Ống kính nhà văn

Nữ hoàng hoa trên những đỉnh trời

Thứ Hai, 11/03/2024 16:09

Đỗ quyên núi vẫn được mệnh danh là nữ hoàng nhan sắc của núi rừng Việt Nam. Đặc biệt, tại những ngọn núi ở độ cao trên 2.000 mét so với mực nước biển, cộng với cảnh sắc núi rừng, giữa sương gió, đỗ quyên càng phô sắc một cách đa diện nhất. Khoảng tháng 3 hàng năm là mùa đỗ quyên nở rộ, các phượt thủ, dân trekking lại rủ nhau lên núi chiêm ngắm tuyệt sắc của núi rừng. Và những gì họ được trải nghiệm trên những cung leo xứng đáng cho quãng đường vượt núi tính bằng ngày với biết bao vất vả, mạo hiểm. Cùng ngắm những khuôn hình đỗ quyên núi trên các đỉnh thuộc dãy Hoàng Liên Sơn của vùng Tây Bắc do các thành viên "Hội Đam mê leo núi" ghi lại.

Năm nào dân leo núi cũng phấp phỏng cập nhật "tiến độ nở" của đỗ quyên để chớp cơ hội lên núi thưởng ngoạn vẻ đẹp diễm lệ của loài hoa vẫn được mệnh danh là "Nữ hoàng hoa núi".
Giữa những đỉnh núi, loài hoa này càng trở nên đặc biệt.
Sự khác biệt cơ bản giữa đỗ quyên rừng so với đỗ quyên trồng làm cảnh thông thường ở chỗ chúng là những cây cổ cụ lớn, nhiều cây cao hàng chục mét, thân cành rêu mốc, đem lại vẻ đẹp mãnh liệt và kiêu hãnh.
Đỉnh Putaleng (Lai Châu) vẫn được coi là thủ phủ của đỗ quyên Hoàng Liên Sơn trên vùng Tây Bắc. Nơi đây tập trung mật độ cây lớn với những cá thể đỗ quyên cổ thụ chen chúc tạo nên một quần thể đông đúc. Vẻ mềm mại, trữ tình của hoa như một đối cực với núi non hiểm trở.
Cận cảnh một bông đỗ quyên hồng kép nở vào độ đẹp nhất.
Khi nụ còn chúm chím.
Nở ra từ những cành lá đầy rêu phủ buông mình giữa mây mù, đỗ quyên núi có sự quyến dụ đến mê hoặc.
Đỗ quyên núi cũng biến ảo với nhiều loài, nhiều màu sắc khác nhau. Một loài cũng có sự chuyển tiếp sắc độ làm nên sự đa sắc, phong phú.
Mỗi đỉnh núi lại nổi tiếng với một loài đỗ quyên. Putaleng nổi tiếng với đỗ quyên hồng, trong khi các đỉnh khác rải rác ở Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái lại có những loài đỗ quyên khác, tuy không nhiều. Trong ảnh là hoa đỗ quyên trên đỉnh Sa Mu, Sơn La.
Đỗ quyên trắng tuy hiếm hơn nhưng lại mang vẻ dịu dàng, hoà hợp với cảnh sắc núi rừng.
Sự chuyển màu từ khi nở đến khi tàn tạo nên sự pha trộn màu sắc thú vị.
Đỗ quyên kép với vẻ đẹp áp đảo, trong khi đỗ quyên đơn lại mang vẻ mảnh mai điểm xuyết cho cây lá trên rừng với màu phớt hồng đáng yêu. Trong ảnh là đỗ quyên trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, Hà Giang.
Núi Ngũ Chỉ Sơn (Lào Cai) nổi tiếng bởi vẻ hùng vĩ và hiểm trở. Sự xuất hiện của đỗ quyên như nét duyên tô điểm cho những đỉnh núi ngạo nghễ giữa mây trời.
Các loài đỗ quyên với màu sắc, kiểu dáng khác nhau đan xen như đua sắc giữa rừng già.
Đỉnh Tả Liên Sơn (Lai Châu) độc đáo khi gắn liền với hình ảnh những cây đỗ quyên đỏ thắm.
Hoa đan thành những vùng trời nhỏ rợp màu sắc mỗi mùa xuân mời gọi những bước chân lên núi.
Thảm hoa đỏ trải dọc lối đi trong mù sương. 
Núi, cây, và hoa luôn là một sự kết hợp ăn ý dưới bàn tay tạo hoá.
Núi ấp ôm hoa hoa ấp núi.
Sự mờ ảo khi núi rừng tắm trong sương mù.
Những thân cây đầy rêu và địa y cho một hình dung về tuổi của những cây đỗ quyên cổ thụ trên các đỉnh núi Tây Bắc.
Đối trọng với mây.
Nếu bạn yêu thích chụp ảnh, yêu hoa và thiên nhiên thì đỗ quyên trên núi đủ cho bạn những khuôn hình tuyệt tác.
Hoà sắc với mặt trời.

Mới đây một đỉnh núi với tên gọi Đỗ Quyên tại tỉnh Lai Châu đã được Công ty TNHH Thương mại và Du lịch PU Lai Châu tổ chức khảo sát và xin phép tỉnh gắn chóp nhằm phát triển du lịch địa phương gắn với loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc này. Đỉnh Đỗ Quyên được gắn chóp có độ cao 2.619 mét, với rất nhiều cây đỗ quyên lâu năm mang lại cảnh sắc đặc biệt.  Tên gọi đỉnh Đỗ Quyên cũng được bà con bản Sì Thầu Chài gọi từ lâu nên đã được sử dụng như một định danh gắn với loài đỗ quyên núi. 
Theo thống kê, các đỉnh núi trong dãy Hoàng Liên Sơn, bắt đầu từ độ cao xấp xỉ 2.000 mét có tới 40 loài đỗ quyên khác nhau, mỗi loài mang một vẻ đẹp riêng tô điểm cho núi rừng Tây Bắc. Chúng là một tài sản quý giá, không chỉ mang lại sinh quyển, giữ ổn định môi trường, mà còn có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch. Nếu khai thác đúng hướng kết hợp với bộ môn leo núi, thì loài hoa đặc biệt này sẽ đem lại những giá trị kinh tế, văn hoá, góp phần tích cực quảng bá hình ảnh núi rừng Việt Nam.
Tổ chức trang: VŨ THÀNH DUY
Thực hiện: THIỆN NGUYỄN  và CTV
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)