. LÊ THỊ HƯƠNG THUỶ
Chiến tranh là đề tài lớn, trải dài trong lịch sử văn học dân tộc, đi cùng lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm. Sau 1975, cùng với những biến chuyển của đời sống xã hội và đời sống văn học, chiến tranh vẫn là “vùng đất được thâm canh”. Những vấn đề của chiến tranh đã được nhìn nhận và soi chiếu trên tinh thần đổi mới tư duy nghệ thuật. Nhiều tác phẩm văn học viết về chiến tranh đã gây được sự chú ý của người đọc. Cùng với sự vận động của văn học về chiến tranh, những vấn đề về văn học chiến tranh qua các giai đoạn, các tác giả, các thể loại, các bình diện đã từng bước được tiếp cận nghiên cứu. Những nghiên cứu về văn học nữ nói chung, truyện ngắn nữ nói riêng trước đây thường ít chú ý đến sáng tác viết về chiến tranh của người viết nữ. Điều này phần nào bị chi phối bởi quan niệm: chiến tranh là nơi nam tính được thể hiện rõ rệt, là nơi “không có gương mặt nữ”. Sự nhìn nhận có phần khiếm diện này đã khiến cho một số không gian hiện thực về chiến tranh trong văn học có phần bị khuất lấp. Một phương diện đáng chú ý là từ khi kết thúc chiến tranh, nhất là từ thời kỳ Đổi mới, với sự phát triển đột khởi của văn học nữ, chiến tranh đã được nhiều cây bút nữ tiếp cận, thể hiện những vấn đề của đời sống và nghệ thuật. Tiếp cận truyện ngắn của các cây bút nữ viết về chiến tranh, đề tài vốn được cho là lợi thế của nhà văn nam cũng có thể thấy những sắc thái độc đáo của các cây bút nữ khi đề cập đến những vấn đề của chiến tranh và đời sống hậu chiến từ những tác động của cuộc chiến tranh vừa đi qua. Sáng tác của những người viết nữ đã đặt ra nhiều vấn đề cần được tiếp tục được luận giải và việc tiếp cận những vấn đề chiến tranh trong truyện ngắn là một phương diện để đi vào khám phá thế giới nghệ thuật. Hiện tượng truyện ngắn nữ nửa cuối thập niên 80, nửa đầu thập niên 90 của thế kỷ XX đã được nhìn nhận như một vấn đề mang tính đột khởi của đời sống văn học nói chung, văn học nữ nói riêng. Việc lựa chọn đề tài cũng như sự mở rộng đề tài sáng tác của người viết nữ cũng là vấn đề đáng quan tâm, cho thấy một phương diện của lịch sử văn học, thể hiện sự chi phối của ý thức và quan niệm xã hội đến sáng tác, đến đời sống văn chương nghệ thuật.
1. Người viết nữ với đề tài chiến tranh
Khi nói đến vấn đề chiến tranh, lịch sử văn học thường ghi dấu những gương mặt đàn ông trên văn đàn văn học dân tộc. Thực tế này dường như đúng với giai đoạn trước đây, đặc biệt là trong thời kỳ phong kiến khi hệ quy chiếu và những quy định hà khắc của chế độ cũ không cho phép người nữ bộc lộ tiếng nói cá nhân trong đời sống văn chương nghệ thuật. Một vài thập niên trước 1975, tình hình đã có những đổi khác khi trên thực tế, nhiều người nữ (dù tỉ lệ còn rất khiêm tốn so với nam giới) đã trực tiếp tham chiến. Một số cây bút nữ ở thời kỳ này cũng đã có các tác phẩm cho thấy những góc nhìn về một khu vực trước nay chưa dành được sự quan tâm của nhiều người viết. Thời kỳ hậu chiến, nhất là từ sau 1986, cùng với làn sóng văn học nữ, sáng tác của các cây bút nữ đã cho thấy nhiều vấn đề đáng quan tâm, đồng thời thể hiện những sắc thái riêng biệt của chủ thể sáng tạo.
Với các cây bút nữ, chiến tranh tưởng như là chủ đề không thuộc đối tượng thẩm mĩ thu hút sự quan tâm của người viết nữ, tuy nhiên trên thực tế, từ sau 1975 đã có nhiều cây bút khai thác chủ đề này. Hơn thế, trong những sáng tác của họ, chiến tranh lại cho thấy những vấn đề thuộc về vùng thẩm mĩ đặc trưng với những cảm nghiệm lí thú. Sự tách bạch, tồn tại của hai giới (nam và nữ) trong đời sống dù muốn hay không cũng dễ dẫn tới những quan tâm khác nhau từ đó sẽ hình thành những vùng thẩm mĩ trong sáng tác của họ. Trong lịch sử chiến tranh, phụ nữ đã can dự vào chiến tranh theo những cách khác nhau. Trong văn học, không gian hiện thực này cũng đã phản chiếu những đặc điểm đặc thù của chủ thể sáng tạo. Nhiều nhà văn nữ (cả tham gia chiến tranh và không tham chiến) đã có những sáng tác khai thác đề tài chiến tranh[1]. Nhiều sáng tác của họ đã gây ấn tượng với người đọc.
Nhìn từ thực tiễn sáng tác của người viết nữ, chiến tranh không phải là đề tài thường xuyên được người viết theo đuổi. Nhìn từ sự vận động của đời sống văn học nữ ở vào những năm cuối của thập kỷ 80 và trong suốt thập kỷ 90 của thế kỉ XX, các nhà văn nữ đã làm nóng văn đàn bởi sự xuất hiện đông đảo, có ấn tượng của những người viết nữ. Ở thời điểm đó, sự xuất hiện và dấu ấn trong các sáng tác đã tạo nên một hiện tượng trong đời sống văn học. Nhiều sáng tác (trong đó có những tác phẩm gây được sự chú ý của dư luận, tạo được hiệu ứng tích cực trong đời sống sáng tác và phê bình văn học) thời kỳ này vẫn thường xoay quanh những vấn đề hôn nhân và tình yêu, những xung đột giữa gia đình, công việc và “bổn phận” của người phụ nữ, sự bất toàn trong những cuộc hôn nhân cũng như khát vọng và niềm mong mỏi hạnh phúc của nhân vật nữ. Ở chặng đường văn học này (những năm cuối thập kỷ 80 và những năm đầu thập kỷ 90), việc hướng sự quan tâm đến những vấn đề kể trên đã là một dấu hiệu đáng ghi nhận trong việc thể hiện những vấn đề của đời sống; bởi sau chiến tranh, trở về với cuộc sống đời thường, vấn đề mà người phụ nữ quan tâm nhất ở thời điểm đó vẫn là những trạng thái đời sống với những vấn đề của hôn nhân và tình yêu, những xung đột và cách thức giải quyết xung đột của các cá nhân với gia đình và xã hội. Trong vài thập kỷ gần đây, cùng với sự thay đổi trong đời sống, sự tự ý thức về con người, vị thế cá nhân trong đời sống nói chung và của người nữ nói riêng; các vấn đề về tình dục và giới tính được thể hiện táo bạo và trực diện trong sáng tác của người viết nữ. Nhiều người sáng tác nữ dường như đã vượt thoát được những “định kiến” về chủ thể sáng tác trong việc lựa chọn đề tài và cách tiếp cận hiện thực. Dù không phải là đề tài được tập trung sáng tác nhưng sự trình hiện sáng tác về chiến tranh của các cây bút nữ đã cho thấy những không gian hiện thực qua đó có thể soi chiếu nhiều vấn đề của đời sống trong và sau chiến tranh. Sự đổi mới cách nhìn, quan niệm nghệ thuật, sự xuất hiện của những người viết gần đây trong không gian xã hội có nhiều biến đổi và từ những trải nghiệm đời sống, ý thức trong đời sống và nghệ thuật của chính họ đã cho thấy sự không giới hạn trong việc lựa chọn đề tài và không gian hiện thực của người viết nữ. Không gian sống và không gian trải nghiệm được mở rộng không hạn định. Họ sống và viết trong ý thức của công dân toàn cầu, viết như là sự tự thể hiện, sự bộc lộ những cảm quan sáng tạo trong bối cảnh của khả năng xê dịch và tự do thể hiện ý tưởng. Hôn nhân và gia đình không còn là không gian hiện thực chiếm ưu thế mà nhiều người viết nữ đã có sự mở rộng đề tài sáng tác, mạnh dạn thể hiện những thể nghiệm nghệ thuật. Trong những truyện ngắn về chiến tranh, nhiều sáng tác của các tác giả nữ đã đặt ra những vấn đề xã hội, thể hiện tiếng nói và ý thức công dân đồng thời cho thấy những cái nhìn nghệ thuật độc đáo của người viết nữ.
Trong văn học Việt Nam những thập niên gần đây có thể thấy chiến tranh vẫn xuất hiện trong dòng chảy của văn học đương đại nhưng không còn ở vị trí trung tâm mà là sự song hành với việc thể hiện những đề tài, những vấn đề mới đặt ra trong đời sống. Bên cạnh các sáng tác viết về chiến tranh theo lối viết và cách nhìn truyền thống đã xuất hiện những sáng tác thể hiện cái nhìn đa chiều về hiện thực trong và sau chiến tranh, đồng thời có những thể nghiệm trong lối viết. Sáng tác của các cây bút nữ sau 1975 cũng không nằm ngoài xu hướng đó và chiến tranh là một phạm vi hiện thực được biểu hiện với nhiều sắc thái độc đáo.
2. Cảm nghiệm về hiện thực
Vấn đề đặc trưng của sự phản ánh nghệ thuật đã được nói tới rằng: văn học là sự phản ánh đời sống, là sự khúc xạ những vấn đề của hiện thực qua lăng kính của chủ thể sáng tạo, cho dù ở thời điểm hiện tại, người viết có thể có những cách thức, bút pháp nghệ thuật chuyển tải hiện thực khác trước. Chính sự can dự vào đời sống và những đặc trưng về giới sẽ chi phối đến sáng tác của họ. Văn học hậu chiến từng ghi nhận nhiều sáng tác thành công khi viết về chiến tranh của các nhà văn nam giới. Mật độ sáng tác đề tài này cũng dày hơn và theo đó họ cũng dễ có nhiều tác phẩm thành công ở đề tài này. Người nữ, như đã nói, họ can dự vào cuộc chiến theo một cách thức khác. Với người sáng tác, họ lại thể hiện sự quan tâm và những sắc thái thẩm mĩ riêng. Chưa thấy nhiều những cây bút nữ viết về chiến tranh theo cách thức dàn dựng tác phẩm theo khung khổ của các trận đánh. Một phương diện cũng có thể được nói đến là cùng thể hiện mô típ người đàn bà vọng phu nhưng các nhà văn nam và các cây bút nữ có những cách khai thác mang những đặc điểm đặc thù. Đã có nhiều sáng tác của cây bút nữ thời kỳ hậu chiến viết về sự chia xa trong chiến tranh, do chiến tranh, nỗi đau của người mẹ mất con, niềm khát khao đợi chờ của những người phụ nữ khi có người thân ra chiến trận trong đó nhiều người đã vĩnh viễn không trở về. Từ góc nhìn giới có thể thấy những kinh nghiệm đời sống và vùng thẩm mĩ khác nhau sẽ quy định cách họ phản chiếu những vấn đề của đời sống và hiện thực trên trang viết. Người nữ thường quan sát và thể hiện đời sống từ nỗi đau thân phận, nỗi đau đàn bà. Những khắc khoải và sự bộc lộ khát khao bản năng mang sắc thái giới tính trong những thời khắc, hoàn cảnh chiến tranh dẫn tới là những sắc thái có thể dễ được người viết nữ đi sâu khai thác (Võ Thị Xuân Hà với Đàn sẻ ri bay ngang rừng, Võ Thị Hảo với Người sót lại của rừng cười, Dạ Ngân với Trên mái nhà người phụ nữ). Khi người viết nữ viết về chiến tranh; việc khắc họa thân phận người nữ và những vấn đề của đời sống trong chiến tranh đã mang đến một diện mạo đầy đủ hơn cho lịch sử văn học. Nhiều phương diện của chiến tranh được soi tỏ, nhiều trải nghiệm từ những góc khuất của tâm hồn người nữ được phơi trải[2].
Trong số các nhà văn nữ viết về chiến tranh, có những người trưởng thành hoặc bước ra từ cuộc chiến (Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Bích Ngân, Lý Lan...) và cũng có những cây bút trưởng thành trong thời bình (Trần Thanh Hà, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp...). Truyện ngắn viết về chiến tranh của các cây bút nữ như một cách thức tham dự vào đời sống văn học, thể hiện cái nhìn của người viết trước những vấn đề của chiến tranh và đời sống hậu chiến. Đồng thời cũng có những biểu hiện cho thấy sự khác biệt thế hệ trong cách nhìn về chiến tranh của các cây bút nữ (các cây bút trưởng thành trong chiến tranh, tham dự vào cuộc chiến tranh; các cây bút sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, chiến tranh từ cái nhìn của người viết nữ trẻ).
Sự tiếp nối với nhiều gương mặt và sắc thái đã cho thấy những góc nhìn khác nhau về chiến tranh trong sáng tác của các cây bút nữ. Khi viết về chiến tranh, một vấn đề được các nhà văn nữ chú ý khai thác là người lính trở về. Thông qua đề tài này, các cây bút nữ đã khám phá bi kịch, những chấn thương tinh thần của những người lính trong quá trình tái hòa nhập với cuộc sống đời thường. Truyện ngắn Một chuyến đi của Nguyễn Thị Thu Huệ tái hiện cuộc sống của những người thương binh trở về quê hương khi thân hình không còn nguyên vẹn, những ước hẹn năm xưa cũng không còn, chuyện tình duyên lỡ dở. Y Ban đã khắc họa đời sống cơ cực của một người lính sau khi rời quân ngũ qua truyện ngắn Bản lí lịch tự thuật. Sau chiến tranh, những bất công trong đời sống hậu chiến đã khiến Thông ngày càng trở nên lạc lõng giữa đồng nghiệp và những người sống quanh mình. Qua Đêm thảo nguyên, Lý Lan lại đề cập đến một vấn đề khác khi chiến tranh kết thúc: liệu thế hệ trẻ ngày nay có còn quan tâm, đau đáu đến quá khứ đau thương của cha ông mình? Gần đây, Nhiệt đới gió mùa - tác phẩm được lấy làm tên chung cho một tập truyện ngắn của Lê Minh Khuê cũng đã gây được những dư luận, đánh dấu sự trở lại với đề tài chiến tranh ở một góc nhìn mới. Ở Nhiệt đới gió mùa, chiến tranh và thù hận được nhìn nhận với những sự thật dữ dội và tàn khốc nhưng ẩn sâu bên trong là khát vọng hòa hợp. Chiến tranh được nhìn nhận từ góc nhìn của người mẹ, những vấn đề đặt ra với dân tộc, quốc gia khi đất nước bước vào thời kỳ hậu chiến được phóng chiếu từ góc độ của một gia đình với những mối quan hệ phức tạp đan cài.
Trong chiến tranh, nhiều nhà văn nữ đã trực tiếp vào chiến trường và có tác phẩm đồng hành với cuộc kháng chiến như Bích Thuận, Vũ Thị Thường, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Thị Như Trang, Dương Thị Xuân Quý, Lê Minh Khuê... Vượt lên trên những trở ngại của giới và bản thân, các nhà văn đã có những đóng góp cho nền văn xuôi chống Mĩ. Những trang viết của họ luôn hiện lên hình ảnh những cô gái giao liên chịu đựng gian khổ trong điều kiện khắc nghiệt để hoàn thành nhiệm vụ (Hoa rừng, Niềm vui thầm lặng - Dương Thị Minh Hương - bút danh của Dương Thị Xuân Quý), những cô gái giàu ý chí và nghị lực cùng với những chuyển biến trong tình cảm và lẽ sống (Sao mai, Ở thành phố bờ biển - Nguyễn Thị Như Trang), người phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà (Những người thân yêu - Nguyễn Thị Cẩm Thạnh), những người vợ, người mẹ ở hậu phương trong những ngày cả nước đánh Mĩ (trong tập truyện Người hậu phương của Nguyễn Thị Ngọc Tú)... Qua sáng tác của mình, các cây bút đã tạo dựng được những gương mặt nữ của lớp nhà văn chống Mĩ. Trong dòng mạch văn học viết về chiến tranh những thập niên gần đây của các cây bút nữ có thể kể đến các tác phẩm: Dạo đó thời chiến tranh, Mong manh như là tia nắng - Lê Minh Khuê, Có một đêm như thế - Phạm Thị Minh Thư, Trên mái nhà người phụ nữ - Dạ Ngân, Người sót lại của rừng cười - Võ Thị Hảo, Bản lí lịch tự thuật - Y Ban, Đàn sẻ ri bay ngang rừng - Võ Thị Xuân Hà, Khúc nhạc rừng dương - Trần Thùy Mai, Biệt đội thiên lý - Y Ban, Con ma, Đêm thảo nguyên - Lý Lan, Ơi đò ca cút, Gió của mùa sau - Trần Thanh Hà, Núi đợi - Bùi Thị Như Lan, Gió tháng chạp - Nguyệt Chu, Đỉnh khói, Giấc mơ đá vỡ - Nguyễn Thị Kim Hòa... Trong số những người viết trưởng thành sau chiến tranh, có những cây bút có những mối quan tâm sâu sắc với đề tài chiến tranh như Trần Thanh Hà. Trần Thanh Hà là cây bút thuộc thế hệ 7X, sinh ra vào những năm cuối của cuộc chiến tranh, lớn lên vào thời điểm giao thời giữa chiến tranh và hòa bình. Chị không tham dự vào cuộc chiến, không thực sự sống trong bối cảnh của thời binh lửa, những trải nghiệm về chiến tranh chỉ có thể được hình dung qua những người người sống quanh mình, qua ký ức của những chứng nhân, qua tri thức, tư liệu lịch sử. Điều khá đặc biệt là chị được sinh ra ở Vĩnh Linh - Quảng Trị[3], vùng đất từng oằn mình chống chọi với mưa bom bão đạn, vùng đất được biết đến là luôn phải chịu sự khắc nghiệt của thiên nhiên, của mưa bão và nắng gió. Chính điều kiện sinh sống mang tính đặc thù này sẽ góp phần làm nên những đặc tính của con người nơi đây, làm nên những sắc thái độc đáo trong sáng tác của cây bút nữ này. Trong số những truyện ngắn của Trần Thanh Hà, truyện ngắn viết về chiến tranh chiếm một số lượng lớn, nhiều sáng tác từng gây được sự chú ý của dư luận. Những sáng tác của chị không hướng tới thể hiện bối cảnh của những cuộc chiến ngoài mặt trận mà thường khắc họa những tình huống đời thường, những phương diện đời tư, cá nhân được chú ý khai thác. Không gian trong truyện ngắn của chị thường gắn liền với vùng đất Quảng Trị, cố đô Huế - không gian thân thuộc với chị - nơi cuộc chiến vừa đi qua và những dấu tích của chiến tranh vẫn còn hiện hữu. Trần Thanh Hà viết nhiều về các cuộc di tản: cảnh đoàn người tháo chạy lên chuyến tàu di tản trước thời khắc cuối cùng của cuộc chiến (Cố đô); cảnh ly tán, loạn lạc của những con người một thị xã nhỏ - cái thị xã nhỏ nằm nép mình e lệ bên bờ Thạch Hãn (Nơi heo may không thổi tới); những hình ảnh cho thấy những dấu tích của chiến vừa đi qua: một góc nhà thờ với nhiều vết tích của đạn hằn trên những vết chạm khắc tinh tế (Nhà thờ), không gian lạnh lẽo nơi Thành cổ - vùng đất vẫn còn nặng mùi tử khí nhiều năm sau chiến tranh (Thư gửi dòng sông). Truyện ngắn của Trần Thanh Hà thường ít chú ý xây dựng cốt truyện theo dòng sự kiện với lớp lang tình tiết và biến cố mà thường là những khoảnh khắc, những lát cắt được xoáy sâu gây ấn tượng với người đọc. Ở Miền cỏ hoang là hình ảnh chú Thao - người lính trở về, đứng trước bàn thờ mình. Nhân vật Thao trong Miền cỏ hoang từ chiến trường trở về quê hương với vết thương trên thân thể nhưng anh còn phải đối mặt với một thực tế cô độc trong chính ngôi nhà của mình khi người vợ tưởng chồng mình hy sinh ngoài mặt trận, đã đi bước nữa. Người lính lãng mạn, dũng cảm trên chiến trường năm nào đang phải đối mặt với những nghịch cảnh trái ngang của số phận. Có truyện ngắn là những đan xen, tự vấn của các nhân vật trong truyện. Các nhân vật được soi chiếu từ nhiều điểm nhìn khác nhau, cho thấy những góc khuất của số phận, những chiêm nghiệm về đời sống, những được mất của đời người. Ở Gió của mùa sau là tình huống người đàn ông cưới vợ được ba ngày thì vào chiến trận. Nhiều năm trời người vợ khép chặt lòng mình để đợi người đàn ông của mình trở về. Tác phẩm là lời tự bạch, tự vấn của các nhân vật trong truyện, những con người bị ảnh hưởng bởi di chấn của chiến tranh, cả những vết thương trên thân thể, những khiếm khuyết, tật nguyền và chấn thương trong tâm hồn. Cuộc sống không dễ dàng khi người lính trở về từ chiến trường với mảnh đạn găm qua phổi, phải đối mặt với nhiều tình huống trong cuộc sống và nhân vật không nguôi những cật vấn.
Sự khác biệt trong những truyện ngắn viết về chiến tranh của Lê Minh Khuê trước và sau chiến tranh nằm ở giọng điệu, cảm hứng sáng tác. Cảm hứng lãng mạn trong chiến tranh được thay bằng cảm hứng phân tích, xu hướng nhận thức lại hiện thực, quan tâm khai thác những thực trạng tinh thần, những biến đổi của đời sống xã hội sau chiến tranh. Sau Những ngôi sao xa xôi, Cao điểm mùa hạ, những truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975 của Lê Minh Khuê đã có thêm những sắc thái mới. Nằm trong âm hưởng của một giai đoạn văn học phát triển theo quán tính, Đoạn kết và các tập truyện ngắn tiếp theo của Lê Minh Khuê mang một âm hưởng khác, hiện thực được tiếp cận từ nhiều điểm nhìn. Viết ở giai đoạn giao thời của đời sống xã hội và đời sống văn học, các truyện ngắn trong Đoạn kết ghi dấu những bước chuyển - những biến đổi vừa như một tất yếu của đời sống, vừa cho thấy những trăn trở của chính nhà văn trước hiện thực mỗi ngày đang biến chuyển. Sau chiến tranh, những hào quang của chiến thắng rồi cũng qua đi, khi con người đối diện với cuộc sống mưu sinh, trên con đường tìm kiếm lẽ tồn tại ngoài những niềm vui, hạnh phúc cũng có không ít những nỗi buồn, những đắng cay. Hiện thực đã được tác giả nhìn ở cả những góc khuất lấp. Dạo đó thời chiến tranh là một thực tế đời sống buồn của những người lính bước ra từ chiến tranh. Cúc và Thắng đã từng có một quá khứ tươi đẹp, đầy mộng mơ cả trong những thời điểm khắc nghiệt nhất của cuộc chiến. Cứ tưởng tình yêu đã có trong chiến tranh sẽ là chất men trong cuộc sống vợ chồng nhưng thực tế lại không phải như vậy. Nếu như trong chiến tranh, Cúc và Thắng đã từng đến với nhau bằng tình yêu trong sáng thì giờ đây cuộc sống của họ là một bi kịch. Họ đang phải từng ngày đối mặt với miếng cơm manh áo. Gánh nặng áo cơm đè nặng lên cuộc sống gia đình, những đứa con lần lượt ra đời và tình yêu của họ trở nên mong manh. Mong manh như là tia nắng lại là những kí ức, ám ảnh không dứt về xúc cảm người nữ (nhân vật người mẹ trong truyện ngắn) vào những thời khắc trong chiến tranh, những xao động của cô gái trẻ khi đối diện với một người lính thuộc chiến tuyến bên kia - người đàn ông với khuôn mặt lạ lùng có “đôi mắt trong veo, vô tội, khuôn mặt đa cảm, không hề là khuôn mặt của chiến tranh” ngày ấy.
Có thể thấy, chỉ trong vòng ngót ba, bốn thập niên vừa qua, bên cạnh sự đông đảo về đội ngũ người viết (với những gương mặt như Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Trần Thùy Mai, Phan Thị Vàng Anh, Trần Thanh Hà, Nguyễn Thị Châu Giang, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Nguyễn Thị Kim Hòa…) các nhà văn nữ đã xác lập một cái nhìn thoát khỏi những chế định trước đó, cho thấy cách tiếp cận mới về những vấn đề của đời sống, trong đó có vấn đề chiến tranh: đời sống trong chiến tranh và đời sống hậu chiến.
3. Những vùng thẩm mĩ đặc trưng
Từ thế giới nghệ thuật được khắc họa, có thể thấy trong sáng tác của người viết nữ có những vùng thẩm mĩ đặc trưng. Nhìn từ thực tiễn sáng tác văn học của người sáng tác nữ, đây cũng là một đặc điểm có sự gặp gỡ: ở việc lựa chọn, dồn bút lực cho nhân vật nữ trong sáng tác của mình. Khi viết về kiểu loại nhân vật bản thân có nhiều lợi thế thì người viết sẽ phát huy được những khả năng sáng tạo và theo đó dễ có được những thành công nghệ thuật. Ở những sáng tác về chiến tranh cũng vậy. Trong các sáng tác, nhân vật nữ vẫn luôn là nhân vật được hướng tới, được chú ý khắc họa, được đi sâu khám phá và biểu hiện. Có thể nhận thấy sự chi phối của cảm quan sáng tác đến việc lựa chọn nhân vật trong tác phẩm. Đồng thời cũng lại là một thực tế được thừa nhận: “Tác phẩm của các nhà văn nữ viết về chiến tranh tất nhiên cũng có những đặc điểm khác với tác phẩm của một nhà văn nam giới. Lẽ dĩ nhiên là nó ít tiếng súng ùng oàng hơn, ít đi vào những vấn đề có tính trọng đại, to tát (!). Các chị thường chú trong khai thác “giới tính” của mình, đi vào khai thác những mảnh đời thầm lặng, những số phận cá biệt, những đau thương mất mát người phụ nữ phải gánh chịu trong chiến tranh. Cảm quan tinh tế, bén nhạy của người phụ nữ giúp họ viết “thật” về giới mình hơn”[4].
Khi hòa bình lập lại, những sáng tác về chiến tranh của các cây bút nữ vẫn hướng sự quan tâm đến người phụ nữ. Trong Điều ấy bây giờ con mới hiểu ra, Y Ban đã đào sâu vào tâm trạng, nỗi khắc khoải đợi chờ, nỗi khát khao hạnh phúc của người phụ nữ trong và sau chiến tranh. Phải đến tận nhiều năm sau, khi đã thành người lớn, đứa con mới hiểu được sự khờ khạo của đứa trẻ là mình ngày ấy: chiến tranh không có ngoại lệ và bố cô vĩnh viễn ra đi sau lần gặp mẹ không thành để mẹ ở lại với một niềm khao khát thiếu phụ dở dang. Trong truyện ngắn Con ma - Lý Lan, nỗi đau của một góa phụ được cảm nhận đến tận cùng từ nhân vật đứa con là người gần gũi và thân thuộc nhất với người mẹ. Người sót lại của rừng cười của Võ Thị Hảo đã lột tả quãng đời đầy ám ảnh của những người lính nữ trong đời thường sau những năm tháng sống, chiến đấu ở núi rừng.
Trong những sáng tác về chiến tranh ở thời điểm trong và sau chiến tranh chống Mĩ của Lê Minh Khuê luôn hiện diện những gương mặt phụ nữ. Việc tham dự vào chiến tranh trong vai trò là một nữ thanh niên xung phong, một nhà báo chiến trường đã chi phối đến cách nhìn, sự lựa chọn nhân vật và lối viết của tác giả. Phần lớn các nhân vật chính trong truyện ngắn viết về chiến tranh (cả trong và sau chiến tranh) của Lê Minh Khuê đều là nhân vật nữ. Đó có thể là những cô gái ở độ tuổi 16, 17 tràn đầy nhiệt huyết khát khao vào chiến trường, tham gia vào những cung đường chiến dịch; cô gái phá bom nổ chậm (Sim) còn ở tuổi ham chơi, ham ngủ, thích khám phá những điều thú vị trong rừng với người bạn là con sáo nhỏ (Con sáo nhỏ của tôi); những cô y tá trẻ vào tuyến đường mang theo màu áo sinh viên, hơi hướng giảng đường; là nữ họa sĩ - người đã vẽ và cảm nhận đời sống bằng những bức tranh đầy nhiệt huyết, ghi lại những hy sinh tổn thất, khắc họa những hình ảnh ám ảnh một bà cụ bị bom giết chết, đứa bé ba tháng bị ném lên một đống cát (Nơi bắt đầu của những bức tranh). Trong các truyện ngắn viết về chiến tranh trong và sau chiến tranh, nhân vật chính thường là nữ: các cô gái thanh niên xung phong, những cô gái mở đường, y tá, bác sĩ, nữ họa sĩ, nữ phóng viên chiến trường... Viết về chiến tranh sau chiến tranh, nhà văn không né tránh những mất mát đau thương, những tổn thất, nhất là những nỗi đau mà những người mẹ, người vợ trong gia đình phải chịu đựng.
Nhìn đời sống, những vấn đề của chiến tranh từ nỗi đau thân phận là cách tiếp cận của Trần Thanh Hà trong những truyện ngắn viết về chiến tranh. Trần Thanh Hà thường gửi gắm, lồng ghép qua cái nhìn của thế giới nhân vật trong truyện như nhân vật Nam (Gió của mùa sau) trong hình dung của một người bạn: “Bên má phải nó là một vết sẹo dài, con mắt phía đó không còn, cả bàn tay, và một mảnh đạn còn đâu đó trong não, đày đọa nó suốt đời. Nổi bật trong thế giới nghệ thuật của chị là những nhân vật phụ nữ chịu những nghịch cảnh, những ngang trái của đời người do chiến tranh: “Chị tôi ba mươi sáu. Ngần ấy năm trời, dẫu đã cầm trên tay giấy báo tử, đã tận mắt nhìn thấy tro xương người ấy từ mặt trận trở về, chị vẫn còn đợi, vẫn còn chung thủy”..., “Ngày chị 19 tuổi, người yêu của chị, sắp thành bác sĩ cầm lệnh gọi nhập ngũ. Nhiều năm đợi chờ, khi biết tin dữ, chị lánh xa mọi người, giữ lại cho mình nụ cười buồn và đêm đêm cặm cụi ngồi viết. Mười năm, chị kịp làm một người nổi tiếng nhưng lại không kịp làm đàn bà (Chị tôi). Cảm thức đàn bà vẫn thường hiện hữu trong nhiều truyện ngắn của Trần Thanh Hà. Ở nhiều truyện ngắn, những xúc cảm bản năng của nhân vật trong những tình huống cận kề được khắc họa; chẳng hạn như chi tiết nhân vật Tân (Thư gửi dòng sông) - người lính trong một tình huống cận kề cái chết khao khát được một lần cảm nhận mùi vị của sữa mẹ. Cả đại đội hôm đó chỉ mình anh sống sót nhờ vào những giọt sữa của chị Hiền - người chỉ mới hai hôm trước đứa con sáu tháng bị bom vùi chết! Ở Người đàn bà trong mưa là những khát khao được làm vợ, làm mẹ của một một người phụ nữ đã bị mất đi những cơ hội để có được hạnh phúc do chiến tranh - những người đàn ông trong cuộc đời mình một đi không trở lại. Trần Thanh Hà đã để cho một nhân vật trong truyện bộc lộ những nỗi niềm mà hơn ai hết chỉ những người phụ nữ mới có thể nhận thấy một cách sâu sắc: “chị không hề có cái hạnh phúc bình thường bao nhiêu người vẫn có, không hề có một vùng ngực đàn ông rắn chắc để có thể úp khuôn mặt đầm đìa hạnh phúc vào đó, để có thể san sẻ chút vui buồn; chị không hề có một sức mạnh nào che chở để cảm thấy mình yếu đuối đi, mềm mại đi”[5]. Đó còn là sự tàn phá sắc đẹp và hình hài của phụ nữ do những cảnh huống từ chiến tranh: ‘‘Xuân sắc con gái Trường Sơn chẳng giữ được lâu, chỉ vài ba tháng thứ nước da nuột nà mịn tăm, thứ tóc đen mượt biến đâu mất, chỉ còn tái xám dư âm sốt rét rừng” (Người đàn bà trong mưa). Những hình ảnh được tái hiện như cái chết của Linh trong trạng thái thân thể trần truồng bởi loạt pháo giữa trưa ngoài con suối cạn thực sự ám ảnh (Người đàn bà trong mưa). Cái chết của Linh đã là một sự thức tỉnh, để rồi những cô gái ở Trường Sơn không còn dằn lòng được nữa khi cảm xúc thanh tân trỗi dậy. Viết về những trạng thái đời sống, những xúc cảm đàn bà trong chiến tranh, hơn nữa là của những cô gái ở Trường Sơn trong chiến tranh như cách Trần Thanh Hà đã cho thấy những cách tiếp cận trực diện và ám ảnh dù không viết về chiến tranh theo lối “tả trận” như cách nhiều nhà văn nam từng làm. Dường như chỉ ở những cây bút nữ mới có thể khắc họa những chi tiết cho thấy những sắc thái giới tính của chủ thể sáng tạo như cách thể hiện của Trần Thanh Hà. Trong nhiều truyện ngắn của mình, Trần Thanh Hà đã bộc lộ một cái nhìn sắc cạnh, một lối viết bạo liệt nhưng cũng cho thấy những góc nhìn của người nữ khi sáng tác.
Trong những khắc họa về chiến tranh, các nhà văn nữ dành nhiều sự chú ý đến những biểu hiện bản thể giới tính của người nữ. Trong các sáng tác của mình, Lê Minh Khuê luôn chú trọng miêu tả mái tóc của người phụ nữ với những hành vi gìn giữ và chăm sóc. Trong truyện ngắn Anh kĩ sư dạo trước, Lê Minh Khuê đã chú ý đến hình ảnh và niềm mong ước giản dị của các cô gái tuổi đương thì trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh: “...những lúc đó muốn tắm một cái bằng nước lá hương nhu. Muốn gội cái đầu đầy những đất mà mồ hôi đang bết lại như chui vào rừng quả ké (...) tóc xõa mảnh dẻ sau lưng, đội cái nón mỏng, quai xanh nhạt...”[6]. Trong truyện ngắn Người sót lại của rừng cười, một khía cạnh của đời sống bản năng nữ được Võ Thị Hảo chú ý khai thác là nỗi cô đơn, khát khao đàn ông đặc quánh của những cô gái ở rừng cười, điều mà có lẽ chỉ trong không khí đổi mới của đời sống văn học hiện đại mới được nhiều người viết chú ý khai thác. Trong Trên mái nhà người phụ nữ, Dạ Ngân đã rất tinh tế khi khắc họa một chi tiết thể hiện những xúc cảm và trạng thái tâm lí rất đàn bà của Hai Mật. Khi con gái nuôi đến tuổi cập kê, chị cảm nhận được nỗi phấp phỏng của con gái đồng thời cũng không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến nỗi sợ thời gian và nhất là trước thực tế “chị thì vẫn trinh nguyên mà con gái chị sắp không còn con gái nữa. Nếu là người dứt ruột đẻ ra nó chắc hẳn chị đã vui mừng và lo âu trước sự bắt gặp này. Ngược lại trái tim son rỗi của chị bỗng dưng đập những nhịp đập đồng cảm bạn bè với cô con gái”[7].
Viết về chiến tranh, các cây bút nữ đã bộc lộ cảm quan về hiện thực, đồng thời trong nhiều trường hợp đã cho thấy những trải nghiệm giới tính. Sáng tác của nhà văn nữ, ở những mức độ khác nhau đã cho thấy sự khắc nghiệt của chiến tranh, những nỗi niềm và khát vọng của người nữ trong và sau cuộc chiến. Với việc có nhiều sáng tác về chiến tranh, các sáng tác thể hiện được tiếng nói của chủ thể sáng tạo chạm đến những nỗi đau thăm thẳm của giới đàn bà, thể hiện được cái nhìn về chiến tranh ở việc tái hiện những bi kịch và khát vọng không thành qua hình tượng nhân vật nữ. Từ những sáng tác của mình, các cây bút nữ đã góp thêm những góc nhìn về chiến tranh và xác lập tiếng nói trên văn đàn. Từ những chủ đề đặc trưng, các cây bút nữ đã bộc lộ những cách nhìn cho thấy đặc điểm giới tính. Không chú trọng vào việc tái hiện các trận chiến với sự huy động hệ thống kiến thức quân sự, các cây bút nữ đã lựa chọn điểm nhìn về chiến tranh ở phương diện đời sống tinh thần, thông qua cuộc đời, số phận của những người phụ nữ từng tham chiến, những dư chấn của chiến tranh trong quá khứ và hiện tại qua nỗi đau thân phận và cảm nhận của người nữ. Bằng sự nhạy cảm giới tính, các cây bút nữ đã cho thấy một điểm chung là thiên về khắc họa nỗi đau thân phận đàn bà trong và sau chiến tranh với cái nhìn khắc khoải và trắc ẩn. Truyện ngắn của người viết nữ đã có thấy một màu sắc riêng, bởi lẽ: “Cuộc chiến tranh nữ có những màu sắc riêng của nó, những mùi riêng của nó, nguồn chiếu sáng riêng và không gian cảm xúc riêng của nó”[8].
Nằm trong quỹ đạo của đời sống văn học sau 1975, cùng với sự thay đổi trong cách nhìn và cách tiếp cận, xử lý chất liệu hiện thực, văn học viết về chiến tranh đã có những thay đổi đáng chú ý. Nhìn lại sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam gần đây từ góc độ thể loại có thể thấy các sáng tác về đề tài chiến tranh đa phần là truyện ngắn, và truyện ngắn viết về chiến tranh cũng chưa chiếm một số lượng lớn trong gia tài sáng tác của họ. Những biểu hiện của việc lựa chọn đề tài này cũng phần nào phản ánh đặc tính của cảm hứng sáng tạo, hướng quan tâm trong đời sống và nghệ thuật của người sáng tác. Với các cây bút nữ, viết về chiến tranh, một mặt đã bộc lộ những đặc điểm của văn học thời kỳ hậu chiến, mặt khác đã cho thấy những sắc thái riêng biệt của chủ thể sáng tạo. Chiến tranh chưa phải là khu vực được quan tâm nhiều nhất với các cây bút nữ nhưng ở khu vực văn học đặc thù này, các cây bút đã trình hiện một trường nhìn và lối viết mang những sắc thái riêng. Việc các cây bút nữ tham dự vào đời sống văn học, lựa chọn và mở rộng đề tài sáng tác đã cho thấy những chuyển biến trong tư duy nghệ thuật của người sáng tác nữ. Sự mở rộng phạm trù thẩm mĩ, khai thác những vấn đề trước đây ít được quan tâm đã cho thấy những chuyển biến trong cảm thức và lối viết.
Trong Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, tác phẩm đoạt giải Nobel văn học năm 2015, nữ tác giả Svetlana Alexievich đã bộc lộ mong muốn được viết một cuốn sách về chiến tranh vì theo bà “tất cả những gì chúng ta biết về chiến tranh là do những người đàn ông kể cho chúng ta. Chúng ta là tù binh của những hình ảnh “đàn ông” và những xúc cảm “đàn ông”[9] và bởi vì “cuộc chiến tranh “nữ” có những màu sắc riêng của nó, những mùi riêng của nó, nguồn chiếu sáng riêng và không gian cảm xúc riêng của nó”[10]. Đọc nhiều truyện ngắn của các cây bút nữ viết về chiến tranh gần đây, không phải trong sáng tác nào cũng có thể trừu xuất được những dấu ấn giới tính trong sáng tạo nghệ thuật, và dù rằng đề tài chưa phải là phương diện đảm bảo cho sự thành công của tác phẩm, đề tài cũng chưa phải là phương diện đáng quan tâm nhất của cả người viết và người đọc, nhưng rõ ràng qua việc lựa chọn đề tài và xử lí chất liệu hiện thực trong nhiều trường hợp đã cho thấy sự chi phối của đời sống vào việc lựa chọn vấn đề chuyển tải trong tác phẩm cũng như một số phương diện của lối viết từ góc nhìn giới.
L.T.H.T
-------------------------------
[1] Trong những thập niên gần đây, bên cạnh những cây bút nam như Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Ngọc Tiến, Sương Nguyệt Minh, các cây bút nữ Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Lý Lan, Trần Thanh Hà... đã có nhiều sáng tác viết về chiến tranh.
[2] Lê Thị Hường nhận thấy: “Với cái nhìn hướng nội, truyện ngắn nữ quan tâm nhiều điều ẩn mật của tâm hồn, kể cả khi khai thác những mảng hiện thực vốn được xem là dành cho nam giới. Với sự tham gia của phái nữ, truyện ngắn viết về chiến tranh đã bước vào một quỹ đạo mới. Các phạm trù thẩm mỹ được mở rộng. Cái bi không còn phải dè dặt né tránh (Nhiệt đới gió mùa, Người sót lại của rừng cười), cái hài được mở rộng (truyện ngắn Bích Ngân), cái huyền ảo gia tăng (Đàn sẻ ri bay ngang rừng). Chiến tranh liên quan trực tiếp đến đời sống riêng tư của từng cá thể - có yêu thương, hạnh phúc, bất hạnh, có tận cùng đam mê tận cùng đau khổ, có dục vọng bản năng. Chiến tranh và thiên tính nữ, chiến tranh và nhân bản - đó là cốt lõi trong tư tưởng thẩm mĩ của các nhà văn nữ”. Lê Thị Hường. Ba mươi năm truyện ngắn nữ trong xu thế hội nhập. Https://www.khoanguvandhsphue.org/chi_tiet_hoat_dong.aspx?ID=6169&nc=2&w=BA_MUOI_NAM_TRUYEN_NGAN_NU_TRONG_XU_THE_HOI_NHAP.html
[3] Trong một chia sẻ, Trần Thanh Hà bộc lộ: “Nhiều người bảo rằng tôi viết dữ dằn quá. Tôi nghĩ cuộc đời đâu phải chỉ là bài thơ ngọt ngào, đằng sau nó là một hiện thực dữ dội, huống chi nơi sinh ra tôi vốn đã cực bạo liệt”. Xem: Trần Thanh Hà, “Với tôi, viết là một điều bất ngờ”, in trong Ơi đò ca cút, tập truyện ngắn, Nxb Trẻ, 1997, tr.6.
[4] Vũ Thị Hồng, Gặp gỡ một số nhà văn nữ, tạp chí Tác phẩm mới, 10/1991.
[5] Trần Thanh Hà (1999), Người đàn bà trong mưa, in trong Gió của mùa sau, tập truyện ngắn, Nxb, Thanh niên, tr.54.
[6] Lê Minh Khuê (2003), Anh kĩ sư dạo trước, in trong Những dòng sông buổi chiều cơn mưa, Nxb Phụ nữ, tr.281.
[7] Dạ Ngân (2017), Trên mái nhà người phụ nữ, in trong Tuyển truyện ngắn đoạt giải cao 30 năm đổi mới 1986 - 2016, Nxb Trẻ, tr.8.
[8] Svetlana Alexievich, Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, Nguyên Ngọc dịch, Nxb Hà Nội, 2018, tr.9.
[9] Svetlana Alexievich, Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, sđd, tr.8.
[10] Svetlana Alexievich, Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, sđd, tr.9.
VNQD