Vài suy nghĩ về đề tài chiến tranh

Thứ Sáu, 02/05/2025 14:50

. TRẦN ANH THÁI

 

Ngày nay, khi nhắc tới văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng nói chung về thời kì chống Mĩ nói riêng, có người cho rằng: Đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài, hàng triệu người phải hi sinh, hàng vạn người mẹ, người chị sống trong cô đơn, góa bụa; biết bao sinh linh bị tật nguyền do hậu quả chiến tranh để lại. Một dân tộc trải qua quá nhiều khổ đau, chết chóc, phải trả giá rất đắt mới có được hòa bình như hôm nay, thì văn học không nên viết nhiều về chiến tranh nữa. Bạn đọc đã quá mệt mỏi và ngán ngẩm với những tác phẩm văn học ngập tràn đạn bom, chỉ thấy chết chóc và bi thương. Rằng, bây giờ là lúc nhìn về phía trước, viết về các đề tài khác đa dạng, sinh động hơn, mới mẻ, hấp dẫn hơn…

Thực ra, văn học viết về chiến tranh và người lính xuất hiện từ rất sớm, quốc gia nào cũng có và thời nào cũng có. Ở phương Tây, ngay từ thời cổ đại đã có những tác phẩm kinh điển viết về chiến tranh. Trường ca Homer là một ví dụ. Sau này, nhiều tác phẩm kinh điển viết về chiến tranh tiếp tục ra đời: Chiến tranh và hòa bình, Chuông nguyện hồn ai, Sông Đông êm đềm, Phía Tây không có gì lạ... Ở Việt Nam, tác phẩm văn học đầu tiên viết về chiến tranh có lẽ là bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt. Các nhà thơ lớn đời Trần không ít tác giả có thơ viết về chiến tranh hoặc đề cập tới những vấn đề hậu chiến. Có thể nói, Hịch tướng sĩBình Ngô đại cáo là hai kiệt tác văn chương viết trực tiếp về chiến tranh còn lưu danh hậu thế.

Những tác phẩm trên sống được cùng thời gian, chinh phục bạn đọc nhiều thế kỉ có thể vì rất nhiều lí do. Nhưng có một lí do căn cốt là nó khơi dậy một cách sâu sắc và chính xác cõi thẳm sâu tâm thức của con người và thời đại. Những tác giả viết lên những kiệt tác này là những người có thiên tính lớn. Họ là nhà tiên tri…

Còn văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ của chúng ta thì sao? Để trả lời câu hỏi này trước hết cần có cái nhìn khách quan về dòng văn học cách mạng 1945 - 1975.

Như mọi người đều biết, ngay từ khi khởi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, một đội ngũ hùng hậu nhà văn, nhà thơ khi đó đã can đảm vứt bỏ những vần thơ mới tự do, vừa mơ mộng lãng mạn vừa ảo não dị kì của cái “tôi” thị dân buồn bã, bế tắc, tràn ngập cảm thức cô đơn trước con người và vũ trụ… để lên đường bước vào cuộc kháng chiến. Chính những nhà văn, nhà thơ này cùng với một đội ngũ người viết trẻ không chuyên phát triển từ cơ sở - những người lính đầu trần chân đất, những người làm báo tường ở đơn vị, các cây viết là cán bộ, chiến sĩ với những trang nhật kí, sổ tay… - đã mang đến hơi thở mới khỏe khoắn, hồn nhiên về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ. Đặc biệt đáng chú ý là những trang ghi chép người thật, việc thật còn nóng hổi mùi chiến sự ngoài mặt trận. Họ viết văn từ chính cuộc đời mình bằng một giọng văn trong sáng, mới mẻ...

Chính điều này, từ những trang nhật kí chiến trận này, đã mở ra con đường mới cho văn chương lấy người lính - anh Vệ quốc quân - làm nhân vật trung tâm. Và cũng bắt đầu từ đây dòng văn học viết về bộ đội ra đời. Dòng văn này với bản chất là trực diện, tươi mới, chân thật, hồn nhiên nhưng không kém phần tinh tế, sâu sắc đã lôi cuốn các nhà văn chuyên nghiệp hưởng ứng đi theo. Nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nhận xét: “Một nghệ thuật còn tươi ròng sự sống, một nghệ thuật chân đứng vững trên mặt đất tưới đẫm mồ hôi và khét tiếng súng, một cái đẹp khỏe, không khéo léo phấn son, mà mộc mạc, tươi như vừa mới nẩy lên từ một bàn tay hóa công nào, một nghệ thuật vui sống, vui chiến đấu, vui làm lụng, đó là con đường của văn thơ anh binh nhì đã bước lên. Đó cũng là con đường đi của tất cả văn nghệ thời đại.”

Có thể nói, từ đây, thơ văn viết về kháng chiến, về bộ đội chiếm vị trí chủ đạo trong dòng văn học cách mạng với một lực lượng viết đông đảo, trưởng thành từ thực tiễn cuộc sống và chiến đấu như Nguyễn Khải, Hồ Phương, Vũ Cao, Nguyên Ngọc, Hoàng Văn Bổn, Hữu Mai… Đội ngũ người viết đông đảo, không gian phản ánh rộng lớn tới mọi vùng, miền đất nước, nhân vật trong văn học cũng sinh động, nhiều tầng lớp khác nhau.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mĩ, trải qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng từ thực tiễn cuộc sống và chiến đấu, một đội ngũ cây viết sung sức hùng hậu của văn học Giải phóng miền Nam ra đời như: Phan Tứ, Bùi Đức Ái, Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Quang Sáng, Nam Hà, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Xuân Thiều, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân… Và các nhà thơ: Thu Bồn, Lê Anh Xuân, Chim Trắng, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Dương Hương Ly, Nguyễn Trọng Oánh, Phạm Ngọc Cảnh, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Giang Nam, Viễn Phương, Thanh Hải, Duy Khán, Thanh Quế, Vương Trọng, Anh Ngọc...

Vào chiến trường, giữa cuộc chiến đấu khốc liệt, sống chết trong gang tấc, nhưng các nhà văn, nhà thơ đã cùng sống, cùng chiến đấu với bộ đội và nhân dân để viết nên những trang văn nóng bỏng mùi đạn bom trận mạc. Đó là Bức thư làng Mực của Nguyễn Chí Trung; Gió vịnh Cam Ranh của Nam Hà; Hòn Đất, Đứa con của đất của Anh Đức; Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạch của Nguyễn Quang Sáng; Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi; Mẫn và tôi của Phan Tứ… Đó cũng là Quê hương của Giang Nam; Những đồng chí trung kiên của Thanh Hải; Bài ca chim Chơ rao, Tre xanh, Mặt đất không quên… của Thu Bồn; Nguyễn Văn Trỗi, Hoa dừa của Lê Anh Xuân; Mắt sáng học trò, Nhớ lời di chúc của Viễn Phương; Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ của Dương Hương Ly; Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm…

Với những trang văn, vần thơ khỏe khoắn, tràn đầy nhiệt huyết, nảy sinh từ cuộc sống và chiến đấu gian khổ, ác liệt đã khơi dậy lòng yêu nước mãnh liệt, niềm tự hào và ý chí của nhân dân, quân đội trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Những trang văn có sức mạnh thôi thúc, những trang văn từ thực tiễn chiến đấu đã dựng nên hình ảnh đẹp đẽ về người lính. Đó là vẻ đẹp của phẩm giá con người, vẻ đẹp của sự cao cả, chính nghĩa. Vì lẽ đó, mà Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã đánh giá: “Văn học nghệ thuật nước ta xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của nền văn học nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay.”

Bước vào thời kì Đổi mới, ở mọi lĩnh vực, rất nhiều vấn đề, nhiều quan niệm; nhiều cách nghĩ, cách làm trước đây tưởng như đã được mặc định là đúng, là không thể thay đổi, nhưng vì nhiều lí do, bắt đầu xuất hiện những ý kiến khác nhau. Điều này không có gì lạ, vì nó đúng với quy luật phát triển. Thời đại nào thì cách nghĩ, cách làm ấy. Thời đại mới đương nhiên phải có cách nhìn mới, cách làm mới. Xét lại những vấn đề trước đó để không lặp lại những thiếu sót sai trái, những lối mòn xưa cũ cản đường. Bởi thế, không chỉ ở một vài lĩnh vực mà ngay cả những vấn đề thuộc về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng được đưa ra thảo luận, xem xét đánh giá lại để tìm ra con đường đi mới tích cực hơn.

Lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng không ngoại lệ. Đâu đó xuất hiện nhiều ý kiến muốn xem xét đánh giá lại thành tựu của dòng văn học chiến tranh cách mạng đã từng được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX khẳng định. Những ý kiến này không úp mở, mà phủ nhận một phần dòng văn học kháng chiến. Cho rằng: Văn học viết về chiến tranh thời chống Mĩ là thứ văn học cổ động, là dàn đồng ca, có rất ít giá trị nghệ thuật, thậm chí không có giá trị nghệ thuật…

Tôi không ủng hộ khi đánh giá nhận xét về một thời kì văn học mà đẩy đến tận cùng cả hai thái cực cảm tính cực đoan. Cách đây gần hai mươi năm, khi giới thiệu về thơ Phạm Tiến Duật trên báo Quân đội nhân dân, tôi có nói một ý, đại loại: Người ta dù chủ quan hay cố ý đến đâu cũng không thể phủ định một sự thật hiển nhiên, là đã từng có một thời kì văn học làm tròn sứ mệnh phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mĩ. Dòng văn học này không thể mất đi hay lu mờ; bởi lẽ, trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, nếu người ta còn nhắc đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ thì mặc nhiên, văn học viết vào giai đoạn này trở thành một bộ phận không thể tách rời, không thể loại bỏ…

Nhắc lại ý kiến này để nói rằng, khi đánh giá văn học thời kì chống Mĩ phải căn cứ vào thành tựu mà nó đạt được với tinh thần và nhiệm vụ đặt ra. Nghĩa là, nó phục vụ như thế nào, hiệu quả đến đâu trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Giá trị của nó nằm ở chỗ phục vụ tầng lớp lao động bình dân, kêu gọi lôi kéo quần chúng nhân dân hướng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến của nhân dân… Với cách nhìn như thế, chúng ta không nhất thiết lấy tiêu chí tìm tòi cách tân nghệ thuật để soi xét văn học thời kì này.

Chợt nhớ, cách đây gần hai mươi năm trước, tôi có về thăm nhà thơ thôn quê Đoàn Văn Cừ. Ông kể, khoảng những năm 1960, ông gặp nhà thơ Huy Cận. Huy Cận gợi ý bảo ông nên xin về một cơ quan văn nghệ Trung ương như Báo Văn nghệ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn hay về hẳn cơ quan Hội để chuyên tâm sáng tác văn học, đừng làm ông giáo làng nữa. Nhưng thời kì đó, Ty Văn hóa thông tin Nam Định đã điều ông lên công tác. Nhiệm vụ của ông hồi ấy là chuyên tâm viết thơ ca ngợi phong trào hợp tác xã, phong trào làm thủy lợi, thả bèo hoa dâu, trồng cây điền thanh, làm xanh, phân bắc… Đại loại là cổ động cho phong trào nông nghiệp, nông thôn, nông dân của tỉnh. Đồng thời kêu gọi thanh niên ra mặt trận, giải phóng đất nước. Nhiều nhà thơ nhà văn ở Trung ương khi ấy cũng được cử về địa phương để viết về phong trào hợp tác hóa. Viết như thế nào thì tùy nhưng phải để cho nhân dân dễ đọc, dễ hiểu và khuyến khích được phong trào. Những câu thơ, bài thơ của các nhà thơ lớn như Nông trường ta rộng mênh mông/ Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài (Tế Hanh) và Anh cho quả trứng vịt/ Tôi nhận mà run run/ Tình đồng chí ruột thịt/ Những người chung tâm hồn… (Xuân Diệu) ra đời trong phong trào này…

Nhìn nhận một cách thẳng thắn và không né tránh, thì văn học nói chung, thơ ca nói riêng trong thời kỳ kháng chiến còn giản đơn, phiến diện; thường rơi vào thói quen khi sáng tạo, cấu trúc sơ lược, ngôn ngữ, hình ảnh, ý tưởng cũ. Khả năng khám phá những vẻ đẹp của đời sống và con người ở tầng sâu hạn chế, thiếu trí tưởng tượng. Nội lực văn hóa yếu nên các tác phẩm thường chỉ chạm vào bề mặt của thói quen truyền thống và kinh nghiệm. Tác phẩm vì thế không thể vươn tới cõi thẳm sâu trong thế giới tinh thần mà hầu hết là “tả thực”, đôi khi vội vã sống sượng, nên ít có tính tư tưởng, sức sống của tác phẩm vì thế cũng èo uột và ngắn ngủi. Những tác phẩm có được chỗ đứng trong lòng bạn đọc đương nhiên phải là những tác phẩm phản ánh đúng bản chất của cõi người ở những tầng sâu kín nhất…

Muốn văn học viết về chiến tranh tiếp tục có được những tác phẩm xứng tầm với cuộc kháng chiến chống Mĩ vừa qua, tôi cho rằng đây là vấn đề lớn. Chúng ta từng được nghe rất nhiều ý kiến của không ít nhà văn, đặc biệt trong các hội nghị Phê bình lý luận bàn về văn học cách mạng, người ta thường nêu ra ý kiến: Làm thế nào để có được tác phẩm văn học lớn ngang tầm với hiện thực cuộc chiến tranh vĩ đại vừa qua? Ở đây chúng ta cần lưu ý về khái niệm “hiện thực cuộc chiến tranh”. Trộm nghĩ: Đây là một quan niệm chưa chuẩn xác. Vì cái mà họ quan niệm về “hiện thực” trong cuộc kháng chiến vừa qua chính là “hiện thực” của các sự kiện. Theo đó, người ta đòi hỏi nhà văn phải viết đúng như hiện thực xảy ra ở các sự kiện ấy, như thế mới được coi là tác phẩm có giá trị. Đây là một sai lầm và phi văn học. Vì nếu cần phải phản ánh sự vĩ đại của các sự kiện trong chiến tranh như thực tế đã xảy ra, thì đó là công việc của các nhà làm phim tài liệu, các nhà sử học, hồi ký của các tướng lĩnh, nguyên thủ… Ở đó các thể loại này có khả năng “sao chụp” sự kiện một cách chính xác và chiếm ưu thế tuyệt đối. Nó có thể ghi lại đúng những gì đã xảy ra, làm tròn sứ mệnh là người ghi chép đủ và đúng nguyên si hiện thực. Chỉ có điều nó không bao giờ được coi là một tác phẩm văn học.

Bởi vì, văn học không thể và không bao giờ bê nguyên xi hiện thực các sự kiện cho dù các sự kiện đó vĩ đại đến đâu vào trong tác phẩm. Vì rằng, “hiện thực” văn học, nếu có, là một thứ “hiện thực” thuộc về bản chất phổ quát của con người, của cõi thẳm trong tầng sâu nhân tính của cõi người; là thứ “hiện thực”, được cá thể hóa một cách triệt để trên một tinh thần tự phê phán và phản biện. Theo đó, các nhà văn khi viết về chiến tranh không phải họ bê nguyên si hiện thực đồ sộ của các sự kiện vào tác phẩm, mà chỉ dựa trên nền tảng của các sự kiện để khai thác triệt để mọi góc cạnh trong những tầng sâu nhân tính và thân phận con người… Tác phẩm do đó có được giá trị…

Những tác phẩm lớn của Việt Nam và thế giới là những tác phẩm như thế: Tội ác và trừng phạt chỉ xoay quanh một nhân vật - kẻ giết người Raskolnikov; Trăm năm cô đơn viết về dòng họ Buênđya tồn tại trong một ngôi làng; AQ chính truyện chỉ với một nhân vật; Chí Phèo chỉ ở làng Vũ Đại, Số đỏ với Xuân Tóc Đỏ, hình ảnh Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh… Đó là những tác phẩm hư cấu. Nhưng ai dám bảo rằng đó không phải là những kiệt tác văn chương, vượt qua thời gian và biên giới, lãnh địa các quốc gia. Tất cả những tác phẩm vĩ đại đều là những tác phẩm khám phá triệt để bản chất phổ biến ở tầng sâu nhân tính con người. Những tác phẩm tự nhận thức và phản tỉnh rất cao…

Từ quan niệm này, để có được những tác phẩm có giá trị lớn viết về chiến tranh và người lính, các nhà văn không có cách nào khác là viết với tư cách là một nghệ sĩ chứ không phải là một người lính viết văn. Họ phải sáng tạo ra những giọng điệu riêng biệt trong cả ngôn ngữ, hình ảnh và cấu trúc. Tạo dựng được những số phận và tính cách độc đáo. Dũng cảm xem xét và nhận thức lại một cách tự giác bản chất tự thân; can đảm mở rộng mọi chiều kích của trí tưởng tượng để giải phóng mọi sự áp đặt khuôn mẫu. Mạnh dạn để cho trí tưởng tượng tự do phiêu lưu vào những miền sâu thẳm chưa từng biết đến của con người, dám đối diện với sự thật nằm sâu kín trong tâm hồn con người. Khám phá vẻ đẹp mọi khía cạnh ở tầng sâu nhân tính. Đủ dũng cảm để chối từ những hình thức cũ kỹ, những kinh nghiệm đơn thuần, những tiểu xảo khéo léo, kỳ dị, những dụ dỗ quyền lực, vật chất mê hoặc… Các rào cản trên sinh ra từ sự kiêu ngạo chủ quan. Nó che khuất mọi tầm nhìn, hủy diệt mọi khả năng linh giác và để lại sự lười biếng, sơ sài. Viết ra những tác phẩm qua quýt, nông cạn lừa dối bạn đọc…

Văn học là câu chuyện của con người muôn thuở. Tôi cho rằng chúng ta đã từng có những tác phẩm lớn viết về chiến tranh và hy vọng tương lai sẽ còn xuất hiện thêm nhiều nữa những tác phẩm lớn viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ. Sự bí ẩn của con người là vô hạn. Và tôi tin, các nhà văn chân chính vẫn âm thầm lặng lẽ mải miết đi trên con đường sáng tạo bất tận. Thời nào cũng có những nhà văn lớn. Thiên bẩm là lẽ đương nhiên, nhưng nói như một nhà thơ, đại ý: Đừng biến những thiên bẩm ấy thành trò chơi vô bổ…

T.A.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)