... được nhân dân lưu truyền, phát triển. Nghệ thuật kiến trúc qua các giai đoạn lịch sử cũng được ghi dấu trên các công trình văn hóa, tôn giáo, tâm linh như Đền Thánh Nguyễn, Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Đền thờ vua Lê Đại Hành, Nhà thờ đá Phát Diệm... Nhiều nghề truyền thống như: thêu Ninh Hải, cói Kim Sơn, đá mĩ nghệ Ninh Vân, gốm Bồ Bát,... đã vượt xa một nghề mưu sinh thông thường, chứa đựng giá trị văn hóa, nghệ thuật của các giai đoạn lịch sử. Sơ bộ như thế để thấy Ninh Bình còn là nơi hội tụ, kết tinh, lưu truyền các giá trị văn hóa, nghệ thuật.

Tất cả những yếu tố đó đã làm nên niềm tự hào và động lực để Ninh Bình vững bước qua các thăng trầm lịch sử, hướng tới tương lai.

Du khách tham quan Di sản văn hoá thiên nhiên thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An.  Ảnh: Thành Duy

VNQĐ: Kỉ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình cũng là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa của quê hương và con người Ninh Bình; khơi dậy niềm tin tưởng, tự hào trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà. Nhìn lại chặng đường phát triển của Ninh Bình trong những năm gần đây, có thể nói tỉnh đã đánh giá đúng tiềm năng và thế mạnh của Ninh Bình, có những quyết sách và hướng đi đúng, mang tính đột phá. 30 năm tái lập tỉnh cũng là dịp để cùng nhìn nhận lại điều này. Đồng chí có thể chia sẻ về định hướng phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kì cho đến hôm nay?

TS. Phạm Quang Ngọc: Ngày 1/4/1992 tỉnh Ninh Bình được tái lập, sự kiện này đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh. Khi mới tái lập, tỉnh Ninh Bình đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế lạc hậu, chậm phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng thấp kém, nghèo nàn. Đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Quy mô nền kinh tế (tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành) chỉ đạt 686,7 tỉ đồng, cơ cấu nền kinh tế: Nông, lâm, thuỷ sản - Công nghiệp và xây dựng - Dịch vụ lần lượt là 62,9% - 15,5% - 21,6%; GRDP bình quân đầu người là 0,8 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 45,4 tỉ đồng; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 39,8 tỉ đồng.

Nhìn lại 30 năm sau ngày tái lập tỉnh, dù đặc điểm mỗi giai đoạn khác nhau nhưng các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và nhân dân Ninh Bình luôn có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, đánh giá đúng tiềm năng, nhận diện rõ thách thức, nắm bắt định hướng phát triển đất nước và thời đại, thường xuyên tổng kết thực tiễn, sớm phát hiện những điểm chưa phù hợp, yếu tố cản trở sự phát triển để có những điều chỉnh trong lãnh đạo chỉ đạo và xác định kế hoạch, chiến lược phát triển bền vững chung của tỉnh.

Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội, ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi để mọi thành phần kinh tế phát triển, thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, huy động tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, đảm bảo an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài.

Mục tiêu chung của tỉnh là phát triển đồng bộ, nhanh, bền vững, toàn diện các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế mà ở mỗi giai đoạn, tỉnh có những lựa chọn để tập trung đầu tư phát triển, chẳng hạn như giai đoạn đầu mới tái lập tỉnh, nhiệm vụ hàng đầu là khôi phục nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu; giai đoạn tiếp theo tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ và hạ tầng, đảm bảo xây dựng nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững; giai đoạn từ 2010 đến 2020, trên cơ sở thế mạnh của tỉnh, từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung đầu tư phát triển công nghiệp sạch đồng thời với phát triển du lịch dịch vụ, từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; giai đoạn hiện nay, song song với phát triển kinh tế, tỉnh đã và đang tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa xã hội.

Sau 30 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh thuần nông, kinh tế của Ninh Bình luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2021 tăng gần 105 lần so với năm 1992. Thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 đạt 18.869 tỉ đồng, gấp 474 lần so với năm 1992; GRDP bình quân đầu người cải thiện rõ rệt, năm 2021 đạt 71,5 triệu đồng, gấp 89,4 lần so với năm 1992; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng tương ứng với các năm 1992-2020: Ngành công nghiệp - xây dựng: 15,5%-47,2%; nông nghiệp 62,9%-11,5%; dịch vụ 21,6%-41,3%. Kết quả đó là nền tảng cho sự phát triển của Ninh Bình trong các giai đoạn tiếp theo.

VNQĐ: Ninh Bình từ những điều kiện tự nhiên, xã hội đã trở thành trung tâm của văn hóa và di sản. Thế mạnh này đã được phát huy trong những năm qua. Câu chuyện về phát triển du lịch tại Ninh Bình có thể coi là một điển hình đột phá của du lịch Việt Nam. Sự kết hợp giữa du lịch sinh thái, du lịch cảnh quan, du lịch văn hóa với du lịch tâm linh, du lịch kí ức đã được ngành du lịch tỉnh thực hiện khá nhuần nhuyễn và mang lại hiệu quả. Đến nay thì những thành công của Ninh Bình đã được ghi nhận rộng rãi, nhưng từ những ngày đầu, những bước đi đầu tiên chắc hẳn cũng có những gian nan…

TS Phạm Quang Ngọc: Những năm mới tái lập tỉnh, Ninh Bình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản là chủ yếu, điều kiện cơ sở hạ tầng, vật chất thiếu thốn, có thể nói rất khó khăn. Ngành du lịch Ninh Bình lúc bấy giờ mới có duy nhất Công ty Du lịch Ninh Bình, được thành lập vào năm 1992. Du lịch Ninh Bình khi đó chưa phát triển, các nguồn lực, tài nguyên du lịch mới ở dạng tiềm năng, chưa được nghiên cứu, quy hoạch, bảo tồn và đưa vào khai thác để phát triển du lịch. Hoạt động tham quan du lịch chủ yếu mang tính tự phát, nguồn nhân lực làm du lịch hầu như chưa có. Nhận thức, tư duy của các cấp, các ngành, chính quyền và người dân địa phương về khai thác danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử để phát triển du lịch còn rất hạn chế. Cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch mới có duy nhất khách sạn Hoa Lư, được tách ra từ Công ty du lịch Hà Nam Ninh, với 31 phòng nghỉ.

Trong 30 năm tái lập, trăn trở tìm tòi các hướng phát triển kinh tế của tỉnh, Ninh Bình đã có bước chuyển nhận thức mang tính đột phá. Đó là năm 1995 tỉnh đã thành lập Sở Du lịch và triển khai nghiên cứu, lập và phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2000, định hướng đến năm 2010, là một trong những tỉnh đầu tiên có quy hoạch phát triển du lịch một cách bài bản. Quy hoạch này là cơ sở khoa học và thực tiễn để tỉnh đề ra định hướng phát triển du lịch quan trọng, mang tính chiến lược, đồng thời tập trung huy động các nguồn lực khai thác tiềm năng thế mạnh về du lịch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch.

Trong mỗi giai đoạn phát triển, tỉnh Ninh Bình có điều chỉnh quy hoạch, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ngành kinh tế du lịch cho phù hợp điều kiện thực tế và nguồn lực sẵn có. Đến nay, tỉnh đã có 4 nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch cùng với đó là các kế hoạch, đề án chương trình phát triển du lịch. Tiêu biểu nhất phải kể đến Nghị quyết chuyên đề số 15-NQ/TU ngày 13/07/2009 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 07/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đã đưa những chủ trương, chính sách lớn mang tính chiến lược, dài hơi của tỉnh, được xây dựng công phu, bài bản với trọng tâm chiến lược phát triển chuyển từ “Nâu” sang “Xanh”; Xác định những điểm nghẽn, những dự án trọng điểm mang tính đột phá, cần huy động nguồn lực tập trung đầu tư, nhờ đó nhiều khu du lịch, điểm du lịch lớn quy mô quốc gia, quốc tế đã từng bước hình thành, góp phần tạo việc làm, sinh kế ổn định cho hàng chục nghìn người dân địa phương, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng phát triển.

Nền móng cung xưa, điện cũ được khai quật khảo cổ và giới thiệu tại Ngôi nhà Di sản văn hóa Đinh - Tiền Lê trong không gian Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Thành Duy

Tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư, nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ du lịch. Nhiều dự án, công trình du lịch với số vốn hàng ngàn tỉ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tiêu biểu như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch sinh thái Tràng An; Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê; Dự án tu bổ tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư; Dự án xây dựng Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế… Bên cạnh đó, tỉnh đã khuyến khích, tạo điều kiện kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương tham gia đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, các dịch vụ du lịch. Đến nay, Ninh Bình đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 83 dự án, với số vốn hàng chục nghìn tỉ đồng, nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả, nổi bật như Khu du lịch sinh thái Tràng An, tổ hợp dịch vụ - sân golf 54 hố hồ Yên Thắng, sân golf Tràng An, các khách sạn Hoàng Sơn Peace, Legend, Emeralda, Vissai, Cúc Phương resort…

Toàn tỉnh hiện có 696 cơ sở lưu trú du lịch, với 8.660 phòng nghỉ, trong đó có 8 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn từ 3-4 sao, 32 cơ sở đạt tiêu chuẩn 1-2 sao… Du lịch Ninh Bình từ bước phát triển với quy mô nhỏ, cơ sở vật chất hầu như chưa có gì vào những năm đầu tái lập tỉnh, đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước, nhiều năm liền được các tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn trong nhóm điểm đến hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam và khu vực, đóng góp tích cực và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác.

VNQĐ: Nhìn lại thì du lịch Ninh Bình đã làm được những điều đáng tự hào, nhưng nhìn về tương lai, còn những thế mạnh gì ở dạng tiềm năng, còn tiềm ẩn mà du lịch Ninh Bình hướng đến để ngày một hoàn thiện cũng như có thêm những sản phẩm du lịch mới thu hút du khách đến với Ninh Bình hơn, thưa đồng chí Chủ tịch?

TS Phạm Quang Ngọc: Du lịch Ninh Bình đã xây dựng được thương hiệu đối với khách du lịch trong và ngoài nước, giữ gìn và phát triển thương hiệu ấy như thế nào là vấn đề quan tâm hàng đầu của ngành du lịch Ninh Bình. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII và Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Ninh Bình thu hút được 8 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1 triệu khách quốc tế; tổng thu du lịch đạt trên 8.000 tỉ đồng, đóng góp khoảng 6,5% GRDP; tạo việc làm cho 23.000 lao động trở lên, trong đó có trên 9.200 lao động trực tiếp; Đến năm 2030 thu hút 12 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2 triệu khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch đạt 18.660 tỉ đồng, đóng góp khoảng 8% GRDP; tạo việc làm cho 43.700 lao động, trong đó có trên 15.600 lao động trực tiếp.

Du lịch tỉnh Ninh Bình gắn với hình ảnh, giá trị “Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Cố đô Hoa Lư hướng tới chất lượng, chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững”. Đây là trụ cột, là động lực để phát huy tất cả các giá trị, tài nguyên khác của tỉnh. Thường xuyên đổi mới nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, làm mới các sản phẩm du lịch, tập trung nâng cao hàm lượng văn hóa, giá trị gia tăng trong các sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, nhất là khách quốc tế, khách có khả năng chi trả cao. Khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản phẩm dịch vụ du lịch mới, nhất là các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm về đêm như phố cổ, phố đi bộ, trung tâm mua sắm. Hiện một số doanh nghiệp đã đưa vào khai thác một số điểm đến du lịch mới về đêm như khu phố cổ Hoa Lư, phố cổ Tràng An. Đồng thời tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để quảng bá thu hút khách cũng tạo thêm các tiện ích và trải nghiệm cho khách bằng công nghệ số, công nghệ thực tế ảo tăng cường.

Ninh Bình xác định bước chuyển chiến lược phát triển từ “chiều rộng” sang “chiều sâu”, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhằm thu hút thị trường khách có khả năng chi trả cao, phát huy giá trị các nguồn tài nguyên văn hóa và thiên nhiên, chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị các di tích khảo cổ học; xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn, là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của Việt Nam và khu vực.

VNQĐ: Vâng! Phát triển du lịch luôn gắn liền với thiên nhiên và văn hóa. Vừa qua tại Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc được tổ chức tại Ninh Bình, tỉnh đã có những công bố quan trọng về kết quả nghiên cứu khảo cổ học ở Kinh đô Hoa Lư xưa. Theo đó, đã có những cơ sở khoa học để nhìn nhận lại về vị thế của Kinh đô Hoa Lư. Đồng chí Chủ tịch đánh giá thế nào về sự kiện này?

TS Phạm Quang Ngọc: Thế kỉ X, Hoa Lư là kinh đô của nhà nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. Trong 42 năm là kinh đô của nhà Đinh, nhà Tiền Lê và buổi đầu nhà Lý, Ninh Bình thực sự là nơi hội tụ, giao lưu, kết tinh các giá trị văn hóa của dân tộc.

Gần đây, các nghiên cứu văn hóa, lịch sử tại Ninh Bình, đặc biệt là nghiên cứu khảo cổ học còn cho thấy trong 10 thế kỉ đầu công nguyên, khu vực Ninh Bình là trị sở của một châu trị lớn của chính quyền đô hộ phương Bắc. Từ việc xác định đồng vị carbon của những cọc lim mới khai quật có tuổi thọ tới 1.700 năm cho thấy nơi đây trước nhà Đinh đã từng là một trung tâm lớn của khu vực.

Kết quả khai quật khảo cổ ở di tích Cố đô Hoa Lư năm 2021 tiếp tục đóng góp thêm những nhận thức mới, làm rõ thêm lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển qua nhiều thời kì khác nhau, từ thời Bắc thuộc cho đến các triều đại Đinh - Tiền Lê ở thế kỉ X. Đồng thời cũng đưa ra nhiều nhận định mới về quy mô, tầm vóc của kinh thành Hoa Lư xưa, bổ sung các hiểu biết quan trọng về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật... của thời kì nhà nước Đại Cồ Việt. Chúng tôi đã và đang yêu cầu các cơ quan chuyên môn của tỉnh tiếp tục thực hiện nghiên cứu sâu, rộng thêm về Cố đô Hoa Lư.

VNQĐ: Từ những kết quả nghiên cứu mới đây về vùng đất Hoa Lư trong 10 thế kỉ đầu công nguyên đã giải mã nhiều bí ẩn của lịch sử, hé mở những cơ sở thuyết phục về tầm vóc của một Đại Cồ Việt xưa, điều đó có ý nghĩa quan trọng với Ninh Bình và cả nước, đồng chí Chủ tịch tỉnh có thể chia sẻ kế hoạch bảo tồn và phát triển của tỉnh thời gian tới để phát huy những giá trị của khu di tích quốc gia đặc biệt này?

TS Phạm Quang Ngọc: Di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Ninh Bình khá phong phú và đa dạng, giàu giá trị lịch sử, văn hóa, cũng là những điểm mới, lạ với nhân dân và du khách. Ninh Bình tự hào là nơi được lưu giữ Di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư, vì vậy, từ kết quả khai quật khảo cổ học và các nghiên cứu điền dã về di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, chúng tôi đã và đang chỉ đạo tổ chức triển khai một số dự án trọng điểm như: Dự án Quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn 2050; Dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo và mở rộng phạm vi một số di tích liên quan đến nhà nước Đại Cồ Việt; Dự án bảo tồn, tôn tạo, khai quật khảo cổ và phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, trong đó tập trung nhiệm vụ nghiên cứu, khai quật khảo cổ học hướng tới xây dựng tổ hợp công viên khảo cổ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại để tái hiện kinh đô Hoa Lư xưa, phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, trải nghiệm của các em học sinh, các nhà khoa học, của nhân dân, du khách trong nước, quốc tế...

Mục tiêu các dự án trên hướng tới là kiến thiết một không gian văn hóa mang đậm bản sắc Cố đô, phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển của đời sống xã hội, tạo cơ hội và điều kiện mở rộng sinh kế cho người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo tồn di sản, để di sản thực sự sống trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

VNQĐ: Là một trong 5 vùng kinh đô xưa của Việt Nam, Ninh Bình luôn được cả nước quan tâm tôn vinh gắn với danh xưng Cố đô. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa của tỉnh đã được đầu tư, quan tâm như thế nào để xứng tầm với lịch sử nghìn năm gắn với những tự hào của vùng đất Ninh Bình?

TS Phạm Quang Ngọc: Xác định hệ thống thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân, Ninh Bình đã đầu tư xây dựng và mở rộng hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động 8/8 trung tâm văn hoá huyện, thành phố; 100% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, khu thể thao; 95,24% thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố, phố có nhà văn hóa gắn với sân thể thao, khu thể thao.

Xây dựng được cơ sở vật chất, song vấn đề quan trọng hơn là làm thế nào để các thiết chế văn hoá đó thực sự sống trong đời sống văn hoá, tinh thần của người dân. Ninh Bình đã huy động các ngành, các cấp, các tập thể, cá nhân cùng vào cuộc, tìm ra các giải pháp thiết thực để phát huy công năng sử dụng của các nhà văn hoá, khu thể thao. Bên cạnh các hoạt động thường kì của các hội, đoàn thể ở cơ sở, nhà văn hóa còn phải là nơi sinh hoạt chung của nhân dân. Thông qua các hạt nhân văn nghệ, thể thao ở từng khu dân cư, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể vận động những người có cùng sở thích tham gia và thành lập các câu lạc bộ, lấy các nhà văn hoá, khu thể thao làm nơi tổ chức hoạt động. Nếu như năm 1992, toàn tỉnh chỉ có một số đội, nhóm văn nghệ, thể thao của các nhà máy, xí nghiệp thì đến nay đã có trên 800 câu lạc bộ nghệ thuật, gần 700 câu lạc bộ thể thao ở khắp các khu dân cư. Định kì hàng tháng, quý, hàng năm tổ chức giao lưu, hội thi, hội diễn văn nghệ, và các giải thi đấu thể thao từ cấp xã đến cấp tỉnh cũng như tham gia các cuộc thi do trung ương tổ chức để khuyến khích và thu hút người dân vào các hoạt động văn hóa, thể thao. Cũng từ đây, các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát chèo, hát xẩm, hát văn, hát rằng thường, biểu diễn cồng chiêng, múa trống… và các môn thể thao truyền thống như đấu vật, chèo thuyền, bơi… được lưu truyền, phát triển, lan toả sâu rộng trong đời sống cộng đồng.

Nhiệm kì 2021-2025, chúng tôi tập trung đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cấp tỉnh bởi trước đây, vì nhiều lí do, nhất là do khó khăn về nguồn lực nên chưa được quan tâm đúng mức. Nhà văn hóa trung tâm tỉnh đang được xây dựng; Tổ hợp bảo tàng - thư viện cũng đã phê duyệt chủ trương. Tất cả đều có quy mô phù hợp với không gian văn hóa Ninh Bình, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng phương tiện kĩ thuật hiện đại. Quan điểm xây dựng là mỗi công trình văn hóa đồng thời phải là một công trình kiến trúc nghệ thuật và công trình ấy phải làm cho không gian sống của Ninh Bình đẹp thêm lên. Ở trong không gian đẹp, con người cũng sẽ có những hành vi đẹp, mỗi hành vi đẹp góp phần tạo nên một môi trường văn hoá đẹp, và con người theo đó cũng sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

VNQĐ: Không gian văn hoá đẹp và con người đẹp là một cặp phạm trù tương tác hai chiều để tôn tạo và thúc đẩy cả hai cùng trở nên tốt đẹp. Cách đây không lâu, Ninh Bình đã tổ chức hội thảo “Văn hóa và con người Ninh Bình trong phát triển bền vững”. Đồng chí Chủ tịch đánh giá như thế nào về vai trò của việc xây dựng văn hoá, con người Ninh Bình trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương?

TS Phạm Quang Ngọc: Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng là lấy giá trị văn hoá, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước, năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững. Nghị quyết nhấn mạnh xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, kiên trì, lâu dài của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lí, điều hành của chính quyền các cấp, nhân dân là chủ thể sáng tạo và đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ là nòng cốt. Quyết tâm xây dựng văn hóa, con người Ninh Bình vừa là nguồn lực vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương.

VNQĐ: Nằm ở vùng châu thổ sông Hồng, từng là nơi quần cư của người Việt cổ, Ninh Bình cũng như hầu hết các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Hồng, có xuất phát điểm là kinh tế nông nghiệp, không gian sống của người dân là nông thôn. Quá trình phát triển 30 năm qua đã có dịch chuyển về cơ cấu kinh tế, tỉ trọng nông nghiệp thay đổi từ 62,9% năm 1992 còn 11,5% năm 2021, song không vì thế mà nông thôn Ninh Bình ít được quan tâm phát triển. Bằng chứng là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới ở Ninh Bình đã đạt được những kết quả đáng mừng. Đồng chí có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật trong xây dựng Nông thôn mới ở Ninh Bình? Tỉnh đã rút ra những bài học gì trong xây dựng Nông thôn mới?

TS Phạm Quang Ngọc: Chúng tôi xác định xây dựng Nông thôn mới là chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng, hiện thực hóa nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Đến hết năm 2021, tỉnh Ninh Bình chỉ còn hai xã và một huyện chưa đạt tiêu chí Nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, phát huy sức mạnh tổng hợp năng động, sáng tạo, tinh thần cộng đồng của người dân, triển khai thực hiện Chương trình một cách toàn diện đồng bộ, phù hợp với điều kiện của địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả; huy động mọi nguồn lực thực hiện. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang, đời sống vật chất của người nông dân được cải thiện, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng đa dạng, các giá trị văn hóa truyền thống căn bản được bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh, nhân dân rất hài lòng với kết quả xây dựng Nông thôn mới. Giá trị của Nông thôn mới đã lan tỏa, phong trào xây dựng Nông thôn mới đã trở thành một phong trào thi đua rộng khắp với khí thế mạnh mẽ. Nhận thức của cán bộ và người dân được nâng lên, thay đổi tư duy về phát triển sản xuất, cán bộ được đào tạo, rèn luyện trưởng thành, niềm tin của người dân đối với Đảng được củng cố. Có thể nói “Nông thôn mới Ninh Bình ý Đảng hợp lòng dân”.

Điểm mới trong xây dựng Nông thôn mới ở Ninh Bình là việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả, được thực hiện từ năm 2013, đã được Trung ương áp dụng để nhân rộng trong cả nước; bên cạnh đó việc Tỉnh ủy phân công các đơn vị cấp tỉnh phụ trách, các doanh nghiệp kết nghĩa với các xã đặc thù của tỉnh cũng là một chủ trương phù hợp kịp thời giúp các xã phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nông thôn mới.

Vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng Nông thôn mới có ý nghĩa quyết định đến tính bền vững. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là kim chỉ nam cho quá trình xây dựng Nông thôn mới bền vững. Đặc biệt, việc lấy ý kiến hài lòng của người dân khi xét, công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới đã tạo ra hiệu ứng rất tốt trong xã hội, giúp chính quyền các cấp khi quyết định công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới; những chỉ tiêu người dân chưa hài lòng, chính là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp đưa ra giải pháp, cam kết tiến độ xử lí để đảm bảo xây dựng Nông thôn mới bền vững.

Xây dựng Nông thôn mới là một quá trình, theo hướng đi lên không ngừng nghỉ, tuy nhiên không nên cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm kịp thời điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tế. Đừng nghĩ việc xây dựng Nông thôn mới là cái gì đó khó khăn, trừu tượng, phức tạp, mà vẫn là những việc chúng ta đã và đang làm, như: xây điện, xây đường, xây trường, xây trạm, xây nhà văn hóa, vệ sinh môi trường, nâng cao năng suất lao động và thu nhập cho nhân dân... nhưng chúng ta cần xây dựng tiêu chí cho nó, chuẩn hóa nó và phấn đấu để đạt được. Hôm nay làm cái gì tốt hơn ngày hôm qua thì đó là Nông thôn mới. Năm 2013, khi chúng tôi xây dựng ba xã Nông thôn mới đầu tiên của tỉnh là Khánh Thiện, Khánh Thành, Khánh Phú tại huyện Yên Khánh, có ý kiến băn khoăn thu nhập bình quân đầu người chưa cao lắm thì có công nhận Nông thôn mới không? Quan trọng là người dân ở đó họ thấy hạnh phúc hơn. Làng xóm, cánh đồng đẹp đẽ, người dân sống vui vẻ, cảm thấy yêu đời. Thu nhập có thể không phải là cao nhưng chất lượng cuộc sống tốt hơn những người có thu nhập cao ở nơi khác. Dân thấy hạnh phúc hơn thì đó là Nông thôn mới. Cuối cùng vẫn là sự hài lòng, hạnh phúc của người dân.

VNQĐ: Vâng! Và với Ninh Bình, trong sự phát triển chung hôm nay của cả nước vẫn luôn giữ gìn, phát huy những gì là bản sắc của vùng đất Cố đô. Đồng chí Chủ tịch có thể cho biết mục tiêu, định hướng phát triển của Ninh Bình trong tương lai?

TS Phạm Quang Ngọc: Ninh Bình là tỉnh có diện tích nhỏ hẹp, chỉ gần 1.400 cây số vuông với dân số xấp xỉ 1 triệu người. Đất đai, thổ nhưỡng phân làm ba vùng: rừng núi; bán sơn địa, chiêm trũng và đồng bằng ven biển. Địa hình rất đa dạng, thấp dần từ vùng núi phía Tây sang vùng đồng bằng xen kẽ với núi đá vôi đến vùng đồng bằng phì nhiêu và bãi bồi ven biển, hình thành nên ba vùng sinh thái; cùng với giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp... tạo ra không gian, lợi thế phá triển cho Ninh Bình. Sau 30 năm tái lập tỉnh, chúng tôi đã khơi dậy tiềm năng và thế mạnh, phát triển gắn với bảo tồn.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kì 2020-2025) đã xác định xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch của cả nước; phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh phát triển trung bình khá, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của khu vực đồng bằng sông Hồng, phấn đấu tự cân đối ngân sách trong nhiệm kì. Để cụ thể hóa mục tiêu trên, chúng tôi đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, đã đề ra ba khâu đột phá về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, nhất là hạ tầng du lịch; cùng sáu chương trình trọng tâm cho sáu lĩnh vực xây dựng Đảng, cải cách hành chính, thu hút đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá - lịch sử và quốc phòng - an ninh.

Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh đã và đang tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể, đó là:

Phát huy lợi thế về vị trí chiến lược; tăng cường hợp tác liên kết vùng; khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên và du lịch; tập trung phát triển vùng ven biển Kim Sơn. Phát triển công nghiệp xanh, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tập trung là công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp số.

Phát triển du lịch, dịch vụ có trọng tâm, trọng điểm; quản lí, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tự nhiên, văn hóa - lịch sử, truyền thống tốt đẹp của con người và vùng đất Cố đô Hoa Lư, đặc biệt là giá trị của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực du lịch. Xây dựng Nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch và đô thị văn minh, hiện đại.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính chất lan tỏa, động lực phát triển đô thị, kinh tế - xã hội. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối, tạo không gian, động lực và dư địa phát triển một số vùng tiềm năng chưa được phát huy; phát triển đô thị hiện đại, xây dựng thành phố Ninh Bình là đô thị “văn hóa, sinh thái, thân thiện với môi trường”.

Phát triển toàn diện giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ. Quan tâm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Với tất cả những nỗ lực ấy, cùng sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp các ngành, sự đồng thuận của nhân dân, chúng tôi hướng đến xây dựng một Ninh Bình phát triển toàn diện, bền vững, giàu về kinh tế, đẹp về cảnh quan, môi trường sinh thái trong lành, giàu bản sắc văn hóa, và xây dựng con người Ninh Bình hiền hoà, thân thiện, mến khách, để bất cứ ai đến Ninh Bình đều cảm thấy hài lòng, đều muốn ở lại, bất cứ ai rời Ninh Bình đi đều muốn trở về.

VNQĐ: Xin cám ơn những chia sẻ của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh! Nhân dân cả nước cũng mong muốn được về Ninh Bình trong đậm đà hồn cốt của kinh đô xưa, nơi đánh dấu chủ quyền độc lập dân tộc với những trầm tích văn hóa dày sâu. Bên cạnh đó là một Ninh Bình năng động, tự tin phát triển hôm nay. Mong mỗi người dân Ninh Bình là một đại sứ văn hóa, nghiêm cẩn tự tôn nhìn về quá khứ và vững bước hướng đến tương lai. Cám ơn đồng chí Chủ tịch đã dành thời gian cho VNQĐ!

VNQĐ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)