Dòng chảy

Những trang sách đồng hành cùng dân tộc

Chủ Nhật, 20/04/2025 15:15

 Nói đến tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh, người lính chúng ta không thể không nhắc đến những tên tuổi như Khuất Quang Thụy, Chu Lai, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Đình Thi, Bảo Ninh, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Dương Hướng... Có thể nói, dòng chảy này không chỉ tiêu biểu cho nền văn học hiện đại của Việt Nam, mà còn phản ánh những giá trị sống còn, những vết thương chưa lành và cả khát vọng vượt qua.

Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, sáng 19/4/2025 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi, Hà Nội) đã diễn ra buổi tọa đàm giới thiệu cuốn sách Trong cơn gió lốc của nhà văn Khuất Quang Thụy và Mưa đỏ của nhà văn Chu Lai.

Tiểu thuyết Trong cơn gió lốc của nhà văn Khuất Quang Thụy lấy bối cảnh Chiến dịch Tây Nguyên - một trong những chiến dịch mở màn cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975. Tác phẩm theo chân trung đội “Gió lốc” do nhân vật Mánh chỉ huy, trong hành trình truy kích địch và giải phóng các địa bàn trọng yếu. Không chỉ tái hiện những trận đánh ác liệt, tác phẩm còn đi sâu vào khắc họa tâm lí, tình cảm và số phận của những người lính trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt.​

Nhà văn Phùng Văn Khai, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội chia sẻ tại buổi tọa đàm: thế hệ cầm bút hôm nay có nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều trọng trách trong sự chuyển mình mạnh mẽ của thời cuộc. Chúng ta không ngừng tự hỏi mình phải sống, phải viết như thế nào trước di sản mà các nhà văn thế hệ trước để lại. Chúng ta có quyền tự hào về những trang sách đã đồng hành cùng dân tộc của cha anh nhưng chúng ta cũng phải tự hỏi về chính mình. Nhà văn Khuất Quang Thụy viết về người chiến sĩ "trong cơn gió lốc" của lịch sử họ đã tư duy, đã trách nhiệm, đã chiến đấu và hi sinh như thế nào. Không khí trầm hùng của tác phẩm còn để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm.

Với vốn sống và trải nghiệm thực tế từ chiến trường, Khuất Quang Thụy đã khắc họa một cách chân thực và sống động cuộc sống của người lính, từ những trận đánh ác liệt đến những khoảnh khắc đời thường, tình đồng chí đồng đội thiêng liêng. Văn phong của Khuất Quang Thụy mạnh mẽ, giàu chất hiện thực, đôi khi dữ dội như chính cơn gió lốc mà ông đặt tên cho tác phẩm. Ông không né tránh những mất mát, hi sinh nhưng vẫn ngợi ca tinh thần chiến đấu và ý chí kiên cường của người Việt Nam.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm (từ phải qua): nhà văn Phùng Văn Khai, nhà thơ Phạm Vân Anh, tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ.

Trong cơn gió lốc là một trong ba tiểu thuyết, cùng với Không phải trò đùaGóc tăm tối cuối cùng đã mang về cho nhà văn Khuất Quang Thụy Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007, khẳng định giá trị và đóng góp của tác phẩm cho nền văn học Việt Nam.

Cùng tham dự tọa đàm, nhà thơ Phạm Vân Anh bày tỏ niềm xúc động cũng như những cảm nhận ý nghĩa về việc giới thiệu hai cuốn sách trong dịp này. Từ kinh nghiệm và trải nghiệm của một người lính cầm bút trong thời bình, chị khẳng định, những trang sách đồng hành với lịch sử dân tộc cho chúng ta nguồn cảm hứng lớn. Có thể giúp chúng ta thay đổi cuộc đời. Qua đây chị cũng nhắn nhủ đến thế hệ trẻ, đặc biệt là những bạn trẻ đam mê cầm bút, phải biết trân trọng giá trị những trang sách mà thế hệ cha anh để lại cho chúng ta. Đó không chỉ là máu xương, mà còn là nền tảng, là cảm hứng mà cha anh truyền lại.

Tiểu thuyết Mưa đỏ của nhà văn Chu Lai được ông viết năm 2015 và xuất bản năm 2016, lấy bối cảnh trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Đây là một trong những trận chiến ác liệt và bi hùng nhất trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ. Nhà văn Chu Lai đã tái hiện lại sự khốc liệt đó qua ngòi bút đầy ám ảnh của mình. Mưa đỏ mang đậm màu sắc sử thi, khắc họa một giai đoạn lịch sử đau thương nhưng cũng đầy tự hào của dân tộc. Tác giả không chỉ tập trung vào diễn biến chiến sự mà còn làm nổi bật tinh thần chiến đấu quả cảm, sự hi sinh cao cả của những người lính trẻ.

Khi nói đến cuốn tiểu thuyết này, tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ xúc động nhắc đến hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha: "Mùa hè ấy gạch chảy ra như máu/ Máu các anh che chở những ngôi nhà". Không một viên gạch nào ở nơi đây còn nguyên vẹn, điều này cho thấy sự khốc liệt vô cùng. Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ cho rằng, với cách xây dựng nhiều tuyến nhân vật, không chỉ người lính giải phóng mà còn cả những người ở phía bên kia chiến tuyến, thể hiện một cái nhìn đa chiều về cuộc chiến của nhà văn. Tình đồng chí, tình yêu đôi lứa, tình mẫu tử trong hoàn cảnh chiến tranh được Chu Lai khắc họa sâu sắc.

Đông đảo bạn đọc trẻ đã đến tham dự tọa đàm và bày tỏ sự quan tâm lớn đến những trang văn học viết về đề tài chiến tranh người lính.

Văn phong của Chu Lai trong Mưa đỏ giàu hình ảnh, đặc biệt là hình ảnh "mưa đỏ" vừa mang tính tả thực (máu đổ), vừa mang tính biểu tượng cho sự khốc liệt, mất mát của chiến tranh. Những câu văn của ông thường day dứt, ám ảnh người đọc. Theo chia sẻ của nhà văn Phùng Văn Khai, ít ai biết nhà văn Chu Lai là một chiến sĩ đặc công. Mẹ của ông là Mẹ Việt Nam anh hùng, bà có hai người con hi sinh, một trong kháng chiến chống Pháp và và một trong kháng chiến chống Mĩ. Trong đó, liệt sĩ hi sinh trong kháng chiến chống Mĩ đến nay chưa tìm được hài cốt. Trước khi qua đời, mẹ nhà văn đã yêu cầu ông vào chiến trường Tây Nguyên lấy một nắm đất, nơi con bà đã hi sinh để mang về thờ.

Mưa đỏ đã vinh dự nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016 ở hạng mục tiểu thuyết, một sự ghi nhận xứng đáng cho những giá trị nghệ thuật và lịch sử mà tác phẩm mang lại.

Đông đảo bạn đọc trẻ đã đến tham dự tọa đàm và bày tỏ sự quan tâm lớn đến những trang văn học viết về đề tài chiến tranh người lính. Thông qua nội dung của hai tác phẩm Trong cơn gió lốcMưa đỏ cùng những chia sẻ từ các diễn giả, ban tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc mong muốn bạn đọc và công chúng sẽ có cơ hội hiểu sâu sắc hơn về sự khắc nghiệt nhưng cũng đầy hào hùng của những năm tháng chiến tranh, để thêm trân trọng, tự hào và gìn giữ những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa quý giá của dân tộc.

PV

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)