Những năm qua, R.F.Kuang là cái tên nổi bật của giới xuất bản quốc tế. Cô đã chứng minh tài năng qua việc thể hiện xuất sắc ở nhiều thể loại, từ khoa học viễn tưởng cho đến tiểu thuyết văn chương. Trong đó, Đội lốt da vàng là tác phẩm nổi bật nhất và cũng nổi tiếng nhất tính cho đến nay.
Vào năm 2023, cuốn tiểu thuyết này đã được Tạp chí Time đưa vào danh sách 100 cuốn sách cần đọc, được trang bán lẻ Amazon vinh danh là tác phẩm hay nhất trong năm cũng như được độc giả bình chọn là tác phẩm hư cấu được yêu thích nhất tại giải Goodreads Choice Award… Có thể nói “cơn mưa giải thưởng” rơi xuống R.F.Kuang không phải một điều bất ngờ mà đó là một kết quả hoàn toàn xứng đáng. Bởi cô đã khai thác một cách thành công đề tài không mấy quen thuộc là ngành công nghiệp xuất bản, xoáy trọng tâm vào một vấn đề vô cùng thời sự nhưng cũng dễ gây tranh cãi là chiếm dụng văn hóa. Tuy vậy giọng văn thì vẫn cuốn hút với các tình tiết được đan cài khéo léo, dẫn lối người đọc đi đến sau cùng.
Những bật mí mới về ngành xuất bản
Tác phẩm xoay quanh nhân vật chính June Hayward – một nữ tác giả không mấy tiếng tăm, người làm mọi cách để bản thân có thể nổi tiếng nhưng là bất khả. Trong khi đó bạn thân Anthena Liu – một nhà văn gốc Hoa lại được o bế và có thành công ngay khi ra trường với một loạt cuốn sách bán chạy và nhiều hợp đồng chuyển thể, trở thành triệu phú tự thân ở tuổi rất sớm. Trong một lần chứng kiến cái chết đột ngột của Anthena, June đã lấy trộm bản thảo tiểu thuyết Chiến trường cuối cùng mà Anthena đã hoành thành nhưng chưa công bố với ai. Đứng trước tham vọng cũng như những sự đè nén mà bản thân đã phải chịu đựng, June quyết định chỉnh sửa và phát hành nó dưới tên của mình. Nhưng khi sự việc dần bị phát hiện, cô cũng phải đối mặt với nỗi lo sợ lớn hơn về mặt sự nghiệp. Liệu bí mật ấy có bị phơi bày?
Ra mắt vào năm 2023, ý tưởng cho cuốn sách này nảy ra đương lúc các cuộc thảo luận về sự đa dạng trong ngành xuất bản đang lên cao trào khi nhiều người cho rằng các gương mặt bản địa không được đối xử một cách công bằng như những nhà văn da trắng. Thế nhưng thay vì viết về vấn đề mang tính bề mặt là phân biệt chủng tộc, thì R.F.Kuang lại mang đến một Đội lốt da vàng sâu sắc hơn, khốc liệt hơn khi khai thác sự o bế giả trá và trạng thái bất bình đẳng hiện tồn dù cho ở màu da nào. Có thể nói chính việc khai thác hướng đi ngách này đã khiến cuốn sách trở nên đặc biệt, không đấu tranh chung chung mà còn mang đến được tính bao quát, khi không phân biệt sự bất công ấy dành đến cho ai mà là toàn thể mọi người.
Trong Đội lốt da vàng, R.F.Kuang đã hơi gợi những câu hỏi sâu sắc và quan trọng hơn về sáng tạo và đạo đức con người.
Điều này đã được minh chứng trong việc nhân vật được o bế của cuốn sách sách này là thuộc về số ít. “Con dê tế thần” theo đó được những người nắm giữ quyền lực dựng nên để xoa dịu dư luận và tạo hình ảnh cho sự đa dạng của bản thân mình. Như June nói: “Ngành xuất bản chọn ra kẻ chiến thắng - một người đủ quyến rũ, đủ trẻ và đủ ngầu rồi đổ hết tiền tài và nguồn lực cho kẻ ấy. Nên tất nhiên Athena đã nhận được mọi điều tốt đẹp, vì ngành này là thế đấy. Quá sức tùy tiện. Hoặc có lẽ không tùy tiện, nhưng nó hoàn toàn dựa vào các yếu tố chẳng liên quan gì đến sự sắc sảo của những áng văn”. Có thể thấy R.F.Kuang đầy sự mỉa mai cho kế hoạch ấy, khi thay vì lựa chọn chất lượng văn chương, thì ngoại hình và tính đại diện ở nhiều khía cạnh lại quan trọng hơn.
Chẳng hạn, thay vì là một cái tên thuần phương Đông, thì tính Tây phương cũng chen vào đấy để sách có thể bán được. Từ họ Liu thoạt nghe ai cũng biết cô đến từ đâu, giờ với cái tên Athena vốn dĩ đại diện cho Thần Trí tuệ lại càng nghịch lý hơn bao giờ hết. Và cũng từ lí do đó mà Đội lốt da vàng đã đảo nghịch tình thế, khi người thất bại không phải là motif chung mà ta thường thấy mà hóa ra là một cá thể vô cùng điển hình của ngành công nghiệp này, một June Hayward tóc nâu, mắt nâu, đến từ Philly và dù có nỗ lực đến đâu cũng không thể nào trở thành Athena Liu - một cô gái da màu kì lạ, có xuất thân ngoại quốc và một câu chuyện dễ gây tranh cãi.
Những tiếng nói huyễn hoặc
Thế nhưng có thật là Anthena không có được sự sắc sảo của những áng văn? Ở đây R.F.Kuang càng đưa độc giả vào một vòng xoáy những diễn biến nội tâm của June bằng một ngôi kể không đáng tin cậy. Càng đọc cuốn sách ta càng phát hiện ra nhiều nghịch lí mà nhân vật này cố gắng che giấu. Chẳng hạn, ban đầu khi đọc bản thảo Chiến trường cuối cùng, cô đã coi đây là một tác phẩm đầy đủ bản lĩnh của một tiểu thuyết chất lượng, nhưng ngay sau đó lại phê phán nó và tự cho mình quyền động bút vào. June cũng không ít lần nhấn mạnh vào tình bạn thật sự của mình và Athena trong những ngày tuổi trẻ, nhưng rồi chỉ một phút sau, những gì từng có lại sẽ hiện diện dưới lớp vỏ cay nghiệt… Có thể thấy rằng những gì nhân vật đưa ra không đáng tin cậy. Nó không chỉ khắc họa thành công diễn biến tâm lí của cô, mà còn cho thấy những sự dồn nén cũng như đè nén có thể tạo ra những biến thái tâm lí đến mức độ nào.
R.F.Kuang đã khai thác một cách thành công đề tài không mấy quen thuộc là ngành công nghiệp xuất bản, xoáy trọng tâm vào một vấn đề thời sự nhưng cũng dễ gây tranh cãi là chiếm dụng văn hóa. Ảnh The New York Times.
Không dừng ở đó, R.F.Kuang cũng đã thử thách chính bạn thân mình bằng một cốt truyện được lần giở từ đầu. Thay vì chọn cách dễ triển khai hơn là đặt nghi vấn ai đã đánh cắp bản thảo của Athena, cô lại cho biết người đó là ai ngay đầu của sách. Điều này không chỉ khó hơn trong việc khai thác tâm lí nhân vật mà còn là sự tính toán để tác phẩm vẫn có thể duy trì được sức hút, khi mà chủ thể của tội ác đã được bật mí ngay từ rất sớm. Nhưng cho đến những trang cuối cùng, nữ tác giả vẫn mang đến được nhiều sự bất ngờ, qua đó cho ta thấy được tài năng của cô.
Ngoài những vấn đề mang tính cá nhân, R.F.Kuang cũng đã mang đến những vấn đề lớn hơn, khiến cho chính ta không ngừng suy ngẫm. Một mặt đó là sự phức tạp của giới xuất bản mà dễ thấy đó cũng là một mô hình thu nhỏ của xã hội này, nơi tiền bạc, địa vị và các mối quan hệ chi phối tất cả. Thêm vào đó, ranh giới giữa hư cấu và phi hư cấu, giữa những chia sẻ cá nhân và việc bóc trần nó với thế giới cũng được đặt ra qua thể loại mà Athena viết. Mặt khác, nó cũng đặt ra câu hỏi về việc chiếm dụng văn hóa và phân biệt chủng tộc vốn được bàn tán suốt các năm qua. Rằng ai được phép sử dụng chất liệu từ một nền văn hóa mình không dự phần và khai thác nó? Và nếu được phép thì việc làm ấy nên được giới hạn ở mức độ nào?
Các nhân vật trong cuốn sách này có thể thấy ít nhiều bàn tay của họ đều đã nhúng chàm, nhưng quan trọng hơn hết là thay vì nhận ra điều đó, họ lại tìm cách để cố giải thích cho điều mình làm, cố hợp lí hóa chính những điều ấy. Chẳng hạn, tuy khai thác câu chuyện của những nhân chứng có thật, thế nhưng thay vì công khai điều ấy, Athena lại tự tiện sử dụng mà không cân nhắc đến những tác động mà vết thương có thể rách toác khi bị nhắc lại. Và June cũng thế. Cô hận Athena vì đã sử dụng câu chuyện muốn quên của mình, để rồi “trả thù” bằng việc mình sẽ làm cho bản thảo của người bạn mình tốt hơn và tự huyễn hoặc sẽ không ai biết. Giữa một cuộc chơi xô bồ và nhiều quy tắc, các nhân vật này đã đánh mất khả năng kiểm soát và để cuộc chơi tự định hình mình.
Có thể thấy từ những vấn đề tương đối thức thời của ngành xuất bản, trong Đội lốt da vàng, R.F.Kuang còn khơi gợi những câu hỏi sâu sắc và quan trọng hơn về sáng tạo và đạo đức con người. Đây có thể nói là một tác phẩm hấp dẫn về mặt hành văn và đầy thú vị trong cách câu chuyện được sắp xếp và khai triển, qua đó định hình một tiếng nói mới của văn chương thế giới.
ANH ĐOÀN
VNQD