Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Bố tôi từ cuộc đời bước vào trang thơ

Thứ Năm, 02/03/2023 10:20

. HOÀNG ANH TUẤN
 

Tôi làm thơ từ sớm, những năm học trung học cơ sở tôi đã có thơ đăng trên báo Thiếu niên tiền phong. Thơ về mẹ, về bà, về làng quê nơi tôi đã sinh ra và sống những năm tháng tuổi thơ ở đó. Làng tôi là làng Hoành Nha, xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định hình thành từ thế kỉ XV do cụ biểu Khải người gốc thôn Hòe Nhai ở phía Bắc thành Thăng Long chiêu mộ dân chúng xuống vùng biển Sơn Nam Hạ để quai đê lấn biển mà lập ấp sinh làng. Hạt thóc, củ khoai của cánh đồng Diệc Mạ, Hoang Điền đã nuôi tôi lớn thành người. Người làng tôi mê hát chèo, hát văn, tôi đã xem quên cả cơn buồn ngủ những đào, kép, lão, mụ, hề diễn thâu đêm trong những ngày hội làng, dù gánh chèo làng tôi không nổi tiếng như gánh chèo làng Đặng trong bài thơ Mưa xuân của thi sĩ Nguyễn Bính, và tôi cũng theo bà ra đền Cửa xem thanh đồng hầu ba mươi sáu giá dâng tiệc mẹ, tiệc cha giữa lời hát văn ma mị, rập rờn. Những điệu chèo, câu văn của cha ông từ nghìn xưa đã thấm vào tôi từ tấm bé, để sau này lớn lên tôi làm thơ, những câu thơ lục bát mang âm hưởng hát chèo, hát văn thật lấp lánh và rõ rệt vô cùng. Bà tôi bảo đó là màu chèo, màu văn đấy cháu ạ. Tôi muốn trả nợ làng Hoành Nha bằng những câu thơ lục bát tôi viết như cây lúa cúi đầu tạ ơn giọt mồ hôi của người nông dân đã nhọc nhằn hai sương một nắng trên cánh đồng mùa thối chiêm khê.

Nhưng có một điều lạ là tôi chưa viết một bài thơ nào về bố cho đến khi bố nhắm mắt xuôi tay từ giã thế gian bể khổ trầm luân. Khi còn sống, bố có đọc thơ tôi, và có bao giờ bố tự hỏi tại sao mình không có mặt trong những câu thơ tôi viết. Không biết khi ấy bố có buồn không. Và lúc tôi làm thơ về bố, thì bố không còn đọc được nữa và tôi cũng chưa kịp đọc thơ cho bố nghe. Tôi làm bài thơ Giấc mơ dài là khi bố đã hôn mê sâu ở trên giường bệnh. Bài thơ có những câu như Bố nằm trong giấc mơ dài/ Cơn đau bỏ lại phía ngoài hàng cây/ Bàn tay da mỏng ngón gầy/ Mắt sương cuối bãi tóc mây ngang trời. Đêm ở trong bệnh viện dài thật dài, buồn thật buồn. Tôi có cảm giác thời gian đang rơi từng giọt theo những giọt kháng sinh, huyết tương truyền vào người bố. Bố mắc phải căn bệnh giảm tiểu cầu vô căn mà y học chưa tìm ra thuốc chữa. Trước đây khi sức khỏe còn ổn định, cứ mỗi tháng bố lại vai đeo ba lô, tay xách bình tông xuống Viện Huyết học và truyền máu Trung ương để khám bệnh định kì. Bố sẽ rất vui nếu chỉ số tiểu cầu ổn định còn không thì bố ở đó vài ngày để truyền tiểu cầu. Tiểu cầu được tách ra từ ngân hàng máu của biết bao nhiêu người. Trong túi áo ngực của bố luôn có hai thứ không bao giờ được quên là thẻ bảo hiểm y tế và tấm vé tình thương của nhà xe Sao Việt. Hai thứ đó giờ nằm im lặng trong cái hòm tôn nơi đựng những kỉ vật của bố. Tôi rất ít khi mở cái hòm kí ức đó ra, sợ nỗi nhớ tràn về khiến bản thân không thể nào nín được. Bố dặn mọi người trong nhà có hai việc cần phải làm thường xuyên sau khi bố mất là hãy đi xe khách Sao Việt và hiến máu cứu người. Đó là sự trả ơn đối với những người đã giúp đỡ mình khi hoạn nạn, khó khăn. Bây giờ nếu có việc đi Hà Nội tôi luôn chọn xe khách Sao Việt và hiến máu tình nguyện theo định kì vì nhớ lời dặn của bố: “Làm người đừng bao giờ vô ơn, con ạ!”

Khi nghỉ hưu, có nhiều thời gian rảnh rỗi, bố tôi thường dậy sớm đạp xe, cũng có khi trời mưa thì chuyển sang buổi chiều, cần mẫn và đều đặn không bao giờ quên. Tôi nhớ khi tôi từ quê lên ở cùng bố trên cơ quan, bố vẫn đạp xe đưa tôi đi học, đi chơi, cũng có khi đi soát vé thuê tại rạp chiếu bóng Yên Ninh. Nhìn chiếc xe đạp dựng im lìm dưới chân cầu thang, trong đầu tôi bỗng nảy ra một tứ thơ. Chiếc xe đạp đã đi cùng bố từ hè sang thu, từ thanh xuân tới tuổi già, từ làng ra phố rồi lại từ phố về làng. Bố xa quê mấy chục năm nhưng ngày giỗ tết vẫn về làng, cái làng Hoành Nha nhỏ bé nép mình bên dòng sông Sò hồng ửng phù sa. Qua những câu chuyện mà bố kể, bố vẫn nhớ tên những người họ hàng ở nhà quê suốt đời áo nâu chân đất mà chất phác hiền hậu. Thế rồi tôi giật mình nhận ra, bố đã đạp xe từ cõi người về phía bên kia cõi Niết bàn rồi. Ôi những vòng quay sinh tử luân hồi có ai tránh được đâu mà sao lòng vẫn đau đớn, xót xa đến thế. Một câu thơ viết ra, hai câu thơ viết ra và những câu thơ lần lượt gọi nhau về, còn bóng bố đã đạp xe sang bên kia cây cầu nơi mưa ngâu bay rợp trời tháng bảy: Bố bay khắp cõi trăng sao/ Tàn xuân rã cánh hoa đào gốc vôi/ Vòng quay sinh tử luân hồi/ Như sông ra biển lại trôi về nguồn/ Nhủ lòng nước mắt đừng tuôn/ Nơi miền ánh sáng nỗi buồn còn đâu.

Trước sân nhà bố tôi trồng một cây sưa đỏ nhưng từ ngày bố bệnh tật đau ốm thì cây sưa đỏ cũng gầy guộc héo úa. Khi bố mất, cây bật rễ đổ vào một đêm mưa. Mẹ tôi trồng thay vào đó một cây ngọc lan. Cây ngọc lan lớn nhanh, tỏa bóng xanh mướt như ngọc và đến mùa hoa nở rất nhiều, những bông hoa trắng ngần như ngà. Gió chở hương ngọc lan vân du khắp không gian tĩnh lặng của buổi sớm mai. Khi sương còn chưa tan, mẹ đã ra ban công hái hoa. Những nụ hoa như ngón tay Quan Âm Bồ Tát đặt trang trọng trong cái đĩa sứ men lam dâng lên bàn thờ bố thật thành kính. Đôi mắt mẹ dâng trào xúc động. Di ảnh bố hình như đang nở một nụ cười mãn nguyện. Bố mẹ nhìn nhau qua khói nhang mà đất trời âm dương nghìn trùng cách biệt. Những sớm mai như thế, tôi thấy lòng bình yên đến lạ thường, bình yên như đĩa hoa rằm hương chảy thành sông khắp ngôi nhà vắng. Và câu thơ bay lên như ngọn gió chở hương ngọc lan: Mẹ dâng một đĩa hoa rằm/ Bố đi đã được mấy trăm thôi đường/ Trông ra vườn trắng khói sương/ Sớm mai mẹ hái nụ hương giăng đầy.

Lúc còn sống bố tôi rất thích đeo dây chuyền bạc. Sợi dây chuyền cuối cùng bố đeo dạng móc xích có mặt là nanh hổ bọc bạc. Bây giờ chiếc nanh hổ bị long ra nhưng sợi dây chuyền vẫn còn dùng tốt dù bị xỉn màu kị gió. Tôi đánh bóng và đeo sợi dây chuyền vào cổ như một nghi lễ linh thiêng trong một buổi chiều thu. Tôi tưởng như hơi ấm của bố vẫn còn đây và che chở cho tôi luôn an nhiên đi qua cõi người nhiều gập ghềnh và lắm đa đoan này. Có đêm tôi mơ thấy bố tay đeo vòng bạc, mặc áo lụa mỡ gà ngồi dưới giàn trầu quế của bà tôi trong ngôi nhà xưa cũ trầm tịch của tổ tiên để lại. Bố vừa nhai trầu vừa hát làn điệu chèo Sa lệch chênh “Bạc nó chả vừa thoi...” Làn điệu chèo nức nở quyện mùi trầu quế ngan ngát cứ vấn vít trong tà áo lụa mỡ gà. Và tôi đã đưa giấc mơ đó vào trong trang thơ: Bố ngồi dưới bóng giàn trầu/ Tay đeo vòng bạc hát câu chèo làng/ Sông sâu đò vội sang ngang/ Để câu sa lệch nhỡ nhàng hoa trôi…

Bố tôi trồng một cây chanh vào cái chậu đặt trên sân thượng. Cây chanh sai hoa trĩu quả. Hoa chanh như đàn bướm trắng bay ra từ giấc mộng hồ điệp của chàng Trang Chu và quả chanh thập thò như mắt trẻ chơi trốn tìm trong đêm hè thơ ấu đã xa. Thật lạ năm bố mất, hoa chanh đồng loạt rụng cánh tàn hết mà không đậu một quả nào. Phải chăng cây cối cũng có tình như con người. Bố hay ngồi uống trà sen trên bộ bàn ghế gỗ cạnh cây chanh. Nhớ bố, tôi lên sân thượng pha trà sen độc ẩm, cây chanh còn đây mà bóng người xa khuất, trà sen đã rót đầy hai chén mà ghế thừa trống trải quá bố ơi. Bố đang ở đâu, có phải Bóng người mặc áo chùng nâu/ Cổ đeo tràng hạt qua cầu Kim Ngân/ Gót chân chanh nở thơm ngần/ Gió hiu hiu gió mây vần vũ mây?

Bố tôi từ cuộc đời gian khó đã bước vào trang thơ lục bát của tôi với một niềm thương nhớ và khắc khoải khôn nguôi. Bố đến với trần gian này bằng tiếng khóc và không đem theo thứ gì thì khi đi xa bố cũng rũ bỏ tất cả, chỉ còn nụ cười đọng mãi trên môi. Nhưng, bố vẫn sống trong kí ức của những người ở lại, trong câu chuyện không đầu không cuối của bà kể mỗi đêm, trong chiếc xe đạp tróc sơn của bố dựng lặng im dưới chân cầu thang, trong đĩa hoa rằm thơm ngát của mẹ hái mỗi sớm mai, trong sợi dây chuyền bạc trắng tôi đeo trên cổ, trong làn điệu hát chèo, hát văn da diết của làng Hoành Nha và trong trang thơ lục bát của tôi…

H.A.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)