Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Khoảng cách giữa nguyên mẫu và nhân vật

Thứ Hai, 05/06/2023 15:33

. TỐNG NGỌC HÂN
 

Trước giờ, tôi khá quen với việc được người khác kể cho nghe những câu chuyện đời tư của họ hoặc những câu chuyện họ chứng kiến bằng cách nhắn tin, gọi điện thoại, gửi email, viết thư tay. Nhiều người kể dưới dạng tâm sự giãi bày như một nhu cầu giải tỏa cảm xúc. Nhiều người kể để tìm một lối thoát, một hướng đi cho câu chuyện bế tắc của họ, thậm chí xin lời khuyên từ tôi. Nhiều người kể ra câu chuyện riêng tư với mong muốn cung cấp cho tôi một cốt truyện vì họ muốn được chia sẻ rộng rãi, thấy nó là bài học tốt cho ai đó... Tất nhiên, tôi vô cùng trân trọng điều ấy và luôn dành thời gian để tiếp nhận câu chuyện của họ. Có nhiều câu chuyện khiến tôi trăn trở dài lâu. Có những câu chuyện khiến tôi buồn quá, như thể chính tôi đang ở trong bi kịch của họ. Không phải tất cả những câu chuyện đời tư ấy đều được tôi biến thành tác phẩm văn học nhưng tất cả đều góp mặt trong nguồn vốn văn mà tôi hằng tích lũy với ước mơ đi trên con đường văn chương một quãng dài nhất có thể.

Có thể kể ra hàng loạt truyện ngắn có nguyên mẫu mà tôi chỉ nghe kể gián tiếp chứ không hề gặp trực tiếp. Đấy là Ngõ trăng, Đêm không bóng tối, Nước mắt để dành, Mây không bay về trời, Bức tường rào phía Tây, Chổi lông, Nhà ở phố Ngã Tư... Có những người kể cho tôi nghe chuyện của họ và tha thiết muốn tôi viết thành truyện ngắn, nhưng tôi không làm được bởi hiện thực trần trụi và nghiệt ngã quá đôi lúc làm tê liệt những động lực sáng tạo. Nhưng cũng có nhiều lần tôi phải xin phép nguyên mẫu để được viết câu chuyện của họ thành truyện ngắn. Những truyện như thế, nguyên mẫu và nhân vật cứ song hành tồn tại cùng nhau bên hành trình văn chương của tôi. Có những nguyên mẫu đã ở thế giới khác trước khi tôi khai sinh tác phẩm, họ không còn có thể biết rằng, nhân vật được tạo ra từ họ đã được người đọc thương xót, cảm thông như thế nào như truyện Thiếu ơi. Có những nguyên mẫu mà tôi phải cần thêm hai nguyên mẫu khác nữa để tạo thành nhân vật. Sùng trong truyện ngắn Hồn xưa lưu lạc là một ví dụ. Hay truyện ngắn Góc khuất cuối làng cũng phải dùng đến hai nguyên mẫu cho một nhân vật “ông nội của Tư”. Trong đó, một nguyên mẫu tôi nghe kể và một nguyên mẫu là người tôi quen. Nhưng cũng có những nguyên mẫu đủ lớn, đủ phức tạp để tạo ra hai nhân vật trong hai tác phẩm văn học khác nhau như hai nhân vật người chồng trong Vá đồngMáu và tuyết. Cũng có những nguyên mẫu không phải là con người, mà là một địa danh cụ thể được tôi kể lại bằng những thôi thúc rất lạ, ví dụ như Vọng Sim đã đăng trên Văn nghệ Quân đội hồi năm ngoái. Hầu như rất ít người biết Vọng Sim là một nghĩa trang có thật ở ngoài đời. Và có lẽ, cũng hiếm nhà văn nào lấy tên một nghĩa trang đặt cho truyện. Vọng Sim là nghĩa trang ở xã tôi, nơi bố tôi, bà nội tôi nằm. Nay thì không còn Vọng Sim nữa. Người ta sơ tán nghĩa trang tới nơi khác để sử dụng nguồn đất ấy cho mục đích khác. Những ngọn đồi như đồi Sặt cũng thấp dần rồi biến mất. Truyện Vọng Sim lên tạp chí được khoảng một tháng thì hàng loạt bài báo về vấn đề khai thác đất đồi vô tội vạ của các doanh nghiệp ở địa phương cũng gióng giả kéo chuông và một số đơn vị đã bị cơ quan chức năng nhắc nhở. Những chuyến xe chở đất rầm rập về xuôi, ơn giời, cũng có vẻ thưa hẳn.

Nói vậy để thấy, nguyên mẫu là nguồn vốn dồi dào quý giá của văn chương. Nó ẩn mình trong mọi miền đề tài. Nó lấp ló sẵn có trong hiện thực. Nó là nền tảng vững chắc cho rất nhiều sự sáng tạo. Nó có thể đến với người viết bất cứ lúc nào, bằng nhiều con đường mà người viết đủ nhạy cảm để nhận thấy và nắm bắt. Còn có thể gọi đó là “duyên gặp gỡ nguyên mẫu”. Nhiều nguyên mẫu đã đưa người viết đến một vị thế mới trong lòng công chúng, góp phần làm hiện thực thay đổi theo hướng tích cực. Có người đi tìm nguyên mẫu nhưng không gặp, rồi nguyên mẫu tự đến, tự gõ cửa. Nhưng hơn cả mọi triết lí, mọi nguyên tắc, người viết luôn phải tỉnh táo, chủ động trước nguyên mẫu, bởi nếu “nệ thực” thì sự sáng tạo của người viết sẽ bị hạn chế. Phụ thuộc vào nguyên mẫu còn dẫn tới tình trạng có nhiều tác phẩm văn học na ná nhau, sớm muộn cũng xảy ra sự tranh chấp. Bởi vì, chuyện xảy ra với chị A cũng có thể xảy ra với chị B, chị C. Trần ai nào có thiếu gì những nỗi bi thương trùng lặp. Chỉ có khả năng sáng tạo mới làm ra sự khác biệt cho những câu chuyện giống nhau ấy. Cùng là gạch, ngói, xi măng, sắt thép, người ta có thể xây được nhiều ngôi nhà khác nhau. Viết truyện từ nguyên mẫu cũng vậy. Nhà văn phải là kiến trúc sư cho chính ngôi nhà của mình.

Trở lại với nguyên mẫu gần đây nhất mà tôi định kể. Đó là nguyên mẫu trong truyện ngắn Tiếng khèn mưa, từng đăng trên Văn nghệ Quân đội số 937. Trước thời điểm Nguyễn Quốc Kiên kể cho tôi nghe về anh chàng câm thổi khèn rất hay ở Hang Kia thì tôi đã từng đến Hang Kia trong một chuyến đi tiền trạm của nhóm bạn làm du lịch. Hang Kia là một địa danh khá nổi tiếng ở Mai Châu, Hòa Bình, là địa bàn cư trú tập trung lâu đời của đồng bào Mông. Tôi chỉ đến Hang Kia một hai ngày, còn Kiên sống ở Hang Kia cả năm trời. Trong câu chuyện Kiên kể, không phải là một Hang Kia tươi sáng, khởi phục, thay da đổi thịt, mà là một Hang Kia với những con người sống lầm lũi sau sự càn quét của cơn bão ma túy đang cố gắng cất giấu những nỗi niềm riêng tư trong tiếng khèn da diết khắc khoải và làm bình thường trở lại nhịp sống vốn có. Đàn ông trong thung lũng không còn nhiều vì bị bắt giam hoặc bắt đi cai nghiện. Anh chàng câm như người sót lại mà Kiên bảo “anh này nếu không câm thì chắc gì còn ở nhà”. Sau khi gửi tôi hàng loạt bức ảnh, hàng loạt clip về chàng câm, Kiên còn kể cho tôi nghe thêm về cô em dâu ở cùng nhà và ông thợ rèn tài hoa sống trong thung lũng mà Kiên thường xuyên lui tới vì mê mẩn tiếng búa và ánh lửa lò rèn. Tôi đã quyết định viết thành truyện từ tất cả những thứ Kiên gửi gắm. Cả ba nguyên mẫu đều được sử dụng làm thành nhân vật. Anh chàng câm cô độc tuổi ngót bốn mươi biến thành Chiếu, cô em dâu trẻ trung có chồng đi tù mấy chục năm vì buôn ma túy biến thành Xía và ông thợ rèn trở thành bố đẻ chàng câm và bố chồng của Xía. Truyện viết xong tôi đưa cho Kiên xem. Đây là ngoại lệ đầu tiên. Vì tất cả những truyện có nguyên mẫu trước đó, nguyên mẫu không được can thiệp vào truyện trong quá trình tôi viết, trừ khi tôi hỏi ý kiến về một tình huống nào đó. Tôi chủ động hoàn toàn trong việc tạo ra những nhân vật độc lập so với nguyên mẫu, giữa nguyên mẫu và nhân vật là một khoảng cách ảo mà chỉ có nguyên mẫu mới nhận ra, còn người đọc khó biết. Kiên đọc xong, im lặng không nói gì, không chê, không khen. Có lẽ Kiên thấy lạ với những gì tôi thi triển. Câu chuyện Kiên kể không hề phức tạp, thậm chí là rất đơn giản nhưng khi vào tác phẩm văn học, nó là một cốt truyện khó giải quyết thỏa đáng, khó đoán định. Nếu không có một người thứ ba trong gia đình, giống như một bức tường ngăn cách giữa Xía và Chiếu, thì lấy gì ngăn cản họ đến với nhau? Một gã trai câm không có vợ, đang tuổi sung mãn, một cô em dâu trẻ trung hừng hực xuân sắc, có chồng đi tù vì buôn ma túy mờ mịt ngày về, ăn cùng mâm, ngủ cùng nhà, bên nhau sớm tối, dù Kiên không kể cụ thể thì tôi cũng biết Kiên nhận định thế nào về mối quan hệ đó. Vì thế, tôi đã đưa ông thợ rèn vợ chết vào truyện, phong cho ông ấy chức bố chồng cô Xía. Tôi đã đem đến cho nhân vật này một gia đình ấm cúng với những mâm cơm, có con, có cháu đủ đầy, cho ông mọi quyền hành dạy bảo anh Chiếu, quán xuyến cô Xía. Nhưng đổi lại, ông ấy bị tôi buộc vào những tơ vương với cô Xía trẻ đẹp phơi phới. Ông Cháng có tơ vương thì mới quyết liệt ngăn cản hai cái người trẻ ấy. Ngăn cản họ không phải để giành về mình, vì ông biết, đạo lí cha chồng nàng dâu không cho phép. Ngăn cản để thằng con trai ông không được làm liều, vì nó vốn rất liều. Người đàn ông góa vợ từ rất lâu rồi, con cái thì chả ra làm sao, đứa tù tội, đứa tha hương, đứa thì đơn độc một mình suốt ngày kè kè cây khèn bên nách. Ông Cháng và Chiếu trở thành máu mủ của nhau trong truyện, nhưng cũng lại là đối thủ của nhau trong cuộc cạnh tranh luyến ái âm thầm nhưng không kém phần dữ dội. Họ ra sức đẩy nhau ra khỏi Xía, họ canh chừng nhau vì ghen tuông. Cuộc sống đang yên đang lành, bỗng một ngày trời đổ mưa, Chiếu đi thu quần áo và phát hiện ra bộ đồ lót rất đẹp màu hồng như những cánh hoa đào của em dâu. Vì bị nhiễm mưa nên Chiếu vắt bộ đồ lên miệng gùi để ngay trong nhà, ông Cháng chắc cũng nhìn thấy. Sự vô tình hay là tín hiệu gì đây? Nếu là tín hiệu thì tín hiệu này Xía gửi cho ai? Ông Cháng hay là Chiếu? Cơ hội dành cho cả hai, nhất là đêm ấy, con bé Linh, con gái Xía, lần đầu ngủ bên nhà cô ruột, Xía không đón về... Có lẽ, thấy tôi “đày ải” hai gã đàn ông ấy quá, “mỡ để miệng mèo” mà hai mèo cùng đói nên một nhà văn khi đọc đã ướm hỏi “Hay là cứ để cho lão Cháng...” Tôi thì không thể thỏa hiệp với nguyên mẫu và quyết dùng quyền của người kể chuyện để tách Xía ra khỏi Chiếu trong một cái kết ngậm ngùi chua xót mà bản thân tôi cũng day dứt khôn nguôi... Sau khi truyện đăng thì Kiên bắt đầu hồ hởi kể cho tôi về những hành trình khác và những nguyên mẫu khác. Phần lớn là những tình huống hết sức tế nhị, oái oăm liên quan đến đời sống luyến ái của những con người vùng cao nơi Kiên đến đó làm việc và chứng kiến. Anh tin là chúng có ích đối với sự viết lách của tôi hoặc anh nghĩ có thể tôi sẽ tạo ra một cái gì đó hay hơn, ấn tượng hơn và được đông đảo người đọc biết đến chăng? Hóa ra, truyện viết xong nhưng chưa thể xong, nếu như nó không được một tạp chí, một tờ báo hay một nhà xuất bản công nhận. Và trong lúc chờ để công nhận thì Kiên hoàn toàn im lặng với tôi. Khi viết Con trai người Xá Phó, tôi bỏ ra một ngày đi Nậm Sài, tình cờ gặp gỡ, nói chuyện với nguyên mẫu rồi về viết. Câu chuyện diễn ra hết sức thuận lợi trôi chảy và đương nhiên cái cô nguyên mẫu của nhân vật Hờ không hề biết rằng gia đình cô ấy đã vào truyện. Và nếu có tình cờ nghe đài đọc truyện ấy, cô ấy sẽ xuýt xoa, sao mà giống mình thế... nhưng mà không phải mình đâu... chỉ giống thôi. Còn đây, gián tiếp nghe kể về nguyên mẫu thì khoảng cách ấy khiến nhân vật mờ đi, không thật sự rõ ràng. Điều này rất tốt cho hư cấu. Nhưng Kiên đã muốn tôi để chàng câm thổi khèn rất hay ở Hang Kia còn mãi thì tôi phải cố gắng giữ lấy những phẩm chất, tính cách của nguyên mẫu. Vì thế, cảm giác tôi vẫn chưa làm tốt nhất có thể khiến tôi thấp thỏm và luôn muốn dõi theo hiện thực để biết câu chuyện tôi viết và hiện thực có bị xung đột không. Thi thoảng lại có người nhắn tin: “Hân ơi, chị tin là Chiếu và Xía sẽ đến với nhau, sẽ cùng nhau trốn khỏi Hang Kia, ông Cháng không cản được”, “Hân ơi, viết tiếp chuyện của Xía đi”. Giống như trước đó, một chị độc giả của tiểu thuyết Huyết ngọc cứ nhắn tin đòi tôi kết nối với cô Thoan để tâm sự. Tôi bảo Thoan là nhân vật hư cấu một trăm phần trăm chị mới thôi. Tôi không thể đoán định cái mối quan hệ giữa chàng câm và cô em dâu kéo dài bao lâu và sẽ chuyển tới hình thái nào nên tôi trả lời các chị là “em cũng nghĩ như chị” để các chị vui. Nhưng lương tâm của người cầm bút không cho phép tôi cổ xúy cho những mối quan hệ sai trái như thế, dù nó có thật ở đời, có thật ở nguyên mẫu. Nhất là trong lĩnh vực tình cảm con người, cái sự phân định sai trái cũng chỉ là tương đối, nhà văn không thể áp đặt. Gần tết, có em gái đi Hang Kia về kể, tình hình buôn bán ma túy kinh khủng lắm chị ơi, cánh hình sự và tội phạm rượt nhau, súng nổ như trong phim, chứ không yên ả đâu.

Ngay từ thuở đặt chân đến Hang Kia, tôi đã biết một điều, vùng đất ấy và những con người sống trong thung lũng ấy xứng đáng được kể lại bằng một cuốn tiểu thuyết, để người đọc có thể thấy hết mọi góc cạnh của đời sống, được thấy Hang Kia từ nhiều phía. Truyện ngắn chỉ là một lát cắt, là cái nhìn một chiều về con người trong một giai đoạn cụ thể, rất nhiều hạn chế so với sự hiện diện dài lâu của nguyên mẫu và bối cảnh xung quanh nguyên mẫu. Nhưng tôi không có nhiều thời gian để viết riêng một cuốn tiểu thuyết cho Hang Kia. Ước muốn làm dịu đi những đau thương mất mát, ước muốn tô điểm thêm những mảng màu sáng vào bức tranh Hang Kia trong cuộc hồi sinh đã khiến tôi viết truyện ngắn Tiếng khèn mưa sau khi nghe Kiên kể. Một truyện ngắn mà rất đông độc giả khen hay nhưng tôi luôn có cảm giác câu chuyện chưa kết thúc, đang âm thầm tiếp diễn theo lối đi của riêng nó, bất tuân mọi định hướng của nhà văn. Cũng từ cảm giác ấy, tôi nhận thức sâu sắc một điều, nguyên mẫu chỉ giúp cho nhà văn dựng nên những câu chuyện để truyền tải những thông điệp có giá trị cho xã hội chứ không chịu trách nhiệm cho sự thất bại của tác phẩm hay nhà văn. Và vĩnh viễn, nguyên mẫu có đời sống riêng, khổ đau hay hạnh phúc đều đáng được trân trọng. Phía người viết hoặc có thể tác động đến đời sống nguyên mẫu theo hướng tích cực hoặc lặng yên dõi theo, chứ tuyệt đối không thể đẩy nguyên mẫu lún sâu vào những khó khăn rắc rối.

Tóm lại, là người viết văn, nếu đã sử dụng nguyên mẫu cho tác phẩm thì luôn xác định là sẽ có những buồn vui bất ngờ chờ đón bản thân. Vì giữa nguyên mẫu và nhân vật là một khoảng cách kì ảo do chính nhà văn tạo ra.

T.N.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)