Từ nguyên mẫu đến nhân vật

"Những người đốt gạch" - nhân vật chính đã đi xa

Thứ Sáu, 13/10/2023 17:03

. PHÙNG VĂN KHAI
 

Truyện ngắn Những người đốt gạch tôi viết sau Trại sáng tác Đồ Sơn in Văn nghệ Quân đội năm 1996 đến nay vẫn còn nhiều người nhớ cũng là một cơ duyên. Truyện viết giản dị có phần vụng về của người mới cầm bút học ngành kĩ thuật tại sao vẫn nằm lại trong trí nhớ độc giả? Vì nó thật. Tôi viết về chính tôi và những người đồng đội, người thân thiết nhất của mình một cách trung thực như những gì nó diễn ra. Mấy hôm trước trở lại đơn vị, đến chào tôi là các bạn thế hệ sau, mà ngày chúng tôi đóng gạch, đóng than, xếp lò, đốt gạch ở đó, các bạn mới lẫm chẫm biết đi, có bạn còn chưa ra đời.

Đó là những năm 1994, 1995, 1996, khi tôi làm lính vệ binh của Tiểu đoàn 1 - Cục Kĩ thuật - Binh chủng Tăng Thiết giáp (nay là Xưởng X1 - Cục Kĩ thuật Binh chủng - Tổng cục Kĩ thuật). Cuộc sống lính tráng ở đâu cũng khó khăn thiếu thốn, nhất là đầu những năm 1990 mới vừa hết cấm vận, mọi thứ khó khăn lắm. Được ăn no đã là quá đỗi vui mừng. Cơ mà chúng tôi luôn được ăn no. Tuổi đôi mươi, mỗi ngày đêm phải vác súng đi ba vòng sáng, chiều, đêm quanh đơn vị chu vi chừng bốn kilômét, còn phải quan sát, nắm bắt tình hình, nếu không được ăn no, sức đâu hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi còn phải làm nhiều việc khác, trong đó có việc đóng gạch, đóng than, xếp lò, đốt gạch theo quy định của đơn vị.

Công việc đó với cánh tân binh bọn tôi cũng chẳng sao, nhưng với các anh chị thượng úy, đại úy, thiếu tá chuyên nghiệp và cả sĩ quan, chắc chắn có sự e ngại, thậm chí là thắc mắc. Các anh chị ấy được đào tạo bài bản về các ngành máy móc, cơ điện, thợ kĩ thuật, thợ sửa chữa… phải được làm chuyên môn của mình chứ. Đóng gạch, đóng than lấm láp thật chẳng ra sao...

Chúng tôi ngại nhất là đóng than. Than vốn có một lượng dầu bám dính vô cùng khó tẩy rửa. Khuôn than xộc xệch. Than mua về lổn nhổn lẫn cả đá sỏi vô thiên lủng. Nhào than đưa được vào khuôn vô cùng khó khăn, rơi vãi lung tung. Có người sốt ruột dùng chân giẫm, tay bốc, quần áo mặt mũi lem luốc khủng khiếp. Ngày ấy làm gì có nước máy. Nước giếng mùa đông vừa lạnh vừa cạn đục ngầu, nên có lúc chúng tôi chỉ còn biết ra ao hồ ở xa để tẩy rửa quần áo chân tay.

Sợ nhất là những hôm trời sậm sịt mưa dầm. Than không đông được để nhấc khuôn ra cứ vữa vào nhau mất dấu là toi công. Còn sợ hơn nữa là những bận mưa rào đầu mùa, từng viên than đã đông kết bỗng hòa tan trong mưa gió và tiếng hò hét “chạy than”, “chạy gạch” nửa đêm náo loạn. Vậy mà, đơn vị vẫn luôn đoàn kết, yêu thương gắn bó với nhau mặc dù công việc thì, thú thật là, không mấy hiệu quả.

Không hiệu quả bởi đóng gạch, đốt gạch cũng phải có tay nghề, phải có chất đất phù hợp, phải tính toán lượng than vừa đủ mới không sống quá không chín quá. Tính toán sai hoặc chất lượng than không đồng đều, hoặc chín non gạch không dùng được đổ sông đổ biển, hoặc chín quá đông đặc cả một lò phồng rộp càng không biết “bếch” đi đâu. Các lò gạch ngày đó đều là khi sống khi chín, tỉ lệ bị loại bỏ rất cao.

Tôi lúc đó không thể suy nghĩ được nhiều về chính trị, về trách nhiệm, mà trong đêm đông giá buốt hoặc đêm hè oi ả ôm súng gác, những cảm xúc nối nhau trỗi dậy. Tôi viết ra hoàn toàn sự thật, không thêm bớt một chi tiết nào.

Nhân vật trung tâm là anh Tấn quân hàm đại úy với trách nhiệm chủ lò gạch. Hai phó lò là hai anh sĩ quan trẻ tuy hăng hái nhưng kinh nghiệm đốt gạch hoàn toàn mù tịt nên chỉ có thể dựa vào anh Tấn. Trung đội vệ binh của chúng tôi như đội chủ công đóng gạch, đóng than, xếp lò và phụ trợ chủ lò đốt gạch. Nhà anh Tấn nghèo đến mức tôi cảm giác anh lúc nào cũng thiếu ăn. Có lúc anh em ngân ngấn nước mắt nửa đêm canh lò đói rét quá phải vượt rào đi mua những túi mì tôm phế phẩm không có bao bì về nấu trong chiếc xoong không vung, đến tai xoong cũng chỉ còn một bên, được đặt trên một đám gạch vỡ. Những bát mì tôm xì xụp chỉ thêm nhúm muối, nắm rau cải vặt trộm của đơn vị cứ thế vò ra vứt vào mà ai nấy đánh chén rất ngon. Khi đó, anh Tấn thường rút ra trong ngóc ngách nào một chai rượu cóc gặm đầy sạn cát, mỗi anh em làm vài tợp ấm bụng canh lò gạch.

Có một bận, trong cuộc giông bão đầu hè, vì phải chạy than, chạy gạch lúc nửa đêm, anh Tấn bị ngã gãy chân. Bọn tôi lập tức làm một chiếc cáng trong mưa gió bắt anh ngồi lên đấy rồi khiêng vào chỗ khô ráo, miệng anh vẫn quát tháo chúng tôi hãy bỏ mặc anh mà lao vào chạy than chạy gạch. Những chi tiết đó tôi đã viết hết sức trung thực trong Những người đốt gạch.

Rồi đến chuyện anh Tấn định truyền nghề cho tôi. Anh dạy rất kĩ, thế nào là than tốt, than rởm. Cái sự tốt rởm này, anh không quyết định được vì cánh hậu cần mua về từ các nguồn khác nhau, nhưng tốt hay rởm quyết định thành bại của mỗi lò gạch. Ông chủ lò Tấn bảo, đời anh toàn gặp than rởm là chính, đâm ra cũng quen với chúng để khống chế nhiệt độ trong lò. Chính anh đã cứu vô số lò gạch từ nguy cơ bỏ đi hoàn toàn tới việc gạch chín trên bảy mươi phần trăm. Thời ấy, số phần trăm ấy là quý giá lắm.

Cơ mà tôi không thể nào nhận nghề anh truyền được. Tôi có dự định về tương lai cho riêng mình. Đến khi anh sắp mất, anh vẫn phều phào nhắc ngày xưa anh định truyền nghề cho chú, bởi anh nhận thấy chú có phẩm chất nông dân, lại có vẻ thông minh, có phần láu cá mới đảm đương được với bọn than gạch tốt xấu tùm lum trà trộn.

Đến khi anh mất, lên thắp hương cho anh, chị Tấn vẫn bảo anh Tấn nhắc nghề của anh thật tiếc đã thất truyền.

Không truyền được nghề cho tôi, anh Tấn tìm trong số anh em thân thiết và kiên quyết đề nghị anh Sự thế chân mình khi tuổi tác và bệnh tật của anh kéo đến. Tôi càng suy nghĩ lao lung. Một đơn vị quân đội, nhất là một đơn vị chuyên sâu kĩ thuật, đã ở vào cuối thập niên 1990, phải tính toán để thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quy, hiện đại, thì việc tồn tại một lò gạch không mấy hiệu quả của nó, phải đưa vào đấy vô số nhân lực, ngày đêm chỉ để làm ra những viên gạch chất lượng kém, liệu có đáng không? Các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của chúng ta còn biết bao nhiệm vụ khác, thậm chí bố mẹ, vợ con ở quê, người yêu ở xa gần, các cháu bé trong khu tập thể sẽ nhìn nhận ra sao khi cha mẹ chúng, người yêu của mình, sáng thứ hai quân phục chỉnh tề chào cờ xong lại trần lưng ra đóng than, đóng gạch?

Suy nghĩ thì như vậy, nhưng nói ra như thế nào đây? Trung đội vệ binh lúc đó ở đơn vị toàn là binh bét, được phân nhiệm vụ canh gác ban đêm, đóng gạch, đóng than ban ngày, còn chăn thêm sáu con bò và chăm sóc hai khoảnh ruộng mùa nào thức nấy, cứ thế thực hành chứ làm sao dám “bàn chuyện thiên đình”. Cá nhân tôi cũng đã tính đến việc mau chóng tới hạn ra quân trở về nhà, hoàn toàn không muốn ở lại đơn vị như một số đồng chí khác.

Trong khoảng thời gian đó, tôi được điều động đi học một lớp lái xe ở Sơn Tây sáu tháng. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là thoát khỏi cảnh đóng gạch, được tề tựu với anh em toàn quân, ôm vô lăng phóng vun vút trên khắp các nẻo đường. Học xong cũng là thời hạn ra quân, thì chắc chắn rồi, “Mị sẽ chuồn khỏi nơi đây!”

Nhưng sự đời có phải cái gì cũng tính toán trước được đâu.

Trong khóa học lái xe, tôi may mắn được đi Trại viết văn của Văn nghệ Quân đội năm 1996 tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Đúng là có dịp “mở mắt ra”. Văn chương không phải cái gì hạn hẹp, tù túng, mà là những khoảng trời mênh mông rộng mở. Tôi như không tin vào mắt mình khi được nhìn ngắm, bắt tay, nói chuyện với các bậc đa đề tưởng chỉ có ở trong sách giáo khoa như Vũ Cao, Lê Lựu, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trí Huân, Lê Thành Nghị, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu… và nhất là được ăn no thỏa thích, toàn là “sơn hào, hải vị”.

Trong trại viết, tôi được mọi người hết sức chăm chút; là thế hệ “mầm non” văn học của quân đội nên ai nấy đều động viên, dìu dắt rất nhiệt tình.

Nhưng sự viết lách của tôi để có thể đền đáp kì vọng của mọi người thật dưới mức trung bình.

Mặc dù, trong báo cáo đánh giá tổng kết trại có nhắc đến tên tôi, thậm chí truyện ngắn Nhánh sim rừng của tôi đã được in ngay sau trại, song tôi vẫn hiểu được là mình chưa đạt điểm trung bình. Truyện Nhánh sim rừng tàm tạm ấy, có vô số nét bút, câu chữ, khúc đoạn... là của nhà văn Lê Lựu.

Nhưng tôi học được ở trại viết rất nhiều điều hữu ích. Các bậc thầy không chỉ giảng giải về nghề mà còn nói về sự hi sinh vô bờ bến của quân đội ta, vai trò vị trí chức năng của văn học với người chiến sĩ, và cái quan trọng nhất là mỗi lứa nhà văn hãy viết đúng về thời đại mình, đơn vị mình, đồng đội của mình như nó vốn có.

Tôi loay hoay trong đầu về cái lò gạch của đơn vị. Nó không mấy hiệu quả, tại sao cứ chềnh ềnh ở đó bao nhiêu năm? Nhiều người mệt mỏi vì nó. Đến ông chủ lò gạch Tấn cùng nhiều đồng đội đã bị vấp ngã, gãy chân cẳng với nó. Nó còn ở đó đến bao giờ? Và viết về nó thì viết như thế nào để không trở thành “bôi đen” đơn vị, “bôi đen” quân đội?

Tôi vẫn nhớ lời của nhà văn Lê Lựu: “Cậu viết chán bỏ mẹ! Cơ mà không hỏng hẳn. Cứ tưởng hỏng rồi lại lóe lên một cái gì. Cậu viết có văn mà không có chuyện. Cái chuyện thường ngày của lính tráng các cậu mà không có thì cũng lạ nhỉ?”

Lời nhà văn Lê Lựu lúc nào cũng văng vẳng bên tai. Chúng tôi đã dầm mưa dãi nắng ngấm biết mấy buồn vui sướng khổ với cái lò gạch nhiều năm trời. Đúng rồi, nó sẽ là nhân vật của tôi. Đích thị anh Tấn là nhân vật trung tâm của Những người đốt gạch.

Những người đốt gạch ra đời trong hoàn cảnh đó.

Tháng 2 năm 1997, tôi có quyết định chuyển về công tác tại Truyền hình Quân đội nhân dân.

Cũng chẳng phải vì truyện ngắn Những người đốt gạch của tôi mà sau đó chỉ thời gian ngắn, cấp trên đã ra quyết định phá bỏ toàn bộ hệ thống lò gạch trong toàn quân. Bộ đội từ đó trở đi không phải đóng gạch, đốt gạch nữa.

Làm phóng viên truyền hình, tôi được đi nhiều, bỗng chốc nổi tiếng với Những người đốt gạch. Lại đúng lúc cấp trên ban quy định bãi bỏ đóng, đốt gạch trong toàn quân, tôi giống như đã tiên đoán trước điều gì lớn lao, ghê gớm lắm.

Đến khi anh Tấn mất, lò gạch cũng bị phá bỏ đi rồi. Tôi trở về đơn vị cũ thắp hương anh. Đơn vị vẫn nghèo và khó khăn lắm. Đâu phải bỏ lò gạch đi thì cuộc sống bớt cơ cực, được sang trọng hơn đâu. Mọi sự chuyển mình phải căn cơ gốc rễ chứ không thể nào dựa vào những dẫn dắt véo von trong văn học.

Tôi viết tiếp truyện ngắn Anh Tấn in trên phụ san Văn nghệ Quân đội. Truyện ngắn chính là những lí giải ngọn ngành, tâm tư gan ruột và nhất là quan điểm của những người như anh Tấn, kế tiếp đó là chúng tôi, khi nhìn về chiều sâu tâm hồn, bản lĩnh thực sự của bộ đội ta chính là tính nhân văn, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau trong vòng tay rộng lớn của nhân dân. Điều này mới là một trong những vẻ đẹp cao quý nhất của bộ đội Cụ Hồ. Nó giống như một bản tường trình của tôi, tại sao lại viết ra Những người đốt gạch.

Tôi viết hết sức trung thực; từ tên người, tên đất, các chi tiết, tình tiết đều là có thật với một giọng văn hùng hồn như là tự bào chữa cho mình. Vậy mà truyện ngắn Anh Tấn chỉ ở mức dưới trung bình, đúng nghĩa truyện minh họa người tốt việc tốt.

Quả có những lúc, nhà văn không hiểu nổi mình.

Sau mấy năm, cứ tưởng được đi nhiều, học nhiều, tiếp xúc với các đa đề, lại được học Đại học Viết văn Nguyễn Du, tất ngòi bút sẽ điêu luyện, lấp lánh, trỏ đâu thắng đó, múa bút hoa bay gió thổi, thì truyện ngắn sau phải hay hơn truyện ngắn trước mới đúng. Có những lúc, tôi nghĩ, cỡ Những người đốt gạch viết dễ ợt, chỉ đôi ba buổi là xong.

Song văn chương không bao giờ đơn giản như vậy.

Sở dĩ, Những người đốt gạch còn có bạn đọc ngày hôm nay hỏi đến, tôi đi các đơn vị trong toàn quân vẫn có người hỏi, nhiều người nhớ nó, thích nó, chính vì nó đã trình bày ra một khúc đặc biệt trong đời sống người chiến sĩ. Nó như một mẫu số chung trong tâm tư suy nghĩ của nhiều người, chạm đến sự đồng cảm của mọi người, và nhất là, chính sự việc ấy cũng đã hết vai trò trách nhiệm của nó.

Đúng lúc đó, ngòi bút nhà văn chạm vào, dẫu có vụng về như tôi, cũng đã nhận được sự đồng cảm, ủng hộ và đón đọc.

Đó cũng là bài học trong nghiệp viết của tôi.

Gần ba mươi năm sau, đầu mùa hè 2023, vợ chồng tôi trở lại đơn vị cũ.

Mọi thứ đã thay đổi đến mức khó có thể nhận ra. Những con đường trải nhựa át-phan đen bóng được quy hoạch thẳng thớm dưới tán cây xanh. Sân bóng đá cũng là nơi duyệt đội ngũ chào cờ vuông vức cỏ xanh mềm nhưng nhức nắng gió chan hòa. Tòa nhà Chỉ huy tám tầng uy nghi cờ đỏ sao vàng bay phần phật. Phòng khách điều hòa chạy êm ru. Các phòng làm việc của cơ quan Chính trị, Tham mưu, Hậu cần, Kĩ thuật liên thông thang máy sáng choang. Ở các phân xưởng cũng tòa ngang dãy dọc vô cùng trang nghiêm, quy củ. Hội trường sức chứa vài trăm người mát rượi. Máy trình chiếu, máy ảnh, máy quay phim đều đợi sẵn trong tay bắt mặt mừng. Đó cũng là những tình cảm nồng hậu, chân thành và chu đáo khiến tôi rơi nước mắt khi trở về đơn vị tặng bộ sách mới sáng tác.

Càng kì lạ hơn nữa, mọi người lên nhận sách tôi kí tặng đều nhắc về Những người đốt gạch một cách xúc động, như một hình ảnh thẳm sâu mãi mãi cất giữ ở trong lòng. Đặc biệt hơn, các em thiếu úy, trung úy, thượng úy phần nhiều chính là hậu duệ của Những người đốt gạch lứa chúng tôi ngày trước. Cậu trung úy con anh Tấn cứ đứng mãi bần thần cầm cuốn sách của tôi.

Văn chương luôn có những trái ngọt bất ngờ. Nhân vật chính của Những người đốt gạch đã phiêu diêu thanh thoát từ lâu. Song, tôi vẫn thấy anh đang ở thật gần, mỉm cười nhỏ nhẹ nói với tôi: Thôi, bây giờ anh không còn muốn truyền nghề đốt gạch cho chú nữa.

P.V.K

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)