Ống kính nhà văn

Những “cây ATM đen” nơi làng quê ven sông Cầu

Thứ Bảy, 03/09/2022 21:34

Làng Vân Xuyên (xã Hoàng Vân, Hiệp Hòa, Bắc Giang) trước còn gọi là làng Đỏ, là một căn cứ quan trọng của An toàn khu II. Làng đã đóng góp nhiều cho cách mạng, từng nuôi giấu những chiến sĩ cách mạng xuất sắc như Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thái, Lê Quang Đạo… Mỗi độ thu về, trong những gợi nhớ về mùa thu Cách mạng Tháng Tám, người dân Vân Xuyên còn tất bật với việc thu hoạch trám, một sản vật đã trở nên quen thuộc của cả tỉnh Bắc Giang, đem lại sinh kế và bản sắc cho vùng quê giàu truyền thống.

Toàn xã Hoàng Vân có khoảng gần 3.000 cây trám đen chủ yếu ở làng Vân Xuyên, một nửa trong số đó đã cho thu hoạch. Trám được trồng trên khoảng 40 ha diện tích, chủ yếu tại các dải đất ven sông Cầu, phía Bắc huyện Hiệp Hòa.
Một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia chia sẻ, ông được thừa hưởng soi trám từ các cụ, nơi có những cây trám cổ thụ trăm tuổi. Ông cho biết, chính những thân trám um tùm ven sông Cầu đã che chở cho nhiều cán bộ cao cấp của Đảng khi bị địch truy đuổi, giúp họ di chuyển từ Bắc Giang sang Bắc Thái an toàn.
Ở Vân Xuyên có khoảng trên 100 cây trám cổ thụ có tuổi đời trên một trăm năm. Những cây này đã được đánh số để bảo tồn. 
Trám đen ra hoa vào tháng 2, kết quả và lớn trong vòng 6 tháng. Cây sẽ cho thu hoạch quả vào khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch.
Trước đây một cây trám phải 7-8 năm tuổi mới cho quả, nhưng khoảng chục năm trước, các nhà khoa học đã về Vân Xuyên và hướng dẫn bà con cách ghép mắt trám để cây sớm cho quả và đảm bảo năng suất. Theo đó, giống trám ghép chỉ 2-3 năm đã bói quả, rút ngắn thời gian từ lúc trồng tới lúc được thu hái hơn nhiều.

Nhận thấy tiềm năng kinh tế của quả trám đen quê hương, người dân nơi đây đã chọn các mắt từ những cây trám sai quả và cho quả ngon để ghép làm giống, nhân lên diện tích trồng trám trong vùng.

Khi thu hoạch trám, người dân thường trải những tấm bạt lớn dưới gốc, sau đó dùng sào móc cho trám rụng xuống, vừa sạch sẽ vừa dễ thu gom.

Những mẻ trám chuẩn bị đóng bao vẫn còn nguyên lớp phấn trắng.
Trẻ thơ làng trám.
Cũng như nhiều loại cây trái khác, trám cũng có năm được mùa, năm mất mùa, tùy vào tình hình thời tiết khi trám ra hoa và đậu quả. Những mùa quả trĩu cành luôn mang lại niềm vui cho người dân Vân Xuyên.
Trám làng Vân Xuyên là sản vật nổi tiếng tỏa đi muôn nơi phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân. 
Mỗi kg trám đen Vân Xuyên có giá trên 150 nghìn đồng nhưng có bao nhiêu trám thương lái cũng thu mua hết. Người Vân Xuyên đi xa cũng thường được người nhà gửi trám làm quà như một sản vật thân thương từ quê nhà.
Cây trám đen đã gắn bó với người dân Vân Xuyên từ những năm tháng xa xưa, ngày nay cây trám đã đem lại cho họ nguồn thu nhập tương đối ổn định. Bên cạnh đó việc duy trì và phát triển diện tích trồng trám còn góp phần bảo tồn và phát triển những giống cây quý tại địa phương. Người dân Vân Xuyên vẫn gọi vui những cây trám đen quê mình là những cây "ATM đen".
Trám đen là món ăn ưa thích của nhiều người nên luôn được thị trường chào đón. Trám có thể om ăn chơi hoặc kết hợp để chế biến thành nhiều món ăn đậm đà hương vị như xôi trám, trám muối, trám nhồi thịt, và đặc biệt là món nham trám Bắc Giang nổi tiếng cầu kì và tinh tế. Quả trám Vân Xuyên cũng đã ra nơi phố thị, xuất hiện trong những nhà hàng sang trọng trong nhiều biến tấu của ẩm thực phố phường.

Với nhiều người dân Vân Xuyên thì trám đen không chỉ là món ăn hay cây thoát nghèo mà còn là loài cây gắn với họ nhiều kỉ niệm, đánh thức những miền kí ức của mỗi người con nơi làng quê ven sông Cầu.

Tổ chức trang: Vũ Thành Duy

Thực hiện: Thiện Nguyễn. Ảnh: Ngô Quyết và CTV

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)