. HẠ NGUYÊN
Ra rạp khá lặng lẽ giữa thời điểm phim Chị dâu của đạo diễn Khương Ngọc vẫn chưa hết “sốt” và các bộ phim Tết vẫn đang rầm rộ trong chiến dịch quảng bá nhưng bộ phim độc lập Mưa trên cánh bướm của đạo diễn Dương Diệu Linh vẫn khiến người xem khấp khởi hi vọng về những đột phá của điện ảnh Việt trong năm mới 2025.
Câu chuyện gia đình muôn thuở được kể đầy khác thường, nghịch dị
Tiếp tục khai thác đề tài bi kịch gia đình rất quen thuộc của điện ảnh Việt thời gian gần đây, câu chuyện của Mưa trên cánh bướm xoay quanh sự thiếu kết nối nghiêm trọng giữa các thành viên trong gia đình bà Tâm (diễn viên Lê Tú Oanh). Bà Tâm là một người phụ nữ trung niên chuẩn mực: vừa làm quản lí tại một nhà hàng tiệc cưới, vừa đảm đang chu toàn việc nội trợ, chăm sóc chồng con. Nhưng những nỗ lực làm vợ, làm mẹ của bà không hề khiến chồng, con cảm kích mà lại càng đẩy họ ra xa bà hơn. Một ngày, bà Tâm phát hiện chồng ngoại tình, nhưng bà không đối diện với chồng, mà lặng lẽ tìm giải pháp ở… thầy cúng. Ông Thành chồng bà (diễn viên Lê Vũ Long) sống vật vờ, lặng câm giữa cuộc hôn nhân nguội lạnh, chẳng khác gì những con cá cảnh lờ đờ ông nuôi. Con gái của họ - Hà (diễn viên Nguyễn Nam Linh) tự tìm cách chữa lành bằng thiền và chờ tới ngày được du học châu Âu để thoát khỏi cuộc sống gia đình ngột ngạt. Trong lúc đó, trần nhà căn hộ của họ dần loang lổ, dột nát và trở thành nơi trú ngụ đáng sợ của một thế lực siêu nhiên chỉ chực chờ bóp nghẹt những người phụ nữ trong nhà.
Như một nghịch lí, những nỗi đau khổ dai dẳng của người phụ nữ Việt - “di chứng” của tư tưởng trọng nam khinh nữ - lại trở thành một “di sản”, một mảnh đất màu mỡ của điện ảnh. Những bộ phim ăn khách của màn ảnh Việt gần đây như Nhà bà Nữ, Mai, Lật mặt 7: Một điều ước, Chị dâu… cho thấy khán giả Việt vẫn “đứng về phe nước mắt”. Vì vậy, tiếp tục triển khai đề tài phụ nữ, gia đình là một hướng đi khá an toàn nhưng cũng nhiều thách thức cho một đạo diễn độc lập như Dương Diệu Linh. Hiểu rõ điều đó suốt hành trình làm phim ngắn về thế giới nội tâm của phụ nữ, Dương Diệu Linh đã nhận ra tiềm năng của việc kể những câu chuyện cũ bằng sự pha trộn hiện thực với các yếu tố huyền ảo, siêu thực.
Có hậu thuẫn là một ekip sản xuất mạnh đến từ nhiều quốc gia Đông Nam Á (Việt Nam, Singapore, Indonesia, Philippines), Dương Diệu Linh đã thỏa sức kể câu chuyện điển hình trong gia đình Việt bằng những kĩ xảo sống động làm nên một hiện thực đa chiều vừa huyền ảo, nghịch dị, vừa chân thực, gần gũi. Cấu tứ “nhà dột từ nóc” được cụ thể hóa bằng hình ảnh những vết nứt loang lổ trên trần nhà bà Tâm, điều mà ông Thành và bất cứ người đàn ông nào trong phim cũng không thể nhìn thấy. Chỉ có những người phụ nữ loay hoay chống thấm, chống dột trong nỗi bất an, thấp thỏm. Từ trần nhà mục ruỗng, một thứ quái vật ghê rợn chực chờ nuốt chửng, nhấn chìm bà Tâm và Hà, khiến họ bất lực, vẫy vùng trong tận cùng cô độc, sợ hãi. Những sáng tạo đầy công phu này của ekip làm phim đã tạo nên những khung hình đầy tính ẩn dụ, khiến người xem chìm sâu vào những liên tưởng đến sinh khí “độc hại” của sự gia trưởng bao trùm lên mỗi gia đình truyền thống, tạo ra bao nỗi buồn tủi, uất ức cho những người vợ, những đứa con.
Nỗ lực đưa phim Việt trở về với những “phẩm chất” vốn có của điện ảnh
Kể từ sau đại dịch COVID-19, điện ảnh Việt Nam dần phục hồi và khởi sắc. Nhiều phim Việt ra rạp và đạt được những con số choáng ngợp về doanh thu. Tuy nhiên, để chiều theo thị hiếu đại chúng, nhiều nhà làm phim không ngại tước đoạt đi “phẩm chất điện ảnh” của tác phẩm. Các phim thắng lớn ở phòng vé của Trấn Thành, Lý Hải trong những năm vừa qua vẫn ra sức “truyền hình hóa” phim chiếu rạp với những câu chuyện đa tuyến dài lê thê, lời thoại “đốp chát”, thông điệp “sống sượng” được ra rả từ đầu đến cuối phim khiến người xem không có một khoảng lặng nào để suy nghĩ, chiêm nghiệm. Nhưng thật may, dù khiêm nhường và lặng lẽ, dòng phim độc lập vẫn bền bỉ tạo ra một đối trọng với các phim thương mại “trăm tỉ” về chất lượng nghệ thuật để nhằm khôi phục những “phẩm chất” đặc trưng của điện ảnh. Nối tiếp thành công của các phim độc lập gần đây như Bên trong vỏ kén vàng, Cu li không bao giờ khóc..., Mưa trên cánh bướm đã khẳng định chất lượng nghệ thuật của mình bằng giải Phim hay nhất và Phim sáng tạo nhất tại Tuần lễ Phê bình phim quốc tế trong khuôn khổ Liên hoan phim Venice năm 2024.
Dù kể một câu chuyện rất Việt Nam, rất Á Đông nhưng Mưa trên cánh bướm vẫn chinh phục được những giải thưởng quốc tế bởi sức khái quát của những biểu tượng hình ảnh và âm thanh được xây dựng trong phim. Nhân vật bà Tâm luôn bị đặt lọt thỏm vào những không gian ồn ào, xô bồ của đời sống: nhà hàng tiệc cưới náo nhiệt, đường phố giờ tan tầm, cuộc “buôn dưa lê” rôm rả của những người đàn bà trung niên. Sự đối lập giữa người đàn bà bé nhỏ và không gian đô thị xô bồ khiến người xem cảm nhận chân thực cách nỗi đau của một con người bé nhỏ bị lờ đi trước nhịp đời trôi chảy. Quen với việc kìm nén những nỗi niềm riêng giữa một xã hội trọng danh dự, bà Tâm cũng không dám đối diện với chính nội tâm của mình. Bà tìm cách cứu vãn cuộc hôn nhân bằng uy quyền của thầy pháp. Cảnh cô đồng cầm kiếm múa may quay cuồng trong nhà bà Tâm cộng hưởng nhịp nhàng rất “ăn rơ” với âm thanh nhịp trống của cậu thanh niên nhà hàng xóm là phân cảnh ấn tượng nhất của bộ phim, khắc họa đầy giễu nhại và cay đắng sự mê muội đến đáng thương của người đàn bà bé mọn, cô đơn. Đặc biệt, ở cuối phim, khi những vết nứt ngày càng lớn, cơn mưa như trút từ trần nhà xuống dần nhấn chìm căn nhà, nhân vật Hà cố gắng vật lộn với dòng nước để cứu lấy những đồ vật có giá trị của bố mẹ, khung hình mực nước dâng lên, ngập dần tấm giấy khen “Gia đình văn hóa” trên tường cũng là một ẩn dụ giàu sức nặng về sự đổ vỡ của những giá trị truyền thống.
Bối cảnh của phim dẫu chỉ thu hẹp trong một vài không gian nhưng có sự đầu tư, trau chuốt rất công phu, tỉ mỉ bởi bàn tay của nhà thiết kế mĩ thuật Phạm Phong Lan (Lan Zi). Chuyện phim chủ yếu diễn ra tại một căn hộ chung cư cũ, xuống cấp, tù túng với rất nhiều nội thất gỗ nặng nề tạo nên một sinh khí u uẩn, ngột ngạt rất đặc trưng của đời sống thị dân Hà Nội thời mở cửa. Gian bếp của bà Tâm, căn phòng riêng của Hà, phòng ngủ của hai vợ chồng bà Tâm đều được thiết kế rất tỉ mỉ, chỉn chu nhằm tạo nên những thước phim có “hồn”, giàu tính thẩm mĩ. Bối cảnh và ánh sáng u trầm của phim gợi liên tưởng đến nhiều bộ phim giàu tính nghệ thuật khác về Hà Nội: Chơi vơi (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên), Bi, đừng sợ! (đạo diễn Phan Đăng Di), Đập cánh giữa không trung (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp)… Hà Nội, qua lăng kính của những nhà làm phim độc lập, hiện lên như một đô thị ồn ào, xô bồ nhưng ngổn ngang những nỗi cô đơn, những đứt gãy trong mối quan hệ giữa người với người… Và đặc biệt, để phục vụ cho phân cảnh cả căn hộ chìm dần trong cơn mưa huyền ảo từ trần nhà, tổ thiết kế phải dựng lại bối cảnh căn hộ trong hồ bơi và huy động hàng trăm tấn nước để cảnh quay đạt hiệu ứng chân thực và thuyết phục nhất. Với sự nỗ lực trong sáng tạo bối cảnh, Giám đốc mĩ thuật Phạm Phong Lan của Mưa trên cánh bướm đã nhận được đề cử Best Production Design (Thiết kế mĩ thuật xuất sắc nhất) tại Giải thưởng Điện ảnh châu Á Asian Film Awards.
Diễn xuất chín muồi của hai diễn viên Lê Tú Oanh và Lê Vũ Long cũng góp phần quan trọng trong thành công của Mưa trên cánh bướm. Bà Tâm là vai chính điện ảnh đầu tiên trong sự nghiệp của diễn viên Tú Oanh, sau rất nhiều vai phụ duyên dáng của chị trên sóng truyền hình. Với sự từng trải và kinh nghiệm diễn xuất vững vàng, chị đã khắc họa đầy thuyết phục nội tâm chông chênh, yếu đuối mà nồng nhiệt, khát khao của người đàn bà đã “cuối mùa nhan sắc”. Ánh mắt lúc mệt mỏi, hoang mang, lúc đằm thắm, da diết của chị đã tạo nên một sinh khí đầy buồn bã mà mê đắm cho câu chuyện. Khiêm nhường hơn, nhưng diễn viên Lê Vũ Long đã diễn xuất rất chân thực sự gia trưởng, lạc lõng và bất lực của những người đàn ông được bao bọc đến “tiều tụy nam tính” trong sự hi sinh quên mình của những người người phụ nữ xung quanh. Xuyên suốt bộ phim, nhân vật ông Thành của Lê Vũ Long chỉ có duy nhất một lời thoại, nghĩa là anh chỉ diễn xuất bằng sự im lặng - cũng là một loại “bạo lực lạnh” méo mó, đáng sợ trong những gia đình Á Đông truyền thống.
Năm mới đến cùng những hi vọng mới. Bộ phim độc lập Mưa trên cánh bướm của đạo diễn Dương Diệu Linh đã “xông đất” điện ảnh Việt đầy ấn tượng với những nỗ lực phá vỡ cách kể chuyện truyền thống, đào sâu vào khám phá thế giới nội tâm phức tạp của con người. Theo tín ngưỡng của những quốc gia nông nghiệp, “mưa” là điềm lành của một mùa bội thu. Mong Mưa trên cánh bướm sẽ truyền nguồn cảm hứng mát lành cho những tác phẩm chất lượng của điện ảnh Việt năm 2025.
H.N
VNQD