Con ốc sên chậm chạp và hành trình tìm đến “Xứ sở Bồ Công Anh”

Thứ Hai, 15/01/2024 14:06

Bên cạnh tác phẩm nổi danh Lão già mê đọc truyện tình, tác giả Luis Sepúlveda còn gắn bó với độc giả thế giới, đặc biệt là nhóm độc giả nhỏ tuổi, qua bộ tiểu thuyết đặc sắc về những thế giới giả tưởng, nơi ông nhân hóa loài vật cũng có suy nghĩ, ngôn ngữ riêng. Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp chính là một tác phẩm như vậy.

Câu chuyện được khơi nguồn từ người cháu trai đã hỏi tác giả Luis Sepúlveda, một câu hỏi ngây thơ mà gần như đứa trẻ nào cũng từng hỏi người lớn: “Tại sao ốc sên lại chậm chạp đến vậy?” Để rồi, từ tiền đề ấy, thế giới về một con ốc sên có ý thức về bản thân giữa một cộng đồng ốc sên, cả già lẫn trẻ mở ra, trải rộng theo hành trình con ốc sên có ý thức kia, kiếm tìm lời giải đáp cho lí do, tại sao giống loài của nó lại chậm chạp tới thế. Cũng như cả chặng đường dài, những con ốc sên “chậm chạp và lặng lẽ”, đi được tới đích đến cuối cùng chúng mơ ước, Xứ sở Bồ Công Anh mới, trải rộng trong tiết xuân.

Nhận thức và ý thức

Thế giới tiểu thuyết Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp là một thế giới đã được tác giả Luis Sepúlveda nhân hóa bằng trí tưởng tượng của ông, giống với các câu chuyện khác ông viết cho thiếu nhi như Chuyện con mèo dạy hải âu bay hay Chuyện con mèo và con chuột bạn thân của nó. Bằng sự nhân hóa đấy, thế giới ốc sên trong cuốn sách này, cùng cả những loài vật trong giới tự nhiên, đều có nhận thức lẫn sự thấu hiểu ngôn ngữ của nhau.

Chúng sống trong khu vườn được chúng gọi với cái tên “Xứ sở Bồ Công Anh”, dưới bóng các cây ô rô để tránh thú săn mồi. Chúng nói chuyện bằng chất giọng rất nhỏ, rất chậm, đồng thời, cũng nhận thức được sự thật, chúng là một giống loài “chậm chạp và lặng lẽ.” Nên “chúng cũng biết sự chậm chạp và lặng lẽ khiến chúng mong manh, mong manh hơn rất nhiều so với các động vật khác có khả năng di chuyển nhanh nhẹn và biết kêu báo động. Để khỏi phải sợ sự chậm chạp và lặng lẽ, chúng tránh nói đến vấn đề này và chấp nhận sống như chúng vốn thế với vẻ cam chịu.”

Nhưng giữa đồng loại và cả cộng đồng ốc sên, các cụ sên lão làng hay những chú sên trẻ nhận thức được “sự chậm chạp và lặng lẽ” của bản thân, cũng chỉ có một con ốc sên từ nhận thức tới chấp nhận mà nảy sinh ý thức tìm hiểu “nguyên nhân của sự chậm chạp ấy.” Và cũng từ ý thức, con ốc sên đó hành động, hành động để tìm ra lời giải đáp cho đặc trưng giống loài; và tìm ra cả “cái tôi” sau khi đã chứng kiến, đồng loại trong cộng đồng, chỉ gọi nhau bằng một tên chung là “sên” mà thiếu định danh cho từng cá thể.

Nên con ốc sên có nhận thức và ý thức kia, trở thành một điều kì quái, xa lạ giữa một xã hội ốc sên thu nhỏ dưới bóng cây ô rô, và đây, như tạo tiền đề cho sự “cô lập” của cả cộng đồng với cá nhân “dị biệt.” Và tác giả Luis Sepúlveda, qua một thế giới giả tưởng, đã như gợi lên trên trang viết, hàng loạt mâu thuẫn giữa cá nhân với tập thể, giữa ý thức cá nhân với ý thức cộng đồng, giữa cái mới với cái cũ…

Mà khi mâu thuẫn nảy sinh, con ốc sên muốn biết vì sao nó chậm chạp kia, cũng có quyền lựa chọn. Tiếp tục hành trình tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi nó đưa ra, tìm kiếm một cái tên cho bản thân hay “chấp nhận” trở lại, sống “bình yên” qua ngày cùng đồng loại, những tháng ngày vẫn nối tiếp theo mỗi tối, chúng đã tạo nên “tập quán.”

Nên, nhận thức đến ý thức là một quá trình, và từ ý thức tới hành động, lại là cả dũng khí cùng sự dũng cảm để con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp vượt qua hết thảy cả mâu thuẫn với đồng loại lẫn hành trình kiếm tìm chân lí, mà một con ốc sên chưa một lần rời khỏi Xứ sở Bồ Công Anh như nó, sẽ chẳng thể mường tượng đến.

Bối cảnh, không gian ban đầu trong tiểu thuyết Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp được khởi nguồn từ vùng đất hẹp, Xứ sở Bồ Công Anh dưới tán cây ô rô rồi dần mở rộng tới không gian “bên ngoài” theo chặng đường kiếm tìm câu trả lời của con ốc sên “lạc bầy”...

Ảnh minh hoạ.

Dũng khí và dũng cảm

Để đặt câu hỏi, bất kể câu hỏi ấy có khó trả lời và nhắc câu hỏi đó liên tục trở đi trở lại, là một chuyện hết sức đơn giản. Nhưng chấp nhận bản thân “khác biệt” và không từ bỏ sự “khác biệt đó”, đồng thời vượt thoát “vùng an toàn”, “không gian trong nhà” để tìm câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi vẫn luôn canh cánh trong lòng, thì cần dũng khí rất lớn. Như cách con ốc sên “muốn biết tại sao nó chậm chạp và muốn có một cái tên” rời Xứ sở Bồ Công Anh và tự hứa “sẽ chỉ quay về khi đã rõ tại sao chúng ta chậm chạp và khi tôi đã có một cái tên” vậy.

Cũng cần phải nói một điều rằng, trước khi rời Xứ sở Bồ Công Anh, nơi con ốc sên “muốn biết tại sao nó chậm chạp và muốn có một cái tên” sinh sống, không phải nó chưa từng nhận được câu trả lời. Đồng loại bảo nó, ốc sên chậm chạp là vì “đời vốn thế.” Bác cú già thông thái bảo nó, ốc sên chậm chạp là vì “phải vác nặng

những gì cháu đã nếm trải, cay đắng và ngọt bùi, mưa gió và nắng cháy, giá lạnh và bóng đêm.” Nhưng câu trả lời nó muốn biết, nó cần, còn hơn thế. Bởi nó muốn đi tới tận cùng của tại sao, và rằng “chậm chạp như thế có ích gì cho cháu không?”

Nên không một ai ở gần có thể giải đáp cho nó. Nên con ốc sên “muốn biết tại sao nó chậm chạp và muốn có một cái tên”, đã “ra đi”, tới những vùng đất mà loài ốc sên vẫn sống dưới tán cây ô rô, chưa từng đặt chân đến; gặp những sinh vật mà loài ốc sên vẫn sống cả đời nơi Xứ sở Bồ Công Anh đã chẳng thể biết tới; nhìn những chuyện mới lạ, biết những điều trước đó không ai có thể nói cho nó nghe, cũng thấy những mối hiểm nguy tiềm ẩn và mỗi lúc một tiến gần mà giống loài chậm chạp và lặng lẽ, và yên phận như loài ốc sên sẽ không bao giờ mường tượng được.

Con ốc sên “muốn biết tại sao nó chậm chạp và muốn có một cái tên”, đã biết cả thế nào là nỗi sợ, thời gian và lãng quên, biết rằng con người có thể làm thế nào với những gì họ từng gắn bó, với tự nhiên và cuộc sống của sinh vật tự nhiên.

Con ốc sên “muốn biết tại sao nó chậm chạp và muốn có một cái tên”, cuối cùng cũng đã có một cái tên, mang danh “Dũng Khí” cho tất cả quãng đường nó đi qua.

Dũng khí để tiến bước và dũng cảm để không bỏ cuộc bất kể thế giới “ngoài kia”, hiện thực có đầy tàn khốc, bất kể sự ngờ vực của đồng loại, bất kể bản thân nó có “chậm chạp và lặng lẽ” đến đâu chăng nữa.

Dũng khí để tiếp tục hành trình và dũng cảm để chấp nhận. Không chỉ là sự chấp nhận đơn thuần đặc điểm bản thân chậm chạp mà chấp nhận sự chậm chạp đấy, cũng mang một ý nghĩa nhất định với giống loài “mong manh hơn rất nhiều so với các động vật khác.” Như rằng, chậm chạp để lặng nhìn cuộc sống, chậm chạp để cảm nhận từng thay đổi tinh tế của thời gian, và chậm chạp, để tận hưởng từng giây, từng phút, giống loài “mong manh” như ốc sên đã kiên cường tồn tại trên cuộc đời, trên Xứ sở Bồ Công Anh ngập tràn sắc xuân của chúng.

Mất mát và sự sống

Là tác phẩm được gợi mở từ câu hỏi ngây ngô của người cháu tác giả Luis Sepúlveda rằng tại sao loài ốc sên chậm chạp, tiểu thuyết Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp mang hình thức một tác phẩm dành cho thiếu nhi với dung lượng không quá dài, thế giới động vật được nhân hóa cùng những hình ảnh biểu tượng cực kì sinh động. Nhưng hơn cả thế, Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp còn là câu chuyện dành cho tất cả mọi người, độc giả mọi lứa tuổi, vì tầng sâu ý nghĩa tác giả Luis Sepúlveda gửi gắm trên trang viết.

Bởi ở câu chuyện đó, tồn tại những mâu thuẫn cũ - mới nhức nhối trong mối tương quan với cá nhân khác biệt bị cô lập.

Ở câu chuyện đó, có những khía cạnh vẫn là vấn đề nan giải trong cuộc sống đời thực. Về sự lãng quên của con người tới tình cảm chính họ từng gửi trao hay chân giá trị tự nhiên họ đang ngày ngày, tàn phá.

Và ở câu chuyện đó, có rất nhiều mất mát, đau thương xảy đến. Hành trình tìm tới Xứ sở Bồ Công Anh mới sau hiểm họa con người mang đến, là hành trình ghi dấu những sinh mạng ốc sên vĩnh viễn không thể gượng dậy.

Nhưng tới tận cùng, Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp vẫn là cuốn sách thiếu nhi, tác giả Luis Sepúlveda gửi trao những thông điệp tràn ngập hi vọng ấm áp. Rằng sự tử tế trong cuộc đời giữa những sinh vật xa lạ, thậm chí khác cả giống loài sẽ không mất đi. Rằng phía sau mất mát chính là sự sống, sự sống được ươm mầm từ chính hi vọng, lòng kiên cường của những kẻ, dẫu “chậm chạp và lặng lẽ”, đã không bao giờ bỏ cuộc. “Trước khi thu mình vào vỏ, Dũng Khí ngắm nhìn vết nhớt óng ánh trên lớp băng, và lần này nó nghĩ đó vừa là dấu vết của khổ đau nhưng cũng là của niềm hi vọng. Nó gọi các anh em dậy nhìn lại vết tích ấy để không bao giờ được quên.”

Tựa như, sau mùa đông lạnh lẽo khô cằn, Xứ sở Bồ Công Anh sẽ hiện ra trong tiết xuân ấm áp tới những sinh mệnh mong manh mà rất mạnh mẽ vậy.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)