. NGUYỄN ANH VŨ
Ngày 5/8/1964, sau sự kiện vịnh Bắc Bộ, tiếng súng chống đế quốc Mĩ đã nổ ở miền Bắc Việt Nam, cả đất nước chìm trong lửa đạn. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã thúc giục hàng vạn trái tim thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Trong đội quân điệp điệp trùng trùng hừng hực khí thế ấy có rất nhiều nhà văn. Họ đồng hành cùng lúc hai nhiệm vụ, vừa cầm súng chiến đấu, vừa cầm bút sáng tác để khích lệ, cổ động tinh thần yêu nước của đồng bào và chiến sĩ. Hơn lúc nào hết, nền văn học cách mạng phải phát huy tối đa quyền lực của mình, tiếp tục thiên chức cao đẹp là phục vụ chính trị, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với phương châm “sống rồi hãy viết” cùng thực tế trải nghiệm trên chiến trường, các nhà văn nơi tuyến đầu Tổ quốc đã viết nên hàng vạn trang văn sống động và chân thực về những ngày tháng gian khổ mà hào hùng của nhân dân hai miền. Tiểu thuyết chiến tranh trong kháng chiến chống Mĩ đã góp phần lưu giữ những tên đất, tên người kiên cường như là những thông điệp cho mai sau. Những tiểu thuyết tiêu biểu của giai đoạn này là Hòn Đất (Anh Đức); Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi (Phan Tứ); Rừng U Minh (Trần Hiếu Minh); Đất Quảng (Nguyễn Trung Thành); Vùng trời (Hữu Mai); Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu); Giáp trận (Nguyễn Thế Phương); Dòng sông phía trước (Mai Ngữ); Thôn ven đường (Xuân Thiều); Chiến sĩ (Nguyễn Khải); Những tầm cao (Hồ Phương); Dòng sông phẳng lặng (Tô Nhuận Vỹ); Sao Mai (Dũng Hà); Dưới đám mây màu cánh vạc (Thu Bồn); Những người cùng tuyến (Hải Hồ)...

Hầu hết tiểu thuyết viết về chiến tranh giai đoạn này đều mang âm hưởng sử thi với cảm hứng lãng mạn bao trùm. Trong số đó có những tác phẩm đã từng được xem là hội tụ nhiều giá trị của tiểu thuyết sử thi như Hòn Đất - Anh Đức, Dấu chân người lính - Nguyễn Minh Châu, Vùng trời - Hữu Mai... Tất cả các tác phẩm đều có chung giọng điệu ngợi ca tinh thần chiến đấu, khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và niềm tin không gì lay chuyển vào ngày mai toàn thắng. Đó chính là những biểu hiện của tính đảng, tính nhân dân. Tính đảng đòi hỏi văn học nghệ thuật phải phản ánh được những bước phát triển đi lên của cách mạng, phải xây dựng được những hình tượng điển hình kết hợp độ khái quát cao và cá thể hóa sâu sắc. Tính nhân dân yêu cầu các sáng tác của nhà văn phải bắt nguồn từ đời sống nhân dân, hướng đến tâm tư, tình cảm của nhân dân. Sự hòa trộn giữa hai thuộc tính đó đã tạo nên những bản anh hùng ca sáng ngời phẩm chất thời đại và sức mạnh vô biên của chiến tranh nhân dân. Nhằm tiếp thêm nghị lực và củng cố niềm lạc quan cách mạng, tiểu thuyết thời kì này chủ yếu khai thác mặt thắng lợi của cuộc chiến mà nói rất ít, thậm chí là né tránh việc đề cập những thất bại, mất mát hi sinh của phía ta. Không phải chỉ trong thơ mới có Đường ra trận mùa này đẹp lắm… (Phạm Tiến Duật) hoặc Những buổi vui sao/ Cả nước lên đường/ Xao xuyến bờ tre/ Từng hồi trống giục.../ Xóm dưới làng trên/ Con trai con gái/ Ríu rít theo nhau/ Tiếng cười hăm hở... (Chính Hữu), mà trong tiểu thuyết - một thể loại gần gũi với đời thường hơn - con đường ra trận thời kì này cũng khá nhộn nhịp, vui tươi, hừng hực khí thế. Nhiều trang viết thấm đẫm sắc thái thi vị hóa những nẻo đường ra trận. Và cái kết của tác phẩm dường như đã được định đoạt, sắp đặt trước: dù có gian nan, thử thách, ác liệt đến đâu thì cuối cùng vẫn phải ta thắng - địch thua, ta cao cả - địch thấp hèn, ta tốt đẹp - địch xấu xa..., chính nghĩa tất yếu phải đè bẹp phi nghĩa.

So với một số tiểu thuyết viết về chiến tranh trong thời kì chống Pháp (không bao gồm những tác phẩm viết sau hòa bình 1954 như Vỡ bờ, Sóng gầm, Sống mãi với thủ đô), tiểu thuyết viết về chiến tranh giai đoạn 1965 - 1975 đã có sự mở rộng dung lượng phản ánh và quy mô tác phẩm thể hiện ở cách thức tiếp cận, chiếm lĩnh và phản ánh hiện thực đời sống. Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu từng được xem là cuốn sách gối đầu giường của thanh niên Việt Nam thập niên 70 thế kỉ XX. Tác phẩm đã tái hiện một cách hùng tráng, sinh động cuộc chiến đấu và chiến thắng oanh liệt của quân đội ta tại điểm nóng chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị. Với Hòn Đất, Anh Đức là người mở ra khuynh hướng viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ bằng tổng lực của chiến tranh nhân dân. Có mặt trong tác phẩm, bên cạnh những chiến sĩ giải phóng gan dạ, anh hùng là những du kích, người dân xứ sở vùng Hòn có tình yêu tha thiết, quyết sống chết với Mĩ - ngụy để gìn giữ mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Thế giới nhân vật của tác phẩm từ già đến trẻ, từ người lính đến thường dân, từ các chàng trai đến những cô gái mang vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng của vùng cực Nam Tổ quốc... đều được xây dựng trên “mẫu số chung” là tình yêu quê hương đất nước, vẻ đẹp tâm hồn và tinh thần chiến đấu quên mình. Thế giới nghệ thuật tác phẩm, theo đó, cũng có sự “giãn nở” về chiều kích thời gian và biên độ không gian, từ trung tâm hang Hòn đến nhiều vùng lân cận, từ hiện tại trở về quá khứ... Đó chính là những yếu tố tiêu biểu lập nên “thi pháp trào lưu” của tiểu thuyết chiến tranh giai đoạn này.
Một trong những thành tựu được khẳng định của tiểu thuyết chiến tranh giai đoạn 1965 - 1975 là phương diện nhân vật, cụ thể là nghệ thuật điển hình hóa. Nhân vật người chiến sĩ cách mạng luôn đứng vị trí trung tâm tác phẩm, là những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình. Lữ, Khuê - Dấu chân người lính; Thiêm, Mẫn - Mẫn và tôi; Ngạn, Sứ, Quyên - Hòn Đất... đều xuất hiện như những người con ưu tú của đất nước, người anh hùng của thời đại chiến tranh cách mạng. Bên cạnh đó, để nâng cao vị thế, tô đậm vóc dáng cho nhân vật, các nhà văn thường đặt kiểu nhân vật này vào một bối cảnh tương ứng. “Thi pháp hoàn cảnh”, vì vậy, chính là cái “nền” phù hợp để nhân vật bộc lộ đầy đủ phẩm chất cao đẹp của mình. Và cũng bởi nhằm mục đích tạo dựng, “nhào nặn” nhân vật thành những hình mẫu lí tưởng, những tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng nên về bút pháp, các nhà văn vẫn trung thành với nguyên tắc lí tưởng hóa, thiên về biểu dương, ca ngợi mặt tích cực, bỏ qua sự phê phán mặt tiêu cực. Một cách khái quát: đó là những nhân vật không tì vết, tồn tại trong một bầu khí quyển “vô trùng”... Rất ít thấy ở họ phần yếu mềm, những ưu tư, trăn trở đời thường, nỗi buồn và trạng thái cô đơn... Mọi tâm tư, tình cảm đều gắn với cái chung, với tập thể và dường như thành “sở hữu của đám đông”. Cái riêng không tách rời cái chung đã thành nguyên tắc, không được quyền vi phạm. Chính vì vậy, nhân vật chủ yếu được miêu tả từ điểm nhìn bên ngoài, rất hiếm thấy có sự di chuyển điểm nhìn để đi sâu miêu tả diễn biến nội tâm của góc độ con người cá nhân. Bên cạnh đó, nhằm tạo nên sự đối lập, để nhân vật chính diện tỏa sáng, các nhà văn cũng đã dùng bút pháp cường điệu để khắc họa, tô đậm mặt xấu xa, tồi tệ của các nhân vật phản diện. Đó là thằng Xăm tàn bạo, thú tính trong Hòn Đất, cha con Hứa Xâng gian ác “chọc tiết cán bộ cách mạng rồi uống xì xụp suốt đêm” trong Đất Quảng. Thi pháp nhân vật, được xử lí bằng thủ pháp tương phản: trắng - đen, sáng - tối, đẹp - xấu...; tuy vậy, nhìn bao quát, các nhà văn vẫn quan tâm, chăm chút nhiều hơn cho việc xây dựng nhân vật chính diện để hướng tới thực hiện chức năng giáo dục của văn học nghệ thuật, để hoàn thành sứ mệnh tuyên truyền, cổ vũ, phục vụ chính trị của nhà văn. Gương mặt kẻ thù, vì thế, bị đẩy lùi lại phía sau. Điều đó phù hợp với đặc điểm và sự lựa chọn các phạm trù thẩm mĩ của tiểu thuyết chiến tranh: cái cao cả, cái anh hùng là chủ đạo, nổi bật.

Về phương thức tự sự, tiểu thuyết đề tài chiến tranh giai đoạn này về cơ bản vẫn tuân thủ mô hình tiểu thuyết truyền thống. Cốt truyện chủ yếu được tổ chức trên cơ sở xung đột địch - ta, có thắt nút, mở nút, có cao trào, đỉnh điểm... nhưng vẫn thuộc dạng cốt truyện đơn tuyến. Kết cấu tác phẩm được triển khai theo từng bước cốt truyện, theo trật tự tuyến tính của thời gian. Nhân vật được chú ý nhiều hơn ở ngoại hình, hành động, nội tâm ít phức tạp, ý thức được đề cao, vô thức, tiềm thức dường như ít chạm tới. Về vấn đề nhân vật, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đã khái quát: “Văn học Việt Nam 40 năm qua chưa có nhiều thành công về mặt hình tượng, tính cách. Yếu tố cá tính chưa nổi bật, sự phân tích xã hội, phân tích tâm lí chưa được phát triển đầy đặn. Còn ít có những hình tượng tầm cỡ cung cấp một mẫu mực thuyết phục trọn vẹn về phương diện này.”(1) Nghệ thuật kể chuyện, chiến lược trần thuật vẫn nằm trong khuôn khổ của mô thức tự sự người kể chuyện hàm ẩn, “biết tuốt” là vai giao tiếp chính. Lời văn nghệ thuật, kết cấu văn bản luôn phải tính đến quyền lực phát ngôn và tính đại chúng. Những tác phẩm được biểu dương thường có hình thức biểu đạt rõ ràng, giản dị, dễ đọc, dễ hiểu, càng gần gũi với “lời ăn tiếng nói” hàng ngày càng tốt: “Một cách sáng tác rất đại chúng là cứ kể một cách thật giản dị, tự nhiên, nhiều việc, nhiều chuyện, đã xảy ra, nhiều lời, nhiều câu nói trong thực tế, không thêm bớt, không bàn luận.”(2) Đó có thể là sự áp đặt cái nhìn của chủ thể trần thuật lên người đọc: “Cũng như dòng suối, lá, cành, hoa, quả, chị Sứ như thuộc về Hòn Đất, không tách ra được, chị thuộc về niềm kiêu hãnh của xóm làng, kể cả sắc đẹp lẫn tính tình”(3); hoặc hướng đến sự nhất thể hóa, cùng hướng đến một tư thế ngưỡng vọng, thành kính như khoảnh khắc hi sinh của Lữ trong Dấu chân người lính. Tuy nhiên lối viết này còn nhiều hạn chế, đơn chiều cả ở điểm nhìn và giọng điệu trần thuật, ưu thế thể loại chưa mang lại hiệu quả vì còn thiếu những đột biến, bất ngờ của cốt truyện, nhân vật chưa được đi sâu khám phá với tư cách số phận cá nhân, kết cấu tác phẩm còn quá lệ thuộc vào những biến cố lịch sử, sự kiện...
Mặc dầu vậy, tiểu thuyết viết về chiến tranh giai đoạn 1965 - 1975 là một bộ phận máu thịt của văn học chống Mĩ với những thành tựu không thể phủ nhận. Đặt trong tương quan thể loại, tiểu thuyết giai đoạn này đã tái hiện được bức tranh đời sống chiến tranh với quy mô rộng rãi và trên nền cảnh ấy, các nhà văn đồng thời đã khắc họa gương mặt và chân dung con người Việt Nam yêu nước, sống có lí tưởng và hành động quả cảm, kiên cường. Đặt trong hoàn cảnh lịch sử, có thể thấy các nhà văn đã hoàn thành sứ mệnh cầm bút trước dân tộc, thời đại. Tiếng nói văn nghệ trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” ấy thực sự là một nguồn lực, tiếp thêm sức mạnh để 31 triệu người dân Việt Nam có thể “đốt cháy cả dãy Trường Sơn” để hướng tới chân lí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, để chiến thắng giặc Mĩ, giành lại nửa đất nước thân yêu. Ngay cả sự “lệch pha”, cực đoan, quá chú trọng nhấn mạnh đến việc bồi đắp giá trị nội dung tư tưởng mà có phần coi nhẹ những tìm tòi mang giá trị nghệ thuật dường như không mấy ảnh hưởng đến vấn đề tiếp nhận. Công chúng nghệ thuật thời chống Mĩ là một cộng đồng tiếp nhận lí tưởng. Nhờ đó mà đại đa số các tác phẩm như Hòn Đất, Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi, Dấu chân người lính... đều được đón nhận một cách nhiệt tình, trân trọng và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Đây có thể coi là mơ ước của các nhà văn đương đại bởi thực tế là nhiều nhà văn đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn chưa thể đưa tác phẩm của mình vào “tầm đón đợi” của người đọc hôm nay.
Đồng hành cùng đất nước, nhân dân trong những ngày tháng đầy gian khổ, hi sinh, máu, nước mắt và vinh quang chói lọi, nhiều nhà văn đã sống, viết, lăn lộn trên khắp các chiến trường. Trong số đó có những người đã chiến đấu và hi sinh anh dũng. Thành công và hạn chế của tiểu thuyết giai đoạn này cần được nhìn nhận, xem xét trong tính lịch sử, biện chứng. Có thể có hiện tượng “giải thiêng”, “bắn súng lục vào quá khứ”, thậm chí là “đốt đền”... nhưng văn học chống Mĩ nói chung và tiểu thuyết nói riêng là một phần máu thịt của văn học nghệ thuật dân tộc, tạo nên sức mạnh, tư thế và “dáng đứng Việt Nam” thế kỉ XX.
N.A.V
--------
1. Nhiều tác giả (1996), Một thời đại mới trong văn học, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 93.
2. Tố Hữu (1973), Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, với thời đại ta, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 98.
3. Anh Đức (2010), Hòn Đất, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 162.
VNQD