Barbara Taylor Bradford: Tôi muốn mình là một nhà văn thương mại - một người kể chuyện theo bất cứ nghĩa nào

Thứ Sáu, 06/12/2024 00:00

Nhà văn Barbara Taylor Bradford bắt đầu với thành công vang dội của tiểu thuyết đầu tay Người đàn bà đích thực ra mắt vào năm 1979. Bốn thập kỉ qua, hơn 40 tác phẩm của bà đã bán được hơn 90 triệu bản, dịch ra hơn 40 ngôn ngữ trên toàn thế giới và tất cả đều là những cuốn lọt vào danh sách bán chạy. Bà vừa qua đời ngày 1/12 tại nhà riêng ở Manhattan (Mĩ), hưởng thọ 91 tuổi.

Nhà văn có di sản đồ sộ

Barbara Taylor Bradford có 10 tác phẩm đã được chuyển thể thành phim truyền hình và mini series thu hút được sự quan tâm của đại đa số khán giả. Với những thành công như đã nói trên, bà cũng như các nhân vật của mình – đã có hành trình vươn lên “thoát nghèo” và nổi tiếng toàn cầu với khối tài sản tích lũy ước tính trị giá 300 triệu USD.

Bradford sinh ra tại Anh trong một gia đình lao động chăm chỉ và đã truyền cảm hứng cho một số tiểu thuyết của bà. Cha bà mất một chân trong Thế chiến thứ nhất, mẹ bà sinh ra ngoài giá thú và bà ngoại bà từng làm việc trong một trại tế bần dành cho người nghèo. Bà bỏ học năm 15 tuổi, trở thành một nhà báo, kết hôn với một nhà sản xuất phim người Mĩ và sau đó sống 60 năm ở New York. Bà là một tiểu thuyết gia “tự học” và xuất bản tác phẩm đầu tiên ở tuổi 46.

Tập trung khai thác những bối cảnh đặc biệt, các mối quan hệ phức tạp, những cái chết bí ẩn và nhiều bữa tiệc tai tiếng, Bradford đã kể những câu chuyện về tình yêu và sự trả thù, sự không chung thủy và đau khổ, từ đó đưa những người phụ nữ mạnh mẽ vào cuộc sống xa hoa của những người đàn ông đẹp mã sống trong những dinh thự lớn ở London hoặc Manhattan. Trong đó nhiều tiểu thuyết được phát triển lên thành những bộ sách dài tập không ngừng khiến các độc giả quan tâm theo dõi.

Trong văn giới, có thể nói bà là một trong những nhà văn nghiện công việc nhất, bằng chứng là một di sản vô cùng đồ sộ. Phải kể đến là bộ saga về nhân vật Emma Harte, tính đến cuốn mới nhất là A Man of Honour ra mắt vào năm 2021 đã lên đến con số 8. Bộ sách kể về người phụ nữ cùng tên, người từ một cô hầu gái đã vươn lên để xây dựng đế chế là một chuỗi cửa hàng bách hóa toàn cầu. Ngoài ra, bà cũng có chuỗi saga khác là Ravenscar Trilogy xoay manh một đế chế kinh doanh gia đình dưới thời vua Edward và hàng chục tiểu thuyết độc lập khác.

Nữ quyền và những tranh cãi

Trong việc sáng tạo, bà tự coi mình là một nhà nữ quyền và tác phẩm của bà là biểu hiện của chủ nghĩa nữ quyền. Tuy vậy, các nhà phê bình lại cho rằng cốt truyện của bà khuôn mẫu, dài dòng và dễ đoán, trong khi lời thoại của các nhân vật thì lại cứng nhắc. Ngoài ra, một số người cũng chế giễu tuyên bố của bà về chủ nghĩa nữ quyền và cho rằng chủ đề về những người phụ nữ mạnh mẽ vươn lên nắm quyền chỉ nhằm mục đích chiếm được trái tim của phần lớn độc giả là phụ nữ thôi.

Sophie Harrison – nhà báo của tờ The New York Times – khi nói về cuốn tiểu sử của bà do Piers Dudgeon chấp bút đã chia sẻ rằng: “Các nữ anh hùng của Bradford giống với tác giả ở sự giàu có và quyết tâm phi thường - và bởi vì tác giả có nét tương đồng với Margaret Thatcher[1] về tầm vóc và tư tưởng cầu tiến - nên không có gì sai lầm khi nói Bradford là người theo chủ nghĩa nữ quyền. Tuy vậy, thế giới mà bà dựng xây vẫn là một nơi mà phụ nữ chẳng là gì nếu không có chồng”.

Bất kể những khuyết điểm dưới tư cách là một nhà văn, thế nhưng bà vẫn thu hút hàng triệu độc giả và thành công của bà là không thể phủ nhận. Cuốn tiểu thuyết Người phụ nữ đích thực đã bán được hơn 30 triệu bản. Mở đầu bằng cảnh Emma Harte ở tuổi 78 phát hiện ra âm mưu của những đứa con, nhằm hạ bệ mình khỏi vị trí người đứng đầu của đế chế cửa hàng bách hóa mà bà sáng lập, cuốn sách đã cho người đọc hồi tưởng chi tiết về sự thăng tiến từ công việc trong một gia đình ở vùng Yorkshire vào đầu thế kỉ 20 cho đến những cuộc hôn nhân, chuyện tình cảm, sự ganh đua trong kinh doanh và những âm mưu tàn nhẫn trong phòng họp trên con đường vươn lên đỉnh cao... đã được tái hiện.

Những cuốn tiểu thuyết tiếp theo của bà là những cuốn sách bán chạy nhất ở tới 90 quốc gia. Năm 1981, nhờ doanh số mở bán sớm của cuốn tiểu thuyết đầu tay, người đại diện của bà, Morton L. Janklow, đã bán 2 cuốn tiếp theo còn chưa thành hình cho nhà xuất bản Doubleday với giá 3 triệu USD và là một trong những hợp đồng xuất bản lớn nhất ở thời điểm đó. Khi sự nghiệp phất lên, Bradford đã trở thành công dân Hoa Kì vào năm 1992 và nhận được nhiều giải thưởng danh dự, bao gồm Huân chương Đế chế Anh được Nữ hoàng Elizabeth II trao tặng vào năm 2007.

Nhiều tiểu thuyết của Barbara Taylor Bradford đã quen thuộc với độc giả Việt Nam

Con đường đến với văn chương

Barbara Taylor sinh ra tại vùng ngoại ô Leeds, Yorkshire vào ngày 10/5/1933 với cha là Winston và mẹ là Freda Walker Taylor. Trước khi chào đời, cha mẹ bà có một người con trai là Vivian nhưng đã qua đời vì viêm màng não. Cha bà là một kĩ sư công nghiệp sau đó bị sa thải trong thời Đại suy thoái. Mẹ bà, một y tá, đã nuôi sống cả gia đình. Theo người viết tiểu sử của Bradford, bà ngoại của bà từng là người hầu của một hầu tước Yorkshire và sinh ra ba người con cho ông, bao gồm cả mẹ của bà.

Cha mẹ bà đã ủng hộ giấc mơ viết lách ở thuở ban sơ của Barbara, mua cho bà một chiếc máy đánh chữ khi bà 10 tuổi và giới thiệu bà đến với văn học, opera và sân khấu. Khi còn là thiếu niên, bà đã đọc Charles Dickens, chị em nhà Brontë, Thomas Hardy và tiểu thuyết gia người Pháp Colette. Sau này, bà đã hư cấu cuộc hôn nhân của họ vào cuốn tiểu thuyết Act of Will ra mắt vào năm 1986.

Khi trưởng thành, bà bỏ học để làm công việc đánh máy tại tờ The Yorkshire Evening Post và sớm trở thành phóng viên tập sự. Năm 20 tuổi, bà đến London, trở thành biên tập viên thời trang và đứng mục cho tờ The Evening News. Bà cũng chuyên viết tiểu sử cho người nổi tiếng, và có lẽ những câu chuyện mà bà nghe được đã trở thành nguồn cảm hứng lớn mà bà mang vào các tác phẩm sau này của mình.

Năm 1963, bà kết hôn với nhà sản xuất phim Robert Bradford và chuyển đến New York. Bà trở lại nghề báo và trong 15 năm đã viết các chuyên mục về thiết kế nội thất. Vào những năm 1960, bà cũng xuất bản những tác phẩm dành cho trẻ em và bộ ba tác phẩm có tên gọi chung Làm thế nào để trở thành một người vợ hoàn hảo?. Sau đó, bà đã biên tập lại các chuyên mục báo của mình thành một loạt sách về trang trí nội thất.

Bà đã hi vọng mình có thể viết một cuốn tiểu thuyết từ lâu, và trong những năm làm báo, bà đã thực hiện những nỗ lực nghiêm túc đầu tiên là cho ra đời 4 câu chuyện hấp dẫn về những người phụ nữ mạnh mẽ lấy bối cảnh ở Pháp hoặc Bắc Phi. Tuy vậy, bà đã từ bỏ từng bản thảo chưa hoàn thành sau vài trăm trang và kết luận rằng tất cả đều thiếu chân thực. Quyết tâm cải thiện điều đó, Bradford đã trở về Yorkshire để nghiên cứu cuộc sống vào đầu thế kỉ 20 và đến London để nghiên cứu Thế chiến thứ nhất. Sau đó, trong cái mà bà gọi là “cơn bùng nổ sáng tạo”, bà bắt đầu viết câu chuyện về một cô hầu gái vươn lên lãnh đạo một đế chế kinh doanh mà như ta biết là cuốn tiểu thuyết lớn nhất của mình.

Bà từng chia sẻ vào năm 1997: “Độc giả nước Mĩ phần lớn là phụ nữ và họ muốn đọc về những người thành công trong cuộc sống của mình. Hầu hết các tiểu thuyết về tiền bạc và quyền lực ngày nay đều là về đàn ông. Tôi sẽ không đi vào lịch sử như một nhân vật văn học vĩ đại vì tôi muốn mình là một nhà văn thương mại - một người kể chuyện theo bất cứ nghĩa nào. Tôi nghĩ mình sẽ luôn viết về những người phụ nữ mạnh mẽ. Tuy nhiên, tôi không có ý nói đến mặt tính cách mà là những người sở hữu bản lĩnh đặc biệt.”

LINH TRANG dịch từ The New York Times


[1] Cựu Thủ tướng Anh, người được mệnh danh là “người đàn bà thép”.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)