Ghế đá công viên

Thứ Bảy, 30/12/2023 10:46

SANDRINE KAO (Pháp gốc Đài Loan)

Sandrine Kao (1984) là nhà văn và họa sĩ truyện tranh trẻ, viết bằng tiếng Pháp, có nhiều tác phẩm hay và từng giành một số giải thưởng văn học danh giá của Pháp như Giải thưởng Prix de l'invité jeunesse, Giải thưởng Manuel Azaña, Giải thưởng Papyrus du roman jeunesse…

“Đừng có bám theo tôi nữa, Sybille”, tôi thật sự muốn nói câu đó ra khỏi miệng. Tôi biết, Sybille vừa mới cãi nhau với Ness nhưng không quan tâm chuyện đó. Tôi chỉ mong sao nhỏ đi về nhà nhỏ theo lối quen thuộc của nhỏ, cái đường ngược hướng với tôi.

“Có phải tớ đang làm phiền cậu không? Dù sao thì, những chuyện này cũng chẳng liên quan gì đến cậu”, Sybille hỏi dò.

“Không đâu! Cậu cứ nói tiếp đi, tớ vẫn đang nghe”, tôi nói dối.

Gần đây, tôi bỏ ăn trưa ở trường, xách hộp cơm ra công viên, ngồi xuống ghế đá và ăn một mình. Nhà Sybille ở gần công viên. Kể từ khi xích mích với đám bạn, nhỏ lẽo đẽo đi theo tôi. Sau lưng chúng tôi, Ness đi giữa Johan và Phil, nói cười rôm rả. “Nó cố tình làm thế để chọc tức tớ đấy”, Sybille bực dọc.

Tôi cảm nhận được ánh mắt của 3 đứa đó nhìn chằm chặp vào lưng mình và cũng bực dọc không kém. Tôi không hiểu, tại sao chúng nó luôn tự cho là người thông minh và có quyền nhạo báng người khác? Thật may là chúng nó sẽ sớm rẽ vào góc phố. Sybille thường đi cùng đường với 3 đứa kia. Thấy nhỏ vẫn bám theo mình và không ngừng lảm nhảm, tôi cắt lời, “Không phải cậu cũng về đường đó à?”.

“Không, từ giờ tớ sẽ đi qua công viên cùng với cậu. Đường này vừa về nhà nhanh hơn, lại không phải đụng mặt 3 đứa kia. Cậu cho tớ đi chung với được không?”, Sybille xin xỏ. Nhỏ muốn đi đường nào là quyền của nhỏ, tôi đâu có quyền cho hay không cho. Chỉ là, tôi không thích đi cùng nhỏ. Giá mà Sybille cứ rẽ đường quen của nhỏ, để tôi được một mình trên đường của tôi.

Chỗ tôi ở cách trường khá xa, đi bộ phải mất khoảng 25 phút. Vì thời gian nghỉ trưa chỉ kéo dài 1h, tôi không hay về nhà. Tuy rảnh rang, tôi muốn dành thì giờ cho việc khác hơn là mua vui cho Sybille. Càng lúc, nhỏ và tôi càng vào sâu trong công viên. Từ xa, tôi đã thấy chiếc ghế đá hay ngồi và cố nheo mắt, nhìn kỹ bề mặt. Sybille vẫn nói không ngớt miệng, làm tôi mất tập trung. Hình như nhỏ nhận ra tôi đang giấu sự khó chịu nên hỏi, “Cậu làm sao thế? Có chuyện gì không vui à?”.

Tôi không biết nên trả lời ra sao hay giải thích với nhỏ như thế nào. Mấy hôm gần đây, trên mặt chiếc ghế tôi hay ngồi thường xuyên xuất hiện dòng chữ miệt thị nhắm thẳng vào tôi. Trên tất cả, tôi còn đang nghi ngờ nhỏ. Ngẫm mà xem, nhà nhỏ ở gần công viên nhất. Nhỏ có thể đến chỗ ghế đá tôi hay ngồi bất cứ lúc nào và để lại dòng chữ chửi thề. So với những người khác, nhỏ là người biết rõ về giờ giấc cũng như thói quen của tôi hơn tất thảy.

Nắm lấy tay nhỏ, tôi lôi xềnh xệch đến chỗ chiếc ghế đá. Bị bất ngờ, nhỏ ngừng nói và mặt đỏ ửng lên. Trong một thoáng, tôi chợt thấy nhỏ thật xinh đẹp. Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra ngay, nếu không giải thích lập tức thì sẽ khiến nhỏ hiểu lầm. Tôi buông tay nhỏ ra, chỉ vào dòng chữ được viết trên mặt ghế đá, “Đồ cơm nắm Alex”.

Alex chính là tên của tôi. Tôi là người Đông Á và “đồ cơm nắm” là biệt danh xúc phạm.

***

Bạn bè ở trường luôn cười cợt tôi chỉ vì tôi là người Đông Á. Đôi khi, đang đi trên đường, tôi đột nhiên bị người lạ chế giễu là “đồ đần”. Thường thì, tôi mặc kệ. Ngay cả khi bị gọi là “mọi da vàng” trên lớp, tôi vẫn tảng lờ. Nhưng, “đồ cơm nắm Alex” thì khác. Mấy hôm trước, dòng chữ ghi trên chiếc ghế đá công viên còn là “đồ chả giò Alex”. Kẻ đã viết chúng chắc chắn đã theo dõi tôi, căm ghét tôi nhưng lại không dám ra mặt mà chỉ chơi trò “ném đá giấu tay”.

Lần đầu tiên nhìn thấy dòng chửi ghi trên ghế đá, tôi đã lấy kéo trong hộp bút ra, cạo sạch. Mặc dù tâm trạng có khá hơn một chút sau khi cạo xong, tôi vẫn còn rất khó chịu và không nuốt nổi cơm. Đầu óc tôi tràn ngập nỗi ngờ vực, luôn cảm giác có ai đó nấp gần đây, rình xem phản ứng của tôi và cười hả hê. Quay lại lớp sau giờ nghỉ trưa, tôi càng nghi hoặc nhiều hơn. Tuy vờ như không có gì xảy ra và vui vẻ cười nói, tôi để ý phản ứng của từng bạn học, chắc mẩm kẻ làm viết bậy là một trong số những người cùng lớp.

Ban đầu, tôi nghi ngờ Bobo nhưng sớm gạt đi. Tôi chưa từng nói cho Bobo biết mình đi đâu trong giờ nghỉ trưa. Cậu ấy cũng biết tôi không phải người Việt Nam, nên không đời nào lại miệt thị bằng từ “đồ chả giò”.

Những người ở Pháp – nơi tôi đang sống và đi học, không hề phân biệt được sự khác nhau giữa người Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đối với họ, tất cả những ai có gốc quốc tịch trên đều chỉ là “người da vàng”. Những kẻ ưa phân biệt sắc tộc, bắt nạt thì mở miệng ra là “mọi da vàng”, “đồ cơm nắm”, “lũ ăn thịt chó”…

Tôi là người Đài Loan, nhưng bạn bè cùng lớp chưa từng biết danh nước này. Nghe tôi giới thiệu, họ “À, ra là Thái Lan”.

“Không phải. Nếu đến từ Thái Lan, tôi đã nói là Thái Lan rồi. Tôi là người Đài Loan, không phải Thái Lan”, tôi nhấn mạnh.

“Đài Loan trong “làm từ Đài Loan” đúng không? Cái nước ngày xưa toàn sản xuất những thứ rẻ tiền, bây giờ thì chuyên về linh kiện điện tử”, Mehdi – bạn mê công nghệ nhất trong lớp nói.

“Đài Loan à?”

“Cũng là Trung Quốc, đúng không?”

“Đảo nổi loạn”.

 Ảnh minh hoạ.

***

Thấy dòng chữ “đồ cơm nắm Alex”, Sybille sững sờ. Sau một lúc không nói lên lời, nhỏ tức giận, “Thật quá đáng! Đứa nào mà ác như vậy? Cậu có nghi ai không?”. Thái độ của Sybille làm tôi sực tỉnh và thấy thẹn. Sao tôi lại đi nghi ngờ nhỏ kia chứ? Rõ ràng, nhỏ không phải kiểu người sẽ làm ra những chuyện như thế này. Ngoài “đồ cơm nắm Alex”, trên băng ghế còn đầy các dòng chữ khác như “J yêu M”, “cảnh sát là đồ đểu”… Giá như tôi đừng chỉ cho Sybille thấy dòng chữ kia. Giá như tôi cứ lờ đi như vẫn thường giả vờ không quan tâm, không nhìn thấy. Ít nhất thì nhờ thế, Sybille đã không biết tôi đang bị ai đó nhắm vào.

Chiều, tôi về nhà sau khi tan học. Cô Huang, hàng xóm ưa tọc mạch lại đang hỏi mẹ tôi về cha tôi. Vừa thấy mặt tôi, cô thắc mắc ngay, “Thế rốt cục thì bố cháu có quay lại đây không hả?”.

“Bố cháu sẽ quay lại”, tôi đáp nhanh.

“Sẽ là khi nào?”, cô không bỏ cuộc.

“Giáng Sinh ạ”, tôi nói dối. “Cô dạo này thế nào rồi, con gái cô học hành có ổn không?”, tôi cố ý đổi chủ đề.

“À, nó vẫn ổn”, cô thấp giọng. Tôi biết, chỉ cần nhắc đến chuyện học hành của con gái, cô Huang chán nản ngay. Niềm kiêu hãnh của người Đông Á do học lực của con cái quyết định. Năm ngoái, con gái cô Huang học cùng lớp với tôi và tôi biết rõ, nhỏ đó học kém đến mức nào. Với khuôn mặt cau có, cô Huang bỏ ra về nhưng, trước khi đi, cô vẫn phải giáo huấn tôi mấy câu, “Cháu nên nói chuyện bằng tiếng Trung. Nếu lúc nào cũng nói tiếng Pháp, cháu sẽ quên mất tiếng Quan Thoại. Mất gốc thì cũng mất luôn bản thân”.

Điều duy nhất mà cô Huang tự hào ở 2 đứa con là chúng đều thông thạo tiếng Trung, cả nói và viết. Hễ mở miệng ra là cô lại nói về tầm quan trọng của việc biết tiếng Trung, ca ngợi rằng đó là thế mạnh cho sự nghiệp tương lai, chìa khóa bước vào lĩnh vực thương mại thế giới hoặc kinh doanh xuất nhập khẩu... Con trai của cô Huang đang học marketting ở trường tư thục. Mặc dù anh ấy được vào trường nhờ đăng ký lớp và đóng học phí, cô Huang luôn mồm khoe khoang “do con tôi giỏi tiếng Trung”. Cô cũng không ngớt tán dương cái lợi của việc có 2 nền văn hóa, kể lể nhờ đó mà con trai mình nổi trội như thế nào.

Con gái cô Huang chơi thân với nhóm bạn Đông Á. Thỉnh thoảng, họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung, nhưng chỉ toàn dùng khi nói xấu người khác. Hầu hết cha mẹ bạn bè của con gái cô Huang đều là doanh nhân hoặc chủ cửa hàng. Nhờ phụ mẫu giàu có, đứa nào cũng mặc quần áo hàng hiệu, sử dụng điện thoại đời mới, tẩy tóc hoặc nhuộm tóc... Chỉ vì thạo tiếng Trung, chúng “có gốc”, còn tôi thì “mất gốc”.

Tôi cũng từng nói chuyện bằng tiếng Trung. Lúc tôi còn bé, cha tôi vẫn ở Pháp và vì ông không biết tiếng Pháp, tôi phải dùng tiếng Trung khi giao tiếp với ông. Nhiều năm trước, khi tôi còn chưa tròn 10 tuổi, cha tôi xin được việc ở Đài Loan và rời khỏi Pháp. Mỗi năm, cha đều gửi thư và tiền cho mẹ con tôi, dặn dò cố gắng xoay xở sống cho tốt và hứa sẽ sớm đón cả 2 tới Đài Loan.

Cha tôi cũng quay lại Pháp thăm mẹ con tôi, nhưng mẹ con tôi thì chưa lần nào tới Đài Loan. Năm nay, cha tôi không hồi âm bức thư nào, dù mẹ tôi đã gửi cả thư tay lẫn email. “Chắc là cha con gặp chuyện gì ở bên đấy rồi”, mẹ tôi thường quan ngại. Theo phân tích của mẹ tôi thì, vì cha tôi chỉ có một mình ở Đài Loan nên khi gặp chuyện, không ai biết mà thông báo cho chúng tôi. Hoặc là, cha tôi đã gặp phụ nữ khác và bỏ rơi mẹ con tôi. Cũng có thể, ông ấy vốn có những 2 gia đình và bây giờ quyết định cắt đứt một bên vĩnh viễn.

“Sao mẹ con mình không đi Đài Loan ạ? Ở đây, mẹ con mình đâu quen biết ai. Chúng ta cứ tới đó rồi đi tìm bố con có được không?”, tôi đề nghị.

“Chuyện đâu có đơn giản thế, Alex. Ở Đài Loan, mẹ cũng không quen biết ai. Người thân của mẹ chỉ có mỗi dì con thôi, và dì lại đang ở Mĩ. Nếu bây giờ đến Đài Loan, khoan nói chuyện có tìm được bố con không, con làm sao theo kịp bài vở tại trường ở đó? Con quên mất là mình gần như không thể nói và viết tiếng Trung à? Ở Pháp vẫn tốt hơn”, mẹ tôi trả lời.

Tôi không chắc ở Pháp thì tốt hơn đi Đài Loan. Điều mà tôi chắc chắn chỉ là cha tôi không quay trở lại. Mẹ tôi hình như đã đoán trước được điều này, nhưng vẫn tin tưởng ngày nào đó, cha tôi sẽ quay lại và một nhà 3 người lại đoàn tụ.

Hơn một năm đã trôi qua kể từ lần cuối mẹ con tôi gặp cha tôi. Ngoài không gặp, chúng tôi còn không có tin tức gì, không thư, không email, không tiền.

Tôi không thể đến Đài Loan sớm như kì vọng, nhưng vẫn tin sẽ có ngày đặt chân lên hòn đảo nóng ẩm, đầy trái cây thơm ngon, biển biếc và non cao này. Ở đấy, tôi dễ dàng hòa mình vào đám đông, thoải mái lang thang trên đường phố, ghé hàng quán, chợ đêm. Ở đấy, tôi không có đặc trưng ngoại hình nào quá khác biệt với mọi người. Ở đấy, tôi chỉ là cậu bé Đông Á như bao cậu bé Đông Á, không phải “đồ mọi da vàng Alex”.

Thái Thiên (theo muckrack.com)

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)