VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Hãy viết bằng tình yêu và trách nhiệm cao nhất với đồng bào, quê hương mình

Thứ Sáu, 15/04/2022 16:16

Với 6 tập truyện ngắn: Những chuyện ở lũng Cô Sầu; Những đám mây hình người; Hoa bay cuối trời; Ngôi nhà xưa bên suối; Người chợ; Non cao rừng thẳm, và 6 cuốn tiểu thuyết: Người lang thang; Cực lạc; Hoa mận đỏ; Đàn trời; Chòm ba nhà; Biệt cánh chim trời, tên tuổi của nhà văn Cao Duy Sơn đã được khẳng định trong dòng văn học viết về đề tài miền núi. Đọc văn Cao Duy Sơn, ta luôn thấy ở đó những cách tiếp cận riêng vào các giá trị nguồn cội, bản sắc văn hoá hiện tồn của dân tộc, thấy ở đó cả những phận người, phận làng trước sự biến động của xã hội đương đại. Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa các dân tộc về văn học đề tài miền núi và sự phát triển của đội ngũ người viết văn dân tộc thiểu số hiện nay.

- Thưa nhà văn Cao Duy Sơn, được biết ông từng khoác áo lính trong những năm chiến tranh, vậy khoảng thời gian đó đã để lại trong ông những xúc cảm hay góc nhìn đặc biệt nào cho con đường sáng tạo văn học sau này?

+ Tôi nhập ngũ tháng 8/1973. Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 3/1976 đơn vị tôi là E123 tách khỏi F304A tiếp tục hành quân lên Lạng Sơn tuyển quân, huấn luyện. Quãng thời gian này thật bình yên, nhưng khó khăn thì chồng chất. Thiếu thốn đủ thứ và luôn trong tình trạng đói. Huấn luyện xong đơn vị chuyển sang làm kinh tế. Không phương tiện cơ giới, những đôi tay người lính ngày đêm đào bới, san gạt mở đường ra biên giới. Đói mờ mắt nhưng không nghe tiếng kêu than. Được cái hầu hết chiến sĩ đều quê Lạng Sơn, Cao Bằng nên hiểu nhau, gắn bó đoàn kết lắm.

Đến tháng 10/1978 đơn vị tôi đột ngột chuyển quân ra biên giới xây dựng các điểm chốt giữ. Sớm ngày 17/2/1979 tiếng đạn pháo bất ngờ nổ ran khắp tuyến. Trên các cao điểm 612 Him Đăm, 410 Pò Tằm, Chi Ma, Long Đầu, Núi Cha, Núi Mẹ… chúng tôi đã đồng loạt nổ súng quyết liệt chặn bước tiến của quân bành trướng. Nhiều đồng đội, đồng bào đã ngã xuống. Có giây phút bình yên hiếm hoi sau mỗi trận đánh, tựa vách chiến hào ngẩng lên là thấy những mây vàng nhờ nhờ sắc đỏ tựa máu loãng loang khắp bầu trời xám xịt. Thứ màu man rợ ấy đã ám ảnh tôi suốt những năm tháng sau này. Và nó luôn thúc giục tôi, khuấy đảo tâm trí bắt phải vực dậy kí ức. Tôi đã quyết định tái hiện phần nào về cuộc chiến với tâm thế người trong cuộc. Ấy là cách đây hơn mười năm tôi viết và xuất bản tiểu thuyết Chòm ba nhà. Nhưng chừng ấy hình như chưa đủ, còn gì đó vẫn thường xuyên nhắc tôi phải tiếp tục viết về cuộc chiến đã trôi qua hơn bốn mươi năm nhưng không thể quên. Với những người cầm bút từng trải qua cuộc chiến điều đó lại càng không thể. Có điều sẽ nhìn nhận điềm tĩnh hơn, sâu sắc hơn mà thôi.

- Đa số các tác phẩm của ông được trình diễn trong một không gian không rộng và khi đào sâu vào mạch nguồn ấy sẽ thấy những thước phim đầy kí ức về tuổi thơ, con người ở mảnh đất Co Xàu, dòng Quây Sơn... Đó thực sự là một không gian ẩn tàng nhiều tầng vỉa văn hoá dân tộc Tày nơi vùng biên giới, vừa lạ lẫm, vừa riêng có. Phải chăng ông muốn xây dựng và gọi lại những phận người, phận làng trước dòng chảy biến thiên của lịch sử, xã hội?

+ Nhà văn nào cũng có thể viết về bất cứ những gì được nghe, thấy, hoặc đi đến. Nhân vật được tạo ra bởi trí tưởng tượng. Câu chuyện được tạo ra bởi hư cấu nhưng trên một nền tảng được gợi ý từ khoảnh khắc hình ảnh, thân phận một con người tình cờ bắt gặp đâu đó rồi được bồi đắp, nhào nặn… Có thế thôi, bởi từ bao đời chẳng có mẫu nào cho một tiểu thuyết hay truyện ngắn cả. Viết thế nào là quyền riêng mỗi người. Quyền viết ra bất cứ câu chuyện gì mà mình hứng thú theo cách không áp lực nào bó buộc. Tôi cũng là người thích viết theo kiểu đó. Tuy nhiên cái cách tôi tiếp cận, chọn viết là những chuyện về vùng đất quê mình chiếm đa phần. Có người đồng tình, có người bảo thế là không chuyên nghiệp. Nhà văn phải viết về tất cả những chuyện thế gian này, khi còn ngoài nó nữa. Khuôn khổ như thế là tự hãm, phá cách cho thoáng đi. Tôi nghe và chỉ biết gãi đầu. Biết làm sao được, cái tạng tôi nó thế! Cứ Co Xàu phố xá với những ngôi nhà xây đá hộc, những đứa trẻ chạy nhảy, hú hét vọng vang vách núi, những ông già, bà lão trong trang phục màu chàm bạc phếch lặng lẽ ngồi sưởi nắng trước hiên nhà chiều đông. Các nhân vật cứ thế hiện ra, đi, đến, giận hờn, yêu thương, ghen tuông, đánh chém, tha thứ, sống chết cứ ám vào những trang viết không thể dứt ra. Từ tác phẩm đầu là truyện ngắn Dưới chân núi Nục Vèn in trên Văn nghệ Quân đội số tháng 8/1984 cho đến giờ tôi chỉ viết về miền núi quê mình. Những con người thô tháp, vụng về, tiếng nói luôn chậm hơn chân tay. Cả đời chỉ biết gắn bó với rừng núi, gắn với nếp ăn, ở, sinh hoạt có tự ngàn đời. Từ ma chay, cưới hỏi, lễ bái, hội hè tất thảy đều đắm sâu trong âm thanh mang hồn thiêng rừng núi. Là tiếng trống, chiêng, chũm chọe bừng bừng hối thúc lòng người già, con trẻ; tiếng nhị, hồ chen tiếng sáo lẫn tiếng lượn slương, hèo phươn, dá hai, hà lều, phong slư, nàng ới trong những buổi nông nhàn. Vẳng đâu đây tiếng trong đục của cây tính tẩu với giọng hát thiết tha như tiếng tiên của em gái Tày. Sao có thể liệt kê hết.

Ấy là văn hóa quê tôi, miền quê heo hút gắn bó từ thuở cất tiếng khóc chào đời, đã thấm sâu máu thịt. Đi xa càng nhớ, có tuổi càng lưu luyến hơn. Luôn ước được trở về. Ngẫm mà thương nhớ những ngày xưa. Những con người, câu chuyện mang vóc dáng điển hình của một vùng đất khiến tôi mải miết, hối hả viết ấy kèm mối lo không nhanh ghi lại sẽ có ngày văn hóa truyền thống không chỉ người khác mà cả mình cũng không còn nhớ nữa. Đang hội nhập kia mà, cái mới đang thượng phong kia mà. Tránh sao khỏi. Lo, ái ngại thực lòng! Viết không phải để có thể níu giữ hay khoe với ai, mà để đối diện với chính mình. Được trở lại với cái gốc của mình. Ấy là văn hóa của người Tày, Nùng đẹp tự nhiên như cỏ cây, sông núi tổ tiên, ông bà vậy. Càng viết càng ham. Không cách nào có thể thay đổi. Tôi chỉ viết được có vậy thôi, hay dở cũng đến thế thôi, nhưng sẽ còn tiếp tục. Tôi là kẻ bảo thủ mà.

- Hơn thập kỉ trước, tiểu thuyết Đàn trời (2006) của ông được xem là mạnh mẽ, táo bạo, là một tiếng nói bi phẫn công khai hé mở thực trạng về sự nghèo đói truyền kiếp của người dân vùng cao, vạch trần thói mị dân, sự sa đoạ cùng hành vi đen tối của quan tham thời đại mới. Bên cạnh đó, tác phẩm của một số tác giả khác viết về miền núi cũng cho thấy sự hiện hữu của cái nghèo, cái ác, tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đối với vùng cao, sự xâm thực của thương trường phá vỡ trật tự rừng xanh, lối sống thực dụng làm nứt rạn nếp nghĩ truyền thống, cái xấu xa phi pháp khuấy đảo sự thanh bình của làng bản... Liệu rằng hiện thực miền núi hôm nay đã mang gương mặt khác? Và chúng ta đã có thể nói những điều tốt đẹp hơn?

+ Tôi bắt đầu viết tiểu thuyết Đàn trời từ năm 2001, bốn năm sau cuốn sách mới hoàn thành. Khi đó tôi vẫn đang công tác trên Cao Bằng. Trước khi bắt tay vào viết Đàn trời tôi có may mắn là phóng viên của Đài phát thanh truyền hình địa phương. Công việc làm báo giúp tôi được đi nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa. Biết nhiều chuyện và chứng kiến nhiều điều hay, lạ, cả những điều bất công, đau lòng. Nhất là vùng sâu vùng xa nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với từng chòm nhỏ, hoặc đơn lẻ luôn trong cảnh thiếu thốn, đói nghèo đeo bám bao đời. Họ là lớp cư dân chịu nhiều thiệt thòi nhất. Đường sá không có, trạm y tế, trường học thưa thớt, có thì chỉ là những túp lều tạm bợ, sơ sài, mốc meo thiếu đủ thứ. Có lần được theo xe một lãnh đạo cấp cao của tỉnh đi thị sát cơ sở, xe ô tô dừng lại. Hết đường, quay lại ủy ban huyện. Lãnh đạo không tỏ thái độ gì, coi chuyến đi chưa đến nơi chỉ là “ví dụ”. Tiệc khoản đãi lãnh đạo của ủy ban huyện được bày ra. Người trên kẻ dưới hồn nhiên vui vẻ ăn uống. Không nghe thấy bàn gì, hay chỉ đạo gì về kế hoạch phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hay mục đích chuyến thị sát. Tôi thấy mình đang chứng kiến những hình ảnh trái ngược với những cặp mắt ngơ ngác trẻ thơ, với những đôi chân trần nhem nhuốc, áo quần rách rưới của lũ trẻ đứng bên đường lúc chiều. Những ánh nhìn xa lạ, cam chịu của những đàn ông, đàn bà người Mông, người Dao ngược chiều lúc sáng. Đồng bào như đang ở một thế giới khác. Cùng là con dân trong một thể chế sao cuộc đời họ cách biệt xa lạ với những gì đang diễn ra ở đây. Tôi lặng lẽ quan sát với những ý nghĩ mang dấu hiệu bất bình… rồi ý tưởng cho một câu chuyện xuất hiện. Nhân vật sang có, hèn có, công chức, trí thức có; đầu trộm đuôi cướp, đâm thuê chém mướn đều có cả. Đặc biệt tôi khai thác sâu đời sống chịu nhiều thiệt thòi của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Dao, một dân tộc có văn hóa, có chữ viết, sống tình nghĩa, có công lớn trong thời kì cách mạng kháng chiến nhưng đến tận bây giờ vẫn chịu biết bao thiệt thòi, nghèo đói... Đàn trời xuất hiện cách đây đã hơn chục năm, tôi nghĩ những gì viết trong đó một số đã cũ, nhưng một số vẫn nguyên giá trị. Rừng núi vẫn đó, những người dân tộc thiểu số vẫn sinh sống trên mảnh đất quê mình. Cuộc sống hôm nay của đồng bào đã có nhiều cải thiện. Kinh tế phát triển, đường sá đi lại thuận tiện hơn, nhìn chung đã khác trước. Nhưng không ít gia đình vẫn đang sống dưới mức nghèo khổ. Còn khoảng cách rất lớn giữa miền xuôi và miền núi. Phải làm gì đó để giúp họ vượt qua. Để làm được việc này trách nhiệm trước tiên thuộc về các cấp lãnh đạo từ trung ương đến cơ sở. Tận tâm, tận tình hết lòng vì đồng bào và phải giữ cho được văn hóa truyền thống, lấy văn hóa truyền thống làm nền tảng để phát triển du lịch. Như thế sẽ vừa giữ được nét đẹp xưa vừa giúp đồng bào duy trì những giá trị, tự hào với những gì cha ông để lại. Những người đứng đầu phải là người có văn hóa, năng động, sáng suốt lựa chọn để xây dựng, phát triển sao cho hài hòa mang lại lợi ích lâu dài. Nếu được vậy hi vọng tương lai văn học viết về dân tộc miền núi sẽ còn có thứ để nói; còn có thứ để bạn đọc tìm đến khám phá đời sống tinh thần với những giá trị văn hóa tiêu biểu ẩn trong từng trang viết. Nếu không kinh tế thị trường với lợi ích thực dụng sẽ gây nên những hậu họa khó lường. Nhất là văn hóa, một khi mất đi khó có thể lấy lại.

- Lấy bản sắc văn hoá và lối sống, lối nghĩ, hoàn cảnh sống của người dân tộc thiểu số làm chất liệu, theo nhiều cách khác nhau, từ nhiều điểm nhìn khác nhau hằng cắt nghĩa, định nghĩa, tái định nghĩa nó trong một tâm thế mới, điểm nhìn mới, nhưng tôi luôn cho rằng, việc khai phóng, định hình góc nhìn, điểm nhìn về dân tộc mình không ai làm tốt hơn những người con của dân tộc ấy, bản làng ấy. Có phải không, thưa nhà văn?

+ Không hẳn như vậy đâu, bây giờ và trước đây vẫn có nhiều người viết không phải người dân tộc thiểu số, không sinh ra từ miền núi nhưng khi viết về miền núi họ viết rất hay. Thậm chí một số tác phẩm của họ vẫn còn giá trị đến bây giờ. Bởi họ đã có cả một thời gian khá dài sống ở miền núi nên tường tận đời sống của đồng bào, hiểu biết sâu sắc phong tục tập quán nơi mình sống. Biết điều tiết liều lượng các chi tiết khi đưa vào tác phẩm. Bằng sự yêu mến với cảm xúc đặc biệt họ đã điều khiển ngôn ngữ dẫn dắt bạn đọc qua từng trang viết hấp dẫn với không gian tươi đẹp, tình yêu, tình bạn của những người con của núi rừng… Đó là những thành tựu đã ghi dấu ân sâu đậm trong văn học nước nhà. Chính họ cũng là nguồn khích lệ cho những nhà văn dân tộc thiểu số (DTTS) buổi ban đầu khi ước mơ văn chương mới chớm nở. Tôi cũng là một trong số đó. Tuy nhiên sau này khi đã viết, đọc của bạn bè, lắng nghe, trao đổi với người nọ, người kia tôi nhận ra, cái vốn sống ăn sâu trong máu thịt từ lúc sinh ra có lẽ đã giúp các nhà văn dân tộc khi viết về vùng đất quê mình có thuận lợi hơn. Thuận lợi đó là hiểu biết cặn kẽ về đồng đất quê mình. Từ canh tác ruộng nương, cất nhà, dựng chòi, ma chay, cưới hỏi, đền miếu gốc cây hang núi, lễ hội trai gái hát đối đáp, yêu đương, thế nào là hà lều, tài sly, lúc nào thì cúng hồ, lày cỏ, choom bái… là cả một kho văn hóa truyền thống đã ăn sâu tiềm thức. Tất cả những thứ đó đã trở thành phương tiện thuận lợi mỗi khi ngòi bút chạm tới. Nhưng chuyển tải nó đi đến cuối tác phẩm cần thiết nhất là nguyên liệu, đó là ngôn ngữ. Chữ Quốc ngữ là tài sản chung, lúc này được nhà văn DTTS sử dụng như một phương tiện để chuyển tải nguyên liệu của mình. Nguyên liệu đó là tư duy dân tộc được chuyển dịch sang ngôn ngữ tương đồng với tiếng Việt. Tuyến truyện, chi tiết được hình thành, cảm hứng tự do, câu chuyện được đẩy đi bằng thứ ngôn ngữ được chuyển dịch đó. Nó thuận lợi bởi người viết hiểu biết và vận dụng nó một cách nhuần nhuyễn như một trò chơi với những con chữ. Những con chữ được sinh ra từ tư duy của một tộc người, gọi ra đúng cử chỉ, lời nói, hành động, ý định nhân vật theo cách mà dân tộc đó vẫn thường. Nếu tích hợp được tất cả những điều đó, chắc chắn nhà văn DTTS sẽ có những tác phẩm sống động hơn, thuyết phục hơn với bạn đọc. Tôi không nói sẽ hay hơn, bởi hay, dở là ở cái tài người viết. Nhưng rõ ràng bản sắc văn hóa trong tác phẩm của tác giả DTTS là điều đáng bàn. Bởi lúc này hơn ai hết người cầm bút cần quan tâm nhiều hơn tới đồng bào mình. Cần có kế hoạch đầu tư nhiều hơn, kĩ hơn cho tác phẩm. Những tác phẩm tâm huyết của chính những nhà văn DTTS viết về quê hương với bản sắc văn hóa độc đáo chắc chắn sẽ mang lại cảm xúc cho người đọc.

- Nói đến đây, để tường tận hơn có lẽ chúng ta sẽ phải điểm lại đôi chút về dòng văn học miền núi mà những người viết là nhà văn DTTS đã gây dựng, định hình, phát triển và thành tựu.

+ Mỗi giai đoạn đều có các nhà văn của mình. Văn học các DTTS cũng không ngoại lệ. Chuyện này nhiều nghiên cứu, phê bình đã nhắc đến. Tôi e mình sẽ lặp lại vấn đề nhiều người đã biết. Nhưng nói thêm một chút cũng chẳng sao. Thực ra văn học DTTS còn trẻ lắm. Nhất là văn xuôi xuất hiện còn muộn hơn. Nếu không kể nhà thơ Hoàng Đức Hậu (Cao Bằng) với những bài thơ tiếng Tày vịnh tả núi non sông suối, tình yêu lứa đôi trước năm 1945, thì mãi tới những năm cách mạng, kháng chiến chúng ta mới có Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn. Hai nhà thơ thời kì chống Pháp, những người đầu tiên làm thơ chủ yếu để tuyên truyền, vận động bà con dân tộc tham gia mặt trận Việt Minh, đoàn kết đánh Tây đuổi Nhật, in trên báo Cứu quốc, hoặc truyền miệng. Dẫu chỉ trong phạm vi khu Việt Bắc nhưng những thơ ca bằng tiếng dân tộc của họ có sức lan tỏa mạnh mẽ, ảnh hưởng tích cực tới phong trào cách mạng lúc bấy giờ. Sau chiến dịch Biên giới 1950 một thế hệ những người dân tộc viết văn, làm thơ được tiếp nối. Là những Nông Viết Toại, Nông Minh Châu, đặc biệt là Nông Viết Toại, với truyện ngắn Nước ruộng (1950), ông đã trở thành tác giả viết văn xuôi đầu tiên của văn học dân tộc thiểu số. Sau thành lập khu Việt Bắc, Tây Bắc (1959) một loạt tên tuổi mới xuất hiện. Họ là những nhà văn Y Điêng, Hoàng Hạc, Triều Ân, Lương Quý Nhân, Vi Hồng, Vi Thị Kim Bình, Vương Trung… rồi đến thế hệ thời kì kháng chiến chống Mĩ: Y Phương, Pờ Sảo Mìn, Ma Trường Nguyên, Mã A Lềnh, Kim Nhất, Ngọc Phượng, Vương Anh, Bế Thành Long… Lứa nhà văn thời kì đổi mới là những Hlinh Niê, Lý Lan, Hà Trung Nghĩa, Inrasara, Hà Cẩm Anh, Hữu Tiến, Đoàn Lư, Hoàng Hữu Sang, Lương Định, Hà Lâm Kỳ, Sa Phong Ba, Triệu Lam Châu, Nông Thị Ngọc Hòa, Hoàng Quảng Uyên, Dương Thuấn, Dương Khâu Luông, Bùi Như Lan, Trúc Linh Lan, Trần Thái Hồng… còn nữa chưa thể kể hết được.

Ở mỗi thời kì các nhà văn có lối tiếp cận khác nhau, giọng điệu khác nhau, cách nhìn nhận, hình thành chân dung nhân vật cũng khác nhau. Có lẽ là do tâm thế thời đại đã tác động, ảnh hưởng. Một sự ảnh hưởng tích cực và đương nhiên. Nó mang đến cho nhà văn kiến thức mới, sự hiểu biết mới trong sự chuyển biến không ngừng của thời đại. Vậy nên mỗi thời kì ta hãy ghi nhận đóng góp của nhà văn sống cùng với thời đại của họ. Lúc bấy giờ nó thế. Văn chương bấy giờ cũng chỉ thế thôi. Cũng đổi mới sáng tạo rồi đấy, đổi mới thế cũng đã là đổi mới rồi. Không thể đòi hỏi hơn. Cái lớn nhất họ để lại là chân dung của một thời kì, được lưu giữ trong từng trang văn như di tích quá khứ được lưu lại. Giản đơn, vụng về đôi chút nhưng cũng đáng yêu. Họ là những cánh chim đầu đàn, có những đóng góp lớn cho nền văn học nước nhà không thể phủ nhận. Đến thế hệ nối tiếp sau này hẳn nhiên đã có sự khác hơn. Cái khác hơn chính là cách nhìn cởi mở hơn. Nhất là các nhà thơ họ luôn quan tâm đến hình thức trình diễn tác phẩm với lối tiếp cận phóng khoáng, bắt kịp với trào lưu, sự tiếp nhận của bạn yêu thơ thời đại mà vẫn giữ được bản sắc riêng trong tác phẩm. Ấy là văn hóa nhuyễn trong hình thức, nội dung.

- Như vậy chúng ta đang nói đến sợi dây liên kết là lớp người trẻ dân tộc thiểu số viết văn hôm nay?

+ Những năm qua một lớp nhà văn trẻ người dân tộc thiểu số đã xuất hiện tuy còn khiêm tốn. Có thể kể một số cây bút như Phạm Tú Anh, Phạm Tiến Triều (Mường), Lý Hữu Lương, Lý A Kiều, Triệu Hoàng Giang (Dao), Nông Quốc Lập, Nông Quang Khiêm, Nông Hồng Cư, Ngô Bá Hòa (Tày), Hà Sương Thu, Đàm Hải Yến, Nguyễn Văn Luân (Nùng), Thạch Đờ Ni (Khmer) và một số cây bút khác nữa. Hầu hết các tác giả đều ở vùng miền núi phía Bắc. Một số tác phẩm được bạn đọc đánh giá cao, được vinh danh như tập thơ Yao của Lý Hữu Lương được trao giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam mới đây. Đó là sự ghi nhận tài năng đáng trân trọng.

Là những cây bút trưởng thành đầu thế kỉ XXI, qua tác phẩm của lớp tác giả trẻ này bạn đọc nhận thấy, không gian văn hóa truyền thống tộc người luôn hiển hiện trên từng trang viết. Vậy là sợi dây liên kết với cội rễ vẫn vẹn nguyên trong tâm hồn họ. Chưa ai bị loãng phai giữa một trời văn hóa mới đang ồ ạt du nhập. Họ nhập vào dòng chảy thời đại để trang bị thêm vốn sống, kiến thức, nhưng vẫn luôn ý thức không thể để trộn lẫn. Đó là tự trọng của nghệ sĩ. Sáng tạo nên những tác phẩm mới, mang hơi thở thời đại nhưng không để mất mình. Những người viết trẻ dân tộc thiểu số đã làm được việc đó. Tôi tin họ sẽ khá hơn lớp cha anh. Có điều viết thế nào cho hay họ phải tự tìm lấy câu trả lời. Cần thiết nhất phải luôn giữ được ngọn lửa đam mê. Đừng bao giờ có tâm lí “ăn xổi ở thì” rồi lăn tăn bỏ cuộc. Tác phẩm hay nhất là những gì đang sắp viết. Với lại đây là lớp người thuộc thế hệ được trang bị khá đầy đủ tri thức, cộng với tài năng, niềm tin và ý chí, tôi tin họ sẽ làm được.

- Nói về những người viết văn dân tộc thiểu số, chúng ta thường nghe đến một nhận định chung là khó khăn, hạn chế, bởi khi viết, lối sống nếp nghĩ của họ lại phải trình diễn bằng ngôn ngữ phổ thông, bằng tư duy của người Kinh - dân tộc đa số. Họ cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các trào lưu văn học, các lối viết mới, hiện đại trong nước và trên thế giới... Nếu cứ gặp khó khăn như vậy thì nhà văn dân tộc thiểu số có thể cho ta kì vọng về những tác phẩm lớn, ngang tầm thời đại?

+ Chỉ trước đây thôi, khi các nhà văn dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn trong giao lưu, tiếp cận với các bạn văn cả nước, với các phương tiện thông tin, đặc biệt là các tác phẩm, tài liệu liên quan đến sáng tạo và những lĩnh vực khác. Đối với những nhà văn miền núi sống ở vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn nhiều hơn. Ít được tiếp xúc, thiếu thông tin, tài liệu tham khảo, vốn tiếng Việt đã nghèo lại càng nghèo hơn. Viết bằng tiếng dân tộc ư? Nơi nào in? Ai đọc cho? Cứ quẩn quanh như thế nên quá trình sáng tác gặp khó khăn là đương nhiên. Nhưng bây giờ khác rồi, nhất là đối với lớp trẻ. Sống trong thời đại mới mọi thứ trở nên thuận lợi hơn. Từ giao tiếp đến tiếp cận trào lưu tất cả đều cởi mở. Người viết văn, làm thơ bằng tiếng dân tộc nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết người viết đều sử dụng tiếng Việt. Đây là câu chuyện cần bàn, đúng sai, hay dở sẽ phải có một cuộc trao đổi cho ra nhẽ. Trước mắt họ vẫn trình diễn tác phẩm của mình bằng ngôn ngữ phổ thông. Chữ viết là phương tiện chuyển tải, cái chính là hồn cốt của nó có mang tâm thế của người con dân tộc thấm sâu trong từng ý tứ, con chữ hay không mà thôi. Tôi tin người viết nào cũng đầy ý thức về điều đó. Nếu không, viết để làm gì? Cứ viết giống như những người khác thì ai đọc anh. Trên mặt bằng chung tôi tin những người viết dân tộc thiểu số đủ tự tin để viết nên những tác phẩm mang đầy sắc thái của một vùng đất, sẽ tạo nên được dấu ấn trong lòng bạn đọc. Trào lưu ư? Đó chỉ là một cách nói, một cách quan niệm thôi. Đừng quá chú ý về danh tiếng mà bận tâm tới sự nhanh hay chậm. Hãy viết như một sự giải tỏa nỗi niềm, theo cách riêng của mình, bằng tình yêu và trách nhiệm cao nhất với đồng bào, quê hương mình. Phải tin ở bản thân, nhưng đừng bao giờ ngộ nhận. Sẽ có những tác phẩm lớn, kì vĩ ư? Ước mơ lớn đấy! Chắc chúng ta sẽ gửi gắm hi vọng vào lớp trẻ kế tiếp, hoặc những tác giả đang âm thầm thai nghén dự định lớn trong tương lai. Có lẽ sẽ còn dài dài nhưng chúng ta có quyền hi vọng.

- Lâu nay, chúng ta vẫn thường nói đến việc xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam với sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Đó là hướng đi đúng nhưng không hề dễ dàng. Theo ông, cần có những giải pháp nào để vượt qua thách thức này, vừa đổi mới, hòa nhập vào tiến trình văn học hiện đại vừa giữ gìn và phát huy được bản sắc dân tộc?

+ Văn học các DTTS trong sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, chúng ta đã làm và vẫn đang tiếp tục. Trong một dòng chảy chung sao ai đó có thể đứng yên. Rõ ràng để không bị bào mòn hay mất đi bản sắc dân tộc, người viết phải có bản lĩnh. Cái mới, hiện đại mang đến nhiều thuận lợi được nhân loại đón nhận, sao ta có thể từ chối? Tiếp nhận là lẽ đương nhiên. Nhưng tiếp nhận cái mới, cái hiện đại ấy phải có sự lựa chọn. Một sự lựa chọn khôn ngoan sẽ bảo toàn vốn truyền thống. Một kho vốn văn hóa tiêu biểu, đặc sắc đã làm nên con người ta phải gìn giữ nó như báu vật. Ta giữ nó, lấy đó làm nguồn sống, nguồn sáng tạo nhưng vẫn sẽ sẵn sàng tiếp nhận văn hóa mới, hiện đại một cách chọn lọc; đồng thời cũng sẽ mở cửa để vẻ đẹp tâm hồn, mọi mặt đời sống bước ra với bè bạn. Có như vậy mới không bị bỏ quên, lạc lõng. Đó là mục tiêu lựa chọn. Có một điều khiến tôi phân vân là gần đây tôi được đọc truyện ngắn của một số bạn trẻ gửi đến. Truyện viết thông minh, câu chữ trau chuốt, nhưng đọc xong thấy áy náy. Bạn này sinh ra ở chân núi như tôi, cùng tộc người như tôi nhưng không hiểu sao lại có lối viết khác. Khác ở chỗ, câu chuyện chẳng có dấu vết gì của dân tộc miền núi ở trong đó cả. Hệt như truyện của những bạn trẻ người Kinh viết ra. Sự phân vân khiến tôi nghi ngờ mình. Hay mình đã cũ, không còn hợp thời? Cơ mà viết như vậy thì bạn đọc cần gì đến bạn? Có cả trăm, ngàn người viết như thế rồi. Cái quan tâm của độc giả là họ được khám phá những sáng tạo mới, mang bản sắc riêng. Bản sắc riêng đó là muôn thứ vân vân đã nói ở trên mà mình đã từng nghe, từng đọc. Tôi thấy phần nào được an ủi với ý nghĩ bảo thủ của mình. Trộm nghĩ thế thôi, có lẽ cần có một cuộc bàn dài dài về vấn đề này. Xu hướng thời đại là không thể thay đổi, nhưng cân bằng giữa hiện đại và truyền thống là bản lĩnh, trách nhiệm, sự sáng suốt của mỗi nhà văn. Để phát triển được đội ngũ những người viết dân tộc thiểu số có tài năng, tâm huyết sáng tạo nên những tác phẩm chất lượng, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội, Đảng và Chính phủ cần có sự đầu tư thích đáng cho Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam để có thể mở được Trung tâm bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật trẻ các DTTS. Từ Trung tâm này Hội có thể phối hợp cùng các hội chuyên ngành khác thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng sáng tác, giúp cho các tài năng được tiếp cận với các chuyên gia, các nhà văn uy tín, mở mang kiến thức, tự tin trên hành trình sáng tạo.

- Vâng, nói đến văn học miền núi những năm qua, không thể không nhắc đến nhiều hoạt động có hiệu quả thiết thực của Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam trong việc tổ chức, định hướng xây dựng và phát triển đội ngũ tác giả, tác phẩm. Ông có thể chia sẻ về một số hoạt động tiêu biểu của Hội ở lĩnh vực này?

+ Không phải khoe đâu, gần 20 năm qua Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam vẫn thường xuyên mở trại sáng tác cho các cây bút trẻ dân tộc, cả những cây bút người Kinh sinh ra, lớn lên ở miền núi nữa. Bắt đầu từ năm 2004 cho đến nay. Từ Việt Bắc, Tây Bắc đến Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Nam Bộ đều đặn mỗi năm mở một trại viết. Nếu không lầm chỉ duy nhất Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam làm được việc này. Trại sáng tác trẻ DTTS chỉ dành cho các bạn trẻ thôi. Chúng tôi coi đó là một công việc cần được quan tâm hàng đầu. Từ lựa chọn những cây bút tiềm năng ở khắp các địa phương đến việc trân trọng mời các nhà văn tên tuổi đến giao lưu, truyền đạt, trao đổi kinh nghiệm sáng tác đều được chuẩn bị chu đáo. Từ những trại sáng tác này nhiều bạn trẻ đã trưởng thành, một số đã là những cây bút có tên tuổi trong đội ngũ nhà văn Việt Nam. Đó là những Chu Minh Huệ, Lục Mạnh Cường, Hoàng Anh Tuấn, Nông Quang Khiêm, Phạm Tú Anh, Nguyễn Văn Luân, Kiều Duy Khánh và nhiều bạn trẻ khác nữa. Có người vẫn theo đuổi viết lách, nhưng cũng có người đã bỏ cuộc. Hơi buồn một chút nhưng không sao. Chuyện thường mà. Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS đã đồng hành cùng các tác giả trẻ suốt từ những ngày đầu cho đến giờ, sau này cũng sẽ vậy. Cùng chăm lo cho sự phát triển các chuyên ngành nghệ thuật khác, nhưng Hội đã dành ưu tiên đặc biệt cho việc phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ, đặc biệt lĩnh vực văn học luôn được Ban chấp hành, Ban thường vụ và Thường trực Hội quan tâm chỉ đạo. Chăm lo cho thế hệ trẻ là chuẩn bị cho tương lai. Tương lai phải có lớp kế cận xứng đáng. Phải có những người thật sự tài năng gánh vác công việc sáng tạo. Những tác phẩm sáng tạo nên nhất định phải hay, phải có được phẩm chất tinh túy nhất tiêu biểu cho văn hoá vùng đất, con người.

- Ông có thể chia sẻ về những dự án cá nhân của mình hiện nay?

+ Viết vẫn là công việc thường ngày đối với tôi. Hiện nay tôi đang dở dang một cuốn tiểu thuyết. Hai năm rồi mà chưa xong. Chẳng biết hay dở ra sao nhưng đã đi quá nửa đường rồi thì sẽ phải cố đến đích thôi. Cái việc nó phải thế. Không thể bỏ cuộc giữa chừng, tiếc lắm. Nó dở thì phá đi làm lại. Vẫn là những câu chuyện về miền núi thôi.

- Trân trọng cảm ơn nhà văn Cao Duy Sơn về những chia sẻ tâm huyết, chân thành. Chúc nhà văn có nhiều thành công hơn nữa trên con đường sáng tạo.

LÝ HỮU LƯƠNG thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)