Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và “những câu thơ mặc áo lính sờn vai”

Thứ Năm, 01/05/2025 09:11

. ĐOÀN MINH TÂM

 

Trong thế hệ nhà thơ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu là người để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu đậm. Tôi biết ông - chính xác là thơ ông - trước nhất không phải qua đài báo, sách vở mà qua… bậc sinh thành. Có hai bài thơ bố tôi rất thích, hay ngâm đi ngâm lại những lúc rảnh rỗi hay khi cà kê chén rượu một mình. Bài thứ nhất là Hoa chanh của nhà thơ Nguyễn Bao và thứ hai là bài Nấm mộ và cây trầm của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Tôi nghe bố tôi ngâm hai bài thơ này cả chục năm trời. Nghe nhiều, dần thuộc, dần thấy thích những vần thơ mang âm điệu bi tráng:

Cây trầm thơm từ gốc thơm ra
Như nhắc nhở với người đang sống
Thù riêng lớn, thù chung càng lớn
Hờn căm này nhân tiếp những hờn căm

Thôi mình đi Hùng nhé! Hãy yên nằm
Trận đánh đêm nay vắng Hùng gài bộc phá
Trận đánh trường kỳ vắng Hùng tham dự
Trận đánh cuối cùng chiến thắng phải về ta

Anh trinh sát hy sinh trao lại tấm bản đồ
Anh xung kích hy sinh phất cao cờ chuẩn
Xin Hùng hãy trao cho mình khẩu súng
Trận đánh vẫn còn tiếp diễn, Hùng ơi!...

Quân mình đang pháo kích nơi nơi
Hùng có thấy đất rùng rùng sấm dậy
Mặt trận chuyển vào sâu rồi đấy
Thôi mình đi, Hùng nhé: hãy yên nằm

Lớn lên, học đại học chuyên ngành văn, ra trường may mắn được về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi nhà thơ Nguyễn Đức Mậu gắn bó trong suốt một thời gian dài, tôi càng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với ông và thơ ông. Là chiến sĩ từng vào sinh ra tử, lăn lộn ở hầu khắp các chiến trường đầy gian khổ, ác liệt: Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào), Quảng Trị, Khe Sanh, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Sài Gòn, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thấu hiểu, đồng cảm hơn ai hết những khó khăn vất vả, tâm tư tình cảm của những người đồng chí, đồng đội, để từ đó bật lên những câu thơ đầy xúc cảm. Có thể nói những gì tinh túy nhất trong đời thơ ông là những trang viết về người lính. Ngoài bài thơ Nấm mộ và cây trầm nổi tiếng, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu còn có nhiều bài thơ hay về đất nước, về người lính. Bằng “hàng vạn câu thơ” như lời nhận xét của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, ông đã tái hiện bức tranh toàn cảnh chân thực về người lính trong những hoàn cảnh và tâm trạng khác nhau. Trong sinh hoạt, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu khắc họa những khó khăn, thiếu thốn về vật chất, với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết mà người lính gặp phải trên đường hành quân. Khi mưa nhiều thì:

Trạm giao liên mái nứa mốc mưa rừng

Đường dựng đứng, rêu xanh sườn núi

Đêm dừng chân hai đứa một chăn

Nằm trên nước lũ cùng mưa xối

Áo giặt ba ngày vẫn ướt đầm

Cơm nắm, nước mưa hòa với muối

(Mưa Trường Sơn)

Khi mưa ít, các chiến sĩ lại lâm vào tình cảnh:

Họ ngồi bên chiếc bi đông thủng đạn

Mắt nhìn trời mong gặp cơn mưa...

Họ ngồi bên đám lửa bập bùng

Mảnh băng quấn trên đầu trắng xóa

Vết thương đòi uống nước, máu rưng rưng

(Cơn khát ở chốt)

Trong chiến đấu, ông tái hiện hình ảnh người lính anh dũng, kiên cường:

Và bàn tay xém lửa xù xì

Thành bàn chân: như trẻ nhỏ

anh đi

Bám đất chiến hào nhích lên từng bước

Đầu gối sát dây thép gai lạnh buốt

Bàn tay anh biết đi

Lửa bộc phá lóe lên phá sập bốt đồn

(Bàn tay biết đi)

Trong tình cảm gia đình, người lính với nhà thơ là người con hiếu thuận:

Thương mái nhà mưa dột

Thương hàng cây gió dồn

Cơn mưa từ phía má

Tí tách còn theo con.

(Đêm mưa thôn Tầm Vu)

Và tình yêu của người lính trong thơ Nguyễn Đức Mậu chung thủy, ngây thơ:

Bao kỉ niệm cứ theo anh ra trận

Ngôi sao nào anh ngỡ mắt em xanh

Buổi mới yêu nhau bên hàng rào đêm ấy

Tàu cau rung, hai đứa giật mình

(Hòm thư bưu điện ở trạm giao liên)

Dễ nhận thấy người lính trong thơ Nguyễn Đức Mậu không có cái tếu táo đáng yêu kiểu “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha” như trong thơ Phạm Tiến Duật, hay những cử chỉ mộng mơ, lãng mạn đượm chút suy tư

Giữa một vùng lửa cháy bom rơi

Cây hiện lên như một niềm ấp ủ

Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ

Ướp vào trong trang sổ của mình

(Cây xấu hổ)

như trong thơ Anh Ngọc mà hiện lên với tất cả sự mộc mạc, giản dị và rất mực chân thành như lời tự bạch của ông về thơ ca:

Tôi yêu những câu thơ mặc áo lính sờn vai

Những câu thơ nằm chiến hào đợi giặc

Những câu thơ trộn mồ hôi, bùn đất

Những câu thơ từ thực chất cuộc đời

Như cây lá không cần trang điểm

(Trường ca Sư đoàn)

Theo tôi, những vần thơ viết về người lính của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu kết tinh lại trong Trường ca Sư đoàn, được ông viết sau ngày giải phóng thống nhất đất nước nửa thập kỷ - năm 1980. Khoảng thời gian từ 1976 đến 1980 có lẽ là một trong những dấu mốc quan trọng của thơ Việt Nam nói chung và thể trường ca nói riêng. Trong năm năm đó, Hữu Thỉnh có Đường tới thành phố được Hội Nhà văn vinh danh, Thanh Thảo có Những người đi tới biển nức tiếng, Thu Bồn có Oran 76 ngọn và nhà thơ Nguyễn Đức Mậu có Trường ca Sư đoàn. Sở dĩ những trường ca ra đời được đánh giá cao có lẽ vì được thai nghén và ra đời trong quãng thời gian vàng (ĐMT nhấn mạnh) khi tác giả kết hợp được cái nhìn hồi cố lẫn trong men say của người chiến thắng trong lối viết. Khi vừa hòa bình, niềm vui chiến thắng sẽ lấn át tất cả. Còn khi chiến tranh càng lùi xa sự hồi cố, chiêm nghiệm sẽ giữ vai trò chủ đạo. Xin được quay trở lại với Trường ca Sư đoàn. Đây là trường ca nhà thơ Nguyễn Đức Mậu viết tặng đơn vị mình đóng quân - sư đoàn 312 anh hùng. Bản trường ca gồm 5 chương viết theo mạch cảm xúc hồi tưởng của tác giả. Chương đầu Khúc tâm tình mang tính khái quát chung, giới thiệu sự hình thành của sư đoàn và bày tỏ niềm sung sướng, tự hào của tác giả khi được đứng trong đội ngũ đơn vị mà bề dày truyền thống “có chiều cao đỉnh núi/ loài chim đại bàng gãy cánh lưng chừng mây”, “có những dòng sông con sóng vỗ hai bờ truyền thuyết”. Các chương hai (Mặt trận miền Tây), chương ba (Quảng Trị năm 1972) và chương bốn (Cánh rừng vào thành phố) ghi lại hành trình đánh giặc của người lính sư đoàn trong kháng chiến chống Mỹ, từ mặt trận biên giới Việt Lào, Quảng Trị đến những bước tiến thần tốc làm nên thắng lợi mùa xuân năm 1975. Chương năm, Đất nước và người lính, là bản tụng ca ngày đất nước thống nhất, lời thề bảo vệ và xây dựng đất nước mãi mãi muôn đời của những người sư đoàn. Thật khó để nói cho hết ý về hình ảnh người lính trong Trường ca Sư đoàn tại một bài viết ngắn này, chỉ xin bình về đôi câu thơ bản thân rất thích. Ở chương một Khúc tâm tình đó là hai câu thơ thấm thía cõi lòng:

Nếu tất cả trở về đông đủ

Sư đoàn tôi thành mấy sư đoàn

Hai câu thơ mới đọc lên thoạt thấy nhẹ như bẫng, chỉ là lời hối tiếc của một người lính về cuộc tụ hội không trọn vẹn của sư đoàn mình. Nhưng đọc kỹ, ngẫm kỹ mới thấy ẩn chứa trong đó là nỗi đau, nỗi buồn vô hạn đến tái tê của con người trước hậu quả khủng khiếp chiến tranh mang lại. Một sư đoàn có biên chế lên đến cả vạn người. Vậy mà đa phần đã nằm lại với đất mẹ. Người lính này nằm xuống, người lính khác lại bổ sung để “giữ nguyên phiên hiệu sư đoàn”. Đôi câu thơ đã lột tả hết cái xót lặng, tê tái, ngậm ngùi trong lòng người lính trong ngày vui gặp mặt trước sự mất mát quá lớn của những người đồng đội. Ở chương cuối, đất nước và người lính, chúng ta lại bắt gặp hai câu thơ thật hay:

Người hóa đá trọn thời nhan sắc

Anh sẽ về

Cho đá lại là em

Tứ thơ dựa vào tích nàng Tô Thị chờ chồng hóa đá nổi tiếng. Câu thơ đầu gợi lên cái tái tê, lạnh lẽo mà chiến tranh mang lại cho mọi người. Chiến tranh là chia cắt, là chia lìa, là mẹ xa con, là vợ xa chồng. Chiến tranh xảy ra, mọi người đều chịu đau khổ, thiệt thòi, trong đó thiệt thòi nhất vẫn là những người phụ nữ. Mòn mỏi chờ chồng, chăm cha mẹ, nuôi con trong lo lắng, cô đơn hết cả tuổi thanh xuân vốn ngắn ngủi, bất tái lai. Nếu câu thơ thứ nhất là tận cùng của nỗi đau thì câu thơ thứ hai là một niềm tin sắt đá: Anh sẽ về/ Cho đá lại là em.

Người ra đi không hẹn ngày về nhưng sẽ trở về. Sự trở về đồng nghĩa với hòa bình, với chiến thắng, với độc lập, với tự do. Về để yêu thương, về để đoàn tụ, về để đáp đền, về để sẻ chia, về để hạnh phúc. Người vợ hóa đá là cổ tích thời trước thì nay người lính làm nên cổ tích có thật thời hiện đại. Có hậu hơn và nhân bản hơn. Không có tình yêu, không có niềm tin vào lý tưởng giải phóng dân tộc cao đẹp, người lính không thể lập nên chiến công vĩ đại nhường ấy.

Hòa bình lập lại, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu náu mình trong “sự tĩnh lặng của đá”, trong công việc của một người biên tập thơ mẫn cán và bận bịu. Thơ ông cũng như các nhà thơ cùng thế hệ cũng hướng đến đời sống thường nhật với những vui buồn thế sự. Ông cảm tác người hát rong già ngày ngày rong ruổi mang tiếng đàn mua vui cho thiên hạ:

Cây đàn già hơn tuổi bác

Câu hát buồn mang màu rêu

Chiếc gậy mòn, con đường nhỏ

Tấm lưng còng, bàn chân xiêu.

(Người hát rong)

Ông chiêm nghiệm về cuộc sống:

Xin anh đừng đợi chờ

Người lái đò không tới

Anh phải làm chèo lái

Cho con đò qua sông

(Đò rừng)

Nhưng dẫu hòa chung vào dòng chảy của thi ca đương đại, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu vẫn không ngừng sáng tác về người lính. Đó vừa là hành động sự tri ân những đồng đội đã ngã xuống vừa là một cách giúp bản thân không bị “lạc giữa ngôn từ sáo rỗng” trên con đường thi ca bất tận như nhà thơ đã từng tâm sự.

Đ.M.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)