VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này
THƯỢNG TÁ, NSƯT NGUYỄN TUẤN ANH

Biên cương Tổ quốc - càng đi càng yêu thương

Thứ Tư, 02/03/2022 18:21

Tự hào là những chiến sĩ văn công “Ngôi sao xanh”, cán bộ, nghệ sĩ Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Bộ Tư lệnh BĐBP đã bao năm vượt đèo cao, suối sâu mang lời ca, tiếng hát đến với bộ đội và nhân dân biên giới. Và chính nơi biên cương Tổ quốc đã trở thành niềm cảm hứng cho các nghệ sĩ lan tỏa, tôn vinh vẻ đẹp của BĐBP, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ qua các tác phẩm nghệ thuật. Thượng tá, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn trưởng Đoàn Văn công BĐBP đã có những chia sẻ chân tình của người nghệ sĩ - chiến sĩ mang quân hàm xanh với VNQĐ.

CHUYẾN ĐI NÀO CŨNG ĐẦY KỈ NIỆM

- Gắn bó với Đoàn văn công BĐBP đã hơn 20 năm, cũng là từng ấy thời gian anh cùng đồng đội quen với những cung đường nơi núi rừng, biên cương, hải đảo để đến với bộ đội và đồng bào khu vực biên giới. Điều ấy mang lại cho anh những cảm nhận, suy nghĩ gì?

Ai có đi biên giới, đi đến những vùng xa xôi hẻo lánh, nơi có những cảnh quan kì vĩ đẹp mê hồn, nơi có những mái nhà lợp bằng lá liêu xiêu trong gió, thấp thoáng nếp nhà sàn chênh về bên sườn núi cao mới phần nào cảm nhận được thế nào là biên cương Tổ quốc. Nhưng với chúng tôi, những chiến sĩ văn công BĐBP thì làm gì có thời gian đâu mà ngắm cảnh đẹp mê hồn, còn tư tưởng đâu mà bồng bềnh cùng mây, cùng gió... Đón đợi chúng tôi nơi biên cương, hải đảo là những chiến sĩ BĐBP cả năm chẳng nhìn thấy phụ nữ được vài lần, cả năm có khi chẳng xuống tới huyện lị, ấy thế mà đường biên mốc giới, đường rừng thuộc như bàn tay... Đón đợi chúng tôi là đồng bào các dân tộc vùng biên giới, đã lâu lâu rồi, nhiều nhiều năm mới được xem “cái văn công”, mà chắc cũng chỉ có văn công “Ngôi sao xanh”mới có thể lên đây với bà con được mà thôi. Đón chúng tôi còn có những đứa trẻ trên thì mặc áo rét không còn khuy cài, dưới thì quần cộc, chân đất..Thực sự có đến với biên giới, càng đi nhiều mới càng thấy yêu thương đồng bào và chiến sĩ cả đời bám trụ giữ bình yên nơi phên dậu Tổ quốc.

Chắc hẳn anh có nhiều kỉ niệm đáng nhớ trong những lần đến với anh em BĐBP và đồng bào vùng sâu vùng xa?

Đến với anh em BĐBP cũng là đến với đồng bào trên biên giới. Tôi thân với anh em trong Đội Tuyên truyền văn hoá BĐBP tỉnh Cao Bằng. Trong một lần lên đó giúp đội dàn dựng mấy tiết mục để đi hội diễn, nhân ngày nghỉ anh em mời tôi đến thăm Đồn Biên phòng Hùng Quốc đúng vào hôm đơn vị ra quân đi xây “Mái ấm biên cương”. Đây là chương trình do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động cán bộ chiến sĩ BĐBP trên cả nước góp công, góp của xây nhà cho đồng bào nghèo nơi biên giới, hải đảo. Trực tiếp được đến thăm công trình là một ngôi nhà khang trang giữa núi rừng biên giới mới thấy hết cái tình cái nghĩa của đồng bào ta bao năm qua đã yêu thương, đùm bọc, chở che cho bộ đội, nay bộ đội xây mái ấm cho các mế... Tôi thấy thật xúc động! Rồi tối đến, anh em mời chúng tôi ở lại đồn giao lưu và trong lúc men tình với biên giới lên cao tôi đã cầm đàn “bập bùng” luôn một ca khúc vừa hình thành trong đầu. Đó chính là ca khúc Mái ấm Biên cương dành tặng cho các đồng đội, tuy nhiên mới là bản mộc thôi. Về đến Hà Nội, tôi lập tức giao cho các nghệ sĩ trong đoàn phối khí và thu thanh ngay để kịp gửi cho anh em trên đồn đang mong đợi. Tác phẩm đã có đất sống và được đón nhận trên khắp các tuyến biên giới.

Thượng tá, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh trao áo ấm cho trẻ em vùng biên giới tỉnh Lai Châu. Ảnh: NVCC

Mỗi chuyến đi là một kỉ niệm khó quên mà nếu nhiều thời gian tôi sẽ tiếp tục kể chuyện biên giới gắn với các tác phẩm âm nhạc của tôi. Gần đây nhất là ca khúc viết về thiếu nhi Con nuôi Đồn Biên phòng với những ca từ mộc mạc, giản dị là tiếng nói của các em thơ: “Từ khi đồn nhận về nuôi, em có thêm ngôi nhà mới, bố của em là các chú Biên phòng. Bố dạy chữ, rèn người, bố dạy em lao động, bố trao em tình thân, nâng bước em tới trường.

BIÊN GIỚI LÀ MẢNH ĐẤT MÀU MỠ CHO SÁNG TÁC

- Nước ta có hơn 40 tỉnh, thành có biên giới, bờ biển với những đặc điểm văn hoá vùng miền khác nhau, điều đó đặt ra yêu cầu đặc biệt gì với việc sáng tác, biểu diễn phục vụ bộ đội và đồng bào, thưa anh?

Địa bàn của chúng tôi là 43 tỉnh, thành với hệ thống đồn biên phòng trải dài trên các tuyến biên giới. Vậy làm thế nào để chúng tôi có thể đến với đồng đội, đến với dân nhiều nhất? Các thế hệ cha anh chúng tôi hơn 60 năm qua với cây đàn trên vai vẫn tự hào rằng Văn công BĐBP đã đến với tất cả các tuyến biên giới của Tổ quốc. Hiện nay, với biên chế 65 cán bộ, nghệ sĩ, trước tiên là việc biểu diễn, chúng tôi đã hình thành một đoàn lớn với 2 đội biểu diễn độc lập. Đến mỗi tỉnh, tuỳ theo tình hình thời tiết, địa bàn, đoàn thường chia các đội đi vòng ngược chiều nhau và gặp nhau ở một điểm biểu diễn lớn nhất thì hợp quân để làm một buổi biểu diễn thật “ra trò.

Trải dài biên giới nước ta là văn h đặc sắc, đa dạng các vùng miền, vậy nên việc biên tập chương trình, lựa chọn ngôn ngữ nghệ thuật phải phù hợp với phong tục, tập quán, văn hoá của địa phương. Điều này đòi hỏi người chỉ đạo nghệ thuật phải có con mắt tinh, nhạy bén, hiểu sâu sắc về văn hoá dân gian, dân tộc... Nhưng hơn hết chúng tôi được kế thừa kinh nghiệm từ các lớp cha anh để lại và ngày càng phát huy tốt vốn văn hoá dân gian, dân tộc, đậm đà bản sắc của từng vùng miền.

- Những chuyến đi về miền biên cương Tổ quốc chắc hẳn đã bồi đắp cảm hứng sáng tạo cho anh cùng các nghệ sĩ biên phòng rất nhiều?

- Đúng thế! Với địa bàn trải rộng, văn hóa phong phú, biên giới chính là mảnh đất màu mỡ cho các văn nghệ sĩ ươm mầm tác phẩm. Phải nói rằng chính nơi đây, trên biên cương của Tổ quốc mà các nghệ sĩ không sáng tạo được những tác phẩm hay thì khó có nơi nào cho ta được cảm hứng như vậy nữa. Với tôi, hầu hết các tác phẩm đều có “tứ” gắn với biên giới.

Thượng tá, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh trong một chuyến đi thực tế. Ảnh: NVCC

Tôi vẫn nói vui rằng, có câu hát: Đứng ở đằng xa, yêu nhau đứng ở đằng xa”, nhưng cứ lên với biên giới là yêu anh lính biên phòng liền. Hình ảnh người chiến sĩ BĐBP trong các tác phẩm đã rất đẹp rồi nhưng phải nói ngoài đời hình ảnh đó còn đẹp hơn rất nhiều mà văn, thơ, nhạc, họa, chẳng thể nói hết được. Này nhé, từ xây sửa nhà cho đồng bào, hướng dẫn nông nghiệp, khám chữa bệnh, dạy học, cắt tóc cho các em nhỏ, rồi làm cán bộ tăng cường cho địa phương bộ đội biên phòng đều làm tốt. Đã có biết bao chương trình, phong trào như: Chiến sĩ Biên phòng viết; Cán bộ biên phòng học ngoại ngữ, học tiếng dân tộc và ngôn ngữ nước láng giềng; Hãy làm sạch biển; Thầy giáo quân hàm xanh; Nâng bước em tới trường; Con nuôi đồn biên phòng; Giao lưu hữu nghị biên giới; Xuân biên phòng ấm lòng dân bản; Vì những con tầu xa khơi; Điểm sáng văn hoá vùng biên; Tay kéo biên phòng... tất cả đều có một đặc điểm chung đó là vì đồng bào các dân tộc vùng biên giới, vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

VỚI BẠN BÈ QUỐC TẾ

Thưa anh, không chỉ phục vụ, tuyên truyền tới bộ đội và nhân dân cả nước, qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật của Đoàn Văn công BĐBP, hình ảnh BĐBP nói riêng, quân đội nói chung đã được lan tỏa tới bạn bè quốc tế như thế nào?

Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân đội và Bộ Tư lệnh BĐBP rất chú trọng tới công tác Đối ngoại Quốc phòng, Ngoại giao nhân dân, và đặc biệt là Đối ngoại Biên phòng. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ BĐBP qua các tác phẩm nghệ thuật cùng với tiếng đàn, ging ca, điệu múa của Đoàn Văn công BĐBP chúng tôi đã nhiều lần đến với bạn bè quốc tế như Cu Ba, Triều Tiên, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia... qua các chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với các nước láng giềng; Biên cương thắm tình hữu nghị với các nước trong khu vực và các kì liên hoan, Festival quốc tế... Hình ảnh người chiến sĩ BĐBP Việt Nam được tô thắm thêm, để lại ấn tượng tốt đẹp qua các tác phẩm nghệ thuật với sự thể hiện của nghệ sĩ Đoàn Văn công BĐBP.

Một tiết mục biểu diễn của Đoàn Văn công BĐBP tại Army Games 2021 tổ chức ở Việt Nam. 
Ảnh: TL

- Gần đây, Army Games được tổ chức đã tạo ra sân chơi quốc tế mới cho những người lính. Các nghệ sĩ thuộc lực lượng biên phòng đã và sẽ tham gia như thế nào thưa anh? 
- Gần đây Hội thao quân sự quốc tế Army Games được tổ chức tại Nga những năm trước và lần đầu tại Việt Nam năm 2021 vừa qua. Thật vui khi chúng tôi cũng được tham gia, có thêm sân chơi quốc tế, được thoả sức khoe tài, thể hiện bản lĩnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Với tôi, sau mỗi dáng múa, nét nhạc là quê hương yêu dấu, là tinh hoa văn hoá dân tộc đúc kết về đây để mang đến cho bạn bè quốc tế một cái nhìn mới về đất nước và con người Việt Nam, một đất nước yêu chuộng hoà bình; là bạn bè, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới.

Hiện tại Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị đã tổ chức rà soát tìm kiếm tài năng ở nhiều đơn vị nghệ thuật quân đội để bồi dưỡng, chuẩn bị lực lượng cho năm 2022 và những năm tiếp theo. Đoàn Văn công BĐBP chúng tôi cũng mạnh dạn đăng kí tham gia rà soát cả 3 chuyên ngành ca, múa, nhạc.

Trân trọng cảm ơn anh!

 

DƯƠNG THU thực hiện

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)