Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Nguyên mẫu nhà sư trong tiểu thuyết "Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt"

Thứ Tư, 15/11/2023 15:54

. ĐOÀN TUẤN
 

Dịp Tết Nguyên đán năm 1979, đơn vị tôi (D8-E29-F307) tiến vào Rovieng, thị xã thuộc tỉnh Preach Vihia ở vùng đông bắc Campuchia. Chúng tôi đóng quân ở rìa thị xã. Vừa chân ướt chân ráo đến, chúng tôi đã phải tiếp nhận gần một trăm tù binh nữ. Đó là những nữ chiến binh của quân đội Khmer Đỏ. Họ bị trung đoàn tôi bắt sống trong dãy núi Taben.

Giam họ ở đâu? Trung đoàn quyết định đưa họ về một nhà tù trong thị xã. Nhà tù này buổi sáng chúng tôi vừa mở cửa, giải phóng cho những tù nhân người Khmer mà trước khi rút chạy bọn Pol Pot không kịp giết. Những thân hình đầy vết thương, ghẻ lở, hôi hám, mắt lòa. Có người bị cắt gân. Bò không nổi. Nhiều tù nhân kiệt quệ. Bộ đội Việt Nam phải khiêng về bệnh xá trung đoàn.

Nhà tù còn đầy dấu vết những cuộc tra tấn. Những dây xích như những con rắn hung ác đầy sàn nhà. Tường nhà dính máu. Trần nhà còn dính tóc. Có nơi còn cả phân khô. Đặc biệt, mùi tử khí dâng đầy trong bốn bức tường. Trước năm 1975, nơi đây là trường học. Nhưng dưới thời Pol Pot, tất cả trường học biến thành nhà tù.

Giữa mùa khô, các tù binh nữ đều mặc quần áo đen. Trang phục lấm đầy bụi. Tóc họ dày, bết mồ hôi. Cởi trói cho họ, đưa họ vào nhà giam, trước khi khóa cửa, tôi ngoái nhìn họ. Mấy cô gái nhìn tôi, dùng tay ra hiệu muốn uống nước. Làm sao có nước bây giờ? Bi đông của tôi chỉ còn chút xíu. Hỏi thăm anh nuôi. Họ nói phải đi lấy nước ở giếng, cách xa gần cây số. Nhưng lấy thế nào? May sao, họ cho tôi mượn cái cru, một dụng cụ lấy nước giếng của người Khmer. Nó giống cái xô nhỏ. Có quai. Làm bằng tre. Trám bằng nhựa cây dầu. Nhưng có mỗi một cái. Có còn hơn không. Tôi xách cru đi về phía giếng.

Đến nơi, thấy có mấy người dân Khmer cũng đang lấy nước. Có cả hai nhà sư. Họ để đầu trọc. Khoác áo cà sa màu vàng. Thân hình gầy còm. Đôi mắt họ nhìn tôi lạnh lùng, như dò xét. Thấy tôi đeo khẩu AK, họ nhường tôi lấy trước. Nhưng tôi xua tay và đứng xếp hàng.

Tôi xách cru nước về. Các cô gái tranh nhau uống. Chờ cho họ uống xong, tôi lại xách cru ra giếng. Lại gặp hai ông sư. Lần này, một ông nhìn tôi có vẻ nhẹ nhàng hơn. Mở cuốn sổ nhỏ “Tự học tiếng Khmer” ra, tôi nói với họ, đại ý “lấy nước cho các cô gái lính Pol Pot”. Họ cũng hiểu và chắp tay vái.

Đến ngày thứ ba thì chúng tôi được lệnh giải tù binh về thị xã Stung Treng. Chúng tôi áp giải các cô gái lên xe GMC. Lại gặp ông sư hôm qua. Ông ấy nhìn tôi, vừa hỏi vừa dùng tay làm cử chỉ: “Bộ đội Việt Nam giải đi bắn à?” Tôi nói: “Không. Chúng tôi đưa họ về Stung Treng. Không bắn.” “Tại sao?” “Vì người Campuchia bị chết nhiều quá rồi. Không nên bắn!” Chúng tôi áp giải họ trên đường dưới trời nắng dữ dội. Họ vặt lá chuối, cành cây che đầu. Qua những cây cầu, tôi lại nói anh lái xe dừng lại rồi nhảy xuống múc đầy bi đông nước đưa họ uống.

Hôm sau về lại Rovieng, tôi lại gặp ông sư trẻ. Mấy hôm trước, tôi đã nghe đồng đội xì xào. Hình như mấy nhà sư này là lính Pol Pot cải trang. Họ nói cũng đúng. Vì dưới thời Pol Pot, giới sư sãi bị liệt vào hạng người ăn bám xã hội, không tồn tại. Tại sao lại có mấy ông sư ở đây? Họ tu ở chùa nào? Rovieng rộng, tôi chưa đi địa hình hết được. Nhưng nếu là lính Pol Pot, chắc họ sẽ trốn hoặc tìm cách chống lại chúng tôi. Muốn hỏi dân, nhưng chưa đủ thời gian thân thiện. Những lúc rỗi rãi, tôi tranh thủ học tiếng Campuchia. Có nhiều từ gần giống tiếng Việt và ngữ pháp không phức tạp lắm nên tôi học khá nhanh. Hỏi chuyện nhà sư. Tôi sửng sốt khi biết ông từng là lính Pol Pot. Nhưng đã đào ngũ. Tôi hỏi tại sao. Ông kể do không chịu nổi sự tàn bạo của các cấp chỉ huy. Đánh nhau ở biên giới Campuchia - Việt Nam, bên Khmer Đỏ hễ lính nào bị thương là chỉ huy quyết định khử ngay tại trận. Họ không có người khiêng. Không có bác sĩ, y tá băng bó, cấp cứu. Thiếu cả thuốc men. Điều này lí giải thắc mắc của bộ đội Việt Nam là tại sao suốt chiến dịch tấn công, giải phóng Campuchia, chúng ta không hề gặp một thương binh nào của quân đội Khmer Đỏ.

Nhưng tại sao từ một người lính, anh trở thành nhà sư? Ông kể tiếp: Một lần, bị quân đội Việt Nam truy đuổi, ông cùng đồng đội bỏ chạy. Đạn pháo của bộ đội Việt Nam nổ phía sau, chặn phía trước, bên phải, bên trái. Đất đá bay tứ phía, bắn cả vào người. Ông vứt bỏ súng, chạy thục mạng về phía trước. Vừa chạy vừa ôm đầu, tìm nơi ẩn nấp. Rơi xuống một cái hố đầy cỏ, ông chắp tay cầu trời khấn Phật xin cho sống, nếu thoát khỏi nơi này sẽ đi tu. Lời cầu ứng nguyện. Lợi dụng đêm tối, ông cứ đi về phía trước, tìm đến một ngôi chùa cũ và bắt đầu tu ở đó. Quân đội Khmer Đỏ đang tháo chạy, không truy đuổi. Ông ở đó khoảng hai tháng. Vừa lúc quân đội Việt Nam tiến đến Rovieng. Tôi hỏi, những ngày tới công việc của ông thế nào. Ông nói, ông sẽ cầu siêu cho chiến tranh chấm dứt, cho hòa bình trở lại với đất nước và người dân Campuchia.

Rồi cuộc chiến lại cuốn chúng tôi theo những ngả đường chinh chiến. Có trận, chúng tôi diệt được địch. Xác chúng nằm bên lối mòn. Trận đánh kết thúc, chúng tôi vội rút ngay. Không kịp xử lí tử thi đối phương. Nhiều tháng sau, có dịp hành quân qua những nơi này, tôi để ý thấy những lùm cỏ xanh giống hình xác người. Những lùm cỏ xanh tươi, lên cao giữa cảnh khô cằn của mùa khô xung quanh. Đồng đội bảo đó là dấu xác những tên địch. Tôi đi bên thầm hỏi, linh hồn chúng bay về đâu hay còn lẩn khuất nơi này. Rồi những trận khác nữa. Xác địch nằm rải rác trong rừng. Chúng tôi muốn gặp những người dân Khmer, nhờ họ chôn cất. Nhưng xung quanh không có phum nào. Chúng tôi chôn qua loa và lấy cành cây lấp sơ sài trên thi thể họ. Bởi xung quanh, đạn cối, đạn pháo còn vứt bừa bãi mà lửa đang cháy trên cỏ, trên lá khô. Chốc chốc lại có viên cối nổ bất chợt. Phải rút nhanh. Chúng tôi muốn làm một điều gì đó cho những linh hồn của những người lính đối phương, nhưng chưa biết cách. Sau này một đêm, bạn tôi, Hải trinh sát, hát cho tôi nghe bài hát của người mẹ Khmer ru con chết trận. Lời hát như vọng lên từ đất. Vang lên từ trời. Bay trong không gian.

Tiếp đó, những năm 1980 - 1981, đơn vị tôi chốt giữ ở Anlung Viêng, căn cứ chiến lược cuối cùng của quân đội Khmer Đỏ. Tôi đang ở trung đội thông tin được điều về làm trợ lí chính trị tiểu đoàn 8, đơn vị chủ công. Những ngày tháng đó, đơn vị tôi phải căng mình chiến đấu. Hi sinh nhiều. Sư đoàn quyết định cho tiểu đoàn tôi lập một nghĩa trang tại chỗ. Chúng tôi cưa cây rừng, xẻ gỗ đóng quan tài. Nhưng khó nhất vẫn là việc đào huyệt. Đất rắn. Cuốc chim bổ xuống tóe lửa. Đấy là mùa khô. Còn mùa mưa, đào đến đâu, nước tràn đến đấy. Tát không kịp. Phải nhanh tay ấn quan tài xuống. Cả một nghĩa trang, hơn năm mươi nấm mộ, tôi đều phải chôn. Mỗi lần chôn, đều phải viết điếu văn. Tổ chức hai hàng tiêu binh, đứng nghiêm, chào vĩnh biệt đồng đội. Không có hoa. Không có hương. Không có bát cơm quả trứng. Tôi chỉ thuộc ít câu trong Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du để an ủi đồng đội: Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt/ Toát hơi may lạnh buốt xương khô/ Não người thay buổi chiều thu/ Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng/…/ Kiếp phù sinh như hình bào ảnh/ Có chữ rằng “Vạn cảnh giai không”/ Ai ơi lấy Phật làm lòng/ Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi...

Sau này, khi hòa bình trở lại với người dân Campuchia, năm 2005, trong một lần đến Siêm Riệp, đang mải nhìn những chính đảng tuần hành trên đường phố để vận động bầu cử, tôi bỗng gặp một anh xe ôm. Anh quê An Giang, người Việt gốc Khmer. Tôi nhờ anh chở đi tham quan thành phố. Trên đường, tôi bỗng gặp một nhà sư. Ông không đi khất thực mà đi về phía núi. Tôi hỏi, ở đó có ngôi chùa nào không. Anh xe ôm nói, không có. Nhưng anh cho biết, nhà sư này đi cầu siêu cho những linh hồn người lính đã hi sinh. Cầu siêu cho linh hồn những người lính tình nguyện trong quân đội Việt Nam. Cầu siêu cho cả những linh hồn trong quân đội Khmer Đỏ. Nghe anh kể, tôi ngạc nhiên và yêu cầu anh bám theo. Đến nơi, hỏi thăm vài câu. Trời ơi, đó chính là người bạn của tôi. Anh học với tôi hồi cấp hai ở Hà Nội. Anh đi bộ đội trước tôi một năm. Vào chiến trường, anh được phân về đơn vị khác. Sau mấy năm chiến đấu, anh được đi học tiếng Khmer. Rồi anh ra quân. Về địa phương, anh được đi xuất khẩu lao động ở Cộng hòa dân chủ Đức. Bức tường Berlin sụp đổ, anh về nước. Nhưng suốt những năm tháng đó, trong anh luôn day dứt một điều. Đó là chuyện anh bỏ lại trận địa một người lính mà anh thương như đứa em. Không biết người lính này bị thú rừng ăn thịt hay bọn địch thủ tiêu. Anh và đồng đội không tìm thấy xác. Anh bị kỉ luật. Hạ cấp chức. Nhưng anh vẫn đau đáu nhớ thương đồng đội. Về nước, anh xây cho bố mẹ ngôi nhà, tặng vợ một xưởng may, tặng con gái cuốn sổ tiết kiệm rồi quyết định sang Campuchia học Phật pháp, đi khất thực trở thành nhà sư thực thụ. Và anh chỉ có một tâm nguyện là đi khắp đất nước Campuchia, cầu siêu cho linh hồn những người lính của cả hai phía. Cầu siêu cho linh hồn hơn 4000 người Khmer gốc Việt, Chàm, Hoa bị chế độ Lon Non tàn sát những năm bảy mươi... Qua anh, tôi được biết, có nhiều người như anh. Sau chiến tranh, họ đi cầu siêu cho những linh hồn còn phiêu dạt trên khắp xứ sở Chùa Tháp.

Cuộc gặp với người đồng đội gây ấn tượng mạnh trong tôi. Tôi cảm phục anh. Tôi muốn giúp anh ít tiền. Nhưng anh không nhận. Anh sống nhờ các chùa. Câu chuyện của anh ám ảnh tôi. Mãi hơn mười năm sau, tôi mới đặt bút viết về anh. Tôi đặt cho anh cái tên theo tiếng Khmer là “Phteah Saniphap”, nghĩa là “Ngôi nhà hòa bình”.

Tôi nghĩ về hành trình của anh trên đất nước Campuchia. Và liên tưởng đến cuộc sống của chúng tôi, của đồng đội tôi trên khắp đất nước Việt Nam sau ngày trở về. Chúng tôi về nước đúng vào những ngày khó khăn, kinh tế kiệt quệ. Những năm 80 của thế kỉ XX, đồng đội tôi lại gồng mình mưu sinh. Người ra nước ngoài lao động, người đi kinh tế mới, người xuôi Nam ngược Bắc... Tôi cũng được chứng kiến nhiều đoàn cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam, khi trở lại chiến trường Campuchia, ngoài thắp hương cho vong linh đồng đội, còn thắp cả những nén hương cho những người lính phía bên kia.

Tôi cũng thấm nhuần Bình Ngô đại cáo của đại thi hào Nguyễn Trãi: Âu cũng nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đỡ mới được như vậy.

Tôi đọc Quang Dũng. Ông có bài Chabbi Chabbi khóc thương một người lính châu Phi đi lính cho Pháp, gửi thây lại đất Việt: Chabbi có bao giờ hiểu nữa/ Những người bạn thương anh/ Dẫu chỉ gặp tên người/ Khắc trên mộ chí/ Nằm trên đất nước của mình.

Tôi sưu tầm hàng trăm bài văn tế. Đọc để tìm hiểu thể loại, nội dung, hoàn cảnh ra đời cùng những huyền thoại quanh từng bài.

Tôi xem lại thần thoại Hy Lạp. Trận đánh giữa Hector và Asin. Dũng sĩ Asin giết chết Hector, buộc xác Hector vào sau xe, kéo quanh thành. Đêm xuống, ông Priam, bố Hector, sang gặp Asin, lấy xác con. Asin hỏi: “Ông không nghĩ là ta sẽ giết ông sao?” Ông Priam trả lời: “Tôi nghĩ, người chiến binh nào cũng có một người cha.” Nghe vậy, Asin cảm động cho phép ông Priam lấy xác con trai. Khi gia đình ông Priam làm lễ truy điệu Hector, Asin cũng có mặt. Câu chuyện đó cho thấy sức mạnh của nền văn minh Hy Lạp.

Và còn rất nhiều câu chuyện khác. Chúng bổ sung cho tôi những kiến thức cần thiết để xây dựng câu chuyện của mình. Và từ đó, cuốn Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt ra đời. Nhân vật chính là cựu chiến binh Ánh, giờ đã thành nhà sư Phteah Saniphap của Campuchia. Viết xong, tôi nhờ đồng đội - nhà thơ Lê Minh Quốc - gửi Nhà xuất bản Trẻ nhưng mãi không được in. Không nản, tôi nhờ Lê Minh Quốc tìm nhà xuất bản khác. Lê Minh Quốc an ủi: “Để mình lo. Sách của Tuấn cũng như sách của mình!” Tôi rất cảm động. May sao, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh nhận in. Có sửa chữa vài chỗ. In lần đầu năm 2022. Nửa năm sau, sách được tái bản. Cho đến nay Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt có nhiều độc giả, nhiều bài giới thiêu, phê bình. Nhiều nhà sư đã dùng những lời văn tế trong cuốn sách để cầu siêu cho những linh hồn người lính hai bên ở biên giới Việt Nam - Campuchia mỗi khi có dịp. Có mấy sinh viên, học viên cao học muốn làm khoá luận, luận văn về cuốn sách.

Đ.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)