Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Thứ Sáu, 12/04/2024 14:10

. TỐNG PHƯỚC BẢO
 

Truyện ngắn Như lục bình trôi được tạp chí Văn nghệ Quân đội in vào số 956 phát hành tháng 1 năm 2021. Tôi nhớ rõ vì đó là một câu chuyện dài, và nhiều lần tôi muốn dừng lại không viết ra nó. Bởi tôi sợ mình không thể chuyển tải trọn vẹn những gì mà nhân vật gởi gắm vào tôi, cả những điều mình muốn nói thông qua truyện ngắn này. Đến Tết Nguyên đán năm đó, tôi mới cầm tờ tạp chí đăng truyện về tìm nhân vật của mình. Đêm 27 Tết, tôi ngồi ngay bờ kè Tân An của Long An với Diễm và má Năm, hai nhân vật trong truyện. Hơn 12 giờ đêm, son phấn vẫn chưa tẩy rửa, xiêm y vẫn lấp lánh, từng vòng khói thuốc bay phảng phất theo ngọn gió Tết, hai nhân vật chụm đầu vào đọc. Tôi hồi hộp chờ họ. Chê cũng được hay thậm chí la tôi đi bởi tôi viết điều gì đó mà chưa hỏi ý họ. Nhưng, họ cầm tờ tạp chí úp vào lòng. Cười bâng quơ. Nước mắt rơi lặng vào đêm.

Tôi có cậu bạn cùng quê An Giang tên Dưỡng, chính là Diễm của tôi trong tác phẩm này. Dưỡng ngày đó cùng học cấp hai ở một trường trên Sài Gòn với tôi. Dưỡng được ba má chuyển từ An Giang lên Sài Gòn học vì Dưỡng khác người. Dưỡng nhảy dây, chơi banh đũa, búp bê… Ba má Dưỡng giàu có tiếng ở Long Xuyên, thuộc dạng dân có máu mặt nên gởi Dưỡng cho một người dì trên thành phố để hi vọng nơi xa lạ và môi trường mới khiến Dưỡng thay đổi mạnh mẽ hơn. Dưỡng ngày đó vào lớp ít nói, lầm lì, da trắng, dáng mảnh khảnh. Và kì thực, ở Sài Gòn chẳng ai quan tâm Dưỡng là gì, bởi việc học gần như chiếm trọn thời gian của chúng tôi. Nhưng, chúng tôi vẫn biết Dưỡng “pê-đê”. Chẳng ai chọc ghẹo hay bỡn cợt, mà trong cái lớp chúng tôi thời ấy cũng vài đứa chứ đâu phải chỉ riêng Dưỡng.

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi. Chỉ kịp ghi lại số điện thoại bàn, số nhà tôi để sau này liên lạc. Và Dưỡng mất hút đâu đó chục năm giữa biến thiên cuộc người. Đâu đó chừng năm tôi 25 tuổi, cũng một đêm gần cuối năm, Dưỡng chạy đến nhà tôi trên một chiếc xe Wave. Dưỡng để tóc dài ngang vai, nhuộm vàng, da trắng, và mặc đồ con gái. Chúng tôi chở nhau ra Ca 3, một quán nhậu nức tiếng ở Sài Gòn nằm trên đường Lê Hồng Phong, một tụ điểm về đêm của những người đồng tính thời đó. Dưỡng ngày ấy chưa đủ tiền chuyển đổi giới tính, nên chỉ đi bơm silicon vào ngực để giống con gái. Dưỡng kể mình đi theo đoàn hát lô tô và mấy bữa nay đoàn về diễn ở gần Đầm Sen nên mới tìm đường về nhà tôi. Hên là tôi vẫn ở chỗ cũ chứ nếu không thì chẳng có cuộc tao phùng này. Dưỡng bảo tôi gọi là Diễm, chứ ăn mặc như vậy gọi cái tên Dưỡng nghe trớt quớt. Chúng tôi nối lại liên lạc với nhau. Thỉnh thoảng tôi vẫn hay nhắn Dưỡng hỏi thăm chuyện đi hát. Thường khi nào đoàn về diễn gần Sài Gòn, Diễm điện thoại hẹn tôi vào ngày được nghỉ.

Vậy nên, viết về lô tô tôi nghĩ ngay đến Diễm. Người bạn ngày xưa không hề biết chuyện tôi viết lách. Bạn chỉ biết tôi làm việc văn phòng, như rất nhiều đồng nghiệp tôi hiện nay cũng chẳng biết. Tôi muốn viết, nhưng sẽ là những câu chuyện thực, bởi chẳng ai có thể hư cấu mà không từ một chất liệu hiện hữu. Sự sáng tạo phải nằm trên một cái nền tảng nào đó mới có thể khởi nguồn được. Liệu Diễm có chịu kể? Bởi nhiều người như Diễm đã từ chối ngồi lại kể câu chuyện đời mình. Chẳng ai muốn phơi riêng tư đau khổ của quãng đời cũ. Giờ đã sang trang mới, lật lại mấy cái cũ càng đôi khi khiến mình lại buồn tủi thêm một lần nữa. Phần lớn cuộc đời của mấy người hát lô tô đều nghiệt ngã và đau đớn lắm!

Ngoài Diễm, tôi cũng đến với hai đoàn hát lô tô nổi tiếng sáng đèn hằng đêm ở Sài Gòn dạo đó là Sài Gòn Tân Thời và Hương Nam. Tôi đến, và muốn nghe, dẫu quen biết nhưng họ đều ngại ngùng. Kể làm chi? Kể được gì? Văn chương liệu có là một mảnh đất để họ được chắp cánh cho lời thật lòng của mình. Văn chương là điều gì đó rất xa vời trong tâm trí người hát lô tô. Với họ đời là thực, văn chương luôn bay bổng ở một tầng trời nào đó mà số phận những người như họ khó với tới. Có đêm tôi ngồi nghe họ từ chối mà quãng đường chạy về nhà bỗng thấy xa hun hút. Bởi, liệu tôi có viết ra được một tác phẩm mà đem họ đến gần công chúng hơn. Đem họ phơi ra không phải để nhận về sự thương xót, mà tôi muốn có sự thấu cảm từ độc giả. Nghề viết đâu dễ, bởi thương cũng từ chữ, mà ghét cũng từ chữ đấy thôi!

Theo chỉ dẫn của Diễm, tôi chạy về một bãi đất trống ở Cần Giuộc - Long An vào một tối trung tuần tháng 11 năm 2020. Lần đầu tiên tôi tận mắt bước vào hậu trường của một đoàn hát lô tô. Phấn son, quần áo, những tờ số và cả thủ thuật câu mồi của dân làm nghề. Tối đó tôi ngủ dưới gầm sân khấu chung với mấy bà “bóng” hát lô tô. Mấy bà bóng là cách họ nói về nhau. Đoàn tỉnh lẻ nên nghèo và thiếu thốn. Lên sân khấu xiêm y đính cườm kết đá lấp la lấp lánh nhưng trút xuống áo diễn, chỉ còn là mấy bà bóng mà thôi. Mấy bà bóng mỗi người một ngả đường đến với nghề. Sân khấu xuống đèn thì quây quần lại chung mâm cơm đêm rồi kể chuyện và nhậu. Nhậu rượu đế Gò Đen, mồi là dĩa khô, chuyện là phần đời. Con số xoay vần nhưng dòng đời cuộn tròn lấy họ. Tôi đến và nghe. Mấy bà bóng nói nhà văn đi viết lô tô thì thua, không ai đăng đâu. Mà viết thì viết bà trưởng đoàn. Viết bả trước vì bả khổ nhất. Má Năm không phải là nhân vật tôi chủ đích ngay từ đầu để tìm tư liệu. Nhưng người phụ nữ thân ảnh gồ ghề, giọng nói ồm oàm đục ngầu như phù sau sau những trận mưa lớn khiến tôi chú ý. Trưởng đoàn gì mà làm còn nhiều hơn đào hát. Trưởng đoàn gì mà chửi nhoi trời mấy bà bóng trong đoàn. Kiểu đụng là chửi. Chửi mà mấy tụi nó có sợ đâu. Tụi nó cười như xem diễn Gala cười. Đêm đó tôi ngủ cùng Diễm và má Năm. Chuyện đời lần hồi kể tiếng được tiếng mất, khi buồn ngủ quá thì má Năm ngắt ngang, nói lần sau kể tiếp. Tôi tắt đoạn ghi âm. Nghe tiếng ếch nhái kêu ỏm tỏi. Lạ chỗ và cứng lưng tôi chẳng thể nào ngủ được. Vậy mà mấy bà bóng hát lô tô ngủ ngon lành.

Tôi còn trở lại với gánh hát lô tô của má Năm thêm bốn lần nữa. Ngủ với họ bốn đêm. Nhậu với họ bộn chặp. Phải nhậu thì họ mới kể. Bởi tỉnh quá kể không ra. Tỉnh quá thì ngu gì mà nhớ chuyện xưa. Trong cơn say lảo đảo Diễm bắt đầu hình thành trong tôi nỗi ám ảnh khi ba lột trần truồng đánh vào hè lớp 8 vì cái tội đi coi hát lô tô dưới Long Xuyên tận 3 giờ sáng mới về. Diễm trong tôi nức nở sợ chết không một người thân bên cạnh khi sang Thái phẫu thuật. Diễm trong tôi là nỗi buồn bã cố hữu qua cặp mắt khi người đàn ông được coi như tình đầu ra đi trong một tai nạn giao thông. Diễm trong tôi là trận hãm hiếp vào một đêm đoàn diễn ở Cà Mau. La không dám, tố không dám. “Pê đê” mà đi thưa ai tin. Tôi không nghĩ người bạn học của mình đi qua nhiều thứ như vậy mà trong những lần gặp gỡ chưa bao giờ Diễm kể tôi nghe. Diễm chỉ kể giờ được ba má nhận lại. Ba má cho một miếng đất cất nhà để về già không theo đoàn thì có chỗ nương thân. Dân lô tô bờ bụi lấy mấy cái bãi đất trống làm nhà, trôi sông lạc chợ nên nhiều khi về già sống cô độc và chết cũng bi thương. Chỉ mấy bà bóng là thương nhau để đỡ đần nhau!

Tôi nhớ hoài đêm ngồi ngoài mé sông Trường Bình của bãi đất trống, Diễm nói viết tao ít thôi nghen mậy. Viết về má Năm đi, bả khổ còn hơn tao. Không có bả chắc đâu ai chứa chấp mấy đứa tụi tao. Đứa nào cũng mê hát lô tô mà bỏ nhà theo đoàn. Không có bả có khi giờ đã hư thân hết trơn. Cũng có khi tự tử chết hết chứ sống mà thiên hạ coi khinh chửi bới thì sống sao nổi. Thời đó tụi tao đứa nào cũng sợ. Hát bãi nào cũng sợ giang hồ tới làm luật. Sợ luôn tụi du côn tới ức hiếp. Toàn má Năm đứng ra lo liệu. Cái nghề này như ông trời bắt theo, khổ chết chứ có sướng gì đâu. Vậy mà lên sân khấu cái diễn như khùng như điên. Diễn cho khán giả cười. Hễ khán giả cười thì mua vé nhiều, mới có tiền để đoàn sống. Bị vậy đó nên mấy bà bóng hát lô tô như thứ mua vui cho đám du côn. Có khi đêm diễn xong nó bắt mấy bà bóng nào nhìn ưa mắt đi nhậu. Trả tiền chầu nhậu xong là nó kêu làm gì phải làm đó. Không là đoàn khỏi trụ bãi. Có đoàn không chịu, chống trả nó đốt đoàn, nó dí chạy xuống mé sông nhấn nước. Có đi thưa đi trình thì không ai bắt bớ tụi nó đâu. Trăm đoàn lô tô là trăm cái cảnh. Khéo thì sống chứ chống tụi nó là nhổ bãi ngay.

Nhưng Diễm của lần sau chuyển đổi giới tính về thì sáng và đẹp như con gái thiệt. Cớ sự cũng từ đó mà ra. Nhiều lắm những trò ức hiếp khiến má Năm uống xăng như tình tiết tôi viết trong truyện là thiệt. Thậm chí có luôn chuyện bà má Năm hứng trọn nhát chém ngay lưng đỡ cho đám đào hát đoàn mình trong một cuộc đánh úp giành bảo kê bãi của đám du côn địa phương. Chỉ vì không chịu đóng tiền “hụi” tuần cho tụi nó 20 triệu. Đoàn bị đánh sau đêm diễn. Cảnh tượng hãi hùng đến mức sau đêm cấp cứu, má Năm còn nguyên băng trắng ngang lưng phải âm thầm trốn viện nhổ bãi. Mấy đứa còn chưa chuyển giới thì đánh lộn được. Chứ mấy đứa chuyển giới toàn đồ giả chỉ biết trốn hoặc bị tụi nó bắt thì thuận theo tụi nó để còn mạng sống mà về. Diễm kể nhẹ tênh. Nhưng, tôi cứ rười rượi buồn.

Má Năm không kể tôi nghe phần đời của má. Tôi có được câu chuyện là nhờ mấy bà bóng thủ thỉ cho nghe mấy lần nhậu say. Má Năm say thì hay hát. Hát kiểu nhớ nghề. Hát nhớ con. Người đàn ông giấu chuyện giới tính để theo ý ba má lấy vợ có hai đứa con bỗng một ngày chạy theo đoàn hát lô tô của hơn 30 năm trước thì nếu kêu kể ra như lấy dao đâm vào tim. Ngày ba má của bả chết bả về còn bị anh em đuổi. Thắp được cây nhang mà bị đánh bầm mặt. Hai đứa con má Năm không có nhìn má Năm. Có nhiều khi Tết bả lén chạy về mua cả đống đồ lẹ lẹ thảy vào nhà rồi chạy mất tiêu. Đám cưới tụi nó bả núp từ bờ kinh này, quần áo kín mít, đội nón lụp xụp, che mắt bằng kiếng đen nhìn qua bờ kinh kia. Đời bả bạc lắm.

Tôi đi từ Diễm sang má Năm trong truyện của mình một cách vô thức khi viết. Bởi tôi thuộc tạng người viết theo cảm xúc. Tôi viết truyện ngắn này trong một đêm cuối tuần từ 11 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau và tắt máy đi ngủ. Vài ngày sau tôi mở lại truyện và đọc, chỉnh sửa chính tả của hơn 7000 chữ, rồi gởi biên tập viên Văn nghệ Quân đội. Tôi không biết mình đem bao nhiêu phần trăm sự thật vào truyện ngắn này và chẳng biết mình viết thế có hay không, chỉ là tôi muốn cho độc giả thấy mấy bà bóng hát lô tô cũng có một phần đời trọn vẹn kiếp người. Và tôi thấp thỏm mong chờ sự thấu cảm từ độc giả.

Khi truyện được đăng, tôi cầm tờ tạp chí đọc lại bỗng thấy lo không biết nhân vật mình đọc sẽ như thế nào. May quá, đêm cuối chạp năm đó, nhân vật của tôi khóc và quẹt nước mắt, rồi cười. Họ mừng. Mừng vì người hát lô tô cũng đi vào văn chương. Tôi nhớ cái Tết năm đó, đoàn hát ở Tân An - Long An, cái câu ca lô tô tôi tự chế được mấy bà bóng hô ra số y hệt truyện tôi viết: Cờ ra là con mấy, con mấy cờ ra, con gì nó ra đây. Một thời là duyên hai thời là nợ. Buộc đời mình lỡ dở gái trai. Vòng cầu quay xoay ra con số. Xoay vòng đời xin đừng mỉa mai. Ra đây con số hai. Rồi cờ ra con mấy, con mấy cờ ra, con gì nó ra đây.

T.P.B

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)