Làm sao giới hạn nỗi buồn...

Thứ Hai, 30/11/2020 06:19

(Đọc tập thơ Giới hạn của Phan Hoàng Phương, Nxb Đà Nẵng, 2020)


Nỗi buồn trong thơ đàn bà thường dễ lay động lòng người, bởi cuộc đời họ đã đi qua bao mất mát, tiếc nuối. Dẫu biết phận mình sớm nở tối tàn, nhưng mấy ai dám bứt phá mà họ luôn tự giới hạn mình trong góc riêng của số phận. Phan Hoàng Phương, người đàn bà trải lòng mình trên những trang viết, cũng vậy. Nếu Giữa thời gian (1) là cung bậc của những ngày đi trong mưa gió/ thèm được nghe những câu thơ cũ/ đau như trời tuôn mưa/ buốt như cơn gió xé/ đẹp như vạt lau bừng sáng tận bìa rừng thì Giới hạn (2) lại ẩn ức bao nỗi buồn lấp lánh.

Làm sao người đọc có thể quên được lời “tỏ bày” của Phan Hoàng Phương trên chuyến tàu thời gian xa xưa ấy, khi tuổi đời đã qua, khi thời con gái vàng son, đẹp đẽ trôi nhanh như một giấc mộng, thời như là muôn thuở/ thời như là phút giây. Ngày ấy, người thơ đã không nhìn ánh trăng khuất sau mé núi/ để thấy mình cheo leo. Nhưng với hôm nay thì khác. Đó là cái khác của người không còn trẻ khi đã biết đến sự “cheo leo” của số phận, khi mơ mộng ngày nào phải giấu đi theo nhưng nhủ lòng thôi đừng cố vượt qua đừng cố quay nhìn/ như tờ lịch cuối cùng giờ đã gỡ.

Phan Hoàng Phương đã gửi gắm tâm hồn mình cho thơ, bày tỏ nỗi niềm riêng với bao năm ấp ủ phận mình. Và, biết đâu trong những lúc u buồn, khi đọc bài thơ Nhớ Phùng Quán của mình, nhà thơ lại vịn câu thơ mà đứng dậy với tình yêu thuở ban đầu. Đôi khi vịn câu thơ cũng là cách để tự giới hạn mình “tạnh ráo”, là cách tự lãng quên, để không ai có thể nghĩ rằng/ chén cơm không còn bới chung một nồi/ con đường không còn sáng chung ánh điện. Thật khó mà giới hạn với cái vô hạn của số phận. Chẳng ai lí giải cho hết, đâu là tình yêu đâu là hạnh phúc; đâu là đêm đâu là ngày, nhiều khi chỉ ước sáng mai không còn thức giấc/ quanh mình ụ mối bao quanh. Thế mà, khi những tia nắng đầu tiên lọt vào khe cửa/ ý nghĩ lại sáng bừng/ nụ cười vẫn hiền như cỏ ngọt đồng xa. Vậy đó, những người đàn bà làm thơ và giấc mơ về tình yêu của họ nhiều khi rất mong manh, bấp bênh và đầy mâu thuẫn: Khi em bên anh với gương mặt rạng ngời hạnh phúc/ Làm sao anh biết được/ Đất dưới chân em đang lún sâu dần!

Có phải những người đàn bà làm thơ thường đi tìm cho ra câu trả lời về kiếp hồng nhan, về nỗi truân chuyên và bao khát vọng về tình yêu, hạnh phúc giữa cuộc đời này? Tuy mỗi người mỗi vẻ, mỗi cách tỏ bày riêng, nhưng tất cả họ đều muốn gửi gắm sâu đậm nhất cảm xúc tận đáy tâm hồn mình trước bao buồn vui của phận người. Còn Phan Hoàng Phương dường như lại hơi khác.

Sau 25 năm từ ngày ra tập thơ đầu tiên, Phan Hoàng Phương như thể đã thu mình vào một góc khiêm nhường của đời sống, chị vẫn làm thơ nhưng rất ít gửi thơ in trên báo. Trong sự thu mình ấy, nhiều người nghĩ rằng Phan Hoàng Phương đã bỏ dở con đường thơ ca của mình. Vậy mà, giữa năm 2020, tập thơ Giới hạn do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành đã mang lại một bất ngờ thú vị với bạn bè và với bạn đọc. Bất ngờ là vì đã nhiều lần Phan Hoàng Phương muốn “kết thúc” công việc làm thơ của mình khi câu chữ đã bỏ tôi đi/ khi cảm xúc bị ngăn lại như con đập chắn ngang dòng nước.

Có phải chính đó cũng là một giới hạn trong bao nhiêu giới hạn khác giữa cuộc đời này: Phía bên kia bức tường/ Anh có nhìn thấy được/ Những bước chân quay ngược phía bên này. Một bức tường lặng yên khô khốc, em và anh như dãy núi nứt đôi/ mãi không chạm vào nhau được nữa (Giới hạn).

Giới hạn đôi khi rất vô cùng. Cứ ngỡ những đau đớn, dằn vặt, do ta chơi dao trót bị đứt tay/ vết thương quá sâu ngỡ không lành lặn được, nhưng chính từ ý thức giới hạn ấy mà thời gian đã lấp bù dần: Những nấn ná bên nhau đợi tháng ngày tha thứ/ Đợi buồn đau bao bọc lấy buồn đau. Biết đâu chính những câu thơ trong tập thơ này linh ứng, đã xóa dần giới hạn của một đời người hệ lụy. Biết đâu chính những câu thơ rút ruột, thiết tha chân thành ấy đã “giúp cho cỏ cây hồi sinh trở lại” để “hoàng hôn rơi nằm ngửa mặt lên trời”.

Một đời thơ đi trong mưa gió, Phan Hoàng Phương thèm nơi trở về/ ngồi bệt trên nền nhà mát lạnh/ mâm cơm nóng hổi đủ đầy/ thèm nơi trở về/ có những gương mặt ngẩng lên nụ cười chào đón/ quên người xa để nhớ những người gần. Sau 25 năm im hơi lặng tiếng, thơ Phan Hoàng Phương vẫn giàu liên tưởng, nhiều thi ảnh đẹp, cấu tứ lạ, tươi mới. Có lẽ một phần cũng do nhà thơ tự “giới hạn” mình trong thi pháp, không quá cách tân cầu kì cũng chẳng vần vè sáo rỗng, vẫn mộc mạc sâu kín như chính đời sống và tâm hồn bình dị của Phương?

NGUYỄN NGỌC HẠNH chọn và giới thiệu
—————
(1) Giữa thời gian, Nxb Đà Nẵng, 1994
(2) Giới hạn, Nxb Đà Nẵng, 2020


Giới hạn

Cuối cùng chúng ta cũng dừng lại trước bức tường
Lặng im
Khô khốc
Ở đó
Hiện rõ những gương mặt của thiên thần
Hiện rõ những trái tim thủy chung nhân hậu

Không thể như những đàn chim kia sải cánh vượt qua
Không thể như những chòm mây quyện vào nhau mà bay mãi
Em và anh như dãy núi nứt đôi
Mãi không chạm vào nhau được nữa

Em quỳ xuống dưới chân tường
Cỏ không còn màu xanh
Nước mắt khô thành muối

Bao nhiêu người đã đến đây
Cũng như em và anh
Như tạo hóa hợp tan đùa giỡn

Thôi ta về đi anh

Phía bên kia bức tường
Anh có nhìn thấy được
Những bước chân quay ngược phía bên này.

Buổi tối

Khi không còn sự tỉnh táo của ngày
Đêm bật khóc

Không cố gắng
Không điều chỉnh
Không giới hạn
Ý nghĩa chìm xuống đáy sông và lung linh trên mặt nước

Gương mặt anh
Khi xa, khi gần
Khi buồn, khi giận
Gương mặt anh, em đặt chỗ nào cũng sáng

Anh chạm vào cơ thể của em
Như không thể cố gắng hơn được nữa
Như không thể gìn giữ hơn được nữa
Như không thể giới hạn được nữa
Ý chí không còn mạnh mẽ
Bởi xúc cảm chân thành
Sự kìm nén chân thành

Đêm không đầu, không cuối
Kí ức xếp lên nhau như lá mục rừng sâu
Nhiều khi chỉ ước sáng mai không còn thức giấc
Quanh mình ụ mối bao quanh

Ngày đến
Khi những tia sáng đầu tiên lọt vào khe cửa
Ý nghĩ lại sáng bừng
Chòm mây vẫn tinh khôi áp vào vách núi
Nụ cười vẫn thật hiền như cỏ ngọt đồng xa.

Như một lời tạ ơn

Vẫn còn những vạt cỏ ven sông mà ta ước
Hoàng hôn rơi nằm ngửa mặt lên trời
Vẫn còn những cánh đồng xưa mà ta ước
Tiết hạ sen hồng, vàng cúc tiết thu

Trời có giấu gì đâu
Đất có giấu gì đâu
Sao ta cứ phải giấu nhau cả những điều bé mọn
Cả ý nghĩ, cả tủi buồn nhọc nhằn theo năm tháng
Cả lời yêu thương chưa kịp bật lên rồi vụt tắt
Cả lời thanh minh không còn dịp trao nhau

Ta chơi dao trót bị đứt tay
Vết thương quá sâu ngỡ không lành lặn được
Những nấn ná bên nhau đợi tháng ngày tha thứ
Đợi buồn đau bao bọc lấy buồn đau

Tạ ơn trời đất linh thiêng
Đã giúp cho cỏ cây hồi sinh trở lại
Xa xăm kia, những vạt cỏ vẫn rạp mình trước gió
Vẫn ai kia cất lên khúc hát mê cuồng
Sâu thẳm biển khơi kia vẫn con thuyền chao đảo
Ngàn vạn vì sao thả xuống suốt đêm trường.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)