Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Có khi là từ những mơ hồ

Thứ Bảy, 29/07/2023 10:53

TRẦN NHÃ THỤY
 

1. “Chị vừa đọc xong cuốn tiểu thuyết của em, nghĩ mà thương em Thụy à, hóa ra chị em chơi với nhau bao lâu nay mà chị không biết hoàn cảnh của em lại tội nghiệp đến như vậy.”

“Như anh Trần Nhã Thụy đây, đến bây giờ vẫn còn đang ở nhà thuê, cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả lắm, nhưng vẫn theo đuổi nghiệp viết.”

“Vợ bỏ rồi, em có tính đi bước nữa không?”

Ban đầu thì tôi còn cười, nhưng sau thì dường như không cười nổi, khi nghe những lời hỏi han tương tự. Đây là thời điểm mà tôi vừa cho xuất bản cuốn tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước (Nxb Văn nghệ, 2008). Còn những người vừa nói những câu đại loại như trên là những anh chị đồng nghiệp, mà thỉnh thoảng tôi gặp ở không gian văn nghệ 81 Trần Quốc Thảo. Những người dù ít dù nhiều có đọc qua tiểu thuyết của tôi, hoặc là có lướt những bài điểm sách, phê bình. Lúc này, cuốn tiểu thuyết đang có một chút tiếng vang. Và, nhiều người nhận ra nhân vật Nhà văn trẻ trong tiểu thuyết mang bóng dáng tự sự của chính tác giả.

Trong tiểu thuyết, nhân vật Nhà văn trẻ có một người vợ bỗng dưng mất tích, trước khi rời đi, cô tháo cái sim điện thoại bỏ vô bể cá, nên cuộc kiếm tìm trở nên vô vọng. Cô để lại cho Nhà văn trẻ một cậu con trai nhỏ. Từ đó, anh ta sống với đứa con bé bỏng trong căn nhà trọ cạnh đường ray xe lửa và chờ người vợ trở về.

Nhiều người đọc tiểu thuyết, không hiểu sao cứ nghĩ nhân vật Nhà văn trẻ ấy chính là tôi. Chân dung của tôi lúc ấy được vẽ ra, đại loại: Một kẻ khù khờ, nghèo rách, bị vợ bỏ, đang ở nhà trọ, gà trống nuôi con. Nói thật thì tôi hơi thất vọng. Không phải vì bị hiểu nhầm, mà vì cách “đọc - hiểu” của nhiều người. Tôi không hiểu sao, những độc giả, cũng chính là nhà văn nhà thơ - những người làm công việc sáng tạo - lại có thể đọc một cách mặt phẳng thô sơ như thế.

Thực tế thì tôi chưa… bị vợ bỏ (ít ra là tính tới thời điểm này), năm đó thì chúng tôi đã có hai đứa con, còn nhà thì đã mua từ rất lâu rồi. Không ngờ, qua tiểu thuyết, chân dung của tôi lại được “hiện thực hóa” một cách nghiệt ngã như vậy. Về sau này tôi mới biết, hầu hết người đọc, kể cả các nhà văn (trong vai trò độc giả), vẫn thường nhìn nhân vật qua nguyên mẫu. Mà trong Sự trở lại của vết xước, cái nguyên mẫu giàu tính hiện thực, đầy tính minh họa chính là tôi đây chứ còn gì nữa. Đúng là một chuyện buồn cười. Nhưng đó là chuyện có thật.

Thật ra thì trong Sự trở lại của vết xước, tôi cố tình không đặt tên cho nhân vật, hay nói đúng hơn là đặt tên theo kiểu khác. Mỗi nhân vật được gọi tên theo nghề nghiệp, hay đơn giản chỉ là một kí hiệu, một mã định danh dang dở. Và, mỗi nhân vật không chỉ có duy nhất một cái tên. Như Nhà văn trẻ còn có khi được gọi là Kẻ hoang mang hay Người yêu thích sự rộng rãi. Như trong một ngôi nhà có nhiều căn phòng. Trong một cá thể có nhiều vũ trụ. Như trong bộ phim đình đám vừa đoạt 7 giải Oscar vừa rồi Everything everywhere all at once (Mọi thứ mọi nơi cùng một lúc) thì các nhân vật cũng nhào lộn trong đa vũ trụ. Thực chất, cái đa vũ trụ ấy chỉ là ngôn ngữ ẩn dụ, kiểu như nhiều cuộc đời trong một cuộc đời, hay tính đa nhân cách trong một cá thể. Cuối cùng, sau những bộn bề, xô dạt, là sự hồi nguyên về nhất nguyên, đơn giản chỉ là chính mình.

Cho nên, nhân vật Nhà văn trẻ trong tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước vừa là chính tôi vừa không phải là tôi. Thậm chí nhân vật ấy có khi còn xa lạ với chính tôi. Một kiểu “người quen xa lạ”.

Raymond Carver từng nói thế này: “Sáng tác của tôi xuất phát từ đời thực. Tất nhiên, không chuyện nào của tôi là chuyện thật… Truyện ngắn hay truyện dài không thể từ trên trời rơi xuống. Bất cứ những gì chúng ta viết đều có một phần tự truyện... Dĩ nhiên anh phải biết mình nên làm gì khi chuyển chuyện đời vào tiểu thuyết. Anh phải rất can đảm, rất giỏi kĩ thuật, và rất tưởng tượng khi kể chuyện… Hoàn hảo nhất là có chút ít tự truyện kèm rất nhiều tưởng tượng.”

Khi vừa bày ra một chuyện đời tư phải lập tức xóa dấu vết nó đi. Đó vừa là lao động, cũng vừa là đạo đức của nhà văn. Raymond Carver phải phân bua như thế vì những gì bày ra trong truyện ngắn của ông dễ khiến cho người đọc hiểu nhầm rằng ông mang chuyện nhà ra viết. Nhưng không phải thế. Đó không phải là kiểu ông xài. Có nhà văn khác thì nói dễ hiểu hơn: “Vừa kể vừa bịa.” Tôi là nhà văn thuộc trường phái này. Tôi không phải là nhà văn giỏi về hiện thực. Tôi không thích bê nguyên mẫu vào tác phẩm.

2. Đọc lại các truyện ngắn của tôi, nhiều bạn đọc thích truyện Những kẻ câu đêm. Trong truyện cũng có một nhân vật Tôi tương tự như nhân vật Nhà văn trẻ trong Sự trở lại của vết xước. Nhưng, dĩ nhiên, Tôi vừa là tôi vừa không phải là tôi. Nhân vật Tôi trong Những kẻ câu đêm có thói quen mỗi khi ngủ thì dằn một cuốn sách trên bụng. Đó cũng là thói quen của tôi hồi còn trẻ. Không hẳn là đọc sách rồi ôm luôn cuốn sách nằm ngủ, như trong một bài Raymond Carver trả lời phỏng vấn, tôi thấy có chi tiết đó. Raymond Carver đã ôm tập truyện ngắn hay nhất nước Mĩ hằng năm, trong đó có truyện Em làm ơn im đi, có được không? (Will you please be quiet, please?) của ông nằm ngủ. Đó gần như là một giai thoại. Thay vì ôm vợ ngủ thì ôm sách ngủ.

Nhưng tôi thì khác hẳn. Tôi chưa từng ôm một cuốn sách nào của mình nằm ngủ cả. Thậm chí, về sau này tôi còn không mang bất kì cuốn sách nào có in truyện ngắn (in chung) của mình về nhà.

Gần đây, tôi cũng có một cái truyện được nhiều bạn đọc yêu thích, đó là truyện Vân tay mắt Phật. Trong truyện có nhân vật thầy giáo Văn, là thầy giáo dạy văn giỏi nhưng làm thêm nghề bán quần áo ở chợ. Bằng kiến thức và năng khiếu dạy văn của mình, Văn đứng trước cổng chợ rao hàng chẳng khác gì một người bán hàng chuyên nghiệp với cái loa đeo bên hông và cái míc gắn trước miệng.

Có nhiều bạn đọc hỏi tôi rằng, nhân vật Văn có thật không, hay lấy nguyên mẫu từ đâu. Nghe hỏi tôi chỉ cười. Theo tôi, đừng bao giờ hỏi nhà văn rằng nhân vật ấy có thật không.

Nhưng, nhân đây, tôi cũng xin trả lời rằng, đó chỉ là một nhân vật hư cấu. Nhưng để hư cấu được nhân vật đó, tôi đã phải quan sát từ rất nhiều cảnh đời. Mỗi khi đi đâu thấy một người bán hàng dạo là tôi lại lặng lẽ quan sát. Tôi cũng lén quay phim và ghi âm lời rao của họ. Đôi khi tôi có cảm giác, một người bán hàng dạo cũng chẳng khác nào một nghệ sĩ đường phố, họ tung hứng lời rao. Lúc đó, tôi thấy họ như thăng hoa. Lúc đó, tôi thấy họ dường như mê rao hàng hơn là muốn bán hàng. Tức cái họ muốn là sự diễn ngôn và phô diễn chất giọng. Có lẽ trong một khoảnh khắc nào đó họ muốn trở thành nghệ sĩ hơn là một kẻ bán hàng tầm thường.

Có một điều ít ai biết rằng, bối cảnh truyện ngắn Vân tay mắt Phật ở miền Trung, nhưng hình ảnh nhân vật thầy giáo Văn lại được tôi quan sát và xây dựng từ những hình ảnh có thật tại một chợ chiều ở Long Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Tôi nghĩ cái thú vị của nghề viết là ở chỗ đó.

3. Năm 2014, tiểu thuyết Hát ra đời. Có nghĩa là phải mất khoảng chừng 6 năm, tôi mới hoàn thành được cuốn tiểu thuyết thứ hai. Không dám nói đó là cuốn tiểu thuyết thành công. Nhưng dù sao thì nó cũng được đón nhận không đến nỗi tệ. Các đồng nghiệp sau khi đọc đã gọi đùa tôi là “Thụy tự kỉ”. Có ông bạn văn ngoài Hà Nội gọi vào, nói luôn: “Đọc xong cuốn này, tôi mới biết là ông bị tự kỉ.”

Dĩ nhiên là tôi chỉ cười chứ không nói gì. Bản thân tôi cũng nhận thấy mình bị tự kỉ. Nhưng chắc là ở mức độ nhẹ và vô hại.

Sở dĩ người ta nói tôi tự kỉ là vì trong tiểu thuyết Hát có nhân vật Kỷ, được cho chính là tôi. Kỷ là một kẻ mất phương hướng. Cứ hình dung, nếu đi trên vỉa hè thì Kỷ thỉnh thoảng phải dừng lại để vuốt ve hay ôm ấp những thân cây, hoặc phải vịn vào cây rồi mới đi tiếp được. Kỷ cũng thường trầm mình vào bồn nước đầy rồi nhắm mắt ư ử hát.

Nhiều bạn đọc bảo Kỷ chính là tôi - tác giả. Thậm chí còn có một cô bạn học cũ nhắn tin, tỏ thắc mắc mà cũng tỏ thái độ trách mắng: “Sao ông lại cho nhân vật Kỷ ngủ với cô bạn học?” Tôi không biết trả lời sao, ngoài việc gửi lại một icon mặt cười.

Nhưng có một người đinh ninh rằng Kỷ không ai khác chính là mình. Người đó là họa sĩ Nguyễn Sơn - một người gốc Hà Nội nhưng sống ở Sài Gòn.

Họa sĩ Nguyễn Sơn viết về Hát như thế này: “Hát mở đầu bằng một không gian rất gần với cá nhân tôi. Không khỏi gai người khi thấy đoạn Kỷ từ nhà bà Huệ ra Hà Nội, đến khách sạn khu Cầu Gỗ. Không gian này thật quen. Thực sự là khu này vô cùng tiện lợi khi ta chơi với phố cổ. Gai người bởi nhận ra có bóng dáng mình trong đó. Nhưng một nhân vật trong tiểu thuyết giống mình thì cũng chả có ý nghĩa gì nhiều. Như thể thấy được mình trong gương thì ngắm hoài cũng chán. Các nhân vật khác (Sinh sách, bà Huệ, Xuân Nương, Trà…) tôi cũng từng gặp qua. Cái đáng nói là mọi không gian của Hát đều tạo cảm giác rất gần đó. Từ đường phố nơi này nơi kia, tới chung cư, quán cà phê, thời tiết…”

Đến lượt tôi ngạc nhiên. Nguyễn Sơn là một họa sĩ, tôi hầu như chưa từng thấy anh viết gì, cho đến khi đọc Hát. Nhưng ngạc nhiên hơn là Nguyễn Sơn thấy Kỷ như chính là mình. Quả thật là tôi có chơi với Nguyễn Sơn, nhưng chưa từng có suy nghĩ sẽ lấy bạn làm nguyên mẫu cho nhân vật của mình. Đến lúc này là một sự khám phá ngược. Hóa ra Nguyễn Sơn cũng thường ở chỗ Cầu Gỗ mỗi khi ra Hà Nội giống như tôi. Thực ra thì tôi không biết gì nhiều về Hà Nội. Chỗ Cầu Gỗ ấy là do họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn thuê giúp tôi một lần, về sau ra Hà Nội tôi lại tự động tìm đến. Tôi biết thêm Nguyễn Sơn không chỉ có tài hội họa mà còn đàn hát cũng không kém cạnh gì. Đặc biệt là món ca trù cổ cầm Nguyễn Sơn rất mê đắm.

Như vậy, từ một nhân vật hư cấu lại thành gần với nguyên mẫu. Đây có lẽ là “quy trình ngược” trong sáng tác văn chương. Nói vui vậy, nhưng tôi thấy chuyện này cũng là hết sức bình thường. Mặc dù không đi tìm nguyên mẫu, nhưng tôi luôn đi tìm nguyên liệu cho các nhân vật của mình. Tôi không quá chú tâm vào thực tế, nhưng gần như không bỏ rơi sự thật. Cái sự thật, theo tôi, quan trọng nhất chính là cảm xúc thật của chính mình.

Nhà thơ Ý Nhi sau khi đọc xong Hát bảo rằng nhân vật bà thích nhất chính là Dũng, một nhân vật rất phụ. Thật ra thì những ai ở Sài Gòn hay đi hát phòng trà, nhất là những phòng trà nhạc tiền chiến, nhạc bolero, sẽ dễ gặp những nhân vật “hát đắm say” như Dũng. Nhân vật Dũng có nguyên mẫu từ nhiều người, nhưng nhiều khi cũng chỉ là ánh xạ của một khúc hát trong trí nhớ suy tàn của một nhà văn như tôi.

Sự viết bao giờ cũng nhọc nhằn nhưng đầy cảm khoái như vậy.

Một truyện ngắn hay một tiểu thuyết có thể khởi đầu từ một nguyên mẫu, nhưng nhiều khi lại được bắt đầu từ vài hình ảnh thoáng qua, từ đôi ba câu nói bâng quơ, hay từ một ý nghĩ còn mơ hồ.

Nhưng chính những lao xao mơ hồ ấy đã quyến dụ nhà văn bước vào để khám phá khu rừng văn chương với nhiều tầng lối thú vị và bất ngờ.

Sài Gòn, 21/3/2023

T.N.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)