Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Hai nhân vật - một nguyên mẫu

Thứ Hai, 18/12/2023 00:28

. LÊ HOÀI NAM
 

Mùa đông năm 1972, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai đã lên đến đỉnh điểm của sự tàn khốc, đã có những dự đoán Không lực Mĩ sẽ đánh phá Hà Nội bằng máy bay B52. Đúng dịp ấy tôi bị viêm amidan gây sốt hàng tuần liền. Y sĩ tiểu đoàn khám rồi cho biết amidan của tôi viêm rất nặng, anh viết giấy cho tôi đi quân y viện để phẫu thuật cắt bỏ. Quân y viện của quân khu sơ tán trong một ngôi làng gần chân núi. Trong ba ngày nghỉ ngơi dưỡng sức để chuẩn bị phẫu thuật, tôi quen với H, nữ bác sĩ trẻ trung, xinh đẹp, mới tốt nghiệp đại học y khoa, được tuyển dụng vào quân đội, phong quân hàm thiếu úy. Khi ấy tôi mới đeo quân hàm trung sĩ nhưng H không tỏ thái độ phân biệt gì. H là người Hà Nội, những gì thuộc về phẩm tính của người Hà thành đều có ở cô. H yêu văn học. Tình yêu ấy chính là cái cầu nối H với tôi xích lại gần nhau một cách nhanh chóng và tự nhiên. Vì thế cứ rảnh lúc nào H và tôi lại tìm cơ hội nói chuyện với nhau. Đến hôm tôi lên bàn mổ, người được phân công mặc áo blu trắng phẫu thuật cho tôi không ai khác chính là H. Tôi rất mừng vì được người bạn tuy mới quen nhưng tâm tính khá đồng điệu phẫu thuật. Hồi ấy y cụ chưa có công nghệ tiên tiến như bây giờ. Bác sĩ tiêm thuốc gây mê rồi phải dùng một dụng cụ giống như cái muỗm nhỏ mài sắc đưa vào họng cắt xung quanh amidan, sau đó dùng một y cụ giống như cái kéo cắt chân amidan cho nó rời khỏi cơ thể. Mấy ngày sau còn đau, nhưng do tình hình căng thẳng của thời chiến, tôi vẫn được xuất viện. Về đơn vị hàng tuần rồi mà nơi amidan hình như vẫn sưng tấy, có lúc còn thấy máu rỉ ra. Anh y sĩ của tiểu đoàn khám lại thì phát hiện amidan của tôi cắt bị sót, cả hai bên đều bị sót lại khoảng một phần ba, anh viết giấy cho tôi trở lại quân y viện để tái phẫu thuật. Gặp H ở cổng viện, tôi nói lí do trở lại, H tỏ ra rất lo lắng. H thú nhận với rôi rằng ca cắt amidan của tôi là ca phẫu thuật đầu tiên trong đời làm bác sĩ của cô, lại phẫu thuật cho người cô có thiện cảm nên cô bị run tay, cắt sót. Tôi gặp ông bác sĩ trưởng phụ trách quân y viện nói điều đó với ông và xin ông thể tất đừng kỉ luật H. Ông bác sĩ trưởng không nói gì. Ông đích thân cắt lại amidan cho tôi. Trong lúc phẫu thuật ông yêu cầu H đứng xem để rút kinh nghiệm. Phẫu thuật xong ông gọi H lên phòng yêu cầu cô viết bản kiểm điểm và tự nhận mức kỉ luật. H viết rất thành thật, tự phê phán sự non kém của mình, sẵn sàng đón nhận mức án dành cho mình. Bác sĩ trưởng đọc tờ đơn rồi hỏi H: “Đồng chí định nhận mức kỉ luật như thế nào?” H nói: “Báo cáo thủ trưởng, tôi xin đi chiến trường cứu chữa thương binh và cũng là để rèn luyện nâng cao tay nghề ạ.” Ông bác sĩ đồng ý. Ít ngày sau H đeo ba lô lên quân khu nhập vào đoàn cán bộ quân y bổ sung cho chiến trường.

Đoàn cán bộ quân y của H đi trước. Đơn vị tôi hành quân sau đó ít ngày. Vào đến một binh trạm ở miền Tây Quảng Trị, gặp anh bác sĩ phụ trách trạm quân y ở đó, tôi hỏi thăm về H và đoàn cán bộ quân y mới bổ sung vào thì anh nhìn tôi với vẻ cảm thông, chia sẻ, hỏi: “Có phải bác sĩ NTTH, người Hà Nội, mặt trái xoan, da trắng, người cao khoảng mét sáu không?” Tôi đáp: “Dạ phải.” Người bác sĩ binh trạm nói: “Trên đường hành quân từ binh trạm xuống trạm phẫu tiền phương, khi lội qua con suối ở thung lũng sỏi, H bị bọn thám báo phục kích bắn chết rồi...”

Gần 40 năm sau, tôi có điều kiện về Hà Nội sinh sống. Mở cuốn “Nhật kí chiến trường” trong đó có những trang ghi chép về H, có cả địa chỉ gia đình H, tôi đã tìm đến địa chỉ ấy. Nhưng Hà Nội thời điểm này đã bước vào công cuộc đô thị hóa rất mạnh. Cái dãy nhà có gia đình H ở bây giờ đã bốc đi đâu không biết, thay vào đó là một tòa chung cư cao cấp cỡ lớn. Cuốn nhật kí chỉ còn tác dụng khơi lại những kỉ niệm về H và nỗi nhớ H da diết, gây cảm hứng mãnh liệt để tôi viết truyện ngắn Thung lũng sỏi. Trong truyện nhân vật chính là bác sĩ quân y Nguyễn Thị Nhị Hà được xây dựng từ nguyên mẫu nữ bác sĩ H. Truyện ngắn trung thành với những gì tôi chứng kiến, kể cả những chi tiết anh bác sĩ ở trạm giao liên nói về sự hi sinh của H. Tôi chỉ hư cấu thêm đoạn sau cùng: Trung sĩ Đính (nhân vật được xây dựng từ nguyên mẫu là tôi), người mai táng H, đắp mộ cho H ven bờ một con suối dưới thung lũng sỏi. Hơn 40 năm sau ông Đính cùng vợ vào thăm lại nơi H đã hi sinh. Nơi này giờ đã thành một đô thị nhỏ. Đêm ấy vợ chồng ông Đính nghỉ lại trong ngôi nhà trọ của đồng bào dân tộc. Trong giấc ngủ, ông Đính nằm mơ thấy Nguyễn Thị Nhị Hà hiện về. Ông Đính tỏ nỗi ân hận vì khi mai táng Nhị Hà, ông không tìm thấy một cánh tay của cô. Nhưng Nhị Hà lại tỏ niềm cảm thông với ông Đính. Cô nói: “Chiến tranh khốc liệt quá, tôi hi sinh không toàn thây là bình thường, anh đừng băn khoăn gì nữa nhé!”

Vì nhân vật nữ bác sĩ là người Hà Nội nên tôi gửi truyện ngắn này đăng báo Người Hà Nội. Sau đó nhiều báo, tạp chí, tuyển tập chọn in lại. Rồi có một bạn đọc từng có mặt ở binh trạm miền Tây Quảng Trị ngày đó đọc được. Anh dò hỏi địa chỉ của tôi để viết thư cung cấp thêm thông tin về bác sĩ H cho tôi. Anh nói H không hi sinh. Khi hành quân một mình qua thung lũng sỏi, H bị bọn thám báo phục kích bắt sống, rồi ba tên thay nhau hãm hiếp cho đến khi cô ngất xỉu. Khi tỉnh dậy H lại bị toán biệt kích khác bắt làm tù binh. Chúng ném cô lên máy bay trực thăng chở về Biên Hòa, chữa trị vết thương. Vết thương lành, trực thăng lại chở H ra nhà tù Phú Quốc giam giữ; sau khi Hiệp định Paris kí kết thì H mới được trao trả.

Tôi có chút vốn sống về sự kiện này. Sau Hiệp định Paris, tôi nhận nhiệm vụ về một đoàn an dưỡng làm cán bộ khung và từng theo đoàn xe vào bờ sông Thạch Hãn tiếp nhận tù binh mà phía bên kia trao trả. Hồi ấy là tháng 3, cuối mùa khô, sông Thạch Hãn khúc đó rất ít nước. Các tù binh từ bờ bên kia dìu nhau lội sông sang bên này để chúng tôi tiếp nhận về đoàn an dưỡng. Cũng có một số tù binh nữ nhưng đoàn an dưỡng của tôi không có bác sĩ H. Rất có thể H được tiếp nhận ở một địa điểm khác, cùng bên sông Thạch Hãn, nhưng đón về một đoàn an dưỡng khác.

Trên cơ sở những thông tin từ người bạn đọc và chút vốn sống ấy, năm 2018, tôi sáng tác tiểu thuyết Hạc hồng. Vẫn lấy nguyên mẫu là nữ bác sĩ H để xây dựng nên nhân vật nữ bác sĩ Hòa. Vẫn dùng những tư liệu xây dựng nhân vật bác sĩ Nhị Hà trong truyện ngắn Thung lũng sỏi. Tôi còn dùng thêm những thông tin tiếp nhận sau này, nghĩa là bác sĩ Hòa trong tiểu thuyết Hạc hồng không hi sinh mà bị địch bắt làm tù binh giam ngoài Phú Quốc, sau Hiệp định Paris thì được trao trả.

Về đoàn an dưỡng, tổ chức có một việc gần như bắt buộc phải làm, đó là yêu cầu các tù binh viết tờ khai về bản thân và khai cả những điều mình biết về các bạn tù khác: thời gian ở trong tù có trung thành với lí tưởng cách mạng không, có chiêu hồi không, vân vân... Chính vì những “tờ khai” này mà trong đơn vị đã có một số tù binh quyên sinh. Riêng Hòa thì cương quyết không viết tờ khai. Chính trị viên hỏi vì sao cô không viết, Hòa chỉ trả lời một câu ngắn gọn: “Vì tôi không muốn trong đơn vị có thêm những người khác chọn cái chết!” Chính vì tỏ thái độ như thế nên khi hết thời kì an dưỡng, Hòa không được ưu ái cho đi học hoặc chuyển ngành như nhiều bạn tù khác mà cô phải nhận giấy phục viên về quê. Trong tiểu thuyết tôi xây dựng nhân vật Hòa khi vào quân đội mới chỉ là y sĩ, cho nên sau khi phục viên về quê cô đi thi đại học y khoa giống như một học sinh tốt nghiệp phổ thông đi thi. Vào trường đại học y khoa, Hòa học rất giỏi. Đến kì thực tập ở bệnh viện Bạch Mai, Hòa nhờ nữ bác sĩ trưởng khoa khám phụ khoa cho mình. Hòa nhận một kết quả thật buồn: cô không còn khả năng để sinh con. Căn nguyên là bởi cái vụ ba tên thám báo thay nhau hãm hiếp rồi tống một quả đạn M79 vào cửa mình của Hòa, gây thương tích nặng ở tử cung. Tốt nghiệp, cô được điều về bệnh viện tỉnh làm việc. Hoà rất chăm chỉ, lại là người có nhan sắc nên nhiều trai tân ngỏ lời cầu hôn nhưng cô đành phải từ chối vì bản thân không muốn mang lại nỗi bất hạnh cho họ. Ở bệnh viện này người ta dùng người không phù hợp lắm, họ phân công Hòa làm một chân trông coi nhà xác. Tuy thế cô vẫn làm việc mẫn cán cho đến tuổi năm mươi, khi môi trường bệnh viện này không còn mang lại niềm vui sống cho cô nữa, cô xin nghỉ hưu trước tuổi. Vì không chồng, không con, nhưng vẫn khát khao mang lại điều tốt lành cho con người, Hòa xin vào làm việc tại trạm xá của ngôi đền thánh. Tại đây cô không những cứu sống mà còn thắp lên niềm tin yêu cuộc đời cho khá nhiều người dân hiền lành lương thiện.

Tôi gửi tiểu thuyết tham dự cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016 - 2019) của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2020, tổng kết cuộc thi, tiểu thuyết Hạc hồng của tôi được trao giải chính thức. Như vậy, từ một nhân vật có thật là nữ bác sĩ H, do có nhiều nguồn tư liệu về H, ám ảnh về H, tràn đầy cảm xúc mỗi khi nhớ về H mà tôi đã sáng tạo nên hai nhân vật văn học.

L.H.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)