Tiểu thuyết "Ván bài lật ngửa" của Nguyễn Trương Thiên Lý: Từ văn học ngoại biên đến văn học trung tâm

Thứ Ba, 06/05/2025 00:06

. HÀ THANH VÂN

 

1. Trần Bạch Đằng và bộ trường thiên tiểu thuyết Ván bài lật ngửa

Trần Bạch Đằng, tên thật là Trương Gia Triều, sinh ngày 15 tháng 7 năm 1926 tại xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang, Việt Nam). Ông là cháu nội của nhà chí sĩ yêu nước Trương Gia Mô, một nhân vật có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng yêu nước của ông từ nhỏ. Trần Bạch Đằng được nuôi dưỡng trong một gia đình có truyền thống giáo dục và lòng yêu nước sâu sắc, điều này đã định hình con đường học vấn và sự nghiệp cách mạng cũng như văn chương sau này của ông.

Trần Bạch Đằng tốt nghiệp tiểu học loại ưu và đỗ đầu kỳ thi khóa đầu tiên của Trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký (nay là Trường THPT Lê Hồng Phong, TP.HCM). Năm 1943, khi mới 17 tuổi, Trần Bạch Đằng tham gia phong trào cách mạng, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời ông. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam và từ đó đảm nhận nhiều vai trò quan trọng. Năm 1946, ông đã được giao phụ trách tờ báo Chống xâm lăng của Thành ủy Sài Gòn, Năm 1951, ông giữ chức vụ Tổng biên tập Báo Nhân dân miền Nam của Trung ương Cục. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông lần lượt đảm nhận qua nhiều cương vị quan trọng như Bí thư Thành ủy Sài Gòn, lãnh đạo các hoạt động cách mạng tại đô thị lớn nhất miền Nam, đóng vai trò quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ông còn là người phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương Cục và là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Sau năm 1975, ông giữ vai trò là Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, một vị trí then chốt trong công tác vận động quần chúng. Sau khi nghỉ hưu, Trần Bạch Đằng vẫn hoạt động sôi nổi, ông làm công tác tư tưởng văn hóa, viết báo, nghiên cứu khoa học xã hội, tư vấn Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam một số vấn đề về chiến lược tư tưởng, kinh tế xã hội.

Ngoài sự nghiệp chính trị, Trần Bạch Đằng còn là một nhà văn, nhà báo và là nhà nghiên cứu nổi tiếng. Ông trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1976 và sử dụng nhiều bút danh trong sáng tác như Nguyễn Hiểu Trường, Hưởng Triều, Trần Quang…, trong đó Nguyễn Trương Thiên Lý là bút danh gắn liền với tiểu thuyết Ván bài lật ngửa. Ông qua đời ngày 16 tháng 4 năm 2007, để lại một di sản lớn trong cả lĩnh vực chính trị và văn học. Trần Bạch Đằng viết nhiều thể loại: thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, kịch bản phim, kịch bản sân khấu, văn chính luận...

Trong lĩnh vực văn xuôi, Trần Bạch Đằng để lại hai bộ tiểu thuyết, đó là Chân dung một quản đốc, Nxb Văn nghệ TP.HCM, 1983 và Ván bài lật ngửa gồm 6 tập, Nxb Tổng hợp Hậu Giang, in lần đầu năm 1987. Trong đó Ván bài lật ngửa là một trong những tiểu thuyết tình báo - chính trị đặc sắc nhất của Việt Nam. Tác phẩm sau này được chuyển thể thành bộ phim cùng tên rất nổi tiếng, gây tiếng vang lớn và ghi dấu trong lòng khán giả.

Tiểu thuyết ban đầu có tên Giữa biển giáo rừng gươm, được đăng dài kỳ trên báo. Sau đó, khi chuyển thể thành kịch bản phim do đạo diễn Lê Hoàng Hoa (Khôi Nguyên) thực hiện, tác phẩm được đổi tên thành Ván bài lật ngửa. Bộ phim ra mắt từ năm 1982 đến 1988, đạt thành công vang dội, khiến nhà văn quyết định dùng tên này khi xuất bản sách vào năm 1987.

Tác phẩm lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam từ sau năm 1945 đến giữa những năm 1960, khi cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng ác liệt. Nhân vật chính, Nguyễn Thành Luân vốn là người tài giỏi, học vấn cao, có tư tưởng yêu nước. Anh bị lôi kéo vào bộ máy chính quyền Sài Gòn nhưng thực chất là một tình báo viên hoạt động cho cách mạng. Trong suốt tiểu thuyết, Nguyễn Thành Luân phải đối mặt với những cuộc đấu trí căng thẳng với các thế lực trong chính quyền Sài Gòn, CIA, các thế lực khác và cả những kẻ phản bội. Nhân vật này được xây dựng dựa trên nguyên mẫu của một số chiến sĩ tình báo xuất sắc trong lịch sử cách mạng Việt Nam, trong đó chủ yếu dựa trên hình mẫu của đại tá Phạm Ngọc Thảo, một nhà tình báo nổi tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tiểu thuyết Ván bài lật ngửa góp phần tái hiện một giai đoạn lịch sử đầy biến động, giúp thế hệ sau hiểu hơn về cuộc đấu tranh cách mạng thời kỳ đó. "Ván bài lật ngửa" không chỉ là một tiểu thuyết tình báo - chính trị mà còn là một bản anh hùng ca về những con người kiên trung trong cuộc chiến giành độc lập. Nhân vật Nguyễn Thành Luân, với trí tuệ và lòng yêu nước, trở thành hình mẫu điển hình cho những người chiến sĩ hoạt động trong lòng địch. Tác phẩm xứng đáng là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và góp phần đưa thể loại tiểu thuyết tình báo, trinh thám, phản gián… từ vai trò của một thể loại trong văn học ngoại biên chuyển đổi thành văn học trung tâm trong nền văn học Việt Nam hiện đại.

2. Tiểu thuyết Ván bài lật ngửa và quá trình chuyển di từ “văn học ngoại biên” đến “văn học trung tâm”

2.1. Khái niệm về “văn học ngoại biên” và “văn học trung tâm”

Văn học trung tâm và văn học ngoại biên là hai khái niệm thường được sử dụng trong nghiên cứu văn học để phân biệt giữa các dòng văn học có vị trí thống trị, chủ lưu và những dòng văn học bị xem là ngoài lề trong một không gian văn hóa nhất định. Kèm theo đó là những khái niệm như điển phạm và phi điển phạm, truyền thống và lịch sử văn học, v.v... Khái niệm trung tâm/ngoại biên khởi đi từ những quan điểm lý luận của trường phái hình thức Nga (Russian Formalism), phê bình Mới Anh - Mỹ (the New Criticism), các nhà hậu cấu trúc luận (Post-structuralism) như Jacques Derrida, Michel Foucault… ở Pháp, hay lý thuyết đa hệ (Polysystem theory) do nhà lý luận phê bình người Israel Itamar Even-Zohar đề xuất.

Văn học trung tâm là dòng văn học chiếm vị trí chính yếu trong hệ thống văn hóa của một quốc gia, khu vực hoặc thời đại. Nó thường được sáng tác bằng ngôn ngữ phổ biến của cộng đồng, phản ánh tư tưởng chính thống và có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Nó phản ánh tư tưởng, triết lý, ý thức hệ của giai cấp chính, giai cấp cầm quyền và thường được viết bằng ngôn ngữ chính của quốc gia hoặc khu vực. Văn học trung tâm có hệ thống giáo dục và phê bình nâng đỡ, được đưa vào sách giáo khoa, nghiên cứu trong các học viện và trường đại học, được phổ biến và tiếp nhận rộng rãi trong cộng đồng. Do vậy, văn học trung tâm thể hiện bản sắc dân tộc và tính quy phạm cao, có sự định hướng bởi nhà nước, văn hóa truyền thống hoặc tôn giáo. Nói một cách cụ thể, dòng văn học kháng chiến chống Mỹ với những tên tuổi nổi bật như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Phạm Tiến Duật… hay sau này như Bảo Ninh, Khuất Quang Thụy, Chu Lai… được xem là văn học trung tâm. Đi xa hơn, nhìn sang phương Tây, các tác phẩm của Shakespeare, Victor Hugo, Goethe… thuộc văn học trung tâm. Ở phương Đông thì Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha… là văn học trung tâm.

Ở một hướng ngược lại, văn học ngoại biên là dòng văn học không nằm trong trung tâm văn hóa, chính trị của một xã hội. Nó có thể bị xem là ngoài lề hoặc đối lập với văn học trung tâm vì các lý do lịch sử, chính trị, ngôn ngữ, đề tài hoặc xã hội. Văn học ngoại biên thường xuất phát từ các cộng đồng thiểu số, nhóm bị áp bức hoặc tầng lớp ngoài lề. Văn học ngoại biên thường đặt ra những vấn đề mà văn học trung tâm bỏ qua, như quyền lợi của các nhóm yếu thế, xung đột văn hóa, vấn đề di dân, bất công xã hội, những đề tài mang tính giải trí.... Theo quan điểm truyền thống, thì những tác phẩm thuộc đề tài phiêu lưu, trinh thám, khoa học viễn tưởng, võ hiệp… đều là văn học ngoại biên, hay còn gọi bằng thuật ngữ “cận văn học”. Truyện cổ, truyền thuyết, thần thoại của các dân tộc thiểu số, các tác phẩm của những nhà văn bị trục xuất khỏi quê hương hoặc sống xa xứ, lưu vong, các tác phẩm của nhóm người bị gạt ra khỏi dòng chính thống, như văn học của người da đen, nữ quyền, đồng tính… các tác phẩm phá vỡ quy chuẩn về hình thức và nội dung, mang tính thử nghiệm đều xếp vào dòng văn học ngoại biên.

Văn học ngoại biên có thể dần dần được công nhận và trở thành văn học trung tâm, chẳng hạn văn học nữ quyền ngày nay được thừa nhận giá trị, phổ biến và giảng dạy rộng rãi. Văn học trung tâm cũng có thể bị thay thế hoặc biến đổi khi bối cảnh xã hội thay đổi. Hai dòng văn học này không tách biệt hoàn toàn mà có sự giao thoa, bổ sung cho nhau. Trong công trình Hiện tượng văn học xuất bản năm 1924, nhà hình thức chủ nghĩa Nga Iu.N. Tynjanov cho rằng: “Vào thời kì một thể loại nào đó bị tan rã, nó chuyển dịch từ trung tâm ra ngoại biên, thay thế vị trí của nó là những cái không đáng kể của văn học, từ các sân sau, dưới đáy của văn học, hiện tượng mới ngoi lên và tiến vào trung tâm” (1). Iu.N. Tynjanov cũng khẳng định sự tương tự sẽ xảy ra đối với các trào lưu, trường phái, khuynh hướng… văn học. Tiếp theo, trong tiểu luận Về sự tiến triển của văn chương xuất bản năm 1927, Iu.N. Tynjanov đưa ra quan điểm rằng: “Mỗi tác phẩm văn học là một hệ thống, cũng như bản thân văn học là một hệ thống... Theo cách thức này, vấn đề vai trò của các hệ thống lân cận trong sự tiến triển của văn học phải được thừa nhận thay vì bị gạt bỏ” (2).

Văn học trung tâm và văn học ngoại biên đều phản ánh sự đa dạng và phong phú của văn học trong một nền văn hóa. Trong khi văn học trung tâm mang tính chính thống và đại diện cho giá trị được thừa nhận, văn học ngoại biên giúp mở rộng biên giới của tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh những tiếng nói khác trong xã hội.

2.2. Đi từ văn học ngoại biên đến trung tâm, tiểu thuyết “Ván bài lật ngửa” thể hiện con người và tinh thần của thời đại chống Mỹ

Trong nhiều giai đoạn lịch sử, thể loại tiểu thuyết trinh thám, tình báo hay phiêu lưu mạo hiểm không được quan tâm nhiều ở Việt Nam, dù có thể rất thu hút công chúng. Nguyên nhân sâu xa có lẽ từ quan niệm đề cao văn học chính thống, văn học trung tâm cùng với hoàn cảnh lịch sử, xã hội của một đất nước mà hầu hết thế kỷ 20 phải trải qua chiến tranh và giải quyết những vấn đề của hậu chiến. Nhưng “Ván bài lật ngửa” là một tiểu thuyết khá đặc biệt. Vốn liếng, kinh nghiệm chính trị và tài năng văn chương đã khiến cho Nguyễn Trương Thiên Lý viết một tác phẩm đi giữa ranh giới của nhiều thể loại tiểu thuyết và giúp cho Ván bài lật ngửa bước vào địa hạt của văn học trung tâm. Ván bài lật ngửa kể về Nguyễn Thành Luân, một chiến sĩ tình báo của miền Bắc, hoạt động dưới vỏ bọc là một sĩ quan cao cấp trong chính quyền Sài Gòn. Tác phẩm lấy bối cảnh thời kỳ chính quyền Sài Gòn thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, tồn tại dưới sự can thiệp của Mỹ. Nhân vật Nguyễn Thành Luân giúp người đọc hiểu hơn về sự phức tạp, phân rẽ trong bộ máy chính quyền Sài Gòn và cuộc đấu tranh gián điệp căng thẳng giữa nhiều phe. Nhiệm vụ của Nguyễn Thành Luân là thu thập thông tin tình báo, gây ảnh hưởng đến các quyết định chính trị, và hỗ trợ cách mạng từ bên trong. Câu chuyện khắc họa những nguy hiểm mà Nguyễn Thành Luân phải đối mặt khi sống hai cuộc đời song song: một bên là sĩ quan trung thành với chính quyền miền Nam, bên kia là điệp viên tận tụy của cách mạng. Tiểu thuyết Ván bài lật ngửa không chỉ là hành trình đấu trí mà còn là bức tranh về lòng trung thành, sự hy sinh, và những giằng xé nội tâm của nhân vật.

Nhân vật Nguyễn Thành Luân trong tiểu thuyết Ván bài lật ngửa được xây dựng như một hình tượng chiến sĩ tình báo xuất sắc, là đại diện tiêu biểu cho những chiến sĩ tình báo cách mạng hoạt động trong lòng địch, những người không cầm súng trực tiếp chiến đấu, nhưng góp phần quan trọng vào chiến thắng của cách mạng Việt Nam. Hơn nữa, Nguyễn Thành Luân không chỉ là một người hoạt động cách mạng mà còn là một trí thức, thể hiện tinh thần yêu nước của tầng lớp trí thức miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đây cũng là nhân vật phản ánh thực tế lịch sử của thời đại.

Được xây dựng theo kiểu “nhân vật chính diện”, Nguyễn Thành Luân là một người có tư duy nhạy bén, phân tích tình huống nhanh và có khả năng đưa ra quyết định chính xác. Anh thông thạo nhiều lĩnh vực, từ chính trị, quân sự đến ngoại giao, giúp anh có thể tồn tại và thăng tiến trong bộ máy chính quyền Sài Gòn mà không bị bại lộ thân phận. Khả năng ứng biến linh hoạt trong các tình huống nguy hiểm giúp Nguyễn Thành Luân vượt qua nhiều âm mưu ám sát, truy đuổi từ cả CIA lẫn các phe phái trong chính quyền Sài Gòn. Dù sống và hoạt động trong lòng địch, Nguyễn Thành Luân luôn trung thành tuyệt đối với cách mạng. Anh sẵn sàng hy sinh bản thân mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Không bị cám dỗ bởi quyền lực, vật chất hay danh vọng, Nguyễn Thành Luân kiên trì với lý tưởng của mình, dù phải đối mặt với những tình huống căng thẳng, hiểm nguy. Những quyết định của Nguyễn Luân luôn hướng đến lợi ích chung, góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Phẩm chất của một điệp viên cũng được nhân vật Nguyễn Thành Luân thể hiện hoàn hảo. Là một người có tư duy chiến lược, khả năng phán đoán nhanh nhạy, trong các nhiệm vụ, Nguyễn Thành Luân luôn giữ được sự điềm tĩnh, ngay cả khi đối mặt với hiểm nguy cận kề. Anh có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt, không để lộ sơ hở dù bị tra hỏi, theo dõi hay đặt vào tình huống nguy hiểm. Sự kín kẽ và cẩn trọng giúp Nguyễn Thành Luân duy trì vỏ bọc, không để đối phương phát hiện anh là điệp viên của cách mạng. Nhưng dù là một chiến sĩ tình báo, Nguyễn Thành Luân không phải là một con người vô cảm hay lạnh lùng. Anh có tình yêu chân thành với Thùy Dung, một nữ điệp viên tình báo cách mạng, người được chỉ định đóng vai vợ anh. Nguyễn Thành Luân cũng có những khoảnh khắc đấu tranh nội tâm, đặc biệt khi chứng kiến sự tàn bạo, độc ác hay thất bại trong chính quyền Sài Gòn. Dù ở trong lòng địch, Nguyễn Thành Luân luôn giữ vững lý tưởng cách mạng và tìm cách thực hiện nhiệm vụ. Là một điệp viên, Nguyễn Thành Luân phải đóng nhiều vai trò với những bộ mặt khác nhau, luôn biết cách tận dụng từng tình huống khó khăn để bảo toàn mạng sống và hoàn thành nhiệm vụ.

Nguyễn Thành Luân là một trong những nhân vật được xây dựng với những phẩm chất xuất sắc nhất trong dòng văn học tình báo - chính trị Việt Nam. Anh không chỉ là một chiến sĩ tình báo tài giỏi mà còn là biểu tượng cho lòng yêu nước và trí tuệ Việt Nam. Qua nhân vật này, tiểu thuyết Ván bài lật ngửa không chỉ tái hiện cuộc đấu tranh cách mạng mà còn làm nổi bật hình ảnh những con người thầm lặng, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc.

2.3. Sức hấp dẫn của tiểu thuyết “Ván bài lật ngửa” đến từ những yếu tố truyền thống và phi truyền thống

Tiểu thuyết Ván bài lật ngửa lấy bối cảnh từ năm 1954 đến 1965, giai đoạn sau Hiệp định Genève, khi miền Nam Việt Nam rơi vào tình trạng chính trị rối loạn. Tác phẩm phản ánh rõ sự rối ren trong nội bộ chính quyền Sài Gòn và sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Tiểu thuyết thể hiện những cuộc chiến ngầm đầy căng thẳng giữa các lực lượng tình báo của hai bên chiến tuyến. Những thử thách và những cuộc đấu trí căng thẳng do vậy xuất hiện thường xuyên trong tác phẩm. Xuyên suốt tiểu thuyết, Nguyễn Thành Luân liên tục đối mặt với những thử thách khắc nghiệt. Bị CIA và chính quyền Sài Gòn theo dõi dù ở vị trí cao trong bộ máy chính quyền, anh luôn là mục tiêu nghi ngờ của CIA và các thế lực chính trị khác. Nguyễn Thành Luân phải đối mặt với nhiều nhân vật quyền lực, đầy mưu mô như cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu, trùm mật vụ Trần Kim Tuyến, hộ pháp Phạm Công Tắc, các đời đại sứ Mỹ… Các cuộc đấu trí trong truyện được xây dựng rất hấp dẫn, giúp nhân vật Nguyễn Thành Luân trở nên thuyết phục và cuốn hút. Trong mối quan hệ tình cảm với Thùy Dung, một mặt, Luân phải duy trì vỏ bọc, mặt khác, anh phải giữ an toàn cho Thùy Dung, cho chính bản thân mình cùng với tình cảm đồng chí chuyển dần thành tình yêu. Nói như nhân vật Ngô Đình Nhu trong tác phẩm: "Đây là một ván bài, như người ta nói, mọi con bài đều lật ngửa... Không thể bảo đảm mọi điều đều an toàn tuyệt đối. Cuộc đấu trí rất khắc nghiệt.."(3)

Xây dựng hình tượng nhân vật có chiều sâu là một đặc điểm khiến cho tiểu thuyết “Ván bài lật ngửa” không rơi vào tình trạng minh họa một chiều. Nguyễn Thành Luân không phải là một anh hùng lý tưởng hóa, mà là một con người có cảm xúc, có suy tư, có những khoảnh khắc giằng xé nội tâm, nhưng không thay đổi về bản chất. Đây là cách xây dựng nhân vật rất đặc thù mà không nhiều tiểu thuyết tình báo làm được. Những đoạn hội thoại giữa Luân và các đối thủ luôn chứa đầy ẩn ý, khiến người đọc cảm nhận rõ sự thông minh của nhân vật, tình huống kịch tính, căng thẳng, ngôn ngữ nhân vật sắc sảo. Cách viết của Nguyễn Trương Thiên Lý giàu tính chính trị, tính tư tưởng nhưng không khô khan, giúp người đọc cảm nhận rõ bối cảnh lịch sử và tâm lý nhân vật. Hình ảnh nhân vật Nguyễn Thành Luân, nói theo nhận xét của bác sĩ, trùm mật vụ Trần Kim Tuyến, là: "Ông sửa soạn khá kỹ, không phải cái phao để tự cứu lúc đắm đò, mà cả một phương lược khả dĩ tạo vị thế mới cho Việt Nam Cộng hòa... Ông giữ liên lạc với phía bên kia vừa mức khiến họ ảo giác về ông, ông tham gia nhiệt liệt vào chế độ ông Diệm mà vẫn giữ khoảng cách trước công luận, ông xây dựng lực lượng, ông tiếp xúc với người Mỹ mà không lọt vào cái thòng lọng CIA, ông giữ cảm tình với phái trung lập thân Pháp cả với Sihanouk... Tóm tắt, ông là một con người chiến lược, nhìn xa, tính rộng..."(4).

Tiểu thuyết Ván bài lật ngửa xây dựng một hệ thống nhân vật phong phú, mỗi người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cốt truyện. Ngoài nhân vật Nguyễn Thành Luân thì nhân vật Thùy Dung đóng vai vợ của Luân, cũng là một điệp viên. Cô được xây dựng như là người phụ nữ xinh đẹp, mạnh mẽ, thông minh, đóng vai trò hỗ trợ đắc lực cho chồng trong các nhiệm vụ nguy hiểm. Các nhân vật chính trị bao gồm các nhân vật lịch sử như Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Trần Lệ Xuân, và các sĩ quan, chính khách trong chính quyền Sài Gòn được miêu tả với những đặc điểm riêng: Ngô Đình Nhu đa nghi và quyền lực, Ngô Đình Diệm độc đoán, gia trưởng, Trần Lệ Xuân đanh đá, sắc sảo, trùm mật vụ Trần Kim Tuyến thâm độc, nhạy bén, có tầm nhìn xa, còn các nhân vật khác đều mang những tham vọng và sự bất ổn, phản ánh rõ nét sự hỗn loạn của chính trường miền Nam. Những con người từng làm mưa, làm gió trên chính trường Sài Gòn lần lượt được tái hiện lại trong tiểu thuyết Ván bài lật ngửa, để lại những bức chân dung rất chân thực về tính cách cũng như nhân dạng, có tình cảm, có cách nói chuyện, ứng xử riêng biệt, những toan tính, suy tư, có sự thông minh, tài giỏi, chứ không chỉ đơn thuần là một chiều, với kiểu xây dựng mang định kiến “ngu ngốc, độc ác, phản diện” như một số tiểu thuyết tình báo khác.

Tái hiện một giai đoạn lịch sử dài, với một hệ thống nhân vật lớn, nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, Nguyễn Trương Thiên Lý đã có một cách thức xây dựng linh hoạt trong kết cấu Ván bài lật ngửa. Có những phần trong tiểu thuyết được xây dựng theo đường dây sự kiện, có những phần được xây dựng theo đường dây tâm lý của nhân vật, có những phần tập trung vào những cuộc đối thoại – đấu trí dài, có những trang thông tin tư liệu chồng chất, đưa cả báo cáo, bài báo vào nội dung tiểu thuyết… Cảm hứng trong tác phẩm cũng khá là đa dạng: anh hùng, sử thi, trữ tình.

Tiểu thuyết được chia thành nhiều phần, mỗi phần tập trung vào một giai đoạn hoặc sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Nguyễn Thành Luân. Kết cấu không theo trình tự thời gian tuyến tính mà sử dụng hồi tưởng và tình tiết đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Điều này giúp làm rõ động cơ, quá khứ của nhân vật, đồng thời tăng tính hấp dẫn và chiều sâu cho câu chuyện. Các nút thắt được gỡ dần qua từng phần, tạo nên một nhịp điệu căng thẳng và lôi cuốn. Đặc biệt, tiểu thuyết có sự kết hợp đặc sắc của các yếu tố tình báo, chính trị, lịch sử, và tư liệu. Tình báo là yếu tố chủ đạo, được thể hiện qua các hoạt động gián điệp, phản gián, và những mưu kế phức tạp của Nguyễn Thành Luân. Từng tình tiết căng thẳng, bất ngờ, cùng các cuộc đấu trí tạo nên sức hút đặc trưng của thể loại này. Tác phẩm tái hiện sinh động các cuộc đấu đá nội bộ trong chính quyền Sài Gòn, sự can thiệp của Mỹ, và những âm mưu chính trị thời kỳ chiến tranh lạnh. Điều này mang lại chiều sâu về bối cảnh xã hội và chính trị. Dựa trên các sự kiện có thật từ sau Hiệp định Genève (1954) đến những năm 1960, tiểu thuyết phản ánh chân thực một giai đoạn đầy biến động của Việt Nam. Sự xuất hiện của các nhân vật lịch sử đình đám càng tăng tính xác thực. Nguyễn Trương Thiên Lý với kinh nghiệm tham gia cách mạng và kiến thức sâu rộng về lịch sử, đã khéo léo lồng ghép các tư liệu thực tế vào câu chuyện. Điều này không chỉ tăng tính thuyết phục mà còn biến tiểu thuyết thành một nguồn tham khảo giá trị. Sự kết hợp này tạo nên một tác phẩm vừa hấp dẫn về mặt nghệ thuật, vừa sâu sắc về mặt tư tưởng, giúp người đọc hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh Việt Nam từ góc nhìn của những người làm công tác tình báo.

2.4. “Ván bài lật ngửa” như một kiểu hình tiểu thuyết đặc biệt với một tác giả đặc biệt

Để trở thành một tác phẩm của văn học trung tâm, Ván bài lật ngửa phản ánh bối cảnh lịch sử đặc thù của Việt Nam trong thời kỳ đầu của giai đoạn chiến tranh chống Mỹ (1954 - 1965), là thời kỳ đầy biến động sau Hiệp định Genève, với những mâu thuẫn chính trị và sự can thiệp từ bên ngoài. Đây là điểm khác biệt lớn so với các tiểu thuyết tình báo phương Tây, vốn thường diễn ra trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, Chiến tranh thế giới lần thứ hai, hoặc các xung đột quốc tế khác. Bối cảnh này không chỉ làm nền cho câu chuyện mà còn phản ánh sống động lịch sử Việt Nam, giúp người đọc hiểu rõ hơn về những âm mưu chính trị và sự hy sinh của những người yêu nước trong cuộc chiến. Nhân vật chính Nguyễn Thành Luân là một điệp viên cộng sản hoạt động trong lòng chính quyền Sài Gòn, khác với các điệp viên điển hình trong tiểu thuyết phương Tây như James Bond của Ian Fleming hay George Smiley của John le Carré, thường là người Mỹ hoặc Anh và hoạt động trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh. Do vậy, góc nhìn từ phía Việt Nam mang đến sự mới mẻ và độc đáo so với các tiểu thuyết tình báo quốc tế.

Tiểu thuyết sử dụng lối kể chuyện hồi hộp, gay cấn với nhiều tình tiết bất ngờ, đan xen giữa đấu trí và hành động, tương tự các tác phẩm của Frederick Forsyth hay Robert Ludlum. Tuy nhiên, Ván bài lật ngửa còn lồng ghép khéo léo yếu tố tâm lý và nội tâm nhân vật, điều mà nhiều tiểu thuyết tình báo quốc tế cũng như Việt Nam xem nhẹ, khi chỉ chủ yếu quan tâm đến miêu tả hành động, sự kiện. Ngoài yếu tố tình báo, Ván bài lật ngửa còn truyền tải thông điệp chính trị sâu sắc về cuộc chiến tranh Việt Nam, tôn vinh sự hy sinh của những người yêu nước và lý tưởng cách mạng. Điều này khác khá nhiều tiểu thuyết tình báo phương Tây, vốn thường tập trung vào khía cạnh giải trí hoặc kỹ thuật tình báo. Tác giả cũng sử dụng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu nhưng vẫn tinh tế, phù hợp với độc giả Việt Nam. Điều này khác với các tiểu thuyết tình báo phương Tây, thường chứa nhiều thuật ngữ chuyên ngành hoặc văn phong phức tạp. Ngôn ngữ dễ tiếp cận giúp tác phẩm đến gần hơn với độc giả đại chúng, đồng thời vẫn giữ được sự sâu sắc trong cách diễn đạt, khiến người đọc không chỉ giải trí mà còn suy ngẫm, cảm xúc. Dù chưa quan tâm khai thác những bài viết của Đại tá Phạm Ngọc Thảo trên tạp chí Bách Khoa để lý giải tư duy, trí tuệ của nhà tình báo chiến lược này, nhưng bản lĩnh và tầm vóc của nhân vật Nguyễn Thành Luân vẫn thể hiện rõ qua những hành động chính xác, nhạy bén, những đoạn đối thoại cực kỳ thông minh, sâu sắc, nhưng không kém phần dí dỏm, hài hước. Đặc biệt, những đoạn đối thoại của các chính trị gia trong Ván bài lật ngửa có thể nói là đỉnh cao của ngôn từ chính luận được tiểu thuyết hóa.

Ván bài lật ngửa dựa trên các sự kiện có thật trong lịch sử Việt Nam, với nhân vật chính được lấy cảm hứng từ Đại tá Phạm Ngọc Thảo, một nhà tình báo nổi tiếng. Điều này khác với nhiều tiểu thuyết tình báo khác thường hư cấu hoàn toàn hoặc chỉ dựa trên một phần sự thật. Sự kết hợp giữa hư cấu và hiện thực mang lại giá trị tư liệu lịch sử, giúp người đọc hiểu thêm về thời kỳ đầy biến động của đất nước, làm cho câu chuyện vừa hấp dẫn vừa giàu ý nghĩa.

Ván bài lật ngửa nổi bật trong thể loại tiểu thuyết tình báo Việt Nam nhờ sự kết hợp độc đáo giữa bối cảnh lịch sử đặc thù của Việt Nam, phong cách kể chuyện lôi cuốn, và thông điệp chính trị sâu sắc. Tác phẩm không chỉ mang đến góc nhìn mới mẻ về cuộc chiến tranh Việt Nam mà còn phản ánh chân thực tâm hồn và lý tưởng của con người Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ, tại miền Nam Việt Nam. Nó tôn vinh sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ tình báo trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Tác phẩm phơi bày sự phức tạp và tàn khốc của chiến tranh, đặc biệt là những mưu đồ chính trị trong nội bộ chính quyền Sài Gòn. Ngôn ngữ giản dị nhưng tinh tế, cùng giá trị lịch sử cao, đã giúp Ván bài lật ngửa trở thành một tác phẩm khác biệt và vượt hơn so với một số tiểu thuyết tình báo tương tự của Việt Nam. Ván bài lật ngửa xứng đáng là một trong những tiểu thuyết tình báo - chính trị xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại, và sự chuyển di từ dòng văn học ngoại biên sang dòng văn học trung tâm nhờ vào những yếu tố nêu ở trên.

Trong lĩnh vực thơ ca và báo chí, công chúng nhớ đến Trần Bạch Đằng với những bút danh như Hưởng Triều và Trần Quang. Nhưng số đông công chúng vẫn chỉ biết đến nhiều nhất là tiểu thuyết Ván bài lật ngửa. Có thể lý giải một phần là tác phẩm này đã được dựng thành phim rất thành công và có độ lan tỏa, phổ biến cao. Nhưng nếu chỉ đọc Ván bài lật ngửa với tư cách là một tác phẩm văn học thì rõ ràng thành công của tác phẩm là đã xây dựng được những tính cách văn học độc đáo, mang đậm bóng dáng của thời đại và của vùng đất miền Nam. Cũng qua đó Ván bài lật ngửa bộc lộ nội lực và phong cách văn chương của Nguyễn Trương Thiên Lý. Đi làm cách mạng từ năm 15 tuổi, trải qua nhiều phong ba bão táp của cuộc chiến tranh chống Mỹ, một đời cầm súng cũng là một đời cầm bút, nên khi viết Ván bài lật ngửa, Nguyễn Trương Thiên Lý không chỉ đơn thuần là một nhà văn. Ông còn là một chứng nhân lịch sử và tham gia vào chính những sự kiện lịch sử. Qua nhân vật Nguyễn Thành Luân, nhà văn có điều kiện để tung hoành con chữ, thể hiện những kiến thức uyên bác về lịch sử, xã hội văn hóa của một thời cùng với quan điểm và tầm nhìn chiến lược của một nhà lãnh đạo chính trị. Ông không chỉ viết bằng vốn sống và vốn kiến thức, mà với bộ trường thiên tiểu thuyết Ván bài lật ngửa, Nguyễn Trương Thiên Lý còn cho thấy một quá trình lao động công phu, khoa học, nghiên cứu rất kỹ các dữ kiện, tư liệu lịch sử và chân dung của các chính trị gia một thời. Ở Việt Nam, có lẽ không nhiều tác giả có điều kiện làm được điều này.

Tiểu thuyết Ván bài lật ngửa đã nhận được nhiều lời khen và sự đánh giá cao của giới nghiên cứu: “Hình như về căn bản, Trần Bạch Đằng tin vào sự cố định của thiên tính con người. Nói về những vấn đề hiện đại, xây dựng những con người hiện đại, trên một nghệ thuật tiểu thuyết dung hợp giữa quan niệm truyền thống (ông giới thiệu với chúng ta một hình ảnh thế giới với hai thế lực chính tà phân minh, trắng đen rõ ràng) và bút pháp hiện đại (có xu hướng vươn tới loại tiểu thuyết tư liệu, kết thúc mở…), có lẽ đó cũng là con đường chung của nhiều nhà văn Việt Nam thế kỷ XX… Có thể nói, đây là một trong những bộ tiểu thuyết lớn nhất nước ta về số trang và dung lượng hiện thực, đã tái hiện sinh động và sâu sắc một giai đoạn dồn nén và căng thẳng trong lịch sử hiện đại của dân tộc”(5).

Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã qua đi nhiều năm tháng. Nhưng ở một đất nước có hoàn cảnh đặc thù như Việt Nam, những nhân vật lịch sử của thời chống Mỹ rất cần đưa vào văn học. Thay vì những dòng chữ miêu tả khô khan trong lịch sử, những nhân vật ấy đi vào văn học sẽ trở nên sinh động, có sức hấp dẫn, do vậy, có khả năng khơi gợi cảm xúc trong lòng độc giả, khiến cho độc giả có thêm những cái nhìn mới về lịch sử và soi rọi thêm cả những vấn đề xã hội của thời mình đang sống.

H.T.V

-------------------------------

  1. Iu.N. Tynianov, “Hiện tượng văn học”, Đào Tuấn Ảnh dịch, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 12-2005, trang 105.
  2. Iu.N. Tynianov, “Về sự tiến triển của văn học”, Đào Tuấn Ảnh dịch, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 7-2005, trang 115-131.
  3. Nguyễn Trương Thiên Lý, “Ván bài lật ngửa” 6 tập, NXB Tổng hợp Hậu Giang, 1987, tập 6, trang 49.
  4. Nguyễn Trương Thiên Lý, “Ván bài lật ngửa” 6 tập, NXB Tổng hợp Hậu Giang, 1987, tập 3, trang 112.
  5. Nhiều tác giả, “Một vùng đất một vùng tiểu thuyết”, NXB Tổng hợp TPHCM, 2004, trang 124.
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)