Nữ văn sĩ Quỳnh Dao, người được mệnh danh là “bà hoàng truyện ngôn tình” đã chính thức li biệt công chúng vào ngày 4/12/2024 ở tuổi 86, theo hình thức tự chọn lựa từ giã cõi đời. Sự ra đi của bà khiến cho nhiều độc giả không chỉ ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và nhiều quốc gia Châu Á lưu tâm và có cảm xúc tiếc thương, và đánh động tâm tình của nhiều thế hệ công chúng Việt Nam.
Cuộc đời thăng trầm như tác phẩm
Nhà văn Quỳnh Dao có tên thật là Trần Triết, tên thường gọi là Phượng Hoàng. Sau này, cũng có khi bà lấy bút danh là Phượng Hoàng, Tâm Như. Quỳnh Dao sinh ra trong một gia đình trí thức tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Cha bà tên là Trần Chí Bình, một giáo sư sử học, quê gốc ở Tứ Xuyên, chỉ chuyên tâm giảng dạy và viết sách. Mẹ của Quỳnh Dao là Viễn Hành Như, một tiểu thư khuê các quê gốc ở Giang Tô và lớn lên ở Bắc Kinh. Bà Viễn Hành Như am hiểu thơ, nhạc, họa và có ảnh hưởng đến tư chất của Quỳnh Dao rất nhiều. Từ thuở nhỏ, Quỳnh Dao đã được mẹ dạy dỗ chu đáo, bắt đọc thơ Đường, xem sách vở văn chương. Cha mẹ của Quỳnh Dao gặp gỡ, nên duyên và lấy nhau khi ông Trần Chí Bình đang dạy ở trường trung học Lưỡng Cát ở Bắc Kinh và bà Viễn Hành Như là một nữ sinh ở đó. Theo hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ thì đây là một cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối và vượt qua ngoài lễ giáo phong kiến giữa thầy và trò, giữa một tiểu thư khuê các và một bạch diện thư sinh nghèo. Chính cuộc hôn nhân của cha mẹ cùng với cuộc đời tình cảm nhiều thăng trầm của Quỳnh Dao đã tạo nhiều cảm hứng cho bà viết nên những tác phẩm “đốn tim” nhiều độc giả Châu Á, đặc biệt là những phụ nữ trẻ.
Nhà văn Quỳnh Dao thời trẻ.
Thời thơ ấu của Quỳnh Dao trải qua những loạn lạc của chiến tranh, trong bối cảnh Nhật chiếm đóng Trung Quốc và cuộc giằng co giữa lực lượng Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch và những người cộng sản Trung Hoa. Ông Trần Chí Bình đưa vợ về Tứ Xuyên sinh sống và Quỳnh Dao là chị cả, ra đời tại đó. Khi còn nhỏ tuổi, Quỳnh Dao phải theo gia đình chạy loạn ở nhiều nơi, từ Tứ Xuyên, Hồ Nam, Trùng Khánh, Thượng Hải rồi lại quay về Hồ Nam… Trên đường đi, lúc ngồi thúng cho người ta gánh, lúc đi bộ, lúc đi thuyền, khi thì được ôm trên lưng ngựa… Quỳnh Dao đã chứng kiến nhiều thảm cảnh đau thương của chiến tranh, những thân phận mong manh của con người giữa cõi sống và cõi chết. Những kí ức ấy hằn sâu trong tâm trí còn non nớt của cô bé Quỳnh Dao yếu đuối, nhạy cảm, làm ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng, nhân sinh quan của Quỳnh Dao khi viết văn. Ở độ tuổi 16, bà tự tử lần đầu không thành chỉ vì những mâu thuẫn với cha mẹ khi bị so sánh chuyện “học dốt” với những đứa em “học giỏi” trong nhà.
Năm 1949, gia đình Quỳnh Dao đi định cư ở Đài Loan. Tại đây, Quỳnh Dao đã có một cuộc đời đặc biệt thăng trầm với đủ hỉ nộ ái ố về tình cảm.
Khi nói về cuộc sống cá nhân của Quỳnh Dao, có ba mối tình hay được nhắc đến. Mối tình đầu tiên khi bà còn là nữ sinh trung học, yêu người thầy giáo dạy văn lớn hơn 25 tuổi, đã góa vợ. Thầy trò cảm mến nhau vì chung niềm đam mê văn chương, đa sầu, đa cảm đối với cuộc đời. Mối tình bị cha mẹ Quỳnh Dao phản đối quyết liệt và bằng mọi giá bắt hai người phải chia tay, kể cả việc phụ huynh đến tận nhà trường để trình bày. Quỳnh Dao đành chấp nhận chia tay mối tình đầu với thêm một lần tự tử không thành. Người thầy giáo bị điều xuống nông thôn dạy học và sau đó ông vẫn sống một mình cho đến khi qua đời.
Mối tình thứ hai đến khi Quỳnh Dao 21 tuổi. Bà gặp Khánh Quân là một thầy giáo tiếng Anh đang ôm mộng văn chương, lớn hơn bà 6 tuổi. Hai người nhanh chóng kết hôn chỉ sau bảy tháng quen biết. Quỳnh Dao ở nhà làm nội trợ và bắt đầu viết văn với những truyện ngắn đầu tay đăng báo. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ nghèo túng, thiếu tiền, quan niệm văn chương bất đồng và đỉnh điểm là Khánh Quân khó chịu sau khi tiểu thuyết đầu tay “Song ngoại” với nhiều chi tiết về mối tình đầu của Quỳnh Dao được xuất bản và gây được tiếng vang, tái bản đến lần thứ ba chỉ trong một thời gian ngắn. Trong khi đó Khánh Quân thì viết văn không thành công, dù tự nhận là văn chương hơn hẳn vợ. Hai người chia tay sau 5 năm chung sống và có chung một người con trai.
Quỳnh Dao và ông Bình Hâm Đào, người chồng sau của bà.
Sau khi li dị, Quỳnh Dao tập trung vào việc viết văn chuyên nghiệp, sống bằng nghề văn. Người chính thức khám phá ra “mỏ vàng” văn chương Quỳnh Dao là ông Bình Hâm Đào, Tổng Biên tập kiêm chủ nhân tạp chí “Hoàng Quán”. Quỳnh Dao viết nhiều truyện ngắn và vừa đăng trên tạp chí này. Mối quan hệ công việc nhanh chóng chuyển thành tình yêu, dù ông Bình Hâm Đào đã có vợ con. Ông Bình Hâm Đào từ người bảo trợ, người quản lý việc xuất bản tác phẩm của Quỳnh Dao, trở thành người yêu và cũng là người chồng sau này. Mối tình kéo dài nhiều năm và nhà văn Quỳnh Dao trở thành kẻ thứ ba cho đến khi ông Bình Hâm Đào chính thức ly hôn vợ. Hai người kết hôn với nhau năm 1979, khi Quỳnh Dao 41 tuổi. Vì thế, dù sau này mở công ty làm phim, mang nhiều ích lợi cho cả gia tộc họ Bình, song mối quan hệ giữa Quỳnh Dao và ba người con riêng của chồng không tốt, thậm chí hai bên còn tranh cãi nhau công khai trên Facebook cá nhân trong những năm cuối đời của Quỳnh Dao. Với ba người con riêng của ông Bình Hâm Đào, Quỳnh Dao chính là người phụ nữ đã làm tổn thương sâu sắc người mẹ của họ, và tình yêu mà bà hãnh diện chẳng có gì đáng để được ca ngợi vì nó được đánh đổi bằng nỗi đau và sự hy sinh của người vợ chính thức.
Cuộc đời của Quỳnh Dao được nhiều độc giả xem là li kì, hấp dẫn còn hơn những trang sách do bà viết ra. Hoặc cũng có thể nói theo một cách khác, bà đã đưa nhiều yếu tố tự truyện vào trong những tác phẩm của mình.
“Bà hoàng tiểu thuyết diễm tình”
Thông tin về Quỳnh Dao luôn duy trì sức thu hút từ khi bà bắt đầu nổi tiếng với văn chương. Báo chí liên tục đăng tin tức về bà. Mỗi tác phẩm bà viết ra hay thực hiện thành phim đều thu hút rất đông công chúng đại chúng. Bà được xem là người khai sinh ra dòng tiểu thuyết diễm tình hay ngôn tình hiện đại ở Châu Á. Cho dù lúc sinh thời, nhiều nhà phê bình hàn lâm không đánh giá cao văn chương của nhà văn Quỳnh Dao, thậm chí xếp những tác phẩm của bà là “văn chương bình dân” (popular literature), cận văn học (sub literature), hay văn chương giải trí, thì tác phẩm của Quỳnh Dao, dù là sách hay chuyển thể thành phim vẫn được đón đọc và xem tại Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Việt Nam… với một lượng công chúng khổng lồ khiến nhiều nhà văn mơ ước.
Sau khi Quỳnh Dao ngưng sáng tác, bắt đầu từ đầu thập niên 2000 cho đến nay, tại Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và một số quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam, đã rầm rộ nổi lên trào lưu những tác giả nữ viết truyện ngôn tình và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Một trong vô số tác phẩm của Quỳnh Dao được xuất bản tại Việt Nam.
Các tác phẩm của Quỳnh Dao đều có chung một phong cách viết, với văn phong, bút pháp giống nhau. Đó là cách kể chuyện truyền thống theo trình tự thời gian, có phân tích tâm lý nhân vật khá tỉ mỉ, miêu tả chi tiết kĩ lưỡng và luôn có một kết thúc rạch ròi, không bỏ lửng, không đánh đố tác giả. Motif thường thấy là đôi lứa tình cờ gặp gỡ rồi yêu nhau, trải qua nhiều trắc trở, thậm chí liên quan đến rất nhiều ân oán tình thù của cả thế hệ trước, rồi mới được hạnh phúc, đoàn viên, hoặc nếu có mất mát, đau thương thì cũng tràn đầy cảm xúc đẹp và lãng mạn. Trong hồi kí của Quỳnh Dao mang tên “Chuyện đời tôi”, bà tự nhận mình chỉ là “người kể chuyện”. Khi cãi nhau với người chồng đầu tiên về việc viết văn, đáp lại lời chê của người chồng Khánh Quân, cho rằng văn của bà thiếu chiều sâu, Quỳnh Dao đã trả lời: “Thì anh cứ lo viết những tác phẩm bất hủ, nổi danh, lưu truyền hậu thế của anh đi, để tôi viết những câu chuyện không có chiều sâu của tôi! Tôi chỉ muốn kể chuyện, thích kể chuyện. Tôi bất tài, thiếu học. Viết được, có chỗ đăng là tôi thấy thoả mãn rồi!” (Quỳnh Dao, “Chuyện đời tôi”, Phạm Hồng Hải dịch, Nxb Hội nhà văn, 2001, trang 260-261).
Trong video clip bà ghi để lại lúc giã từ cõi đời, đăng trên Facebook cá nhân, Quỳnh Dao vẫn gửi đến công chúng những lời lẽ tràn đầy tình cảm lãng mạn và tươi sáng: "Khi hoa tuyết bắt đầu rơi, lòng tôi ngân nga tiếng hát. Tôi đã đi qua núi đồi gập ghềnh, gặp phong ba bão táp, để lại là, từng chữ, từng câu, từng cuốn sách. Ai cắm một bông hoa tươi trên tuyết, nắng chiếu cho hoa hồng xinh tươi đến vậy. Như là tuyết và lửa trong tim tôi. Bất luận tốt xấu, đúng sai, tôi luôn theo đuổi khoảnh khắc mặt trời mọc, mặt trời lặn. Tôi tin tình yêu ở nhân gian, lòng trong trẻo như ngày hôm qua".
KỲ HOÀNG
VNQD