Vào giữa tháng 11, khi xung đột ở Gaza ngày càng nghiêm trọng, nữ tiểu thuyết gia người Ireland - Sally Rooney - đã nhận lời mời tham gia vào cuộc trao đổi với tác giả người Anh gốc Palestine - Isabella Hammad, xoay quanh công việc cũng như vai trò của văn nghệ sĩ với các sự kiện hiện tại. Hơn 10.000 từ đã được thảo luận trong những tuần qua, và được tóm gọn trong bài viết này.
Isabella Hammad là một trong những nhà văn có cách viết thông minh, sâu sắc và đặc biệt tinh tế. Cuốn sách đầu tay Parisian (tạm dịch: Người Paris) dựa trên câu chuyện của ông cố cô xoay quanh hành trình hồi hương vào Thế chiến thứ nhất đã nhận được những đánh giá tích cực. Cuốn sách thứ hai, Enter Ghost (tạm dịch: Bóng ma quẩn quanh), kể về quá trình sản xuất vở kịch Hamlet bằng tiếng Ả Rập cũng đã ra mắt trong thời gian qua.
Trong khi đó Sally Rooney được đánh giá là thế hệ mới của các nhà văn Ireland. Chỉ mới xuất bản 3 cuốn tiểu thuyết, thế nhưng chúng đều trở thành hiện tượng xuất bản, đưa tên tuổi cô đến với độc giả toàn cầu. Tại Việt Nam, 2 cuốn tiểu thuyết Giữa hai chúng ta và Thế giới tươi đẹp, Người ở đâu đã được chuyển ngữ cũng như giới thiệu.
Nữ tiểu thuyết gia người Ireland - Sally Rooney.
Sally Rooney: Xin chào Isabella. Tôi muốn cảm ơn vì cô đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện. Thật khó để biết phải bắt đầu nói như thế nào về Gaza hiện nay. Tất nhiên, trước hết, tôi đang nghĩ đến những vụ sát hại thường dân vô tội, sau đó là sự tàn phá cũng như phá hủy các yếu tố có liên quan đến văn hóa và lịch sử của người Palestine. Theo cô, vai trò của giới nghệ sĩ và trí thức vào thời điểm này là gì?
Isabella Hammad: Xin chào Sally. Gần đây có một số người cũng đã hỏi tôi về vấn đề này, chỉ có khác biệt về từ ngữ thôi, đặc biệt là câu hỏi liệu các nghệ sĩ nên làm gì vào thời điểm này. Tôi tự hỏi liệu câu hỏi này một phần nào đó có phải là cách để thể hiện sự kinh hoàng ở mức tột cùng của bạo lực ở quy mô mà nhân loại này đang đến rất gần với sự vô đạo hay không. Về cơ bản, chúng ta rất dễ cảm thấy bản thân vô dụng, từ đó tạo ra cảm giác tuyệt vọng. Nhưng tôi không tin chúng ta có đủ khả năng để mà tuyệt vọng, tôi cũng không nghĩ tuyệt vọng là một hành động mang tính đạo đức.
Khi chuyện này bắt đầu, ý tôi là bạo lực ấy, tôi đã thấy mình không thể suy nghĩ một cách tỉnh táo hoặc là phân tích những gì xung quanh một cách lí trí. Tôi có cảm giác rằng mình chỉ đang tham gia vào những bi kịch, sự giết chóc và trạng thái mất mát, cũng như bất kì biểu hiện nào khác của sự đau buồn. Nhưng cuộc thanh lọc sắc tộc đối với người Palestine, bắt đầu từ năm 1948, vẫn tiếp tục với tốc độ đáng kinh ngạc trong những năm qua. Và tôi ngày càng chắc chắn rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và các thế lực dẫn đến bạo lực diệt chủng này về bản chất là thiếu suy nghĩ. Đối với tôi, có vẻ như phân biệt chủng tộc thường không được tính toán kĩ mà là một dạng bốc đồng tương đối ngu ngốc. Đó là lí do tại sao mà việc suy nghĩ và nói chúng ra một cách rõ ràng có phần quan trọng.
Tất nhiên, tôi cũng tin vào sáng tạo nghệ thuật ngay cả khi các giá trị này thường khá vô hình cũng như khó đoán, dẫu tôi cũng khá thường xuyên trải qua những cuộc khủng hoảng về mặt đức tin. Những người có nghề nghiệp và tính khí khác có thể hành động một cách nhanh chóng khi mức độ bạo lực lên đến đỉnh điểm. Thế nhưng cũng có những việc ngắn hạn mà tất cả chúng ta có thể thực hiện, chẳng hạn như là nói lên sự thật. Chúng ta có thể cố gắng cất lên những tiếng nói đang bị đàn áp hoặc bị át đi. Chúng ta có thể nhấn mạnh vào lịch sử, sự thật và chủ nghĩa nhân văn.
Tác giả người Anh gốc Palestine - Isabella Hammad.
Nhưng nghệ sĩ, trí thức cũng chỉ là người trần mắt thịt thôi. Chúng ta cần phải giữ vững nguyên tắc dân chủ rất cơ bản rằng việc thực thi quyền tự quyết của mỗi cá nhân là quan trọng nhất. Tôi nghĩ rằng đã có một sự thờ ơ thực sự trong vài thập kỉ qua về tầm quan trọng của việc duy trì sự đồng thuận xung quanh các nguyên tắc dân chủ, như thể những nguyên tắc này sẽ tiếp tục tồn tại mà không cần chúng ta đấu tranh để gìn giữ chúng. Những nguyên tắc này rất khó giành được, và chúng xuất hiện sau tình trạng bạo lực toàn cầu. Các công ước Geneva, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền... những điều kể trên ngày càng vô nghĩa, khiến tôi cũng như mọi người mà không riêng gì người Palestine, cảm thấy kinh hãi.
Còn người Ireland nghĩ sao về vấn đề này?
Sally Rooney: Tình hình ở Ireland có phần chia rẽ. Một mặt, có một tình đoàn kết thực sự và rất gắn kết với người Palestine, nhưng mặt nào đó, Ireland với tư cách là một quốc gia bị phụ thuộc vào nhiều cường quốc thống trị, thì nghĩ ngược lại. Vì vậy hiện đang có sự căng thẳng nào đó. Ví dụ, trong vài năm qua, Quốc hội Ireland đã thông qua một đạo luật là hình sự hóa các mối quan hệ về mặt thương mại với các khu định cư bất hợp pháp của Israel. Nhưng dưới áp lực quốc tế, cuối cùng thì đạo luật này đã bị ngăn chặn, và việc buôn bán với các khu định cư bất hợp pháp vẫn đang diễn ra.
Kinh nghiệm của bản thân tôi với tư cách là một nhà văn Ireland cho thấy chính mình tương đối thoải mái với việc “lên tiếng” về Palestine. Theo như tôi biết, không ai từng phản đối một cách nghiêm túc bất cứ điều gì tôi nói hoặc là viết ra. Chỉ đến khi tôi quyết định tham gia cuộc tẩy chay văn hóa - bằng cách từ chối hợp đồng xuất bản với một NXB Israel theo hướng ủng hộ hành động chiếm đóng - thì ý kiến của tôi mới gây tranh cãi, nếu không phải ở trong nước thì chắc chắn là trên phạm vi quốc tế. Điều đó cho thấy ranh giới chính trị trong ngành nghệ thuật đã được vạch ra ở thời điểm đó. Nó cho thấy cảm giác tự do “lên tiếng” trước đây của tôi có cơ sở từ một thực tế đơn giản là không ai quan tâm đến những gì tôi nói hay là viết ra.
Tôi chợt nhận ra rằng tình hình đó dường như đang dần thay đổi. Bài phát biểu – thậm chí là bài phát biểu rất ôn hòa – của các nhân vật văn hóa ở Châu Âu và Hoa Kì hiện đang trở thành trung tâm thu hút tranh cãi. Có những diễn viên, nhà văn và vận động viên mất đi hợp đồng cũng như công việc chỉ vì kí vào lá đơn đơn thỉnh cầu hoặc là thể hiện quan điểm của mình trên mạng xã hội. Đồng thời, chúng ta đang chứng kiến mức độ phản kháng và biểu tình công khai chưa từng có chống lại bạo lực ở Gaza. Tôi tự hỏi liệu phong trào ngày có đang phản ánh tâm thế chống đối bạo lực của Bắc Bán Cầu, hay tôi đang quá tích cực?
Isabella Hammad: Tôi nghĩ phản ứng dữ dội là một dấu hiệu của sự sợ hãi, việc phải kìm nén quan điểm của người nào đó là một dấu hiệu cho thấy lời nói có sức mạnh. Và có lẽ nó thường xảy ra nhiều hơn vào những thời điểm mà lời nói được coi là có sức mạnh đặc biệt. Tuy nhiên, liệu rằng chúng ta có đang lạc quan hay không thì tôi không biết. Thật tốt khi cảm thấy được khích lệ, miễn là điều đó không dẫn đến sự tự mãn.
Sally Rooney: Gần đây tôi ngày càng quen với các bảng tin, hình ảnh, video mang tính bạo lực, đột nhiên nó khiến cho tôi không thốt nên lời, cảm thấy choáng váng cũng như ngừng bặt cả những suy nghĩ. Hôm qua tôi đã có một trong những khoảnh khắc này khi xem đoạn phim trực tuyến về một ngôi mộ tập thể. Làm thế nào có thể mô tả về một cảnh tượng như vậy? Như thể nó đang diễn ra trong một bộ phim hay một cuốn tiểu thuyết. Nhưng đây là thế giới của chúng ta, thế giới trong đó đất được xúc lên những thi thể vô danh của người đã chết...
Tôi không hiểu được điều này. Không có điều gì có thể giải đáp những gì hiện đang xảy ra. Mọi thứ trong tôi nổi loạn chống lại những gì bản thân chứng kiến. Và tôi nghĩ về tất cả những gì cả hai chúng ta cùng nhau thảo luận, về địa chính trị, về dư luận phương Tây, và tôi nghĩ: thật là vô nghĩa! Mỗi lần nhấc điện thoại lên, tôi lại nhìn thấy cảnh quay về những khu dân cư bị phá hủy, những người mẹ đau buồn, những ngôi mộ tập thể... Nó khiến mọi điều tôi phải nói đều trở nên vô lý và đáng kinh tởm. Trong những khoảnh khắc này, tôi mất niềm tin vào ngôn ngữ, vào cuộc trò chuyện, đối thoại… tất cả mọi thứ. Từ duy nhất có ý nghĩa với tôi vào lúc này là “Không”. Và tất cả những gì tôi muốn làm là lặp đi lặp lại điều đó với chính mình, nhìn thấy những hình ảnh tàn phá và đau khổ này. Không không và chỉ có không.
Isabella Hammad: Cảm ơn vì sự trung thực của cô. Tôi không biết chúng ta sẽ sống sót thế nào sau chuyện này. Tôi nghĩ chúng ta sẽ không bao giờ còn như trước nữa. Sau 3 tuần đầu mà cuộc chiến này diễn ra, tôi quyết định rằng chính bản thân tôi cần phải nắm bắt một cách thực sự những gì đang diễn ra. Tôi đã lỡ chuyến bay từ Mĩ, không hiểu sao tôi lại bị nhầm ngày. Tôi cũng bỏ bữa và lưỡi tôi sưng tấy đến mức răng tôi lõm cả hai bên. Tôi không thể trò chuyện được và tôi quên mất tên gọi cũng như địa điểm của rất nhiều thứ đã từng quen thuộc.
Và rồi tuần trước, vì một lí do kì lạ nào đó, cuối cùng mọi thứ trở lại bình thường. Tôi đi tuần hành cũng như quay lại với các hoạt động chính trị. Có thể đó là vào ngày mà cô liên hệ, bởi việc viết đòi hỏi tôi phải suy nghĩ một cách sâu sắc. Nhưng rồi ai đó nhắn tin cho tôi để thông báo rằng bố mẹ, anh chị và con cái họ vừa mới thiệt mạng trong vụ đánh bom. Tôi không biết trước đây mình đã từng gặp phải tình trạng khủng hoảng như vậy hay chưa.
Tôi muốn nói rằng, một ngày được sống lại khiến cho tôi cảm thấy xấu hổ. Bom vẫn đang rơi. Trái tim của tôi tan vỡ mỗi ngày. Tôi biết mình đã cố gắng nhưng cũng như nhỏ bé như bất kì ai. Đồng thời, Sally à, tôi thấy ngại ngùng về bản thân mình khi tôi được sống, trong khi mọi người đang ở Gaza thì bị tàn sát. Thế nhưng như tôi đã nói trong câu trả lời đầu tiên, việc nói cũng như suy nghĩ một cách rõ ràng nhất có thể, có nhiều khả năng sẽ giúp chúng ta thay đổi gì đó.
NGÔ THUẬN PHÁT lược dịch từ cuộc trao đổi trên The Guardian giữa hai tác giả
VNQD