Dòng chảy

Ba nét kí ức trên con đường thống nhất

Thứ Hai, 28/04/2025 00:45

Ở dấu mốc kỉ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), nhiều nhân chứng lịch sử đã lần lượt về với “thế giới người hiền”, nhiều nhân chứng trưởng thành từ chiến sĩ, cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn đã trở thành các tướng lĩnh giữ trọng trách trong Quân đội... Đó vừa là sự trưởng thành của người chiến sĩ được rèn luyện qua lửa đỏ chiến tranh vừa thể hiện sự lớn mạnh không ngừng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Trên con đường thống nhất non sông ấy, đã có biết bao đồng bào, chiến sĩ ngã xuống, biết bao máu xương đã đổ. Chúng ta phải trả một giá đắt nhưng xứng đáng để có độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng đất nước ngày một đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn.

Ba câu chuyện với ba vị tướng ở những cương vị, chức trách khác nhau trong chiến tranh và trong hoà bình mà VNQĐ giới thiệu trong số tạp chí đặc biệt tháng 4 này như ba nét vẽ, ba nét kí ức về cuộc trường chinh của dân tộc trên con đường thống nhất: Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó Chủ nhiệm về chính trị Tổng cục Kỹ thuật; Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp; Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh.

“Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”

VNQĐ: Thưa Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, cả nước ta đang hướng tới kỉ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Để có được chiến thắng vẻ vang đó, thì vai trò, đặc biệt là nhiệm vụ của bộ đội Trường Sơn là hết sức quan trọng. Ông là người sớm vào Trường Sơn, tham gia chiến đấu, tham gia công tác ở đó với nhiều cương vị khác nhau. Với tư cách một người lính chiến Trường Sơn, ông có suy nghĩ gì, có nhận định thế nào về chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975?

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn: Cứ sắp đến ngày 30/4, Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi, những người chiến sĩ đã từng công tác, chiến đấu ở Trường Sơn đều bồi hồi, xúc động. Cá nhân tôi đi bộ đội cuối năm 1961, vào Trường Sơn làm chiến sĩ lái xe. Trong 14 năm, từ năm 1961 cho đến năm 1975, tôi chiến đấu và công tác tại Trường Sơn, lúc nào tôi và đồng đội cũng khao khát đất nước được hòa bình và thống nhất. Chúng tôi luôn luôn tâm niệm lời căn dặn của Bác Hồ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Lớn lên, chúng tôi được vinh dự đứng trong hàng ngũ những chiến sĩ Trường Sơn. Những năm tháng ác liệt, gian khổ, cùng đồng đội góp phần với nhân dân cả nước để tạo nên ngày toàn thắng. Thực tế, những năm tháng đó ác liệt vô cùng. Thứ nhất, Tây Trường Sơn và Đông Trường Sơn đều là núi rừng hiểm trở, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, cho nên sốt rét, mưa gió triền miên. Chúng tôi là lái xe nên mưa gió, bùn lầy, đèo dốc là trở ngại chính. Sau này, khi địch biết tuyến đường của chúng ta mở ra thì đánh phá rất ác liệt, chúng đã tập trung tất cả các loại phương tiện, vũ khí chiến tranh hiện đại nhất trong thời đó để ngăn chặn tuyến đường Trường Sơn, do đó mọi người đều gọi đây là tuyến lửa. Ngày đó, một buổi tối được xem một bộ phim chiếu ngoài trời cũng là hạnh phúc lắm rồi, nhưng không bao giờ được có, toàn phải xem trong hầm. Cho nên, khi nghĩ đến hòa bình là rất mong, dù có phải đổ xương đổ máu từ bom đạn quân thù, từ sốt rét rừng, sốt ác tính khiến nhiều đồng đội chúng tôi đã nằm ở Trường Sơn để thực hiện ước mơ giành thống nhất đất nước luôn cháy bỏng. Khi chuẩn bị đến ngày kỉ niệm chiến thắng 30/4, chúng tôi, những cựu chiến binh trong niềm tự hào rưng rưng nhớ đến đồng đội của mình đã hi sinh. Đã có hàng vạn, hàng chục vạn đồng đội chúng tôi nằm xuống, hiện nay vẫn còn hàng vạn người nằm giữa Trường Sơn, ở cánh rừng nào đó, ở ngọn suối nào đó mà bây giờ chúng tôi vẫn đi tìm nhưng chưa thấy. Cho nên, cái giá phải trả vô cùng đắt để dân tộc ta giành được thống nhất đất nước như ngày hôm nay.

VNQĐ: Thưa ông, với tư cách là người lính, khi nghĩ về giá trị của chiến thắng, về sự hi sinh xương máu của đồng đội, ông đã khái quát rất sâu sắc. Vậy sau này, với tư cách một vị tướng đảm đương cương vị công tác quan trọng là Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm về chính trị Tổng cục Kỹ thuật, ông đánh giá như thế nào về công tác hậu cần - kỹ thuật của bộ đội ta để giải phóng miền Nam? Chúng ta đã làm gì để có được sự chuẩn bị bài bản, có chiều sâu với một khối lượng về hậu cần - kỹ thuật khổng lồ như vậy, từ các nguồn lực về kĩ thuật, từ các trạm, xưởng, kho tàng, bến bãi đến công tác đưa vũ khí khí tài vào chiến trường bằng đường biển, đường bộ, quân y, xăng dầu, các loại binh chủng vừa đánh địch vừa mở đường… Sau này, khi chúng ta có những cuộc tổng kết, với tư cách một vị tướng, theo ông nhân tố hậu cần - kỹ thuật có tính quyết định như thế nào trong việc tạo ra bước ngoặt về thời cơ, về chiến lược để chúng ta giải phóng miền Nam trong năm 1975 và giải phóng ngay trong tháng 4 lịch sử?

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn: Đoàn 559, sau này chúng ta gọi là Bộ đội Trường Sơn là một phần lịch sử của Quân đội ta. Đoàn 559, đoàn công tác đặc biệt do Bác Hồ, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập để thực hiện chủ trương, Nghị quyết 15 của Trung ương về đấu tranh cách mạng giải phóng miền Nam bằng cuộc đấu tranh vũ trang. Lúc đầu Đoàn 559 có 500 chiến sĩ mà chủ yếu là các đồng chí đã tham gia trong cuộc kháng chiến chống Pháp và đã từng công tác chiến đấu bên Lào.

Chiến trường càng yêu cầu đánh to, thắng lớn thì tuyến đường càng phải mở rộng, phải mở thành nhiều đường. Khi đó, địch đánh phá rất ác liệt. Địch đánh phá đường này, ngăn chặn đường này ta đi đường khác. Cho nên có những trọng điểm có tới 5, 6 đường, đường A, đường B, đường C, đường K, K1, K2, K3… Từ năm 1963, theo tôi được biết chúng ta đã thành lập các đơn vị chính quy đưa vào, đồng thời khi chống đánh ngăn chặn của địch ta phải đưa tên lửa, cao pháo vào Trường Sơn. Theo tổng kết, ta đã bắn rơi trên tuyến đường Trường Sơn 2.450 máy bay của địch.

Không có các loại vũ khí hiện đại thì không đánh thắng được. Cho nên, yêu cầu về trang bị vũ khí, trang bị kĩ thuật ngày càng cao mà không phải chỉ có trang bị, phải có người sử dụng nó, xe lúc đầu là cái xe Gaz 63 chở có 1 tấn rưỡi từ chiến dịch Điện Biên, lớp chúng tôi lái xe đó, nhưng sau này xe Zil 130, Zil 157 và gần như xe của các nước xã hội chủ nghĩa được đưa vào để vận chuyển. Khi tổng công kích, nhất là những năm 1972, 1973 tất cả các xe làm kinh tế ở các công, nông trường, lâm trường đều huy động đưa vào Trường Sơn. Và chính nhân tố hậu cần - kỹ thuật toàn dân, toàn diện đó đã góp phần quyết định trong việc tạo ra bước ngoặt về thời cơ, về chiến lược để chúng ta giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay đã trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá dẫn đầu cả nước. Ảnh: Poul Phạm

VNQĐ: Giai đoạn 1972 - 1973, lực lượng hậu cần - kỹ thuật ta ngày càng lớn mạnh, có tương quan áp đảo địch khi mở Mặt trận Tây Nguyên, đánh điểm huyệt Buôn Ma Thuột đã có hàng nghìn xe pháo các loại để ta có một thế trận vây địch, ép địch, buộc địch phải bỏ Tây Nguyên, sau đó buộc phải rút khỏi Huế - Đà Nẵng. Ông đánh giá thế nào về cách chuẩn bị hậu cần - kỹ thuật rất có chiều sâu mà bộ đội Trường Sơn là nòng cốt? Và đó có phải là thế trận hậu cần - kỹ thuật vượt trội để tạo đà giải phóng miền Nam trong năm 1975?

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn: Tôi nói ngay như thế này, để chiến thắng trên tuyến đường Trường Sơn, ngoài vũ khí, trang bị kỹ thuật và phải sử dụng nó, thì trước hết phải là tổ chức chiến đấu hiệp đồng, chiến đấu binh chủng hợp thành. Cả chiến trường Trường Sơn, cả trung và hạ Lào, cả Đông Bắc Campuchia và chiến trường miền Nam là một chiến trường.

Vào thời điểm này, vấn đề xây dựng các quân đoàn binh chủng hợp thành có sức cơ động cao, hỏa lực mạnh, đột kích lớn làm lực lượng quyết định trong các chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược, trở thành một yêu cầu khách quan, phù hợp với quy luật phát triển của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Nhiệm vụ bảo đảm đầy đủ và có chiều sâu về công tác hậu cần - kỹ thuật chính là điều kiện, là nền tảng để Quân đội ta xây dựng các đơn vị với quy mô lớn.

Để có vũ khí trang bị kỹ thuật trên đường Trường Sơn vào giải phóng miền Nam, khi có lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói “thần tốc”, thì lúc đó mọi tuyến đường đều sẵn sàng. Hai sư đoàn xe ô tô, Sư đoàn 571 và Sư đoàn 471 mỗi một sư đoàn hơn 1.000 xe đều sẵn sàng. Nếu không có các sư đoàn này thì không thể thần tốc được. Chúng tôi được phổ biến là kẻ địch tính toán có khi 2, 3 tháng ta mới điều quân từ ngoài Bắc vào miền Đông Nam Bộ được, nhưng chỉ sau 20 ngày, xe chúng ta đã đến đó rồi, kẻ địch ngỡ ngàng cho nên chúng thất bại vì bất ngờ.

Các hoạt động lớn khác của ngành hậu cần - kỹ thuật đều được rà soát tổng thể. Hệ thống kho tàng vật tư, quân nhu, xăng dầu, quân y,... hai miền Nam - Bắc được kiểm tra, đánh giá toàn diện. Các vấn đề về tổ chức biên chế, điều chỉnh, điều động các cấp ngành hậu cần - kỹ thuật được kiện toàn... tất cả đều để bộ đội ta, quân và dân hai miền Nam - Bắc sẵn sàng cho một trận đánh lớn.

VNQĐ: Đến bây giờ, khi đã có độ lùi 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, những bài học nào được rút ra từ cuộc kháng chiến chống Mĩ để bộ đội ta tiếp tục trưởng thành, đảm đương vai trò quan trọng trong góp phần tạo dựng vị thế Việt Nam hòa bình, bền vững, hợp tác quốc tế và phát triển như hôm nay?

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn: Nội dung này rất khó, nhưng là người trong cuộc thì chúng tôi thấy như thế này. Trước hết làm thế nào cho mọi người dân và nhất là lực lượng vũ trang, những chiến sĩ ngay ở chiến trường phải có lòng yêu nước. Thứ hai là có ý chí chiến đấu, ý chí chiến đấu đối với kẻ địch và đối với ngay cả những khó khăn, cản trở địa hình, địa vật, rồi thời tiết, vì vượt Trường Sơn đâu có phải là đi trên đồng bằng, bấy giờ chúng tôi đặt chân đến đó người ta bảo từ trước chưa bao giờ có ai đặt chân đến đây cả. Thứ ba là chúng ta thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân, không phải chỉ có lực lượng ở xa đến mà lực lượng tại chỗ là quan trọng, lực lượng tại chỗ trước hết là nhân dân các dân tộc ở Tây Nguyên rồi các lực lượng vũ trang, bán vũ trang cách mạng ở tại đó và sự đoàn kết chiến đấu giữa ta với các nước bạn, coi như là một chiến trường. Chúng tôi, những chiến sĩ đã ở Trường Sơn hơn chục năm, nhất là trong thời gian ác liệt, nếu không có tình đùm bọc giúp đỡ của nhân dân ta, nhân dân Lào thì khó có thể giành được thắng lợi.

 

Chúng ta có niềm tin vào lẽ phải và lương tri của loài người

 

Đặt lịch hẹn làm việc với Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng vào thời gian sát dịp kỉ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước khá khó khăn, bởi ông luôn có mặt trong các đoàn trở lại chiến trường xưa, tham dự các hội thảo khoa học về các trận đánh, chiến dịch lớn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà ông là một nhân chứng lịch sử - Đại đội trưởng xe tăng của Quân đoàn 3 luôn dẫn đầu mũi tiến công thọc sâu trong các chiến dịch lớn của Quân đoàn.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Tôi vừa ở Tây Nguyên hơn một tuần thăm lại chiến trường xưa, gặp gỡ đồng đội, gặp gỡ bà con buôn làng Tây Nguyên và tham gia hội thảo về Chiến dịch Tây Nguyên. Tây Nguyên bây giờ thay đổi lắm. Phố xá khang trang. Các buôn làng đều no ấm. Dẫu đã 50 năm, dấu vết chiến trường không còn nhiều song nhân dân và đồng đội ai cũng nhớ những tháng ngày chiến đấu giải phóng Tây Nguyên. Nhớ về đồng đội hi sinh, tôi đã không cầm được nước mắt…

VNQĐ: Thưa Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng! Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, người đã vào tuyến lửa Trường Sơn từ năm 1961, khi trò chuyện với VNQĐ đã có sự nhận định, đánh giá về tầm quan trọng của đường Trường Sơn với công cuộc chống Mĩ cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đối với ông, một Đại đội trưởng xe tăng ở chiến trường Tây Nguyên, ông có suy nghĩ như thế nào về tầm quan trọng của tuyến đường Trường Sơn gắn với Mặt trận Tây Nguyên và chiến thắng Buôn Ma Thuột?

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Vô cùng quan trọng! Không có tuyến đường Trường Sơn, chúng ta không thể nào đưa được các phương tiện hậu cần - kỹ thuật nhất là vũ khí, khí tài hạng nặng như xe tăng vào chiến trường đánh Mĩ. Trong tất cả các trận đánh, chiến dịch lớn nhỏ, việc đảm bảo hậu cần - kỹ thuật luôn quyết định tới chiến thắng. Cá nhân tôi cùng đồng đội xe tăng thọc sâu trong các trận đánh ở Tây Nguyên đều luôn được cung cấp vũ khí, đạn dược, xăng dầu đủ cơ số chiến đấu và dự bị rất dồi dào. Tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn chính là mạch máu, là sự sống, là chiếc dạ dày khổng lồ cung cấp mọi thứ cho chiến trường đánh Mĩ. Tôi rất nhớ trận Đắc Pét, khi Đại đội 9 do tôi chỉ huy đánh thẳng vào Tiểu đoàn 88 của ngụy trên đường 14, do được chuẩn bị kĩ lưỡng, tôi dẫn đầu Đại đội xe tăng đánh thẳng vào sở chỉ huy của địch, tiêu diệt mọi sự kháng cự và bắt sống tên Thiếu tá Võ Đắc Di tại trận. Các trận đánh khác của bộ đội xe tăng ở Tây Nguyên đều được chuẩn bị rất kĩ lưỡng về hậu cần - kỹ thuật. Nếu không đảm bảo nhân tố đó, chúng ta sẽ rất khó trong chiến đấu và chiến thắng.

VNQĐ: 50 năm nhìn lại kể từ dấu mốc Đại thắng mùa Xuân 1975, ông thấy các nhân tố khác có vai trò như thế nào trong chiến thắng? Những bài học được rút ra từ thực tiễn chiến trường?

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Chúng ta tiến tới Đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trước hết chính là bằng chính nghĩa tất thắng. Chính khí của non sông, chính nghĩa của dân tộc, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chiến đấu quả cảm của người chiến sĩ trên chiến trường đều đã hội tụ đầy đủ để chúng ta có Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Có rất nhiều nhân tố để làm nên chiến thắng như nhân tố hậu cần - kỹ thuật chúng ta vừa nhắc đến ở trên. Nhân tố quan trọng hàng đầu, sống còn, mang tính quyết định chính là nhân tố tinh thần của một đạo quân chính nghĩa chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc, vì thống nhất đất nước, vì nguyện vọng của nhân dân Bắc - Nam sum họp một nhà. Các nhân tố khác như khát vọng hòa bình luôn là truyền thống của người Việt Nam ta. Nhưng chúng ta muốn có hòa bình, buộc chúng ta phải cầm súng chiến đấu và chiến thắng trước kẻ thù xâm lược. Chúng ta còn có sự ủng hộ của bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình, chống lại chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mĩ áp đặt vào dân tộc Việt Nam. Chúng ta luôn có niềm tin vào lẽ phải và lương tri của loài người. Tất cả những nhân tố đó đã hội tụ tạo thành sức mạnh vô địch để quân và dân ta chiến đấu, chiến thắng và toàn thắng!

Những bài học được rút ra từ thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước là rất nhiều, luôn sát sườn và có tính thời sự đến hôm nay. Đó là chúng ta phải chủ động nắm bắt mọi cơ hội một cách sáng suốt, quyết đoán và tổ chức hành động mạnh mẽ, quyết liệt, không để lỡ mất thời cơ. Đó là tự tin vào chính mình, các nguồn lực của nhân dân và đất nước để huy động tổng lực kết thúc cuộc chiến tranh theo chiến lược đúng đắn của Đảng ta. Đó là tổ chức thực hành tốt mọi khu vực, mọi nhiệm vụ, chủ động vượt qua mọi khó khăn thử thách, tạo ra thế và lực, quyết chiến và toàn thắng. Những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị tới hôm nay.

VNQĐ: Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, từ hào khí chiến thắng và những bài học quý giá được rút ra, chúng ta đã bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như thế nào? Chúng ta đã gặp phải những khó khăn gì và vượt qua nó ra sao? Điều gì khiến ông trăn trở nhất?

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Sau dấu mốc 1975, về cơ bản đất nước ta, nhân dân ta bước vào cuộc sống hòa bình. Đây là khát vọng rất lớn của nhân dân đã trở thành hiện thực. Mỗi người lính chúng tôi đều vô cùng mong muốn điều đó được diễn ra lâu bền, được trở về tổ ấm gia đình của mình nơi quê hương mình. Ai cũng mong muốn cháy bỏng điều đó. Và điều đó là có thực.

Nhưng kẻ thù thì không nghĩ như thế. Chúng chưa bao giờ để chúng ta yên. Nơi hai đầu biên giới phía Nam và phía Bắc, bộ đội ta, nhân dân ta lại bước vào cuộc chiến đấu mới với những cam go, thử thách rất lớn, với sự bao vây cấm vận ngặt nghèo của Mĩ và phương Tây. Tôi khi đó đảm đương các cương vị chỉ huy Tiểu đoàn, Lữ đoàn, Sư đoàn thuộc Quân đoàn 3 tham gia chiến đấu ở cả hai mặt trận phía Nam và phía Bắc vô cùng khó khăn, ác liệt với những hi sinh của đồng đội và nhân dân, đến hôm nay tôi vẫn luôn nhớ mãi. Khoảng thời gian ấy, tôi càng thấu hiểu một điều rằng, hào khí chiến thắng phải trở thành nền tảng của niềm tin, của trí tuệ, của sức mạnh bên trong để người chiến sĩ trưởng thành. Chúng ta phải chiến đấu và chiến thắng không chỉ kẻ thù mà còn cả với đói nghèo, lạc hậu, sự trì trệ, sự giáo điều, sự tắc trách, thói vô cảm của con người. Người lính cũng không nằm ngoài xã hội. Người lính phải kề vai gánh vác những khó khăn lớn của đất nước. Đó cũng là những trăn trở của tôi.

VNQĐ: Để vượt qua những thách thức ấy, nhất là tìm được đường đi đúng đắn để đất nước ta, quân đội ta phát triển bền vững, mạnh mẽ, phù hợp với xu thế tiến bộ, văn minh, trên các cương vị, trọng trách được giao, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng đã có những tư duy và hành động như thế nào?

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Điều này tôi luôn trăn trở từ rất sớm. Nhưng suy nghĩ mà không hành động cũng chẳng đi đến đâu. Từ thực tiễn chiến tranh, nhất là sau dấu mốc Đổi mới 1986, tư duy về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta đã có sự chuyển động và trưởng thành mới. Chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn đời sống của nhân dân có hòa bình rồi mà vẫn rất khó khăn, chật vật. Bộ đội ta cũng vậy. Người lính ngoài nhiệm vụ chiến đấu họ cũng có gia đình, có vợ con, bố mẹ già, làng mạc còn nghèo cần phải dựng xây. Chúng ta xây dựng chính quy phải chính quy ngay từ cách nghĩ phấn đấu ăn no, mặc ấm, có nhà cửa khang trang, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Trên các cương vị Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp, Tư lệnh Quân khu 4 tôi đều cùng với các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chỉ huy tìm mọi biện pháp thực hành ý tưởng trên. Đất nước chúng ta hôm nay đã chuyển mình rất mạnh mẽ, rất thần kì. Quân đội ta cũng vậy. Đó là một thành tựu lớn của Đảng ta, nó càng có ý nghĩa sâu sắc từ công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau 50 năm chúng ta nhìn lại.

 

Từ Trường Sơn tới Trường Sa

 

Ngay sau cuộc trò chuyện với Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, VNQĐ đã đến thăm và trò chuyện với Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh để nghe những chia sẻ của ông từ những năm tháng ở Trường Sơn ra với Trường Sa rồi lại trở về với Trường Sơn vẽ những nét đầu tiên của con đường tuần tra biên giới.

VNQĐ: Thưa Thiếu tướng Hoàng Kiền! Nhân dịp kỉ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xin hỏi ông về những cống hiến trí tuệ, máu xương, đặc biệt là sự hi sinh của các thế hệ cán bộ chiến sĩ, trong đó ông là người trực tiếp cầm súng vào Trường Sơn, tham gia chiến đấu. Sau này, ông tiếp tục nhiệm vụ cùng đồng đội xây dựng các công trình trên quần đảo Trường Sa từ những ngày đầu hết sức khó khăn. Tiếp đó, ông lại có mặt xây dựng tuyến đường tuần tra biên giới. Với tư cách một người chiến sĩ tham gia cuộc kháng chiến chống Mĩ, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của cuộc kháng chiến với hôm nay?

Thiếu tướng Hoàng Kiền: Tôi vinh dự hôm nay được tiếp 4 đoàn đến đây tham gia trò chuyện, trao đổi một số công việc. Câu hỏi của nhà văn rất có ý nghĩa. Cách đây hai tuần, có một nhà văn người Đức sang Việt Nam, đến nhà tôi phỏng vấn hai tiếng với nhiều vấn đề về chiến tranh. Với phương Tây, người ta nói về cuộc chiến tranh ở Việt Nam với tư liệu từ một phía. Tôi có nói với nhà văn người Đức rằng, người phương Tây, người Mĩ phải hiểu và gọi đúng tên là cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Với chúng tôi, cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước là cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược, phải khẳng định như thế.

Tôi cũng đã viết một số cuốn sách vì tôi từng tham gia đường Trường Sơn. Năm 1970, tôi là thầy giáo nhập ngũ vào chiến trường rồi gắn bó với Trường Sơn gần 6 năm, từ 1970 đến 1976. Tiểu đoàn tôi với 500 thầy giáo cấp hai, cấp một đi vào chiến trường. Trường Sơn là một chiến trường vô cùng ác liệt, là con đường để chi viện chiến lược sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, giúp đỡ hai nước bạn Lào, Campuchia. Mĩ đã tiến hành cuộc chiến tranh ngăn chặn với quy mô, mức độ ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh nhân loại, trút xuống Trường Sơn hơn 4 triệu tấn bom đạn. Sau này người Mĩ nói, do không ngăn chặn được Trường Sơn, do thua ở Trường Sơn thì mới thua trên toàn miền Nam.

Vừa qua, nhà văn người Đức sang đây, tôi có kể cho ông ấy nghe về việc tôi vượt Trường Sơn, người ta vào đến miền Đông Nam Bộ là 6 tháng, đến miền Tây Nam Bộ là 7 tháng, còn bọn tôi có hơn 2 tháng thôi. Ông ấy hỏi thế này, quân đội phương Tây nếu hành quân phải có chất kích thích, thuốc uống, thế các ông có thuốc không. Tôi bảo là chỉ có cơm nắm, rồi có ruốc bông, ruốc thịt mang đi theo, có lương khô, còn lại chúng tôi không có chất gì cả. Ông ấy lại hỏi làm sao các ông có sức đi được. Bảo chúng tôi có ý chí, tinh thần đánh Mĩ, quyết tâm đánh thắng Mĩ và cái đó nó tạo ra động lực chứ chúng tôi không được bồi dưỡng cái gì cả. Chúng tôi chỉ có tinh thần chống Mĩ, quyết tâm đánh thắng quân xâm lược, đó là tinh thần tạo ra tinh thần, động lực, sức khỏe cho con người.

Về ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, tôi cho rằng ai cũng hiểu sâu sắc một điều, để có được chiến thắng trọn vẹn, non sông thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, phải có sự góp phần vào chiến công chung của tất cả mọi người, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ với sự cống hiến hi sinh vô cùng lớn lao của nhân dân ta trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh. Sự trưởng thành của người chiến sĩ gắn liền với sự lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và chiến thắng.

VNQĐ: Xin có một câu hỏi như thế này, là một người thầy giáo đi vào chiến trường, kinh nghiệm quý báu nhất mà ông tích lũy được là gì để sau này cùng đồng đội tiếp tục làm nhiệm vụ ở Trường Sa, ở đường tuần tra biên giới?

Thiếu tướng Hoàng Kiền: Tôi may mắn có nhiều kinh nghiệm từ Trường Sơn. Sau này tôi được về Học viện Kỹ thuật quân sự học Khoa Công trình đến năm 1982, tôi đi theo đoàn của Bộ Tư lệnh Hải quân. Đồng chí Phạm Huấn, Phó Tư lệnh ra trực chiến ở Bạch Long Vỹ giao cho tôi phải đào ngay một đường hầm trong một tháng phải xong. Mình hoàn toàn tay trắng, không có máy móc gì cả. Tôi báo cáo Thủ trưởng là không có máy, ông nói đây là mệnh lệnh chiến đấu, đồng chí hãy chấp hành. Tôi thức trắng một đêm nghĩ, nhớ lại ngày đi khảo sát ở Trường Sơn, lục lại kinh nghiệm, tôi vẽ, thiết kế xong đường hầm đào, ông kí ngay. Ông bảo cậu rất là giỏi. Tôi được phong quân hàm từ Thiếu úy, Trung úy đến Thượng úy trong có một năm. Có kinh nghiệm chiến trường thì sau này mới đào được đường hầm ấy. Với tôi đó là vốn quý nhất.

VNQĐ: Ông đã nhận một nhiệm vụ rất quan trọng là cùng đồng đội ra Trường Sa để xây dựng các hệ thống doanh trại trên đảo, từ công sự đến nơi ăn ở. Những ngày đó vô cùng khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn từ cân sắt thép, cân xi măng nhưng công binh vẫn đưa được ra đảo và xây dựng thành công hệ thống doanh trại. Những kinh nghiệm từ Trường Sơn có giúp ích gì cho những việc đó không? Bộ đội công binh khi xây dựng hệ thống doanh trại trên các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa đã phải vượt qua khó khăn, gian khổ như thế nào?

Thiếu tướng Hoàng Kiền: Qúa trình ở Trường Sơn 6 năm tôi đã có được rất nhiều kinh nghiệm. Ra Trường Sa kinh nghiệm ở Trường Sơn mở đường càng có đất vận dụng.

Khó khăn ở Trường Sa, thứ nhất là xa đất liền, tất cả phải mang toàn bộ vật liệu từ bờ ra ngoài đảo, đó là cái khó khăn nhất. Ngày đó Trường Sa không có cầu cảng, vận chuyển từ tàu vào đảo hoàn toàn dùng xuồng tay kéo dây, sức chiến sĩ bưng bê, bốc vác, khối lượng rất lớn. Bưng bê nó có hai vấn đề, thứ nhất là năng suất thấp, thứ hai là bị nhiễm mặn hết. Một cái xuồng chuyền tải kéo dây từ tàu vào đến đảo nó rớt xuống là ướt hết, vật liệu đá nhiễm mặn là hỏng. Sau tôi nghiên cứu phải cơ giới hóa khâu vận chuyển, phải dùng xuồng máy kéo. Ở Trường Sa toàn bộ làm thủ công, chặt sắt bằng tay, đầm bằng tay, trộn vữa bằng tay. Tôi suy nghĩ phải cơ giới hóa. Tôi báo cáo với Bộ Tư lệnh Hải quân cho phép tôi đem lực lượng, trang bị, máy móc đi làm đường dây 500 KV, đi làm đường trong bờ để lấy tiền mua trang bị phục vụ việc xây dựng biển đảo. Tôi nghĩ chả nhẽ các nước tư bản họ không có máy móc? Ngày đó còn cấm vận gay gắt. Tôi phải gửi người theo tàu viễn dương mua máy thi công ở bên Nhật. Vậy mà vẫn mua được máy cắt sắt, máy uốn sắt, máy đầm, trộn bê tông, bơm nước đủ hết. Thế thì làm mới có hiệu quả được, từ sáng tạo trong chiến tranh, hòa bình được học cơ bản cả kĩ thuật, cả chỉ huy ra môi trường ấy vận dụng vào những điều kiện thực tế để thực hành. Và chúng tôi đã thành công.

Bộ đội công binh chuyển vật liệu để xây dựng các đảo trên Quần đảo Trường Sa. Ảnh: TL

VNQĐ: Phải nói rằng, khi chúng ta xây dựng hệ thống doanh trại tại Trường Sa với công sức, trí tuệ, mồ hôi và thậm chí cả máu xương của bộ đội, thực tiễn cho thấy một sự trưởng thành có chiều sâu của bộ đội trong đó có bộ đội công binh để chúng ta có biển đảo vững chắc, tạo niềm tin lớn cho nhân dân. Tiếp đó, ông lại nhận một nhiệm vụ rất khó khăn là thiết kế và xây dựng tuyến đường tuần tra biên giới. Với tư cách là người được giao nhiệm vụ từ đầu, ông đã được tin tưởng và thực hành ra sao để có tuyến đường tuần tra biên giới hôm nay?

Thiếu tướng Hoàng Kiền: Khi tôi làm Tư lệnh Binh chủng Công binh, được Đại tướng Phạm Văn Trà gọi lên, bấy giờ vừa xảy ra vụ bạo loạn Tây Nguyên rất phức tạp. Tháng 4/2004, Bộ trưởng gọi lên nói đồng chí đưa ngay lực lượng vào khảo sát xem Tây Nguyên còn chỗ nào chưa có đường thì làm đường. Sau đó, tổ chức lực lượng khảo sát toàn tuyến để lập đề án và thành lập Ban quản lí dự án đường tuần tra biên giới.

Nhận nhiệm vụ, thực sự tôi có phân vân vì rất khó khăn. Khó khăn thứ nhất là đường nằm trên đỉnh núi cao, sát biên giới, đang phân giới cắm mốc chưa xong. Thứ hai là nó bám sát ở đỉnh núi không có đường lên, không có sóng điện thoại, không có nước ăn. Tất cả lương thực, thực phẩm rất là xa, xa nhất, cao nhất, dài nhất.

Sau nhiều thủ tục, tôi dẫn quân vào giao tuyến tại Tây Nguyên trong mùa mưa tháng 10/2007. 200 người vào nhận tuyến, tất cả đứng lên thắc mắc là bây giờ mưa, gió rét vào trong rừng sâu muỗi vắt, thú dữ, rắn rết… làm gì. Tôi nói, ngày chúng tôi đi khảo sát đường Trường Sơn làm gì có đường nào mà đi. Đã đi khảo đường phải đi như đi chiến đấu, phải mắc võng đi đường để mà làm đường, tôi huấn luyện cho, anh nào đồng ý thì ở lại, không đồng ý thì ra ngoài, về ngay.

Anh em nghe tôi, tôi hướng dẫn anh em mắc tăng, mắc võng. Do có kinh nghiệm ở Trường Sơn mới làm được cái này, không mở đường Trường Sơn thì không nói được. Tôi hướng dẫn cho anh em sử dụng bản đồ, ống nhòm, địa bàn, đi là phải mang tăng, mang võng, đi trên đường phải phạt cây, lấy dao găm đánh dấu mà về không lạc. Vậy mà cũng có một tổ lạc sang Lào, hết hạn không về được. Các anh chủ quan không vạc cây, vào trong rừng mù mịt, máy định vị không bắt được, bản đồ có cũng không biết ở chỗ nào. Thế là lạc sang Lào mất một tổ năm ông. Tôi lo lắm, một ngày không thấy về, hai ngày không thấy về mà không có liên lạc, điện thoại chả có. Sau đó ba ngày anh em tìm được. Về được tôi hỏi thăm, các đồng chí cảm thấy thế nào? Chúng em sợ nhất một là chết đói, thứ hai là sợ thú ăn thịt. Tôi nói đêm thế nào? Tức là đêm không ngủ, phải chặt cây làm cái sạp, đốt lửa suốt đêm nằm trên đấy, sáng hôm sau tiếp tục tìm đường về.

VNQĐ: Nhân ngày 30/4, kỉ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, với tư cách là một người chiến sĩ, một vị tướng trưởng thành trong chiến tranh và thời bình, ông có cảm xúc và suy nghĩ gì với thời cuộc hôm nay?

Thiếu tướng Hoàng Kiền: Tôi trọn đời trong quân ngũ đến khi nghỉ hưu là 45 năm. Ở tuổi 75, tôi rất quan tâm đến tình hình chung của đất nước. Thực ra, thấy tình hình đất nước ta hiện nay rất mừng, chính trị ổn định, kinh tế phát triển theo chiều hướng đi lên rất tốt. Tôi rất tin tưởng khi so sánh với các nước khác. Tôi vừa xem một loạt chỉ số so sánh giữa ta với một số nước, trước đây mình rất thấp so với họ, bây giờ mình vượt lên họ, có nước chúng ta ngang ngửa thu nhập trên bình quân đầu người. Nhưng cũng còn những vấn đề cản trở, tồn tại tiêu cực như tham nhũng, lãng phí. Tôi vừa viết một số bài báo với nội dung đất nước ta cần phải tiếp tục quy hoạch tinh giản hệ thống hành chính, các cấp bớt bộ máy gián tiếp, cồng kềnh quá, bớt tỉnh, bớt xã, bỏ huyện. Thế nhưng tôi cũng phân vân làm thế nào đó để có bước đi phát triển nhưng phải giữ ổn định, không bị hẫng. Đó cũng là tâm tư và trách nhiệm của mỗi người lính chúng ta với thời cuộc hôm nay.

VNQĐ: Xin cảm ơn Thiếu tướng Hoàng Kiền.

Trân trọng cảm ơn ba vị tướng đã tham gia cuộc đối thoại này!

VNQĐ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)