Dòng chảy

Thơ mới và Tự Lực văn đoàn: 90 năm nhìn lại

Thứ Ba, 18/10/2022 21:04

Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Việt Nam từng bước tiếp xúc với văn hóa - văn minh phương Tây, điều này đã dẫn đến những thay đổi to lớn về cấu trúc lịch sử - xã hội, theo đó, văn hóa và văn học cũng có những chuyển biến mau lẹ theo hướng hiện đại hóa, vượt ra khỏi phạm vi Đông Á truyền thống, bắt nhịp với phương Tây và thế giới. Thơ mới và Tự Lực văn đoàn là những hiện tượng văn học - văn hóa tiêu biểu cho những động thái này.

Văn học Việt Nam sẽ khó gặp lại những hiện tượng như Thơ mới và Tự Lực văn đoàn, bởi những thành tựu cũng như tiếng vang của nó đối với lịch sử văn chương nước nhà. Sau 90 năm, với những “thăng trầm”, từ ngày đất nước thống nhất và tiến hành đổi mới, Thơ mới - Tự Lực văn đoàn dần được quan tâm nhiều hơn, từng bước trở lại đời sống như là những vấn đề lớn của lịch sử văn học - văn hóa Việt Nam. Nhận thấy những giá trị to lớn từ di sản Thơ mới, Tự Lực văn đoàn, ngày 17/10/2022, Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã tổ chức hội thảo khoa học “90 năm phong trào Thơ mới và Tự Lực văn đoàn”. Từ hội thảo này, những vấn đề quan trọng đã được đặt ra: 1 - Giới thiệu các phát hiện mới về tư liệu liên quan đến Thơ mới, Tự Lực văn đoàn (Tác giả, tác phẩm, trào lưu, vai trò cơ sở căn rễ lịch sử - văn hóa, báo chí, xuất bản, vùng văn học…); 2 - Nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hơn về các khuynh hướng, các hiện tượng, các loại hình diễn ngôn văn học của Thơ mới/Tự Lực văn đoàn (Tác giả, tác phẩm, quan hệ Thơ mới và thơ ca truyền thống dân tộc, Thơ mới Việt - Pháp - phương Tây, Thơ mới trong quỹ đạo phương Đông, Thơ mới và thơ cách mạng vô sản, Thơ mới trong tiến trình thơ hiện đại Việt Nam và giao lưu/ hội nhập quốc tế); 3 - Tình hình tiếp nhận và giảng dạy Thơ mới, Tự Lực văn đoàn (Tiếp nhận phong trào Thơ mới, Tự Lực văn đoàn buổi đương thời; tiếp nhận Thơ mới, Tự Lực văn đoàn giai đoạn 1945-1975; tiếp nhận Thơ mới, Tự Lực văn đoàn thời kì Đổi mới từ 1986 đến nay …). Với những kì vọng như vậy, hội thảo 90 năm phong trào Thơ mới và Tự Lực văn đoàn đã thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu văn học trong cả nước.

Hội thảo diễn ra tại Viện Văn học sáng 17/10/2022

Tại buổi hội thảo, nhiều tham luận có chất lượng đã được trình bày, được trao đổi và phản biện ngay tại hội trường. Chính cách làm việc này đã tạo nên không khí học thuật nghiêm túc, cầu thị, hướng đến những nhận thức thấu đáo hơn về Thơ mới và Tự Lực văn đoàn. Đáng chú ý, trong phần phát biểu của mình, GS Phong Lê (Nguyên Viện trưởng Viện Văn học) cho rằng, việc nhìn lại Thơ mới và Tự Lực văn đoàn là để thấy di sản văn hóa, văn học của dân tộc rất giàu có, phong phú. Với rất nhiều nghiên cứu từ sau đổi mới đến nay, theo GS Phong Lê, chúng ta đang từng bước trả lại cho Thơ mới và Tự Lực văn đoàn những giá trị đích thực của nó.

Liên quan đến một sự kiện của Thơ mới, Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã lên tiếng đính chính về thời điểm được xem là khởi đầu của Thơ mới ở Việt Nam. Trước đây, nhiều tài liệu cho rằng, ngày 10/3/1932, khi bài thơ Tình già (trong bài viết Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ) của Phan Khôi được công bố trên tờ Phụ nữ tân văn, đó là mốc đánh dấu sự ra đời của Thơ mới. Tuy nhiên, theo tư liệu sưu tầm sau này có được, bài “Tình già” và bài báo trên đã được công bố trước đó trên “Tập văn mùa xuân” của báo Đông Tây ở Hà Nội. Năm ấy, mùng 1 tết nhằm ngày 6/2 dương lịch. Vậy, thời điểm bài thơ Tình già ra đời phải trước đó, vì báo ra trước tết.

Nghiên cứu Thơ mới và Tự Lực văn đoàn đang dần có những bước phát triển mới nhờ vào thành tựu của các lí thuyết, phương pháp mới. PGS.TS Nguyễn Phương Ngọc (Đại học Arx-Marseille, Pháp) đã trình bày tham luận Chinh phục sự tự chủ bằng chính sức sáng tạo: những năm đầu của Tự Lực văn đoàn. Có nhiều điều thú vị đặt ra từ tham luận này, cả về phương pháp và kết quả nghiên cứu. Các câu hỏi được nêu lên như: Vì sao Tự Lực văn đoàn lại giành được vị trí hàng đầu trong đời sống văn học thời bấy giờ? Chiến lược của Tự Lực văn đoàn là gì? Với điểm nhìn xã hội học văn học, PGS Nguyễn Phương Ngọc đã có những phân tích khá sắc sảo, đưa công chúng đến với không gian văn học, xã hội, báo chí thời Tự Lực văn đoàn hoạt động mạnh mẽ.

PGS.TS Thái Phan Vàng Anh tại hội thảo

Trong một động thái nghiên cứu khác, gắn với các lí thuyết - quan điểm nghiên cứu về giới hiện nay, Nhà nghiên cứu Đặng Thị Thái Hà đã trình bày những khảo sát của mình liên quan đến vấn đề giới tính cũng như những ham muốn lệch chuẩn trong văn chương Xuân Diệu (Xuân Diệu trong Tự Lực văn đoàn - một tiếng nói Queer). Đây là tham luận gây được sự chú ý của cử tọa và được TS. Trần Ngọc Hiếu trao đổi lại khá kĩ lưỡng. Từ nghiên cứu này, các vấn đề liên quan đến việc trình hiện bản sắc chủ thể trong văn chương được nhìn một cách thận trọng hơn.

Thơ mới và Tự Lực văn đoàn là kết quả tất yếu của cuộc va chạm với phương Tây cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Trong cái nhìn ấy, PGS.TS. Thái Phan Vàng Anh đã trình bày tham luận Va chạm Đông - Tây cho một trường Thơ mới. Có thể nói, với tham luận này, Thái Phan Vàng Anh đã chỉ ra sự hình thành môi trường văn học đầu thế kỉ XX, cho phép Thơ mới và Tự Lực văn đoàn ra đời. Hành trình từ va chạm, xung đột, và hòa hợp của hai hệ giá trị Đông Tây kiến tạo nên đặc trưng của Thơ mới. Để làm rõ đặc trưng này, Thái Phan Vàng Anh đã phân tích những chuyển động trong quan niệm nghệ thuật và thi pháp Thơ mới.

Trong chương trình làm việc của Hội thảo, cử tọa cũng đã được nghe nhiều ý kiến khác xoay quanh Thơ mới và Tự Lực văn đoàn. Đó là sự hình thành con người đa ngã trong không gian văn học - văn hóa tiền chiến (PGS.TS. Trần Văn Toàn - Đại học Sư phạm Hà Nội), sự tiếp nhận Tự Lực văn đoàn ở các giai đoạn 1954 - 1975, sau 1975 đến nay… (ý kiến của PGS. TS. Trần Hoài Anh - Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh)…

Với gần 40 tham luận có chất lượng gửi đến hội thảo, những câu chuyện liên quan đến phong trào Thơ mới và Tự Lực văn đoàn đã được bàn thảo khá sôi nổi và kĩ lượng. 90 năm nhìn lại hai hiện tượng văn học tiêu biểu thời tiền chiến, có thể nói, chúng ta ngày càng nhận ra những giá trị phong phú của di sản văn học dân tộc. Từ Thơ mới và Tự Lực văn đoàn, những vấn đề liên quan đến đời sống văn học, báo chí, xuất bản, truyền thông, tạo dựng các giá trị tượng trưng trong trường văn hóa, văn học… là những gợi ý đích đáng cho những chặng đường nghiên cứu phía trước. Từ Thơ mới và Tự Lực văn đoàn, soi chiếu vào đời sống văn học đương đại, trong tình thế của những va chạm Đông - Tây, toàn cầu hóa, những kinh nghiệm quý giá cũng có thể được hình dung. Lịch sử vẫn có những bước lặp lại hồn nhiên như thế.

NGUYỄN THANH TÂM lược thuật

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)