Là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Yoru Sumino sau cuốn tiểu thuyết đầu tay, cũng là tác phẩm cực kì ăn khách, Tớ muốn ăn tụy của cậu; với Tôi lại mơ thấy giấc mơ ấy, Yoru Sumino vừa tiếp tục hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi lớn: “Hạnh phúc là gì”, vừa có sự tìm tòi, đổi mới phong cách sáng tác ở một câu chuyện, đi sâu vào cõi mơ, đến vùng ẩn ức tâm lí của những con người trẻ tuổi buổi hiện đại.
Tôi, Koyanagi Nanoka, một cô bé học năm cuối bậc tiểu học, thông minh, ham đọc sách, học hỏi và giàu triết lí. Song cô bé ấy lại không có nổi một người bạn cùng lớp. Nhưng hàng ngày, Nanoka vẫn đi tới thăm những người bạn cô bé quen được ngoài cuộc sống, cùng một chú mèo đen cụt đuôi. Cho tới ngày, lần lượt, từng người bạn Nanoka quen thân, đều lần lượt rời khỏi cuộc đời cô bé, vào mỗi khoảnh khắc, Nanoka lại tiến gần hơn đến lời giải đáp của riêng cô bé, cho câu hỏi lớn: “Hạnh phúc là gì?”
“Cuộc đời giống như…”
Đó là câu nói cửa miệng của cô bé Koyanagi Nanoka, một cô bé vẫn đang ở lứa tuổi tiểu học nhưng dường như đã già dặn trước tuổi rất nhiều với những điều chiêm nghiệm và lí giải về cuộc đời. Dẫu rằng, những hình ảnh được Koyanagi so sánh với cuộc đời này lại vô cùng giản dị, chỉ là những sự vật, hiện tượng thường gặp hàng ngày và những gì Koyanagi nói ra, cũng chỉ tựa điều vừa xẹt qua nội tâm cô bé. Song cách Koyanagi diễn giải khúc triết, logic, cũng đủ thấy được, cô bé ấy trưởng thành và sâu sắc đến thế nào.
“Cuộc đời giống như một bộ phim tuyệt vời đó cô.”
Bởi “chỉ cần có bánh kẹo thì một mình cũng đủ vui rồi ạ.”
“Cuộc đời con người cũng giống như pudding ấy chị nhỉ.”
Bởi “chỉ có vị ngọt cũng đủ ngon rồi, nhưng có những người lại thích cả vị đắng nữa.”
Không ai có thể hiểu được tại sao Koyanagi lại ví cuộc đời những hình ảnh ấy, cũng không ai có thể chạm được tới đáp án của Koyanagi.
Koyanagi thông minh, sâu sắc, thấu hiểu, sớm nghĩ đến mà tìm kiếm những khía cạnh định nghĩa cho khái niệm cuộc đời, với một đứa trẻ, thì còn quá rộng lớn và khôn cùng này. Nhưng cũng chính từ sự sâu sắc và thông minh ấy, không ai bắt kịp hay chạm tới Koyanagi lẫn thế giới nội tâm đầy phong phú được cô bé nuôi dưỡng từ một cái tôi bé nhỏ song hết sức mạnh mẽ, kiên cường, có chính kiến riêng và sớm ý thức khả năng của bản thân.
Koyanagi không có bạn cùng lớp.
Bởi một người như cô bé, sớm đã như một cá nhân tách biệt hoàn toàn với không gian lớp học, với những đứa trẻ vẫn còn suy nghĩ đơn thuần, với một cộng đồng, tuy nhỏ nhưng chừng như càng nhỏ, lại càng dễ bài xích những gì là dị biệt với các cá nhân xung quanh.
Koyanagi làm bạn với một con mèo.
Một cá thể không phải con người, không cùng tiếng nói, ngôn ngữ. Nhưng con mèo, sẽ đồng hành cùng Koyanagi mà không hề phán xét cô bé.
Koyanagi làm bạn với người lớn.
Người lớn cũng không hiểu Koyanagi nói gì hay ám chỉ cuộc đời giống với… là nghĩa ra sao. Nhưng những người lớn cô bé làm bạn sẽ lắng nghe mà không cười cợt, và lắng nghe, để thấu hiểu những điều đứa nhỏ này nói.
“Cuộc đời giống như…”
Câu nói cửa miệng của cô bé Koyanagi học bậc tiểu học, như cách thức cô bé muốn giao tiếp với cuộc đời, hay cắt nghĩa cuộc đời vốn đầy phức tạp với muôn điều một đứa trẻ không thể hiểu hết.
Bởi “cuộc đời giống như…”
Và “cuộc đời cũng không giống như…”
Dù có cố gắng thấu hiểu hay mở lòng, đôi khi nhận về, chỉ càng thêm đào sâu thêm khoảng cách, cô lập của đứa trẻ giữa những phức tạp trong mối quan hệ với gia đình, trường lớp, thầy cô và bè bạn.
“Cuộc đời giống như…”
Và cuộc đời này cũng ẩn chứa những điều, chẳng giống với tưởng tượng, suy tính của con người.
“Hạnh phúc là gì?”
Nếu như “cuộc đời giống như…” vẫn thường là câu cửa miệng xuất hiện trong mọi cuộc trò chuyện giữa Koyanagi với người khác thì “hạnh phúc là gì” lại mang tính thời điểm. Tức câu hỏi đấy là câu hỏi lớn xuất hiện ở bài tập thảo luận thuộc môn tiếng Nhật, từ đó mà trở thành nỗi trăn trở trong cô gái nhỏ. Rằng hiện hình hạnh phúc có rất nhiều, những cảm xúc đong đầy mang đến sự thỏa mãn đều có thể khiến người ta mãn nguyện. Nhưng với một Koyanagi thông minh và sâu sắc, câu hỏi lớn “hạnh phúc là gì”, chẳng thể là một câu hỏi có đáp án ngắn gọn, đơn giản đến vậy.
Ảnh minh hoạ.
Nên một Koyanagi thông minh và sâu sắc, đã tìm đến sự trợ giúp từ những người bạn lớn tuổi hơn cô bé.
Cô bé đặt câu hỏi, tìm kiếm câu trả lời cho bản thân, rằng “hạnh phúc là gì” trong định nghĩa hạnh phúc của người khác.
Với chị Minami, cô nữ sinh cấp ba Koyanagi vô tình bắt gặp ở một khu nhà bỏ hoang trong lần thay đổi lộ trình đi dạo sau giờ tan học, hạnh phúc là: “được, người, khác, cho, phép, chị, ở, đây.”
Với chị Abazure, cô gái tuổi trưởng thành Koyanagi vô tình tới gõ cửa trong lần muốn cứu con mèo, “hạnh phúc là có thể suy nghĩ cho người khác.”
Với bà, người phụ nữ tuổi xế chiều Koyanagi vô tình tới gõ cửa trong một lần đi khám phá ngọn đồi gần nhà, hạnh phúc cuối đời, chính là được gặp cô bé.
Với Kiryu, người bạn nam ngồi cạnh Koyanagi, người bắt cặp với cô bé trong bài tập tiếng Nhật, người bạn mà Koyanagi đã trở thành đồng minh, hạnh phúc là “người bạn nói thích tranh em vẽ, hiện đang ngồi bên cạnh em.”
Mỗi người có một niềm hạnh phúc trong một thời điểm khác nhau và tác giả Yoru Sumino, qua việc khắc họa lên hành trình cô bé Koyanagi tìm kiếm hạnh phúc, cũng đã đi đến từng thời khắc hạnh phúc của mỗi cá nhân khác. Để nhận ra, hạnh phúc đôi khi thật giản đơn và tất thảy cảm giác “hạnh phúc” kia, sẽ đồng hành cùng con người trên cuộc đời phía trước. Kể cả là đứa trẻ cấp một hay người đã bước tới sườn dốc phía sau cuộc đời.
Định nghĩa hạnh phúc mỗi người mỗi khác, song người ta có thể cùng chia sẻ cho nhau cảm xúc hạnh phúc, cũng có thể hi vọng người mình yêu mến sẽ được hạnh phúc, ngay trong giây phút, ngỡ chừng họ bất hạnh nhất.
Cuộc đời này là gì? Hạnh phúc là gì? Thế nào là một cuộc đời hạnh phúc? Và hiện tại, cuộc đời bạn có đang hạnh phúc hay không?
Những câu hỏi lớn liên tục trở đi trở lại trong câu chuyện tác giả Yoru Sumino lấy một cô nhóc tiểu học làm trung tâm, như để nói rằng, không phải người lớn mới kiếm tìm chân lí mà trẻ nhỏ, từ kinh nghiệm ít ỏi chúng có, từ gợi mở của người lớn, cũng sẽ đi tới được chặng cuối hành trình tìm tòi đáp án.
Hạnh phúc là rất nhiều, và hạnh phúc cũng có thể gói trọn trong cảm xúc “bản thân mình cảm thấy hân hoan, vui vẻ, đối xử tốt với những người quan trọng, quý trọng chính bản thân mình và có thể tự do quyết định hành động và lời nói của mình.”
“Hạnh phúc sẽ không tự đến bên mình, nên tôi đi tìm kiếm…”
Cũng như “cuộc đời giống như…”, những câu hát trên tựa một dạng “câu cửa miệng” của cô bé Koyanagi. Tôi đi tìm kiếm hạnh phúc, tôi đi tìm kiếm dũng khí để có được hạnh phúc và tôi đi tìm kiếm vị trí, giá trị tôi tồn tại, giữa cuộc đời.
Giấc mơ là gì
Có thể nói, tất cả những sáng tác của Yoru Sumino tính tới thời điểm hiện tại, đều có một tựa đề rất gợi. Và tiểu thuyết Tôi lại mơ thấy giấc mơ ấy cũng không ngoại lệ.
Ngay tựa đề tác phẩm, Yoru Sumino đã hướng độc giả tới cõi mơ, cõi mộng, vùng tâm thức, ẩn ức của chủ thể “tôi” trong sáng tác. Vậy, “giấc mơ ấy” là giấc mơ gì? Khi cả Koyanagi, Minami, Abazure và “bà”, đều cùng nhắc đến như một dạng cụm danh từ đầy tính phiếm chỉ. Khi sau mỗi lần Koyanagi giải được một gút mắc liên quan tới gia đình hay bè bạn, một người bạn “lớn tuổi”, ngoài không gian trường học hay gia đình của cô bé, lại biến mất.
Là Koyanagi thật sự có khả năng nhìn thấy trước tương lai như bà nói hay Koyanagi với những cá nhân kia, thật sự có một mối dây liên kết tinh thần sau một biến cố nào đó. Hay tất cả, chỉ là cõi mơ để cô bé tự xây dựng lên những nhân dạng, con người sau này cô bé muốn trở thành, gặp gỡ, rồi đối thoại. Khi mà cô bé đó không có bạn bè, chẳng có ai là đồng minh trong một lớp học, cô vốn bị cô lập. Những nhân dạng vào từng giai đoạn cuộc đời một con người: trẻ nhỏ, thiếu niên, trưởng thành, bà lão; bốn cá thể riêng biệt, và có lẽ, cũng là một cá nhân cụ thể, cô bé Koyanagi Nanoka mà thôi.
Những con người ấy đã đến với Koyanagi khi cô bé cô đơn nhất, giúp đứa trẻ này tới gần hơn câu trả lời cho câu hỏi hạnh phúc là gì. Và giấc mơ về những cá nhân ấy lại trở về, như để nhắc nhớ Koyanagi về hạnh phúc và cuộc sống hiện tại, cô có hạnh phúc hay không.
Một cuốn tiểu thuyết bàng bạc chất thơ trong một không gian tiểu thuyết như thực như hư với sự trùng điệp hàng loạt cấu trúc câu tương tự: cuộc đời giống như, hạnh phúc là gì, lại mơ thấy giấc mơ ấy… thật sự là một thử nghiệm mới của riêng Yoru Sumino, một tác giả trẻ đầy triển vọng của nền văn học đương đại Nhật Bản, trên hành trình, anh tiếp tục lí giải, giá trị của hạnh phúc giữa cuộc đời này.
MỌT MỌT
VNQD