Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 999 (cuối tháng 10/2022)

Thứ Tư, 19/10/2022 09:29

Ninh Bình, vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, nơi thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh kì thú, con người bồi tụ các lớp trầm tích văn hoá giá trị, tạo nên nguồn tài nguyên quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa với các tỉnh, thành phố trong cả nước và các quốc gia trên thế giới. Bảo tồn, gìn giữ những tài sản vô giá ấy đã khó, kết nối, lan toả và tạo ra sức sống bền bỉ trường tồn cho di sản còn khó hơn. Từ những trăn trở ấy, Festival Tràng An kết nối di sản lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 11 tới đây. Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình, cơ quan chủ trì, xung quanh sự kiện này.

Bài trò chuyện mang tên Không chỉ là một Festival sẽ mở đầu tạp chí số 999.

Phần Văn xuôi với các truyện ngắn: Gió mỗi mùa vẫn thức của Trần Thị Tú Ngọc, Cây dâu cô đơn bên sông của Trương Tuệ Đăng, Hồng hoàng của Nguyệt Chu; ghi chép Miền đất hình bàn chân Giao Chỉ của Thương Hà; kí ức chiến trường Lời hẹn tháng bảy.

Gió mỗi mùa vẫn thức nhưng nhức một nỗi đau nối dài từ chiến tranh đến cả thời hậu chiến của những người dân miền Tây Nam Bộ, mà tiêu biểu là nhân vật cô Hai và chú Tư. Chiến tranh lấy đi của con người sinh mạng và lấy đi cả niềm tin. Họ từng kề vai sát cánh bên nhau dưới những trận địa, để rồi sự rung động tự nhiên đã đến… Thế nhưng những cái chết của đồng đội và người thân trong một trận đánh đã gây nên một hiểu lầm để rồi cả một đời họ sống trong day dứt, cô đơn…

Cây dâu cô đơn bên sông mang sắc màu huyền thoại dân gian về cây dâu cô đơn. Huyền thoại - không ai biết chắc chắn nó có thật hay không nhưng nó vẫn tồn tại trong đời sống này và chi phối hành động, tâm thức của mỗi con người. Huyền thoại ấy có được giải mã hay không cũng bởi chính những con người từng tin vào nó. Nhưng điều quan trọng sau cùng có lẽ vẫn ở chỗ, tình yêu thương chân thành sẽ giúp con người vượt qua được mọi rào cản, dẫu mơ hồ hay thực tại để nắm giữ những gì mình có.

Hồng hoàng ám ảnh người đọc bởi những cuộc kiếm tìm… máu của loài hồng hoàng hay thực chất đó là cuộc kiếm tìm để thỏa mãn những vọng tưởng của con người? Truyện được hư cấu trên một bối cảnh thực, từ đó dẫn dắt người đọc vào những sự liên tưởng vừa thực tại, vừa mơ hồ. Nhưng cảm giác ở lại trong mỗi người thì rất thực, ở một góc nào đó ta sẽ không thôi suy ngẫm về sự tồn tại của cái đẹp và những giá trị đích thực của đời sống này…

Phần Thơ với sự hiện diện của các tác giả: Hồ Minh Tâm, Vân Phi, Hà Phương, Cao Nguyên Quyền, Nguyễn Thanh Hải, Đỗ Trọng Khơi, Lê Thanh My, Phạm Vân Anh, Huỳnh Thuý Kiều, Phạm Quỳnh Loan.

Những dấu ấn đề tài chiến tranh, người lính, quê hương đất nước, con người…; sự riêng biệt trong phong cách biểu đạt; sự khẳng định giọng điệu, màu sắc riêng của mỗi tác giả đã làm nên sự ấn tượng, độc đáo cho trang thơ số này. Cuộc thi thơ vì thế mà ở giai đoạn nước rút càng trở nên hấp dẫn và nhiều kì vọng hơn.

Tháng 9/2022, Văn nghệ Quân đội đã tổ chức thành công trại sáng tác văn học tại Ninh Bình, thơ số này cũng sẽ xuất hiện những sáng tác từ trại viết của các tác giả với những cảm nhận và ngẫm ngợi sâu sắc về đất và người Ninh Bình.

“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Gương mặt gió của Đinh Tiến Hải giới thiệu thi tập Người câu gió của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật.

Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Bùa hộ mạng của nhà văn Nhật Bản Yamakawa Masao. Truyện do Nguyễn Thống Nhất dịch từ nguyên bản tiếng Nhật.

Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Đặng Bá Tiến, Trần Ngọc Hiếu, Nguyễn Hoàng Diệu Thuỷ, Đỗ Anh Vũ, Uông Triều, Nguyễn Chi Anh, Thu Sang, Bùi Thanh Minh.

Sẽ là thiếu thỏa đáng khi phân tích tác động của việc dẫn nhập chủ nghĩa hậu hiện đại vào đời sống văn học đương đại mà không bàn đến những ảnh hưởng của nó đối với tư duy phê bình văn học. Ở đây lại cần thiết phải đối sánh giữa những chuyển động trong tư duy phê bình văn học ở thời điểm này với giai đoạn đầu Đổi mới. Bài viết Chủ nghĩa hậu hiện đại và tư duy phê bình văn học sẽ luận bàn một cách sâu sắc và thấu đáo về câu chuyện này.

Việt Nam có lẽ là một trong những đất nước có mật độ sông ngòi dày đặc nhất trên thế giới. Dòng sông, vì thế với mỗi người Việt là một thứ gần gũi, thân thương, ai cũng có ít nhiều kỉ niệm. Và tự bao giờ, sông đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của bao lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có thi ca và âm nhạc. Bài viết Những dòng sông trong thơ và nhạc Việt sẽ phần nào mang đến một cảm nhận mới mẻ về đề tài này.

Bên cạnh đó là những vấn đề được xã hội và giới chuyên môn quan tâm, những chia sẻ nghề nghiệp, những cảm nhận, phân tích, luận giải về các văn nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật... hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều thú vị, hấp dẫn.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 999 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 22/10/2022. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

Nguyễn Mạnh Hùng

Không chỉ là một Festival...

Trần Thị Tú Ngọc

Gió mỗi mùa vẫn thức

Thương Hà

Miền đất hình bàn chân Giao Chỉ

Nguyễn Quốc Hùng

Lời hẹn tháng bẩy

Trương Tuệ Đăng

Cây dâu cô đơn bên sông

Nguyệt Chu

Hồng hoàng

 

Thơ

Hồ Minh Tâm

Thức cùng Tràng An; Men lá; Cầu đôi

Vân Phi

Mắt hồ; Gió ăn trăng; Trên những nét cọ

Hà Phương

Bến nước; Viết ở đường biên; Hòa sắc trong mơ

Cao Nguyên Quyền

Chiều chạm về vùng xưa; Với Kim Sơn

Nguyễn Thanh Hải

Trên cánh đồng Á Rặt; Dưới nắng Khâu Băng;

Còn sót lại lóng nhớ nào không

Đỗ Trọng Khơi

Mẹ giờ ở cõi Cơn Mơ; Thế gian ai dựng...

Đinh Tiến Hải

Gương mặt gió (Đọc Người câu gió của Hoàng Vũ Thuật)

Lê Thanh My

Ngược ánh sáng; Vĩnh cửu

Phạm Vân Anh

Đường hào mùa xuân; Hương biên khu;

Có em là doanh lũy

Huỳnh Thúy Kiều

Lính đồng bằng; Hà Nội mùa thương nhớ dắt nhau đi

Phạm Quỳnh Loan

Đám mây màu đỏ

 

Văn học nước ngoài

Yamakawa Masao

Bùa hộ mạng (Nguyễn Thống Nhất dịch từ nguyên bản tiếng Nhật)

 

Bình luận văn nghệ

Đặng Bá Tiến

Tây Nguyên mong đón Bác về

Trần Ngọc Hiếu

Chủ nghĩa hậu hiện đại và tư duy phê bình văn học

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy

Chuyện sách Nobel

Đỗ Anh Vũ

Những dòng sông trong thơ và nhạc Việt

Uông Triều

Viết chậm

Nguyễn Chi Anh

Một vài phác họa văn học Hàn Quốc đương đại

Thu Sang

Lim Khim Katy - nữ họa sĩ của những nỗi đau đời thường

Bùi Thanh Minh

Những nguyên mẫu nhân vật trong Bên dòng sông Mê

 

Minh họa

Bìa 1: Suối tóc Tranh của hoạ sĩ Nguyễn Lương Huyên

Minh hoạ: Tô Chiêm, Tào Linh, Phạm Hà Hải, Vũ Đình Tuấn, Lê Anh Vân, Nguyễn Anh Vũ, PV

VNQD
Thống kê