'Người môi giới', một ngôn ngữ điện ảnh khác biệt

Thứ Năm, 14/07/2022 00:36

Gây tiếng vang lớn tại LHP Cannes năm nay, Broker (tựa Việt: Người môi giới) liệu có vượt qua thành công quá lớn của ông - Shoplifters? Câu hỏi thật khó trả lời, bởi đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Kore-eda bất ngờ mang đến người xem một câu chuyện tương đồng, nhưng là ở góc nhìn khác.

Shoplifters (2018) là mốc son chói lọi của Kore-eda khi thắng giải Cành cọ vàng. Năm nay phim này cùng Decision to leave (tựa Việt: Quyết tâm chia tay) của đạo diễn Hàn Quốc Park Chan-wook đã được trông chờ tiếp tục sẽ viết nên thành công, sau những Parasite, MinariDrive my car của những năm qua.

Nhưng bất ngờ thay, Broker chỉ có duy nhất một giải cho Song Kang-ho ở mục Nam diễn viên xuất sắc nhất. Bản thân Kore-eda cũng như bộ phim không có được thêm chiến thắng nào về mặt nghệ thuật. Điều này dễ dàng lí giải bởi Broker thật sự không quá khác biệt so với Shoplifters, khi nó như một phần nối dài, một phiên bản khác, một kết cục khác… cho những gì Kore-eda đã kịp bày ra ở bộ phim trước.

MỘT GÓC NHÌN KHÁC

Kể về một nhóm cá nhân kì lạ, bao gồm một người mẹ trẻ bỏ con, hai gã buôn người và một cậu bé mồ côi; Kore-eda tiếp tục motif “lắp ghép” những “mây cùng tầng” vào cùng với nhau. Đều sử dụng nhân vật dưới đáy xã hội, thế nhưng nếu Parasite khai thác khoảng cách giàu-nghèo lên đến kinh hoàng, thì Kore-eda lại đào sâu hơn vào cách mà người “cùng hệ” đối nhân xử thế.

Theo đó nhóm người này đã gặp nhau trong một sự vụ tình cờ, khi bắt gặp người mẹ trẻ bỏ rơi con mình ở chiếc hộp em bé tại một Nhà thờ. Khái niệm “hộp em bé”, như Kore-eda tiết lộ, được ông tiếp cận khi nghiên cứu hệ thống nhận con nuôi, là nơi những người mẹ trẻ, những người không đủ khả năng nuôi lớn con mình… bỏ lại chúng, và nhờ cơ quan xã hội nuôi dưỡng.

Kore-eda (ngoài cùng bên trái) cùng dàn diễn viên chính tại LHP Cannes.

Nhận thấy được sơ hở này, hai tên “buôn trẻ” đóng giả làm nhân viên công tác xã hội để thu nhận chúng, rồi bán cho những gia đình đang có nhu cầu. Nhưng khác với bọn ham tiền đến mất lí trí, hai tên này chỉ “bán” đứa bé cho những gia đình không có khả năng sinh con và đủ chi tiêu để lo cho chúng. Chính ở điều này, Kore-eda đặt ra nan đề quen thuộc cho các tác phẩm của mình.

Quay ngược về Shoplifters, chẳng phải một tên giết người, một gã trộm cắp… cũng đã nhận nuôi hai đứa bé nhỏ, và ủ ấp chúng bằng tình yêu thương? Kore-eda tiếp tục mang thế lưỡng nan vào trong vấn đề, rằng việc buôn bán hay là “bắt cóc” dĩ nhiên là hành động xấu, nhưng việc tìm cho chúng một ngôi nhà mới và phát triển toàn diện, liệu có xóa mờ được tính xấu xa?

Dễ thấy trong mối quan hệ có phần phức tạp này, họ đã đối xử với nhau theo những cách khác. Họ vừa thương yêu, bảo vệ; nhưng có phần lợi dụng. Đó là Jury chỉ 6, 7 tuổi đã được dạy trộm cắp ở siêu thị trong Shoplifters, hay ở Broker là cậu bé mới mấy tháng tuổi đã bị bán đi bán lại khắp nơi như món ngã giá.

Vẫn motif cũ, vẫn thế lưỡng nan cũ; tuy cách xây dựng cốt truyện có thể khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn là những vấn đề đã được Kore-eda khai thác trong Shoplifters. Nhưng nếu ở bộ phim trước người ta thấy những nỗi buồn không thốt nên lời, thì ngược lại ở Broker, nó đã nhẹ nhàng và dịu dàng hơn. Tuy thế nó cũng chính là điểm chết của Kore-eda, khi cái kết của Shoplifters đã khá hoàn thiện và là vừa đủ. Đến Broker không thể lặp lại phiên bản trước đó, nó lại nhạt nhòa.

KỊCH BẢN HAI LỐI RA

Trong lịch sử điện ảnh, không hiếm những tác phẩm có nhiều kết cục cũng như hậu truyện khác nhau. Theo chia sẻ của Kore-eda, trong quá trình làm phim Like father, like son, ông đã khám phá ra những sự tương đồng trong hệ thống nhận con nuôi của Nhật Bản và Hàn Quốc, và cũng có thể vì lẽ đó mà Broker ra đời tiếp sau Shoplifters.

So sánh hai tác phẩm này, như đã nói trên, nếu Shoplifters có cái tuyệt vọng cũng như buồn nản thấm đẫm tính Nhật, thì Broker lại năng động hơn và tươi sáng hơn khi đặt trong bối cảnh Hàn Quốc hiện đại. Nỗi buồn bảng lãng của Shoplifters thể hiện ở những chi tiết vô cùng Đông phương, đó là khu vườn với âm mưa lạnh, là mùa đông chật cứng và hầu hết được đặc trưng bằng những màu lạnh có ánh xanh dương.

Trong khi với những phân cảnh của Broker, người xem có thể thấy được việc đặt vào trong bối cảnh mùa hè, với những phương tiện “dịch chuyển” liên tục, biền xanh, cát trắng, rừng cây… Kore-eda đã chuyển câu chuyện sang hướng vui hơn, tích cực hơn và không còn ủ ê như bộ phim trước.

Tổ hợp nhân vật kì lạ tiếp tục trở lại trong Broker.

Tuy nhiên cũng bởi vì thế nên Broker không có chi tiết nào thật đắt giá như Shoplifters. Ở bộ phim đó, khung cảnh tên sát nhân và gã trộm cắp tìm đến với nhau thông qua tình yêu để giải mã nhau trong buổi chiều mưa vô cùng ám ảnh, ít nhiều gây ra cảm giác bức bối ở trong người xem. Trong khi ở Broker, chi tiết trên vòng đu quay cũng được dụng ý tạo ra cảm xúc như thế, nhưng nó chung chung, phổ biến và hướng ra ngoài, không còn gây được cảm giác khó nói, khó tả và còn lại mãi.

Cả hai bộ phim đều có một cái kết mở, nhưng trong khi Shoplifters mang đến cảm giác vô định không biết về đâu, thì Brokers lại “định hình” hơn, với các chi tiết được cài cắm sẵn, và dễ hình thành những tưởng tượng chung. Đó là điều thiết yếu khi cả bộ phim không còn quá buồn, tuy nhiên nó không đem đến được sự chua chát và đầy chất vấn như Shoplifters từng làm được.

Tuy thế vẫn phải thừa nhận Kore-eda là một đạo diễn và nhà biên kịch vô cùng tài năng, khi đã xây dựng được một kịch bản có hai lối ra như là phản ảnh của nhau. Không được xướng tên ở hạng mục thiên về nghệ thuật nào không phải bởi vì Broker không hay, mà là Shoplifters đã quá xuất sắc và không thể vượt qua. Đoạt giải Prize of the Ecumenical cho tác phẩm “xoáy sâu vào cảm xúc con người thông qua ngôn ngữ điện ảnh khác biệt”, Broker vẫn là bộ phim đáng xem và đáng trân trọng.

NGÔ MINH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)