Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Thứ Năm, 14/03/2024 10:14

. HỒ KIÊN GIANG
 

Do làm nhiệm vụ tuyên truyền các hoạt động của bộ đội nên tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh theo thỏa thuận kí kết giữa hai nước. Qua mỗi lần đi ấy, câu chuyện của cán bộ, nhân viên các đội K và cựu chiến binh trên đất bạn ám ảnh, thôi thúc tôi viết thành truyện ngắn Trên núi Tưk-cot.

Năm 2002, tôi tháp tùng Đội K92 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang sang Campuchia làm phóng sự truyền hình. Sau gần 8 giờ đồng hồ ngồi xe Jeep vượt non 150 kilômét từ cửa khẩu Xà Xía, biên giới Hà Tiên, vào vương quốc Campuchia, qua địa phận của huyện Kam-pông-T’rach, thành phố Kép, thị xã Kam-pốt và huyện Chhuk, chúng tôi đến phum Sinh Tà-phíp (còn gọi là phum Hòa Bình), sóc Trrua Peng-răng, huyện Chum Ki-ri, tỉnh Kam-pốt.

Phum Sinh Tà-phíp lọt thỏm giữa những dãy núi đồi cao ngất bao quanh tựa như lòng chảo lớn. Cây rừng rậm rịt đầy bí ẩn. Mùa mưa, nước từ trên đỉnh chảy xuống xoáy thành những lối mòn nhẵn, ngoằn ngoèo, dồn đầy con suối Piêu-dơn, Pan-dưm rồi đổ ra mấy thửa ruộng vuông vức, nhỏ bé. Mùa nắng, suối cạn khô, chỉ còn rỉ rả dòng chảy như sợi tơ, lúa trơ gốc rạ giòn rộp trên mặt đất nứt nẻ chờ mưa về cho mùa cấy mới. Ở đây không có ngôi nhà nào cả, vắng vẻ và đìu hiu. Ruộng nương nằm đó nhưng người dân ở mãi sườn núi bên kia hoặc tận ngoài đường cái. Anh Nguyễn Văn Sơn, công tác tại Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên đã từng sống và chiến đấu ở đây, cho biết, vào những năm 1970, phum Sinh Tà-phíp là khu vực đóng quân của Bệnh viện K52 làm nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị thương bệnh binh từ Sư đoàn 1 và Đoàn 200 Hậu cần thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam chuyển tới. Thời điểm bộ đội ta hi sinh nhiều nhất là giai đoạn 1971 - 1972. Theo một số người hiện còn sống từng có thời gian công tác ở K52 thì đến cuối năm 1971, trên 180 cán bộ, chiến sĩ… ra đi! Và, các y bác sĩ đã “gửi” họ nằm lại đây. Đầu năm 1973, K52 bị địch phát hiện phải dời đi nơi khác. Ý tưởng viết về sự hi sinh của người lính Việt Nam ở Campuchia bắt đầu nhen nhóm trong tôi khi nghe những lời kể ấy của anh Nguyễn Văn Sơn về mảnh đất đau thương nhưng anh hùng này.

Năm 2003, tôi cùng Đội K92 tìm hài cốt liệt sĩ khu vực phía bắc núi Tưng-ngay, phum Đầm-năk T’rây-dưng, sóc Khchơi-khang-thhol, huyện Đong-tung, tỉnh Kam-pốt. Trong lúc trò chuyện, một nhà sư kể tôi nghe có cô giáo Khmer may mắn thoát khỏi bọn Pol Pot, được bộ đội Việt Nam đùm bọc, chở che, dạy tiếng Việt, học y tá. Thời gian phục vụ ở bệnh viện dã chiến, cô có cảm tình với anh bộ đội bị thương vào điều trị. Thế nhưng anh ấy không qua khỏi, đành chôn cất ở đây. Sau khi bộ đội Việt Nam giúp Campuchia tiêu diệt hết bọn diệt chủng, chia tay bà con về quê thì cô giáo ngày ngày chăm lo nhang khói cho “người yêu”. Đến đây tứ truyện trong tôi đã hình thành. Trên núi Tưk-cot sẽ không viết về những trận đánh oai hùng hay sự hi sinh anh dũng của bộ đội mà khắc họa đậm nét chân dung cô giáo tên Thị Mết - người canh giữ mộ người yêu. Mặt khác, bà Mết canh giữ mộ phần không riêng “người yêu” mà 49 chiến sĩ vĩnh viễn ra đi ở Bệnh viện K52 suốt mấy chục năm. Khi lực lượng cất bốc hài cốt tìm đến bà mới yên lòng ra đi nhưng có tâm nguyện được Đội quy tập đưa về Việt Nam chôn cất cùng “Bộ đội nhà Phật”.

Thế nhưng, viết xong đọc lại cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó, không khí chưa đạt nên tôi chưa gửi đi đâu. Phải đến tận 4 năm sau, năm 2007, khi tôi theo Đội K90 thuộc Cục Chính trị, Quân khu 9 sang Campuchia tìm hài cốt liệt sĩ tại ấp Khdan, xã Xô-pây, huyện Sam-ma-ki Min-chi, tỉnh Kông-pông-chnăng thì Trên núi Tưk-cot mới được hoàn thành. Số là trong chuyến đi ấy, tôi và mọi người trong đoàn bắt gặp một cây thốt nốt quỳ. Thốt nốt là loại cây phổ biến ở Campuchia, ai sang đó sẽ không lạ lẫm gì, nhưng cây thốt nốt quỳ ở ấp Khdan lại rất đặc biệt. Hồi chiến tranh, cây thốt nốt này cao chưa quá đầu người, do bom mìn làm nó bật gốc ngã xuống. Thế nhưng nó không chết mà cong thân vươn lên mãnh liệt sống qua hết cuộc chiến đến hôm nay. Từ xa trông nó như dáng người đang quỳ nên người dân Campuchia gọi nó là cây thốt nốt quỳ. Cây này có liên quan mật thiết đến chồng chị Huyền, một cán bộ hoạt động thành của ta. Chị cho biết sau khi được địch trả tự do đã vượt biên giới sang Campuchia thăm chồng ở khu căn cứ B1 năm 1972. Vợ chồng gần nhau chỉ một đêm ngắn ngủi thì sáng sớm hôm sau chồng chị - trung úy Lê Nhuận Thích, Trưởng ban Chính trị Tỉnh đội An Giang - nhận lệnh đi công tác đột xuất. Trên đường đi, anh Thích bị lính Pol Pot phục kích, anh chiến đấu với toán địch đến viên đạn cuối cùng và hi sinh. Sự hi sinh anh dũng của trung úy Lê Nhuận Thích được chính người lính Pol Pot năm xưa, Sa Rươl, kể lại: “Lúc đó tôi là lính Pol Pot, chúng bắt tôi dùng cuốc đào hố cạnh một tảng đá lớn, bên trái vườn thốt nốt và xô anh Thích xuống. Đến bây giờ tôi luôn day dứt hành động tàn ác đó.” Từ ngày hay tin Đội chuyên trách K90 sang Campuchia làm nhiệm vụ, chị Huyền 6 lần đi cùng các anh qua đây tìm hài cốt của chồng. Nhưng đã 30 năm, tảng đá ngày xưa ai đem đi mất, khu vườn thốt nốt chỉ còn lại mỗi cây thốt nốt quỳ. Các anh đào chi chít hố như bàn cờ, rộng hàng ngàn mét nhưng vẫn không gặp. Thượng tá Trần Chánh Nghĩa, Đội trưởng Đội K90 kể: “Ông Sa Rươl tuy lớn tuổi nhưng trí óc vẫn tỉnh táo, minh mẫn, không lẽ gì ông nhớ không chính xác. Lại nữa, khu vực này gần phần đất ông canh tác thì chẳng thể nhầm lẫn được. Gần một tháng trời anh em đào mãi vẫn không tìm được hài cốt, dù chỉ là mảnh áo quần chưa kịp tan vào đất. Tôi gặp ông Sa Rươl hỏi cặn kẽ chi tiết thì ổng nói: Hình như anh Thích bị… chôn ngồi. Sau đó, tôi điều một tổ ra chỗ cây thốt nốt quỳ. Bắt đầu từ gốc đào song song với phần thân cây ngã là là trên mặt đất. Nơi này trước đây anh em ngồi ăn cơm trưa, chỉ đào hai đường hai bên còn khoảng giữa rộng chừng một mét. Khi lớp đất thứ hai lật lên thì phát hiện có nhiều sợi đen, nhỏ li ti lẫn trong màu nâu của đất. Kiểm tra xem. Trời ạ! Đó là tóc. Tất cả bỗng lặng đi khi lần đầu tiên bốc hài cốt của đồng đội chôn ở tư thế ngồi. Và nỗi đau cũng bật lên nghe tưng tức ở lồng ngực.”

Vậy là cái nút thắt cuối cùng bao lâu đã được mở, Trên núi Tưk-cot được tôi hoàn thành trong thời gian rất nhanh. Mở đầu truyện là hình ảnh ông Chanh Đa, được dựng nên từ nguyên mẫu của ông Sa Rươl: “Ông Chanh Đa gần bảy mươi tuổi, dáng ốm nhom, lòng khòng, da đen thui, mốc sì. Mái tóc xoăn nhiều năm không được cắt tỉa, chải chuốt rối bù như mớ bòng bong, càng làm gương mặt hốc hác của ông nhỏ lại, khắc khổ. Duy chỉ có đôi mắt, nhìn đâu là đứng yên đó, không chớp, như thể muốn ăn tươi nuốt sống đối phương...” Tạp chí Văn nghệ Quân đội điện tử khi đăng lời giới thiệu tạp chí số 783 (cuối tháng 10/2013) có đoạn: “Trên núi Tưk-cot là câu chuyện cảm động về những người lính trong đội quy tập hài cốt liệt sĩ chiến trường K. Truyện còn củng cố trong lòng người đọc xác tín: Tình yêu có khả năng khai sinh từ đất chết, nó có sức sống dai dẳng và mãnh liệt, bất chấp hoàn cảnh, thời gian và cả sự tuyệt vọng.” Phấn khởi hơn, truyện ngắn này là một trong chùm tác phẩm đoạt giải Ba cuộc thi truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2013 - 2014 của tôi.

Năm 2021, khi đã tập hợp đủ bản thảo để in một tập truyện ngắn về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, tôi cứ băn khoăn mãi việc chọn nhan đề vì các truyện viết về người lính trong nhiều giai đoạn khác nhau, thực hiện những nhiệm vụ khác nhau… Mà nhan đề thì phải bao quát được tinh thần chung của cả tập truyện. Sau một thời gian nghĩ ngợi, tôi quyết định lấy tên Trên núi Tưk-cot làm nhan đề cho tập truyện ngắn này. Với nhan đề này, tôi “ngầm” nói rằng, tình cảm thủy chung, son sắt, nghĩa tình giữa “Bộ đội nhà Phật” với người dân Campuchia luôn là đề tài tâm huyết thường trực trong tôi.

H.K.G

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)