Tác phẩm đầu tay Lessons in Chemistry (tạm dịch: Những bài học hóa học) của nữ nhà văn Bonnie Garmus đã bán được 6 triệu bản trên toàn thế giới và dựng thành phim truyền hình vô cùng ăn khách trong những tháng qua. Mới đây bà đã tiết lộ chính một ngày tồi tệ ở văn phòng làm việc đã khơi mào cho tác phẩm đầu tay này.
Ra đời nhờ định kiến giới
Như bà tiết lộ, cuốn sách ra đời nhờ vào một ngày tồi tệ ở văn phòng. Là một người viết quảng cáo giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, Garmus khi ấy đang thuyết trình về một chiến dịch trị giá hàng triệu dollar trước một căn phòng gồm toàn các đồng nghiệp nam. Tuy vậy mọi thứ chuyển biến xấu đi, bà kể, khi “người đàn ông mà tôi chưa từng gặp gỡ trước đây lên tiếng: ‘Chà, tôi sẽ cho cô biết chúng ta nên làm điều gì!’ Sau đó, về cơ bản, gã ấy chỉ đọc lại một lần nữa toàn bộ bài thuyết trình của tôi”. Khi bà chỉ ra điều đó, tất cả đã phớt lờ bà như không tồn tại.
“Ồ, Bonnie, đừng quên chúng ta cần biên bản họp trước 5 giờ đó,” một thành viên trong nhóm gọi to khi bà rời đi. Giận dữ quay lại chỗ bàn làm việc, thay vì làm thứ đã được yêu cầu, bà đã viết ra chương sách đầu tiên của Lessons in Chemistry. “Tôi đã làm điều đó bằng tiền của họ. Và đó cũng là quyết định đúng nhất tôi từng đưa ra.”
Tác giả Bonnie Garmus.
Kể từ khi được xuất bản vào năm ngoái, câu chuyện buồn vui lẫn lộn của bà về một đầu bếp bất đắc dĩ thường hay xuất hiện trên sóng truyền hình những năm 1950 đã luôn nằm trong danh sách bán chạy nhất và bán được hơn 6 triệu bản trên toàn thế giới. Nó đã được dịch sang 42 thứ tiếng, trong đó có cả Việt Nam (đã mua bản quyền), giành được các giải thưởng lớn bao gồm Tác giả của năm tại Nibbies (thường được mệnh danh là BAFTA của giới xuất bản) và được chuyển thể thành TV series với sự xuất hiện của nữ minh tinh Brie Larson vào mùa thu này. Bản quyền chuyển thể đã được gần 38 hãng phim cạnh tranh khốc liệt để có được nó.
Tất cả điều này đến từ một tác giả đầu tay khi có cuốn sách phát hành chính thức đã 66 tuổi. Trước đó Garmus đã bị từ chối không dưới 98 lần. Khi bà gọi cho các con mình, cụm từ “hiện tượng toàn cầu” giờ đây thay thế từ “Mẹ”. Garmus nói: “Trong suốt đời mình, tôi đã gặp phải sự phân biệt giới tính, nhưng ngày hôm đó tôi thực sự thấy nếu mình không phải là một phụ nữ thì điều đó đã không xảy ra. Vì thế tôi quyết định tạo nên hình mẫu của riêng mình, và rồi tự hỏi cô ấy sẽ làm gì trong tình huống đó?”
Kết quả là Elizabeth Zott dần dần xuất hiện. Có thể cô không phải là một người nổi tiếng trên truyền hình những năm 1950, nhưng chương trình Supper at Six (tạm dịch: Bữa tối lúc 6 giờ chiều) của cô đã khơi mào cho một cuộc cách mạng thầm lặng giữa các bà nội trợ Mĩ. “Nấu ăn là sự hòa trộn về mặt hóa học,” Elizabeth Zott nói với khán giả của mình. “Hóa học là cuộc sống. Khả năng thay đổi mọi thứ – kể cả chính ta – bắt đầu từ đây.”
Garmus cảm thấy Elizabeth Zott - bà luôn gọi nhân vật nữ chính của mình bằng tên đầy đủ - đang ngồi cạnh mình ở bàn làm việc. “Và cô ấy không cảm thấy tiếc cho tôi. Trên thực tế, tôi có cảm giác như cô ấy đang nói: ‘Cô vừa trải qua một ngày tồi tệ phải không? Còn tôi đã có đến một thập kỉ tồi tệ!’” Chấn thương thời thơ ấu, sự phân biệt đối xử (bao gồm cả việc đánh cắp tác phẩm), bị hãm hiếp và đau buồn chỉ là một số thử thách mà Elizabeth Zott phải đối mặt, nhưng quyết tâm trở thành một nhà khoa học nghiêm túc đã không bao giờ làm chùn bước cô.
Cuốn tiểu thuyết này khai thác cảm giác hoài cổ về các chương trình truyền hình và các phim hài lãng mạn mà nữ tác giả đã từng xem qua trong những năm tháng tuổi trẻ. Nó được viết một cách thông minh đến mức vượt qua tầm vóc của những bộ phim nổi tiếng. Giống như One Day của David Nicholls có sự xuất hiện của siêu đầu bếp Julia Child, trang bìa đặc biệt của Lessons in Chemistry đột nhiên xuất hiện ở khắp mọi nơi và ai cũng bảo rằng hãy đọc nó.
Chưa bao giờ là quá trễ để viết
Tiểu thuyết Lessons in Chemistry.
Garmus có vẻ thể thao của một cá nhân thường xuyên bơi lội và thi đấu chèo thuyền. Trước khi chuyển đến London vào năm 2017, gia đình của bà từng có thời gian sống ở Thụy Sĩ, nơi nữ nhà văn sẽ bơi ở hồ Zurich vào 6 giờ sáng mỗi ngày trong tuần. Sau thời thơ ấu ở sa mạc California, bà yêu khí hậu nước Anh. Có những bức ảnh của hai con gái bà, Sophie và Zoe, hiện đã trưởng thành, cả hai đều được nhận nuôi từ Trung Quốc. Giống như Zott trong tiểu thuyết, Garmus thường lén ghi chú vào hộp cơm trưa của các con gái mỗi ngày: “Bọn trẻ đến trường và cô không biết liệu chúng có một ngày tốt lành hay không. Con cái chúng tôi đặc biệt phải đối mặt với một số thành kiến cũng như câu hỏi tò mò. Tôi muốn chúng biết vẫn có ai đó để tâm đến mình”.
Một phần sức hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết là có rất nhiều phụ nữ có quan hệ với Elizabeth Zott theo những cách khác nhau. Tại một câu lạc bộ sách trực tuyến dành cho phụ nữ Hàn Quốc, một khán giả đã hỏi liệu tất cả các nhân vật đều là người Hàn Quốc hay không – “Cô này thật là Hàn Quốc”. Điều đó cũng tương tự với rất nhiều độc giả từ Thổ Nhĩ Kì.
Zott có thể là kiểu phụ nữ bình thường nhưng không phải là Garmus, mặc cho là họ có chung niềm đam mê chèo thuyền. Garmus thậm chí còn không thích nấu ăn. “Đối với riêng tôi, đó là công việc vụn vặt. Tôi yêu những người nấu ăn giỏi vì đó là một tài năng đặc biệt”. Để viết cuốn sách, bà phải học lại những công thức hóa sau khi nhận ra việc Google chúng là không khả thi. Theo nữ tác giả, mọi người nên học hóa học. Bà nói: “Họ gọi hóa học là môn khoa học trung tâm vì nó liên quan đến mọi ngành khoa học khác và mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta hàng ngày. Vì vậy, điều đó đã trở thành lí thuyết trung tâm của cuốn sách này.”
Và đó cũng là lí do mà cuốn sách này bám vào điều đó. Bà nói: “Hóa học rất chính xác, bất kì sự mất cân bằng nhỏ nào cũng có thể gây ra một vụ nổ lớn. Ngay kh bỏ qua những định luật hóa học đó, ta sẽ bị mất cân bằng và bị phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, thậm chí là phân biệt tuổi tác. Đàn ông và phụ nữ ở nơi làm việc đều gặp vấn đề vì có sự mất cân bằng. Nó không tự nhiên. Chúng ta đã tạo ra điều đó.” Nền tảng là một người viết quảng cáo đã dạy cho bà không chỉ cách làm cho những chủ đề phức tạp trở nên dễ tiếp cận, mang tính giải trí và hài hước nhất có thể, mà quan trọng nhất là cách để gò nó vào thể loại tiểu thuyết. Bà nói: “Copywriting là hội chứng mạo danh 100%. Ta luôn giả dạng mình thành người khác, như kiểu thấu hiểu lắm vậy”.
Bận rộn với việc công sở, bà thường thức dậy lúc 5 giờ sáng để viết trước khi làm việc. Phần lớn cuốn sách nói trên được viết ở Thụy Sĩ, và khi hai vợ chồng bà chuyển đến London, bà đã đăng kí một khóa học viết sáng tạo vừa để kết bạn và vừa hoàn thành cuốn sách. Bà nói, nhược điểm duy nhất dẫn đến thành công là bà cảm thấy tồi tệ như thế nào đối với những người bạn cùng lớp vẫn đang phải vật lộn để được xuất bản: “Tôi thấy thật là kinh khủng, thực sự kinh khủng”. Gần đây, một người bạn đã nói với bà rằng “cơ hội được nhận bản thảo chỉ là 1/10.000. Đó là một kiểu nhiệm vụ bất khả thi”.
Khi hỏi bà có ước mình sẽ viết sớm hơn nữa không, bà đã trả lời là có. Bà nhắc đến nửa cuốn tiểu thuyết dài 700 trang mà mình vô cùng yêu thích, nhưng cũng hiểu rằng sẽ không ai đọc một chữ của nó chứ đừng mơ đến xuất bản. “Cô không thể mong đợi bất cứ ai đọc cuốn tiểu thuyết đầu tay dài 700 trang đâu”. Với Lessons in Chemistry, nó chỉ đâu đó chỉ dài phân nửa số trên, và bà rất muốn chứng minh với bản thân rằng mình hoàn toàn có thể viết một cuốn khác.
“Tôi chưa bao giờ cảm thấy áp lực phải hoàn thành công việc ở một độ tuổi nhất định. Áp lực của tôi đối với bản thân chỉ là hoàn thành công việc sao cho tốt nhất mà thôi”. Tôi thường xuyên đọc những nhà văn quá vãng, và tôi không bao giờ nói: ‘Ồ, ông này đã chết được 300 năm rồi, tại sao tôi phải đọc nhỉ?’. Cô biết đấy, thành công không phải một sớm một chiều. Tôi có 30 năm kinh nghiệm viết lách với tư cách là một người viết quảng cáo. Mọi người có thể đọc những gì tôi viết hàng chục năm rồi, chỉ là họ không biết thôi. Tôi luôn muốn viết một cuốn tiểu thuyết, nhưng tôi không hiểu phụ nữ làm được điều đó như thế nào. Chúng tôi luôn bị bao vây bởi các hóa đơn đến kì thanh toán. Tôi có hai con, chồng tôi đang đi trên đường, tôi phải chèo thuyền, muốn đi tình nguyện… Và cô biết đó, không thể dôi ra chút thời gian nào.”
Mặc dù rất vui mừng khi cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành phim truyền hình, nhưng bà cũng không thể giấu được sự thất vọng với thành quả cuối. Garmus cho biết mặc dù bộ phim trông rất tuyệt vời, nhưng “nó đã chuyển từ một thứ mang tính nữ quyền quyết liệt sang một bộ phim sitcom nhiều hơn. Tôi không nghĩ nó phản ánh đúng tinh thần của cuốn sách này. Toàn bộ cảm giác của tôi là đây chỉ là một sự chuyển thể và điều đó ổn thôi.”
Garmus chỉ mới từ bỏ công việc viết quảng cáo ấy một năm trước đây. Ngoài những chuyến du lịch, cuộc sống của bà không có nhiều thay đổi. Chồng bà cho biết Garmus vẫn thường làm việc 7 ngày 1 tuần, nhưng cũng thỉnh thoảng thường nghỉ 1 ngày. Cặp vợ chồng già cùng nhau làm việc trên bàn phòng ăn, ở đó David đeo nút tai vì Garmus có thói quen đọc to cho chính mình nghe. Ông luôn nói rằng bà chính là người duy nhất không nhận ra rằng cuốn sách này đã thành công.
Bà đã bắt đầu viết cuốn tiếp theo, và mặc dù không cố gắng theo sát những gì Lessons in Chemistry đã làm thành công, nhưng nó sẽ có cùng sự pha trộn giữa bi kịch và hài kịch. Khi nói đến gánh nặng của sự kì vọng, bà nói: “Tôi chỉ phớt lờ nó thôi. Đó là vấn đề của những người người khác”. Nếu có một bí mật nào đó tạo nên sự hấp dẫn cho cuốn sách này, thì bà cho rằng đó là nó đã được viết bằng niềm đam mê, một thứ quyết tâm mà bà cảm thấy mình đã không có trong những lần thử trước đây.
ĐOÀN ANH TUẤN dịch từ bài viết của Lisa Allardice trên The Guardian
VNQD