Nhà văn đoat giải Nobel Văn chương 2023 - Jon Fosse - đã được lấy tên để đặt cho một giải thưởng vinh danh dịch giả với sứ mệnh mang văn học Na Uy ra với thế giới. Trong khi đó một tiểu thuyết Nhật Bản đã được các nhà bán sách ở Anh bình chọn là “tiểu thuyết của năm”, còn nhà văn Úc Alexis Wright tiếp tục nhận giải thưởng mới, nối dài thành tích riêng trong năm nay của bản thân bà.
Na Uy ra mắt giải thưởng Jon Fosse dành cho dịch giả văn học
Được đặt theo tên của tiểu thuyết gia và nhà viết kịch người Na Uy Jon Fosse, giải thưởng Fosse dành cho dịch giả văn chương vừa ra mắt sẽ trao thường niên cho một cá nhân khoản hiện kim 500.000 NOK (khoảng 1,2 tỉ VNĐ) vì đã "đóng góp đặc biệt quan trọng vào việc chuyển ngữ văn học Na Uy sang ngôn ngữ khác". Với số tiền này, đây sẽ là một trong những giải thưởng lớn nhất ở châu Âu vinh danh dịch giả - những người thường đứng sau, bị trả lương thấp và phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ AI.
Dịch giả Hinrich Schmidt-Henkel là người chiến thắng đầu tiên của giải Fosse
Được biết giải này được chính phủ Na Uy tài trợ và được Thư viện Quốc gia tại Oslo quản lí, dành riêng cho những cá nhân chuyển ngữ tiếng Bokmål và Nynorsk – 2 ngôn ngữ viết chính thức của Na Uy – sang các thứ tiếng khác. Aslak Sira Myhre, giám đốc Thư viện Quốc gia Na Uy cho biết: “Đối với một ngôn ngữ nhỏ như tiếng Na Uy, công việc của những dịch giả là rất quan trọng. Đây là một công việc khó khăn, đòi hỏi sự sáng tạo nhằm đưa văn học đến gần hơn nữa với các nền văn hóa, nhưng lại thường xuyên vô hình”.
Chủ nhân đầu tiên của năm nay là một trong những dịch giả lâu năm của Fosse: Hinrich Schmidt-Henkel - người đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm của ông sang tiếng Đức. Tuy vậy ban tổ chức cũng làm rõ rằng việc dịch tác phẩm của người mà giải thưởng mang tên không phải là lí do chính. Chia sẻ về vinh hạnh này, Schmidt-Henkel cho biết: “Giải thưởng này giống như một dạng Nobel dành cho các dịch giả vậy”.
Ngoài giải thưởng dịch thuật, thủ đô Oslo sẽ còn tổ chức một chuỗi bài giảng thường niên cũng mang tên Fosse. Theo đó bài giảng đầu tiên sẽ được tổ chức tại Cung điện Hoàng gia vào tháng 4 năm sau bởi triết gia và nhà thần học người Pháp Jean-Luc Marion - cựu học trò của triết gia vĩ đại Jacques Derrida và là một trong những "người bất tử" của Viện Hàn lâm Pháp.
Đây có thể nói là một bước tiến khi các cuộc khảo sát điều kiện làm việc gần đây của Hội đồng Hiệp hội Biên dịch Văn học Châu Âu (CEATL) cho thấy các dịch giả toàn thời gian và nhiều kinh nghiệm hiếm khi chỉ sống bằng nghề dịch thuật. Một báo cáo vào năm 2022 của Hiệp hội Tác giả Hoa Kì cho biết 63,5% biên dịch viên cho biết thu nhập hàng năm từ việc chuyển ngữ là dưới 10.000 USD (hay 21 triệu VNĐ/tháng) .
Chuỗi hiệu sách Waterstones tìm ra cuốn sách của năm
Các nhà bán sách thuộc chuỗi cửa hàng Waterstones lớn nhất nước Anh gần đây đã chọn tiểu thuyết Butter lấy cảm hứng từ một vụ giết người liên hoàn của nữ nhà văn Nhật Bản Asako Yuzuki do Polly Barton chuyển ngữ là cuốn sách của năm. Trong khi đó, cuộc phiêu lưu thú vị I Am Rebel của Ross Montgomery cũng được vinh danh tại hạng mục dành cho trẻ em.
Butter của Asaki Yuzuki đã trở thành cuốn sách của năm được chuỗi cửa hàng Waterstones Anh Quốc bình chọn
Lấy cảm hứng từ vụ án có thật về "sát thủ konkatsu" đã đầu độc 3 người tình bằng những món ăn mà mình tự nấu, Butter kể về một nhà báo bị ám ảnh và lên đường khám phá những bí ẩn về tên sát nhân này. Đánh giá về cuốn sách này, tờ The Guardian nhận định: “Đây là một câu chuyện khơi gợi suy nghĩ và mang lại cảm giác dễ chịu một cách đáng ngạc nhiên về tình bạn, những thú vui vượt quá giới hạn và những kì vọng trái ngược đến mức không thể tưởng tượng của xã hội hiện đại đối dành cho phụ nữ" .
Chia sẻ về danh dự này, Yuzuki cho biết cô "thực sự vui mừng" khi Butter được vinh danh là cuốn sách của năm. Nữ nhà văn chia sẻ: "Tôi thấy vô cùng hạnh phúc. Đây là món quà Giáng sinh tuyệt vời nhất mà tôi có thể mong đợi." Cô hi vọng cuốn sách sẽ truyền cảm hứng để độc giả đặt ra câu hỏi về các chuẩn mực xã hội. Trong khi đó, Bea Carvalho - giám đốc ngành sách tại Waterstones - cho biết cuốn tiểu thuyết này "là tác phẩm được lan tỏa mạnh mẽ nhất bằng cách truyền miệng. Nó hấp dẫn và nhanh chóng trở thành cuốn sách được bàn tán nhiều nhất trong một năm qua".
Theo đó mỗi năm, các cửa hàng sách Waterstones được yêu cầu đề cử một cuốn sách mà họ đặc biệt yêu thích để giới thiệu cho độc giả. Từ đây, danh sách rút gọn gồm 15 cuốn sẽ được hình thành, cuối cùng thì một hội đồng sẽ chọn ra 2 người chiến thắng. Được biết 2 người chiến thắng sẽ nhận được "sự hỗ trợ toàn diện và tận tâm của các cửa hàng và hiệu sách Waterstones trên khắp Vương quốc Anh” trong việc quảng bá tác phẩm của mình.
Alexis Wright lập cú hattrick cho tiểu thuyết mới
Một trong những ứng cử viên sáng giá nhất của giải Nobel Văn chương năm nay, nhà văn người Waanyi bản địa đã giành cú đúp ở giải Miles Franklin và Stella danh giá nhất nước Úc cho cuốn Praiseworthy – Alexis Wright – đã tiếp tục được vinh danh tại giải Melbourne trị giá gần 1.5 tỉ đồng cho sự nghiệp đồ sộ và những đóng góp của mình cho nền văn hóa Úc. Tổng cộng số tiền từ 3 giải thưởng mà bà có được chỉ trong năm nay là 5 tỉ đồng.
Tiểu thuyết Praiseworthy của Alexis Wright tiếp tục được vinh danh
Giải thưởng Melbourne theo đó được trao 3 năm một lần nhằm vinh danh một nhà văn ở bang Victoria có “tác phẩm đã xuất bản đóng góp nổi bật cho nền văn học Úc cũng như cho đời sống văn hóa và trí tuệ Úc”. Những người chiến thắng trước đây gồm Christos Tsiolkas, Alison Lester và Helen Garner. Wright theo đó là một thành viên của dân tộc Waanyi ở vùng cao nguyên phía nam vịnh Carpentaria, nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết Carpentaria giành giải Miles Franklin 2006 và cuốn hồi kí Tracker giành giải Stella 2017.
Tiểu thuyết mới nhất của bà, tác phẩm lớn dài 736 trang mang tên Praiseworthy, được tờ The New York Times mệnh danh là "tiểu thuyết Úc đầy tham vọng và thành công nhất trong thế kỉ này". Tính cho đến nay, cuốn sách đã giành được giải Miles Franklin, giải Stella, giải Văn học Queensland và giải James Tait Black của Vương quốc Anh. Với 10 phần và được viết bằng thứ văn xuôi lặp đi lặp lại có tính diễn ngôn, Praiseworthy đã khám phá những tác động sâu sắc của hơn 2 thế kỉ thực dân thông qua câu chuyện về một thị trấn thổ dân xa xôi bị bao phủ bởi một làn sương mù bí ẩn.
Evelyn Araluen – một trong những giám khảo của giải Melbourne năm nay - cùng nhà văn Tsiolkas và biên tập viên Michael Williams cho biết: “Mặc dù có nhiều nhà văn xuất chúng ở Melbourne, nhưng có thể nói Alexis là hiện thân của sự xuất sắc cùng thứ văn chương có sức biến đổi đối với độc giả bất kể họ có phải là người bản xứ hay không. Được đọc tác phẩm của bà là một vinh dự đối với chúng tôi, và chúng tôi cũng rất vinh hạnh khi có thể khẳng định thêm một lần nữa thành tựu của bà qua giải thưởng này.”
Wright cho biết Praiseworthy là tác phẩm được mình sáng tạo suốt một thập kỉ và là sản phẩm của “suy nghĩ không ngừng và lao động trong thời gian dài với rất nhiều khởi đầu sai lầm, làm lại và cải biến cho đến khi hoàn toàn chắc chắn mọi trang, mọi phần của nó đều đứng vững và không thể bị đạp đổ”.
TRIỀU DƯƠNG dịch từ The Guardian
VNQD