Vì sao Italo Calvino lại được yêu thích bên ngoài nước Ý?

Thứ Năm, 21/07/2022 06:34

Translating Myself and Others (tạm dịch: Chuyển ngữ chính tôi và những người khác) xuất bản vào tháng 5/2022, là tập hợp các bài luận cá nhân của Jhumpa Lahiri xoay quanh vấn đề dịch thuật. Đây là các bài viết thẳng thắn, phản ánh một cách sâu sắc của cô với tư cách là một dịch giả đồng thời là một tác giả viết bằng hai ngôn ngữ (tiếng Anh và Ý). Bài viết về nhà văn Italo Calvino dưới đây rút từ tập sách Jhumpa Lahiri vừa xuất bản, được đăng tải trên Literary Hub. 

Nói đến sự nổi tiếng của Italo Calvino bên ngoài nước Ý là nói về Calvino thông qua các bản dịch, vì ông đã được đọc và yêu thích ở nước ngoài bằng các ngôn ngữ khác chứ không phải bằng tiếng Ý. Đối với một tác giả “bay bổng”, như chính Calvino tự nhận, “một chút bay bổng trong không trung”, bản dịch - giới hạn giữa ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ dịch - là “số phận” của ông.

Hãy bắt đầu với bản sắc Ý (hoặc không phải Ý) của Calvino, một người Ý luôn nghiêng về người khác. Đây là một số dữ kiện tiểu sử: ông sinh ra ở Cuba, lớn lên ở San Remo - một thành phố cực kì quốc tế vào thời điểm đó - và kết hôn với một dịch giả người Argentina. Ông đã sống nhiều năm ở Pháp và đi khắp thế giới. Không có gì ngạc nhiên khi New York, ngã giao lâu năm của các ngôn ngữ và văn hóa, là nơi mà ông coi là giống “nhà mình” nhất.

Italo Calvino và những tác phẩm nổi tiếng đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt.

Chúng ta nên ghi nhận niềm đam mê mà ông cảm thấy, ngay từ đầu, đối với các tác giả không phải người Ý. Ông đã khám phá Kipling khi còn là một thanh niên, và luận án đại học là về Conrad. Những tác giả đã viết bằng ngôn ngữ mà không phải là tiếng mẹ đẻ của ông. Hãy ghi nhớ tình bạn và sự hợp tác của ông với Cesare Pavese và Elio Vittorini, hai nhà văn-dịch giả đồng thời cũng là biên tập viên. Đây chỉ là một vài điểm nổi bật trong quá trình hình thành một nhà văn trước khi đạt được danh tiếng trên toàn thế giới.

Mang tính “quốc tế” hơn một người Ý đơn thuần, Calvino biết các địa hạt, ngôn ngữ và nhận thức sâu sắc về những gì có thể được khai thác từ một nhóm tách ra khỏi nguồn gốc của mình. Hãy nhớ ông đã viết những tác phẩm trưởng thành nhất - những tác phẩm được ca tụng nhiều nhất và do đó được dịch rộng rãi nhất - tại Pháp, trong khi cố ý trải qua một tình trạng lưu vong ngôn ngữ.

Ông là dịch giả của Raymond Queneau, một nhà văn Pháp nổi tiếng với ngôn ngữ hay thay đổi, mặc dù tôi muốn nói thêm rằng Le fiabe italiane , truyện dân gian Ý mà ông rất hay sưu tầm và chuyển thể, cũng là một dạng dịch thuật.

William Weaver, dịch giả người Mĩ của Calvino, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Paris Review rằng Calvino rất dễ dịch vì ông viết bằng ngôn ngữ văn học: một thứ từ ngữ phổ thông tự nhiên và có thể dịch được. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng đó cũng là một thách thức để tái tạo nhịp điệu cẩn thận trong văn xuôi của Calvino, và ta có thể thấy điều đó trong cuốn tiểu thuyết ngắn Những thành phố vô hình.

Weaver cũng hiểu rõ niềm đam mê của Calvino đối với ngôn ngữ khoa học và các thuật ngữ kĩ thuật, điều này gây ra một trở ngại khác cho bất kì dịch giả nào, khi giới thiệu một ngôn ngữ khác, một ngôn ngữ đặc biệt nghiêm ngặt, trong văn bản của ông. Đây là quan điểm của tôi: Calvino, một nhà văn Ý rõ ràng, chưa bao giờ hoàn toàn viết bằng tiếng Ý. Ngược lại, ông có ngôn ngữ của riêng mình - một vương quốc biểu cảm chỉ thuộc về ông - cũng như tất cả các nhà văn quan trọng và thú vị khác.

Trong bài luận Dịch là cách đọc văn bản thực sự, Calvino đã nói đến sự đa nghĩa bằng cách đề cập đến “các cấp độ ngôn ngữ khác nhau”. Ông lập luận rằng việc dịch “đòi hỏi một phép màu”, nói về “bản chất bí mật” của nó như thể nó là một chất chiết xuất được chưng cất bởi những thiết bị thích hợp. Ông quan tâm đến các vấn đề dịch thuật không chỉ với tư cách là một dịch giả/ nhà văn, mà còn là một người viết thư, đồng thời cũng là nhà khoa học. Chính bản chất kép này làm nền tảng cho cách mà ông phản ánh về bản chất của vấn đề của dịch thuật. Ông viết: "Văn học đích thực hoạt động dọc theo lề ‘không thể dịch’ được bởi mọi ngôn ngữ."

Có lẽ quan sát đáng ngạc nhiên nhất trong bài luận của ông là sự khác biệt giữa ngôn ngữ nói và viết, các nhà văn Ý “luôn gặp vấn đề với ngôn ngữ của chính họ [và họ] sống trong tình trạng loạn ngôn ngữ.” Calvino có thể xác định được vấn đề này bởi ông đã nhìn tiếng Ý từ cả bên trong lẫn bên ngoài, như thể đó là tiếng nước ngoài, hoặc trong bất kì trường hợp nào, giống như nhân vật của ông, Palomar, từ một khoảng cách xác định. Calvino đánh giá cao việc dịch không chỉ để được đọc ở nhiều nơi hơn, mà còn để “hiểu rõ hơn những gì đã viết và lí do tại sao viết như thế.” Đối với ông, dịch là một dạng σεαυτόν / gnōthi seauton , một quá trình khám phá để nhìn và biết bản thân từ một góc độ mới, từ một góc độ xa lạ.

“Phát minh” và “đổi mới” là hai thuật ngữ thường được các nhà phê bình không phải người Ý sử dụng để nói về Calvino. Joseph McElroy, trong bài đánh giá năm 1974 về Những thành phố vô hình trên tờ New York Times , gọi ông là “người kể chuyện nguyên bản nhất của Ý”. Và cuốn sách của Calvino “không giống như cuốn sách nào khác mà tôi biết”.

“Nguyên bản” là một thuật ngữ chắc chắn dùng để chỉ bản dịch, chỉ sự năng động liên tục giữa “văn bản chính” và “văn bản dịch” - thứ văn bản thứ cấp đã được chuyển đổi. Nguyên bản liên quan đến những gì cấp tiến và do đó, là với những gì mang tính cách mạng. Bản thân Calvino cũng coi Những thành phố vô hình là cuốn sách ăn khách nhất của mình ở Mĩ. Thật kì lạ, theo ông, nó cũng là cuốn sách khác xa nhất so với thị hiếu thông thường của độc giả Mĩ.

Anatole Broyard, người đã bình luận về tác phẩm Marcovaldo, vào năm 1983, cũng trên tờ The New York Times, ít nhiệt tình hơn McElroy, mặc dù Broyard cũng mô tả Calvino là “nhà văn Ý gây được hứng thú nhất cho độc giả Mĩ”. Ông cũng đề cập đến các nhà phê bình, những người mô tả các tác phẩm của Calvino như một “sự giải phóng”. Ông so sánh Calvino với Márquez và Borges, hai nhà văn viết tiếng Tây Ban Nha cũng có nhiều tác động trong việc sử dụng từ ngữ. Ông thừa nhận: “Calvino phát minh ra những phát kiến, nhưng ông không kiên trì sử dụng chúng”. Theo Broyard, cuốn sách được yêu thích nhất của Calvino là Nếu một đêm đông có người lữ khách.

Jumpa Lahiri và cuốn sách viết bằng tiếng Ý đầu tiên về dịch thuật.

Tại sao Calvino lại được yêu thích như vậy bên ngoài nước Ý? Tôi sẽ chỉ ra đây là bởi ngôn ngữ sáng tạo, trí tưởng tượng bay bổng và sự tái khám phá vẫn luôn thôi thúc, và đồng thời cũng là cách sử dụng sự mỉa mai. Trong bài đánh giá của mình, Broyard cho rằng việc sử dụng sự mỉa mai của Calvino đã được đánh giá quá cao. Tôi không đồng ý. Calvino là một bậc thầy trong việc chơi đùa với ngôn ngữ, xen kẽ giữa cấp độ cao và thấp, hài hước và nghiêm túc, triết học và giả tưởng, chuyển từ thể loại văn học này sang thể loại văn học khác, giữa cái nhìn khách quan và chủ quan vào thế giới, vũ trụ, hàng ngày và vĩnh cửu.

Trong một buổi hội thảo dành cho sinh viên của tôi tại Đại học Princeton, chúng tôi đã dịch chương ngắn Đối thoại với Rùa, một phần được cắt ra từ cuốn tiểu thuyết Palomar. Và đây là lí do tại sao tôi có thể khẳng định rằng Calvino vẫn được yêu thích nhiều như thế ở Mĩ, bởi các học sinh của tôi dù vậy vẫn thích giải quyết một văn bản đầy thách thức có chứa một loạt các thuật ngữ khoa học và khiếu hài hước.

Cuối cùng, hài hước có thể là điều khó nhất để được dịch một cách hoàn hảo. Câu chuyện mở ra một cách dứt khoát dưới dạng một cuộc đối thoại của Platon, hoặc có thể là của Leopardi. Tôi tin rằng Calvino luôn đối thoại với chính mình, với người anh em sinh đôi trong bóng tối của mình, để có thể nhìn thấy chính mình, như tôi đã nói, từ một góc nhìn mới. Về mặt này, ông là hiện thân của khả năng cảm thụ của người dịch, người luôn chơi đùa với hai văn bản, hai giọng nói.

Calvino trực tiếp nói về dịch thuật - một hoạt động mạo hiểm riêng biệt và là độc quyền của con người - trong Palomar như sau: “Dù anh biết anh không bao giờ có thể bóp chẹt nhu cầu chuyển dịch, từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, từ hình ảnh cụ thể sang lời lẽ trừu tượng, từ biểu tượng trừu tượng sang kinh nghiệm cụ thể, đan kết rồi lại đan kết một mạng tương đồng. Không diễn giải là không được, cũng như không thể kềm tỏa sự suy nghĩ.” (1)

Calvino được yêu thích bên ngoài nước Ý vì ngôn ngữ mà ông tạo ra chứa tất cả các thành phần cần thiết: “bản chất bí mật” của ngôn từ và phép màu của dịch thuật. Vốn có một sự quan tâm sâu sắc và sự hào phóng vô bờ bến đối với các nhà văn khác, đặc biệt là những người làm công việc dịch thuật, dường như đối với tôi, ngay cả những người có định mệnh, ông đã được đón nhận một cách nồng nhiệt và thú vị bằng các ngôn ngữ khác trên thế giới.

THUẬN NGÔ

--------

1. Bản dịch của Vũ Ngọc Thăng

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)