'Vang rộn tiếng ve': Cơ cấu bất khả của đời người

Thứ Ba, 12/07/2022 06:55

Nhắc đến mảng tiểu thuyết lịch sử của văn chương Nhật, không thể không nhắc đến Mori Ogai. Nhưng nếu Ogai trung thành tuyệt đối với các sự kiện, nguồn cơn mang nhiều đặc tính tường thuật; thì Fujisawa Shuhei lại là bậc thầy của việc sáng tạo cốt truyện thu hút và đầy nút thắt. Vang rộn tiếng ve là một tiểu thuyết như thế, khi đầy tính Nhật và tinh thần trượng nghĩa samurai.

Chưa hẳn là cái tên quen thuộc với độc giả Việt, thế nhưng Shuhei lại là người đứng sau rất nhiều bộ phim đã được chuyển thể từ các tác phẩm của mình. Ông nổi tiếng với các tiểu thuyết lịch sử và samurai, từ đó đề cao vẻ đẹp Nhật Bản cũng như phơi bày bối cảnh có phần hỗn loạn của đất nước trước thời Duy Tân Minh Trị. Ông cũng là một trong những nhà văn được giảng dạy, nghiên cứu ở các trường đại học phương Tây.

Tiểu thuyết Vang rộn tiếng ve do Tao Đàn và Nxb Hội Nhà văn ấn hành, qua bản dịch của Phạm Vũ Thịnh.

Vang rộn tiếng ve kể về hành trình trưởng thành của nhân vật chính Maki Bunshiro, bên cạnh những người bạn thân. Bám theo quá trình phát triển nhân vật, Fujisawa Shuhei đã họa nên được những chủ đề thường thấy trong văn nghiệp, đó là tinh thần trượng nghĩa võ sĩ đạo. Đặt trong bối cảnh thời Mạc phủ Tokugawa - thời kì cuối cùng mà giai cấp võ sĩ đạo được xem trọng, bằng việc đề cao mô tả tâm lí, nếp sinh hoạt cũng như suy nghĩ… Shuhei đã khái quát được cả một thời đoạn có nhiều biến động.

So sánh phần nào mang nhiều tương đồng, Vang rộn tiếng ve của Shuhei có phần giống với các tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Quốc mà độc giả Việt Nam vốn từng biết đến. Cũng sử dụng nhân vật chính chịu nhiều bất công, Bunshiro trong tác phẩm này bị thử thách không biết đã bao nhiêu lần, từ một đứa bé được dì, cậu nhận nuôi; cho đến các biến cố lớn cũng như tâm tình có phần kìm nén.

Và có lẽ thế để khớp với tinh thần nhân văn, mà hành trình vượt thoát để rồi vươn đến đỉnh cao đã được thể hiện xuyên suốt trong tác phẩm này. Cùng sử dụng motif “chủ nghĩa anh hùng”, thế nhưng khác với tiểu thuyết kiếm hiệp, Shuhei không quá tập trung vào việc luyện tập hay các môn võ có phần bí truyền… Thay vào đó, cũng như các bậc thầy khác như Natsume Soseki hay Akutagawa, ông chủ yếu tập trung vào việc miêu tả những sự chuyển biến tâm lí vô cùng tinh vi, điều rất hiếm thấy ở các tiểu thuyết lấy anh hùng là trọng tâm.

Điều đó thể hiện ở trong tình thế của ngã ba đường mà Bunshiro phải chọn, khi cha bị bức tử, bản thân phải nuôi gia đình mà không biết làm sao, hay khi đứng trước mối tình thầm kín với nàng Fuku… Nhân vật đàn ông của Shuhei tuy mang dáng vẻ cứng cỏi cũng như ngoan cường vì là các võ sĩ đạo, nhưng cũng không thiếu những sự đồng cảm cũng như tự mình phản chiếu qua những người khác.

Trạng thái tâm lí có phần tinh vi ấy còn được thể hiện ở nỗi buồn thương gia cảnh đói nghèo của nhà Fuku, của việc nuôi giữ tấm lòng chất phác, tuy được học võ nhưng không khinh khi thơ ca, nghệ thuật. Với nền giáo dục có phần bài bản, lớp võ sĩ ấy cũng dám nói rằng đàn ông đâu phải gỗ đá, nếu muốn thì cứ khóc thôi. Shuhei không hề “lãng mạn hóa” hình tượng những nhân vật chính, mà ông biến họ rất đời, rất người và đầy cảm xúc.

Trong tiểu thuyết của mình, Shuhei xây dựng Bunshiro như người đại diện cho tầng lớp võ sĩ đạo ngày ấy, với hình tượng những người cấp thấp, lương bổng chỉ mấy mươi hộc, nhưng vẫn sống tiết độ, tiết tháo, chịu cực, chịu khổ và quan trọng nhất là xem trọng danh dự. Shuhei sở hữu trong mình một lòng tự tôn dân tộc, khi ngay cả những người bị dồn nén nhất, bị chà đạp nhất; cũng sống âm thầm, gần như cam chịu, tuy có tài năng nhưng không nuôi nấng ý định phô trương.

Viết trong bối cảnh cuối thời Edo với những biến động chính trị và những âm mưu, ganh đua, bội phản; võ sĩ samurai cũng không thể thoát ra khỏi những cơn lốc ấy. Thế nhưng với tiết hạnh luôn bị thử thách, họ chưa bao giờ buông thả bản thân làm điều sai quấy. Shuhei mang những nhân vật từ dưới đáy sâu và thử thách họ, tôi rèn họ, từ đó làm hoàn thiện hơn hình tượng một người anh hùng của thời đại này và nhiều thời sau.

Không những tập trung vào các “anh hùng”, mà Shuhei cũng cho thấy được một sự tinh tế khi cũng khắc họa đồng thời những người phụ nữ đáng quý, chịu nhiều hy sinh để chồng và còn hoàn thành nghĩa vụ đối với đất nước. Đó là bà Toku mất chồng mà vẫn không hề ca thán ít nhất là trước mặt con, là cô Fuku giữ mãi tấm lòng son sắt dù bị thời đoạn cuốn theo. Thông qua nhiều những nhân vật có số phận bé mọn, sân khấu chính trị và những mưu đồ quyền lực nổi bật lên trên, và là cái bẫy cuộc đời để mang hiền nhân và những con người bình dị xuống đáy cuộc đời.

Họ là võ sĩ, những người nhìn cao học rộng như cha của Bunshiro, như người đồng nghiệp ở tổ Kiểm lâm Aoki; nhưng cũng rất có thể là cô vợ góa Yada, người bị thời thế dồn nén mà không thấy được ánh sáng tương lai, cuối cùng cũng phải tìm đến cái chết để giải phóng mình. Shuhei theo đó cũng mô tả lại những cái chết này không hề tục lụy, cũng không lãng mạn hóa, ông tả như nó vốn là bởi những chuyển biến không thể khác được.

Nhà văn Fujisawa Shuhei.

Lối viết của Fujisawa Shuhei có sự kết hợp giữa cương với nhu, không chỉ trong việc chú trọng hình tượng phụ nữ hay những mô tả có phần tinh tế của các motif anh hùng sống sâu vào trong nội tâm; mà đó còn là việc họa lại được phong cảnh, từ đó ít nhiều thể hiện nội tâm cũng như trạng thái rối bời của các nhân vật trong tiểu thuyết dài.

Bởi vì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, nên ông phân chia rất rõ hai mùa trong cuốn sách này. Nếu mùa đông tuyết phủ, mây giăng, tuy lạnh lẽo nhưng thường yên ổn bởi cái lạnh thẩm thấu, khiến con người ta phải co rút lại; thì mùa hè oi bức với cái nóng, với tiếng ve, lại là những mùa bão tố có phần bất ổn, báo hiệu phía trước những biến cố lớn.

Hình tượng ve sầu trong tiểu thuyết này không chỉ tượng trưng về mặt âm thanh của mùa cuồng nộ oi nóng, mà nó cũng là một sự ví von vì sự ngắn ngủi cũng như phù du của kiếp đời này. Con người cuối cùng cũng như loài ve, sống vài khoảnh khắc, hát lên tiếng ca, để rồi vùi mình hết đời dưới tấc đất sâu. Và với sân khấu chính trị liên tục biến đổi, con người không thể lý giải cơ cấu cuộc đời, họ buộc phải sống phù du sớm nở tối tàn. Suốt cuộc đời mình họ đã cống hiến trường ca của sự anh dũng; nhưng rồi sau đó số phận của họ cũng lại mong manh như một tàn lửa.

Là tác phẩm đầu tiên của Fujisawa Shuhei được giới thiệu cũng như chuyển ngữ tại Việt Nam, Vang rộn tiếng ve đại diện cho một giọng văn uyển chuyển và đầy linh hoạt, có sự cứng rắn cần thiết nhưng cũng mềm mỏng vô cùng tự nhiên. Là nhà văn lớn vô cùng nổi tiếng ở tại Nhật Bản, thành công của Shuhei có thể dễ dàng lí giải bởi lòng tôn kính phẩm chất võ sĩ tốt đẹp nghìn đời, và cũng đồng thời chính là cách viết không hề gò bó. Một giọng văn rất nên khám phá và được tìm đọc.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)