Dòng chảy

Vẻ đẹp của văn học kì ảo Việt Nam đầu thế kỉ 20

Thứ Hai, 31/10/2022 07:06

 Văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ 20 có rất nhiều thành tựu nổi bật trong đó dòng văn học kì ảo được khai thác và nở rộ với những tên tuổi tác giả - tác phẩm như: Thế Lữ với Vàng và máu, Bên đường Thiên Lôi, Ba hồi kinh dị; TchyA với Thần hổ, Kho vàng Sầm Sơn, Ai hát giữa rừng khuya; Lan Khai với Truyện đường rừng… Đây là những truyện hay nhất, được viết sớm nhất về đề tài này trong văn học Việt Nam hiện đại.

Sáng 2/10/2022 tại Nhà xuất bản Kim Đồng đã diễn ra buổi trò chuyện Vẻ đẹp văn học kì ảo Việt Nam qua “Truyện đường rừng” và những truyện khác. Buổi trò chuyện có sự tham gia của các khách mời: tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Năm Hoàng, nhà báo Yên Ba và nhà văn Di Li.

Các khách mời chia sẻ niềm yêu thích đối với các tác phẩm văn học Việt Nam kì ảo giai đoạn đầu thế kỉ 20.

Bộ phận văn học nói về những hoang mang bối rối của con người, viết về phần không thể kiểm soát bằng lí trí với những yếu tố kì ảo nhiều hơn hiện thực của giai đoạn văn học đầu thế kỉ 20 là một phần rất quan trọng của văn học Việt Nam hiện đại. Văn học kì ảo giai đoạn ấy đã trở thành một dòng riêng, thu hút được nhiều sự quan tâm lớn của độc giả cũng như giới phê bình. Trên các tờ báo nổi tiếng, các truyện kì ảo được đăng tải theo kì và được công chúng mong chờ, đón nhận.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Năm Hoàng: kì ảo là phản ánh hiện thực. Truyện đường rừng là một dòng văn học đầu thế kỉ 20. Khi phân chia theo thể tài thì chúng ta sẽ khám phá được một thời rực rỡ của một dòng văn học. Văn học luôn có sự lí giải riêng, làm cho con người cũng trưởng thành hơn sau khi tiếp cận. Mỗi nhà văn viết truyện kì ảo giai đoạn đó đã đem đến một trải nghiệm riêng. Lan Khai là truyện lồng trong truyện. TchyA là ngồn ngộn những tư liệu có tính triết lí cao. Thế Lữ là vẻ đẹp tỉ mỉ, nên thơ của rừng núi và hành trình... mỗi người mang đến một không khí riêng, phong tục tập quán riêng trong tác phẩm của mình. Qua các tác phẩm ta thấy, sự kì ảo, huyền hoặc nhưng cũng hết sức chân thực. Ở đó các nhà văn gợi lên đời sống tinh thần của con người (nhân vật) một cách rõ rệt cho dù còn đơn giản, ngây thơ. Nhưng đó mới chính là họ trong nỗi sợ hãi, lo lắng hay khát vọng, ước mơ của mình. Bên cạnh đó, mỗi tác phẩm là những bức tranh sinh động, phong phú về tự nhiên được khắc hoạ.

Bộ sách văn học Việt Nam kì ảo được Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản.

Cũng trong những tác phẩm này ta thấy ngôn ngữ văn chương của giai đoạn ấy có sự đặc trưng riêng với những từ ngữ hơi cổ và có cả lối kể biền ngẫu. Mỗi nhà văn có một nghệ thuật kể chuyện riêng để dựng lên những phong tục tập quán nếp nghĩ, cảnh quan khác nhau. Văn học kì ảo giai đoạn này cho thấy, con người chỉ là một phần của vũ trụ, cần hài hoà với thiên nhiên. Theo cách nhìn của dòng văn học sinh thái cho thấy cách nhìn cần thiết của chúng ta và kì ảo là một phần của thiên nhiên. Thể loại này có tính dân tộc nhưng cũng có tính nhân loại. Nó giãi bày tính người nhất.

Nhà văn Di Li cho rằng, gọi những tác phẩm trên là văn học kì ảo kinh dị là chính xác nhất. Đây là seri Truyện đường rừng nổi tiếng giai đoạn 1930-1945. Văn học đương đại đã không còn không khí này nữa bởi chúng ta không còn có những khu rừng để chứa đựng những huyền thoại, con người đã phá đi chính nơi cất giữ huyền thoại. Trong các tác phẩm của kì ảo của Thế Lữ, Lan Khai, TchyA lối hành văn hơi cổ nhưng vẫn hấp dẫn và thu hút bạn đọc hôm nay. Văn học kì ảo thời nào cũng ăn khách bởi nó mở mang trí tưởng tượng để độc giả chu du qua những trang sách.

Có thể nói, các nhà văn thời ấy đã đưa vào những câu chuyện hoang đường, kì dị, khác xa đời thực rất nhiều và không bị hiện thực gò bó. Các nhà văn đã đào sâu vào tâm lí, đời sống, nếp nghĩ, tư duy, phong tục, tập quán và cả văn hoá của con người để thoả sức sáng tạo, khám phá và xây dựng nên một thế giới với những khát vọng riêng tư cũng như phản ánh một hiện thực xã hội còn nhiều tù túng. Với hình thức là các chuyện kinh dị, các nhà văn Thế Lữ, Lan Khai, TchyA đã khai thác kho tàng văn học dân gian từ miền ngược đến miền xuôi, kì ảo miền núi (Truyện đường rừng), từ trong dã sử (Kho vàng Sầm Sơn), từ những câu chuyện mang màu sắc mê tín (Ai hát giữa rừng khuya, Thần Hổ) đến những câu chuyện mang bối cảnh hiện đại (Bên đường thiên lôi, Vàng và máu, Ba hồi kinh dị). Ngoài yếu tố kì ảo truyền thống, truyện được viết dưới ánh sáng của khoa học, thể hiện lòng nhân hậu giữa người với người, hướng con người vững tin vào những giá trị chân, thiện, mĩ.

Nhà báo Yên Ba cho rằng, văn học kì ảo là thể loại phù hợp dành cho độc giả mọi lứa tuổi.

Sự hòa trộn những yếu tố hư và thực, tự nhiên và siêu nhiên, bình thường và phi thường, rùng rợn và mĩ lệ tạo nên những trang văn tuyệt bích, rung động lòng người.

Theo nhà báo Yên Ba thì, phương Tây gọi đây là văn học gay cấn. Bộ sách văn học kì ảo của các nhà văn Thế Lữ, Lan Khai, TchyA sẽ khơi dậy một hướng đi cho người viết hôm nay. Chúng ta đã từng có một giai đoạn có những tác phẩm kì ảo hấp dẫn như vậy, vậy thì những người cầm bút hôm nay sẽ có những suy tư của riêng mình để từ đó phát triển dòng văn học này.

Nhà xuất bản Kim Đồng đã làm lại bộ sách này cũng như có những hoạt động bên lề để thúc đẩy sự phát triển của dòng văn học kì ảo Việt Nam hiện đại với mong muốn xây dựng được những tác phẩm văn học tư duy mang tầm nhân loại nhưng trên nền văn hoá của dân tộc.

AN CHI

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)