Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Lòng dũng cảm và đức hi sinh của người lính chẳng thể nào hư cấu được

Thứ Bảy, 26/08/2023 16:45

. TRUNG SỸ
 

Trong các cuốn hồi kí và tự truyện Chuyện lính Tây Nam, Hà Nội mũ rơm và tem phiếu, tôi nhớ sao kể vậy theo trình tự thời gian, như là cách bắt đầu tự nhiên của những người mới viết. Tác giả nhiều bài phê bình xếp các cuốn sách này thuộc thể loại “non-fiction” (phi hư cấu).

Chịu khó đọc, tự tin mình cũng có thể viết được như mọi người, nhưng lúc đó tôi chưa có ý thức trở thành người viết chuyên nghiệp, chỉ muốn kể lại những câu chuyện chiến tranh gian khổ ác liệt mà một người lính thông tin đã trải qua. Được sự đón nhận và phản hồi tốt từ nhiều độc giả, tôi hiểu rằng thể loại này nếu viết với một ý thức nhân văn xuyên suốt, giữ được tính trung thực giản dị, sẽ đi thẳng vào trái tim người đọc bởi sự chân thành.

Nhưng những chuyện đời, dù đã đi rất nhiều, đã chứng kiến rất nhiều sự kiện, đã nếm trải mọi cung bậc xúc cảm cũng không bao giờ là đủ với những điều mình muốn nói, nhất là khi đã xác định trở thành một người viết văn xuôi. Phải có các nhân vật khác, các tình huống khác ngoài cái nhân vật “tôi” trong hồi ức. Từ đó các “nhân vật” của truyện ra đời, nhưng vẫn mang những cốt chất nguyên mẫu trong đời thực, bởi tôi, như nhiều người nhận xét, có thói quen nệ thực.

Truyện ngắn Bích họa trần gian, in Văn nghệ Quân đội số Tết năm 2023 có nhân vật Tuyên con liên lạc đấu tay đôi với thằng lính Pốt lực lưỡng “...trong trận giáp lá cà phum Sằm Lốt. Hai bên cùng hết đạn lăn xả vào nhau dưới lòng suối cạn. Thằng Tuyên bé nhỏ biết đấu không lại, kịp rút chốt trái lựu đạn tức thì chia đôi. Thân dưới hai kẻ thù nát bươm nhưng phần trên thi thể vẫn siết chặt lấy nhau trong phút giây sinh tử. Anh em thu gom tử sĩ phải gỡ mãi mới tách được họ ra.” Trận giáp lá cà bi tráng này của tiểu đoàn tôi đã xảy ra trên thực địa năm 1987 gần biên giới Campuchia - Thái Lan. Khi đó tôi đã giải ngũ được 4 năm. Tuyên con chính là anh Hồ Sĩ Tuyển, ngày ấy đã là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 anh hùng. Anh Hồ Sĩ Tuyển hồi đầu là liên lạc của anh Huỳnh Ngọc Sơn (nay là thượng tướng - Phó Chủ tịch Quốc hội). Anh Sơn khi đó đóng lon trung úy, Đại đội trưởng Đại đội 1. Đoàn lính Hà Nội chúng tôi vào chốt biên giới Long An cuối năm 1978, lúc anh Sơn lên Tiểu đoàn trưởng. Cùng năm đó anh Tuyển nhậm chức Trung đội trưởng. Về trận tấn công cồn sông Tonle Sap xảy ra tại Oudong tháng 2 năm 1979, tôi có viết một chương khi đi phối thuộc với Đại đội 1 của Hồ Sĩ Tuyển trong cuốn Chuyện lính Tây Nam: “Chiếc tăng PT.85 địch lùi ra khỏi ụ lủi đi thật nhanh. Khẩu DK82 đại đội 4 bắn đuổi với nhưng không trúng. Bộ đội đã vượt qua được cầu. Anh Tuyển giật khẩu B.41 thằng em đi bên cạnh, phụt đại một trái xiên lên trời, giục lính lên đi các em ơi. Nó chạy rồi! Trái đạn tự hủy trên không phía trước, chớp nổ tung khói cam vàng xám.”

Hồ Sĩ Tuyển người Nghệ An, chúng tôi gọi là Tuyển bọ. Anh đẹp trai, tóc hơi xoăn, miệng vuông thành tứ vực có nụ cười rất tươi. Tôi gặp Tuyển nhiều vì hay được phân công xuống Đại đội 1 trực máy. Thời gian đóng quân tại cứ phum Kbal Tà hiên mùa mưa năm 1980, chúng tôi được ở với nhau lâu nhất. Chiều chiều các trung đội trưởng lên hội ý đại đội, lắm khi chung nhau một điếu thuốc rê ẩm xịt.

Năm 1982 đơn vị vượt Biển Hồ sang thị trấn Stoung. Tôi giải ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự. Hồ Sĩ Tuyển được về phép cưới vợ, rồi nhậm chức Đại đội trưởng. Hai năm sau lên nắm quyền chỉ huy Tiểu đoàn 4, tiểu đoàn anh hùng. Một cán bộ dũng cảm dày dạn trăm trận như anh ấy mau trưởng thành là điều tất nhiên. Sau này về quê bạn, được nghe lứa lính đàn em kể lại trường hợp hi sinh bi hùng của anh Tuyển trận Sằm Lốt, thương đến thắt lòng. Tôi cứ nghĩ một người như anh Tuyển thì không thể tử trận được.

Cũng trong truyện ngắn Bích họa trần gian có nhân vật Trung họa sĩ. Nguyên mẫu nhân vật này là Song An, anh lính Sư đoàn 339 tôi gặp ở trại viết quân đoàn Phnom Penh năm 1982. Hồi đó Song An viết câu chuyện Cơn gió màu xanh kể về một anh lính sốt rét mù màu phải đi quân y viện. Sẵn có năng khiếu hội họa nên khi bệnh lui anh đến vẽ chùa công quả cho dân phum. Câu chuyện của Song An không được đăng nhưng nó ám ảnh tôi với bác Vũ Sắc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân khi đó sang trại viết tiền phương công tác. Hiện bác Vũ Sắc đã mất, còn Song An tôi đã hỏi tìm qua anh em Sư đoàn 339 nhưng không ai biết số phận bạn lính giờ như thế nào. Thì tôi viết lại câu chuyện thành một truyện ngắn để tưởng nhớ hai người cùng những anh em khác.

Nhân vật Lương trong truyện ngắn Xóm vui ngày nắng (Văn nghệ Quân đội, số cuối tháng 2/2021) nguyên mẫu cũng là một người lính Hà Nội nhà ở phố Thuốc Bắc. Xin phép gọi tắt tên anh là P bởi anh vẫn sống và trở về chứ không hi sinh như trong truyện. Anh P là một nghệ sĩ của Đoàn xiếc nhân dân Trung ương. Chiến tranh ác liệt, nghệ sĩ cũng phải cầm súng ra chiến trường chẳng hẹn ngày về và câu chuyện đã xảy ra như thế. Có điều thay cho chai dầu luyn tra êm cửa buồng là khẩu mỡ lợn để dành trong ngày đơn vị liên hoan từ biệt xóm nhỏ lên tàu vào chiến trường. Nhân dân mình khổ thế và thương thế. Những chuyện văn nghệ bộ đội kết nghĩa với chi đoàn địa phương nơi đóng quân, chuyện gặt giúp dân ngày mùa vụ, chuyện lính trẻ nghịch ngợm trêu chọc các “chị nuôi” thì rất phổ biến trong các đơn vị huấn luyện, không cần phải kể thêm.

Khoảng cách từ nguyên mẫu đến nhân vật của tôi rất ngắn. Thậm chí có nguyên mẫu chỉ cần thay tên để trở thành nhân vật. Cuộc sống chiến đấu chiến trường ngồn ngộn chất truyện, chất xi-nê, lắm khi đến mức chẳng cần phải hư cấu. Ví dụ nhân vật cô giáo Hiền tàu xe ra tận chốt biên giới Tây Nam thăm chồng, quyết bao giờ đậu thai mới về trong truyện ngắn Dưới bóng cây me già (báo Tiền phong, số ra ngày 24/7/2022). Cô giáo Hiền nguyên mẫu ở Trung đoàn 88, Sư đoàn 302 của anh Sơn Vũ. Anh là cán bộ tuyên huấn Ban Chính trị Trung đoàn ngày đó, nay là bạn facebook kể chuyện này với tôi. Thậm chí không chỉ một mà hai cô cùng vào chốt với tâm nguyện có con mới về bởi lo chồng hi sinh, gia đình chồng tuyệt tự không ai nối dõi.

Than ôi, cái chất bi hùng chấp nhận hi sinh như một sự đương nhiên, như Bàng Đức xưa làm quan tài sẵn cho mình trước khi ra chiến trường đấu với Quan Vũ. Nó gây xúc cảm mạnh đến mức không viết gì về câu chuyện này là một thiếu sót lớn, thậm chí là có tội với anh em đồng đội. Việc cần làm của người viết bây giờ là kéo nó lên cùng với số phận đất nước, không để nó chỉ là một chuyện vợ chồng riêng tư nữa.

“Những lần Hiền ra rạch Bầu giặt đồ cho thương binh, bầy cá chốt nghe mùi máu tanh bu lại, nổi đen đặc trên mặt nước. Chúng quờ những cặp râu lờ phờ tranh nhau rúc vào ống tay áo, ống quần kiếm ăn. Hiền vừa gột máu trên đồ trận anh em, vừa bẻ cành điên điển đập nước túi bụi xua chúng đi. Cô vừa giặt vừa khóc.

Nhưng bây giờ Hiền không khóc nổi. Bầy cá ham ăn máu người cũng chẳng còn làm cho cô sợ. Nỗi sợ nào rồi cũng phải quen đi, phải chế ngự để gắng mà sống cho ra bản mặt con người. Hiền hiểu mình đang sống giữa những thời khắc lịch sử giữ đất biên cương, không phải trong giáo án mà trong từng trận chiến. Một lịch sử trước khi được người ta viết nên thành sách thì đã có chồng mình cùng anh em đồng đội đang trực tiếp viết lên bằng dòng máu trẻ trên cánh đồng đất nước huyện Bến Cầu.”

Khi truyện ngắn lên báo, lên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, các bạn lính của tôi ở các đơn vị đều xác nhận đơn vị mình cũng có chuyện này. Thậm chí có những người vợ lặn lội sang cả chiến trường bên Campuchia thăm chồng. Thế mới biết cái tình thắm thiết vợ chồng bị chiến tranh chia lìa ở đời nào cũng vậy. Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm ngày xưa nào có khác gì:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Bây giờ đến nguyên mẫu chuyện tình giữa các cô gái Campuchia và những anh lính Việt. Những người tuổi trẻ yêu nhau là điều không thể ngăn cấm được. Cho dù khác quốc tịch nhưng họ vẫn có chung một trái tim nóng bỏng đầy nhiệt huyết. Nhà văn áo lính Nguyễn Thành Nhân trong tiểu thuyết Mùa xa nhà cũng có nguyên mẫu tình yêu của anh ấy trong đời thực. Cô ấy đã lên bà, hiện vẫn sống ở Siem Reap.

Nhân vật nữ Thea Lim trong tiểu thuyết Đội trinh sát và con chó Sara của tôi hiện đang sống ở thị trấn Kra Ko tỉnh Pursat cạnh Biển Hồ. Tất nhiên tên cô ấy không phải là Thea Lim, song chuyện tình yêu của cô ấy là có thật. Cô yêu anh lính vận tải người Hà Nội tên Hát cùng đoàn 1978 chúng tôi. Hát người cao lớn, đen giòn như dân bạn và nói tiếng Khmer rất giỏi. Nhà Hát ở phố Gầm Cầu. Khi Hát nhận quyết định giải ngũ, anh không về nhà mà đến Kra Ko xin cưới Thea Lim. Hai người buôn bán trong thị trấn, sống hạnh phúc và sung túc. Họ đã có hai đứa con trai. Khi Việt Nam rút quân về nước, bọn Khmer Đỏ trở lại Kra Ko. Một đêm mưa chúng soi đuốc mò đến nhà, gọi Hát xuống chân cầu thang dẫn đi giết nguội để trả thù. Vợ anh van lạy chúng vẫn không tha. Mấy năm trước anh em Tiểu đoàn 4 chúng tôi sang bốc mộ đưa hài cốt Hát về nước theo nguyện vọng gia đình. Hát người cao lớn xương dài, đầy chật cả một chum sành. Hai cháu con Hát đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học và có xe ô tô riêng. Các cháu dặn khi nào các chú sang bên này thăm lại chiến trường nhớ gọi để chúng cháu đưa đi chơi.

Một điều cũng thật nữa là trong các truyện lính, tôi hay đặt tên nhân vật chính là tên của các bạn bè trong đơn vị đã hi sinh. Tôi làm thế để luôn nhớ về họ, như là anh em tôi vẫn đang sống. Tôi không giỏi và không có cảm hứng dựng nên những nhân vật với đủ loại năng lực thần kì không có thật. Xin lược trích một đoạn bình về nguyên mẫu và nhân vật qua lời tự sự của người thợ chụp hình ở Kra Ko trong truyện về con chó Sara để kết thúc bài viết này: “Tôi đã chụp hình nhiều người với xúc cảm thời thế. Sự ganh tị giữa các ca sĩ phòng trà ẩn sau nụ cười ngây thơ, nếp nhăn tuổi tác mệnh phụ trốn kĩ dưới lớp phấn dày, tham vọng quyền lực lủng lẳng treo trên nút cravat thắt khéo, dưới khuôn mặt ra vẻ tử tế của các ngài hãnh tiến. Tất nhiên họ không thích các bức chân dung này. Tôi đành trở về chụp thiên nhiên. Thiên nhiên luôn vô tư và thành thật, kể cả trong lúc ảm đạm hay rực rỡ chói chang nhất.”

Tôi cũng vậy. Chỉ có viết về người lính là tôi được trải lòng một cách vô tư nhất, yêu thương nhất. Ở đó nguyên mẫu với nhân vật hầu như không có khoảng cách. Lòng dũng cảm cùng đức hi sinh là chẳng thể nào hư cấu được.

T.S

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)