Trẻ ranh

Thứ Bảy, 23/07/2022 06:38

Ferdinand von Schirach sinh năm 1964 ở Munich - Đức, là một luật sư hình sự sáng tác văn xuôi, kịch bản phim và sân khấu. Ở tuổi 45 ông mới bước vào địa hạt văn chương và ngay lập tức được coi là “một may mắn lớn của giới cầm bút ở Đức” (tạp chí Focus) với kiến thức và kinh nghiệm sống vượt lên khỏi những gì câu chữ có thể thể hiện. Tuần báo Spiegel gọi ông là “người kể chuyện có tầm vóc đáng nể”. Daily Telegraph khâm phục ông như “một trong những giọng văn sắc sảo nhất của văn học châu Âu”. Independent không ngần ngại nhìn thấy trong giọng kể của Schirach “bóng dáng của Kleist và Kafka”.

Các tác phẩm của ông, bất kể tiểu thuyết hay truyện ngắn, đều là best seller với doanh số hàng triệu bản ở bốn mươi ngôn ngữ. Tác phẩm kịch Terror (Khủng bố) của ông là một trong những tác phẩm sân khấu đương đại thành công nhất.

Ferdinand von Schirach nhận được nhiều giải văn chương lớn. Ông sống ở Berlin. Truyện ngắn Trẻ ranh của ông được rút từ tập Tội lỗi (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022).

************

Trước khi bị họ giải đi, cuộc đời Holbrecht luôn thuận buồm xuôi gió. Anh làm quen Miriam trong một bữa ăn tối cùng chúng bạn. Cô vận một chiếc áo dài đen và quàng khăn cổ bằng lụa có hình chim thiên đường sặc sỡ. Cô là giáo viên tiểu học, anh là nhân viên bán đồ nội thất văn phòng. Họ si mê nhau, và khi thời đoạn ấy đã qua thì giữa họ vẫn còn nhiều đồng điệu. Mỗi lần có hội hè gia đình, ai cũng khen họ là một cặp đôi xinh đẹp, và đa số có ý chân thành.

Sau đám cưới một năm họ mua một ngôi nhà song lập ở một vùng ngoại ô phong lưu của Berlin, năm năm sau đã trả góp gần xong. “Thanh toán trước hạn”, giám đốc chi nhánh ngân hàng Volksbank nói. Ông đứng dậy khi thấy Miriam hay Holbrecht ngoài quầy phục vụ. Holbrecht rất hài lòng. “Không có gì đáng phàn nàn cả”, anh nghĩ.

Holbrecht muốn có con. “Sang năm”, Miriam nói, “để mình tận hưởng cuộc sống một chút đã”. Cô 29, kém anh chín tuổi. Mùa đông họ sẽ đến đảo Maledives, và mỗi lần hai người nhắc đến chuyện ấy là cô mỉm cười nhìn anh.

Khách hàng thích tính bộc trực của anh, thu nhập của anh cộng cả tiền thưởng ngót chín chục ngàn mỗi năm. Khi lái xe từ chỗ hẹn khách hàng về, anh nghe nhạc Jazz, và thấy cuộc đời thật viên mãn.

*

*         *

Họ đến lúc bảy giờ. Lẽ ra hôm đó anh phải đi Hannover, gặp một khách hàng mới có dự định trang bị nội thất cho toàn bộ công ti, một đơn hàng ngon ăn. Người ta còng tay đưa anh khỏi nhà. Miriam trân trối nhìn tờ lệnh bắt, cô vẫn mặc bộ đồ ngủ mà anh thích. “Lạm dụng trẻ em trong 24 vụ”, cô biết tên con bé trong lớp mình ở trường tiểu học. Cô đứng trong bếp với một nhân viên công vụ trong lúc hai người mặc cảnh phục đưa Holbrecht đi đoạn đường hẹp ra xe cảnh sát. Hàng rào cây lúp xúp họ mới trồng năm ngoái. Cái áo vét mà cô tặng anh dịp lễ Giáng sinh khoác lệch trên vai anh như muốn chuội xuống. Viên cảnh sát nói, đa số các bà vợ không linh cảm được điều ấy. Có lẽ anh ta muốn an ủi. Rồi họ bắt đầu khám nhà.

*

*           *

Phiên xử không dài. Holbrecht phủ nhận tất cả. Thẩm phán bẻ lại rằng trong máy tính của anh có phim khiêu dâm. Tuy không có trẻ con trong đó, phim cũng không bị cấm, nhưng các phụ nữ đều rất trẻ, một người hầu như chưa có ngực. Thẩm phán 63 tuổi. Ông tin con bé. Nó kể, Holbrecht luôn đón lõng nó trên đường đi học về. Và sờ nó “ở dưới”. Nó khóc trong khi kể lại. Chuyện xảy ra ở sân bên ngoài nhà anh. Một con bé khác xác nhận toàn bộ lời khai, thậm chí hai lần thấy tận mắt. Hai cô bé mô tả ngôi nhà và khoảnh sân.

Miriam không đến phiên tòa. Luật sư của cô gửi giấy tờ li hôn vào trại tạm giam. Hobrecht kí cả xấp giấy, không đọc.

Tòa tuyên án tù ba năm rưỡi. Trong phần lí do bản án tòa nói không có cớ gì để nghi ngờ lời khai của hai cô bé. Holbrecht ngồi hết hạn tù, không thiếu một ngày. Nhân viên trị liệu gợi ý anh nhận lỗi. Anh im lặng.

*

*        *

Giày của anh ngấm nước mưa mềm nhũn. Nước thấm qua cạnh giày và làm ướt tất. Bến xe bus có mái nhựa nhưng Holbrecht thích đứng bên ngoài hơn. Mưa chảy dọc gáy vào tận trong măng tô. Tất cả những gì anh có đều nhét vừa cái va li xám cạnh chân. Vài thứ quần áo, mấy cuốn sách, khoảng 250 lá thư cho vợ mà anh không bao giờ gửi đi. Trong túi quần anh là địa chỉ người giám hộ trong thời gian thử thách và một nhà trọ để tạm trú ít lâu. Anh có tiền tiêu trong thời gian chờ, vì anh làm việc trong tù. Holbrecht bây giờ bốn hai tuổi.

Năm năm tiếp theo trôi qua bình lặng. Anh sống bằng nghề đeo biển quảng cáo chạy đi chạy lại cho một nhà hàng du lịch. Anh đứng cuối đường Kurfurstendamm với những hình bánh pizza sặc sỡ bồi bìa cứng. Đội chiếc mũ trắng. Mẹo của anh là khẽ gật đầu với người qua đường khi đưa họ tờ rơi. Đa số đón nhận tờ in quảng cáo.

Anh sống trong căn hộ một phòng rưỡi ở quận Schoneberg, chủ lao động trọng thị anh, anh không bao giờ ốm. Anh không muốn sống bằng trợ cấp xã hội, và anh không muốn làm việc gì khác.

*

*          *

Anh nhận ra cô ta ngay. Ở thời điểm này chắc cô phải mười sáu hay mười bảy, một cô gái trẻ, vô ưu, áo phông hở hang. Cô đi cùng bạn trai. Cô ăn kem. Cô hất ngược tóc ra sau. Cô cười. Đúng cô ta rồi.

Anh quay phắt qua bên, choáng váng. Anh hạ tấm bìa cứng xuống. Anh xin chủ nhà hàng cho nghỉ ốm. Mặt anh tái mét đến nỗi không ai gặng hỏi thêm.

Trên lớp bụi bẩn ở cửa kính tàu điện có ai đó viết chữ “em yêu anh”, một người khác viết “LỢN”. Về đến nhà, anh để nguyên quần áo lăn ra giường, úp cái khăn lau bát dấp nước lên mặt. Anh ngủ liền mười bốn tiếng. Rồi anh dậy, pha cà phê và ngồi cạnh cửa sổ mở. Trên mái hiên nhà hàng xóm có một chiếc giày. Trẻ con tìm cách lấy gậy khều xuống.

Buổi chiều anh gặp bạn, một người vô gia cư, đang câu cá ở sông Spree. Anh ngồi xuống cạnh bạn.

“Có một người phụ nữ”, Holbrecht nói.

“Lúc nào cũng có một người phụ nữ”, người kia nói.

Rồi họ im lặng. Khi anh bạn kéo một con cá lên và đập chết ở cạnh tường bê tông, Holbrecht về nhà.

Vào nhà, anh lại ngồi cạnh cửa sổ. Chiếc giày vẫn trên mái hiên. Anh lấy chai bia trong tủ lạnh và áp vào thái dương. Chẳng mát lên mấy.

 

Minh họa: Nguyễn Vân Chung

Thứ bảy nào cô cũng đi phố Kurfurstendamm, ngang qua anh và tấm bìa cứng. Anh xin nghỉ cuối tuần và đợi. Khi cô ta đến, anh bám theo và đợi trước nhà hàng, tiệm cà phê, cửa hiệu. Không ai chú ý tới anh. Ngày thứ bảy sau đó bốn tuần, cô mua vé xem phim. Anh tìm được một chỗ ngay sau lưng cô. Hi vọng kế hoạch của anh sẽ thành công. Cô đặt tay lên đùi bạn trai. Holbrecht ngồi xuống ghế, anh ngửi thấy mùi nước hoa của cô, anh nghe cô thì thào. Anh rút con dao làm bếp ra khỏi cạp quần, nắm chặt cán dao dưới áo khoác. Cô búi tóc cao, anh thấy lớp lông măng vàng hoe trên gáy thon của cô. Gần như anh đếm được từng sợi.

Anh tin mình hoàn toàn có quyền.

*

*        *

Tôi không rõ vì sao Holbrecht lại tìm đến văn phòng luật sư của tôi. Tôi không có khách vãng lai. Cũng có thể lí do chỉ là văn phòng ở ngay cạnh rạp chiếu phim. Sáng sớm cô thư kí gọi điện cho tôi, có một người không có lịch hẹn đang đợi, anh ta ngồi ở bậc tam cấp trước văn phòng và mang con dao theo người. Cô thư kí làm việc cho tôi đã lâu, cô đang sợ.

Holbrecht ngồi ủ rũ trên ghế, chằm chằm nhìn vào con dao trên bàn trước mặt. Tôi xin phép anh được lấy con dao. Holbrecht gật đầu mà không ngửng lên. Tôi cho con dao vào phong bì và đem ra phòng thư kí. Rồi tôi ra ngồi cạnh anh và đợi. Một hồi lâu sau anh nhìn tôi. Câu đầu tiên anh nói là: “Tôi không làm chuyện đó”. Tôi gật, đôi khi thân chủ rất khó nói thành lời. Tôi mời anh cà phê, rồi chúng tôi ngồi hút thuốc. Đang giữa hè, qua cánh cửa sổ mở rộng của phòng tiếp khách có giọng trong vắt của một lớp học đi tham quan. Đám thanh niên cười nói trong tiệm cà phê đối diện. Tôi đóng cửa sổ, không khí im lặng và nóng.

Rất lâu sau anh mới kể cho tôi nghe câu chuyện của mình. Holbrecht có một cách nói rất lạ, xong một câu lại gật đầu, anh phải xác nhận với chính mình những gì vừa nói, anh nghỉ lâu giữa các câu. Rốt cuộc anh nói, anh theo chân cô gái vào rạp xem phim, nhưng anh không đâm chết cô, anh không thể. Anh run bắn. Anh ngồi suốt đêm trước cửa văn phòng luật sư và đã kiệt sức. Cô thư kí gọi điện đến rạp hỏi, quả thật không có gì xảy ra. 

*

*         *

Ngày hôm sau Holbrecht đem đến tập hồ sơ của vụ ngày xưa. Địa chỉ của cô gái ở trong danh mục điện thoại. Tôi viết thư cho cô, hỏi cô có muốn nói chuyện với tôi không. Chúng tôi không có cách nào khác. Tôi ngạc nhiên khi thấy cô đến.

Một cô gái trẻ, học nghề phục vụ nhà hàng, mặt tàn nhang, tâm trạng rối bời. Bạn trai cô đi cùng. Tôi đề nghị anh đợi ở phòng bên. Khi tôi kể cho cô nghe chuyện Holbrecht, cô bình tĩnh hẳn, cô ngó ra ngoài cửa sổ. Tôi giải thích cho cô, chúng tôi sẽ không thắng vụ tái thẩm nếu cô không cho thông tin. Cô không nhìn tôi, không đáp. Tôi không dám chắc là cô sẽ giúp Holbrecht, nhưng khi cô đưa tay bắt tạm biệt, tôi thấy cô đã khóc.

*

*        *

Vài hôm sau cô gửi qua bưu điện cho tôi cuốn nhật kí cũ. Màu hồng. In hình ngựa và trái tim trên bìa vải. Mấy năm sau sự kiện trên cô mới viết nhật kí, vì nó không để cô yên. Vài trang kẹp giấy vàng để đánh dấu cho tôi. Hồi tám tuổi cô đã tự bịa ra toàn bộ câu chuyện: cô muốn giữ Miriam, cô giáo của cô, cho riêng mình mà thôi, cô ghen với Holbrecht khi anh thỉnh thoảng đến đón vợ. Trí tưởng tượng của một con bé. Cô thuyết phục bạn gái xác nhận lời kể. Có thế thôi.

Tòa án chấp nhận vụ tái thẩm. Cô bạn gái thú nhận những gì hai cô bé từng làm ngày nào. Holbrecht được xử lại trắng án. Hai cô gái không dễ trình bày lời khai. Trước toà họ xin Holbrecht tha lỗi, anh không quan tâm. Chúng tôi không để cho báo chí tiếp cận vụ này. Holbrecht được bồi thường cho thời gian bị tù vô tội. Hơn 30.000 Euro.

*

*          *

Holbrecht mua một tiệm cà phê nhỏ ở quận Charlottenburg, bán socola tự làm và cà phê ngon. Anh sống với một cô gái Ý yêu anh. Thỉnh thoảng tôi đến đó uống một tách Espresso. Chúng tôi không nói về chuyện đã qua

Lê Quang dịch từ nguyên bản tiếng Đức

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)