Con đường lịch sử

Chủ Nhật, 25/05/2025 00:47

(Đọc Đường Bác lên Việt Bắc của Nguyễn Đình Phúc, Nxb Hội Nhà văn, 2024)

. TÂM ANH
 

Nhà thơ Nguyễn Đình Phúc là một người say mê đề tài Hồ Chí Minh. Tập thơ Áo khoác Bác Hồ của ông đã được trao giải thưởng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2015 - 2020. Và vào những ngày cuối năm 2024, ông lại tiếp tục cho ra mắt bạn đọc một tác phẩm mới về Bác, trường ca Đường Bác lên Việt Bắc.

Khi toàn quốc kháng chiến nổ ra vào những ngày cuối năm 1946, để đảm bảo an toàn và thuận lợi cho việc lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, Bác đã di chuyển từ Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc. Theo sử sách ghi lại, cung đường Bác lựa chọn là Hà Đông - Sơn Tây - Phú Thọ - Tuyên Quang - Thái Nguyên - Bắc Kạn. Theo lời tác giả, cảm hứng viết bản trường ca được khơi nguồn từ quãng thời gian khoảng một tháng Bác lưu lại Phú Thọ. Nhà thơ Nguyễn Đình Phúc đã “theo dấu chân Người” trong quãng thời gian ở các xã Cổ Tiết, Chu Hóa rồi Yên Kiện để viết nên Đường Bác lên Việt Bắc.

Trường ca gồm 4 chương (Cổ Tiết bừng thức lời Người - Những ngày Chu Hóa bời bời - Yên Kiện nghiêng nghiêng cửa ngõ - Sáng đường đất tổ Bác đi) tương ứng với những mốc thời gian Bác lưu lại và rời khỏi Phú Thọ. Đúng như tên gọi, trong bản trường ca tác giả dày công xây dựng hình tượng nghệ thuật con đường. Hình tượng này xuyên suốt 4 chương, là kim chỉ nam giúp bạn đọc khám phá tư tưởng tác phẩm. Đó là con đường địa lí gắn liền với những địa danh quen thuộc của vùng đất Tổ như đền Hùng, sông Lô, sông Thao, rừng Cổ Tiết, với những mái nhà, hàng cây, bờ tre, bến sông thân thuộc đã từng vinh dự được đón Bác về trú ngụ trước khi Người lên Việt Bắc. Đó cũng là con đường cách mạng đang phải đối mặt với bao chông gai hiểm nguy khi kẻ thù một mặt điên cuồng đánh chiếm Thủ đô Hà Nội, một mặt ồ ạt tung quân, lập bốt nhằm truy bắt Bác và các đồng chí chủ chốt của Đảng: Khi Hà Nội khói lửa ngút trời/ Bầy quỷ xâm lăng thực dân Pháp/ Xua quân bủa vây lùng sục/ Giăng chốt ở Trung Hà, bến Hạc/ Chặn nơi nào Bác qua/ Máy bay ca nô, tàu chiến/ Đạn lửa rát bờ/ Bầm dập dòng Lô/ Chúng tìm mọi cách diệt/ Đầu não cách mạng ta. Và đó cũng là con đường lịch sử hào hùng của một dân tộc kiên cường, bất khuất, không bao giờ chịu khuất phục trước bất kì sự xâm lược nào. Trên con đường lên Việt Bắc, lời thơ “thần” từ sông Như Nguyệt ngày trước luôn vang vọng bên Người và đoàn quân cách mạng như một lời động viên, khích lệ: Cây thị thành chứng nhân/ Mái nhà địa chỉ đỏ/ Những cán bộ âm thầm tận tụy/ Trải ấm lòng nhân dân/ Đất nước tự thuở nào/ Mà linh thiêng hồn chữ/ Nghe xa miền Miếu cổ/ Dòng Như Nguyệt ảo mờ. Con đường Bác đi lên Việt Bắc chính là con đường của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Nhân dân chở che bảo vệ cho Bác, cho cách mạng: Con đường lẻ bóng nhân dân/ Mà nhân dân như đại ngàn che lối/ Có ai nhớ con thuyền nào sang/ Người lái đò giấu tên vào lòng đất; là con đường của những chiến công lẫy lừng: Trên đường lên chiến khu/ Người hẳn vui quân dân đoàn kết diệt thù/ Lầm lụi áo nâu du kích Hạc Trì/ Cuồn cuộn sóng, xiết vây, không nghỉ/ Bám đất, giữ làng, giết giặc.../ Sông Hồng, sông Lô bừng thức/ Một thời sóng đỏ bến sông quê... Con đường ấy còn là con đường tương lai, đưa đất nước đến “miền tươi sáng”: Con đường hôm nay ta “Làm theo lời Bác”/ Trái tim Người tình yêu thương bát ngát/ Tan hận thù, xóa bỏ lòng tham/ Chung một lòng xây ấm no hạnh phúc. Con đường ấy là một con đường mới chưa từng có trong lịch sử dân tộc, do Bác sáng lập nên, con đường mở ra một thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh: Người không bao giờ nói về mình/ Dù Người mở ra thời đại mới. Và con đường ấy cũng là con đường thiêng, con đường của tình yêu và niềm tin vào Bác trong tâm thức của người dân đất Tổ: Nơi Bác đã đi/ Hóa linh thiêng, nỗi trông chờ/ Cổ Tiết - Chu Hóa - Yên Kiện/ Sáng ngời biên niên sử/ Để mỗi lần ta thắp lên tâm ước/ Vững lòng tin Bác chỉ lối đưa đường.

Có thể nói hình tượng con đường luôn song hành cùng hình tượng Bác. Mặt khác, cũng giống như nhiều trường ca lựa chọn việc xây dựng hình tượng Bác trong một lát cắt về không-thời gian tương ứng với một sự kiện lịch sử cụ thể, ở tác phẩm của mình, nhà thơ Nguyễn Đình Phúc sử dụng triệt để thủ pháp đồng hiện nhằm “kéo giãn thời gian” tạo mối liên kết quá khứ - hiện tại - tương lai. Các chương đều bắt đầu bằng những suy tư, xúc cảm của tác giả khi đến thăm các địa điểm Bác từng lưu lại, từ đó mạch cảm xúc ngược trở lại thời điểm Bác ở Phú Thọ trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến trường kì, rồi hướng về tương lai của đất nước, dân tộc khi đi theo con đường Bác chọn. Với thủ pháp này, tác giả đã thể hiện tầm vóc và sức ảnh hưởng lớn lao của Bác đối với dân tộc trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Bác là người kế thừa và phát huy tất cả những gì tinh túy nhất đến từ “sức mạnh cha ông/ sức mạnh thánh hiền” để lãnh đạo nhân dân đi đến thắng lợi, hạnh phúc ấm no. Ngoài ra, nhà thơ Nguyễn Đình Phúc cũng rất khéo léo, tinh tế khi sử dụng thủ pháp liệt kê để khắc họa hình tượng Bác trong sự “bó hẹp” của không-thời gian. Trong quãng thời gian chỉ hơn 30 ngày và chỉ ở địa bàn 3 huyện của tỉnh Phú Thọ, Bác đã xử lí biết bao công việc trên các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao, tôn giáo, kinh tế, an sinh xã hội..., trong đó có nhiều quyết sách đã đi vào lịch sử:

- Đêm đèn dầu Cổ Tiết/ Thư gửi giám mục Lê Hữu Từ lời cương trực ái nhân/ Hiến pháp đã ghi tự do bình đẳng tôn giáo, trải lòng

- Trường Kì Kháng Chiến đặt tên/ Nhất Định Thắng Lợi - vang miền gần xa

- Lại khẩn trương “Mười vấn đề kháng chiến cần biết toàn dân”/ Sắc lệnh lập “Cục ngoại thương thời chiến sáng tầm nhìn”/ Củng cố, giữ an toàn các uỷ ban hành chính/ Họp Trung ương bàn kế sách đánh Tây/ Thư gửi Quốc hội và nhân dân Pháp vạch trần tội ác giặc phơi bày

- Chỉ thị “Cứu dân cứu quốc”/ Từng lớp sóng xô xao xiết

- 12 điều răn cán bộ chiến sĩ Vệ quốc quân

- Chính sách khoan sức dân/ Rồi văn hóa soi đường

...

Bằng thủ pháp này, tác giả đã làm nổi bật trí tuệ, tầm nhìn, tài thao lược và lòng yêu nước, thương dân của Bác. Những việc làm, hành động của Người đã vượt qua khuôn khổ hạn hẹp của không-thời gian, tác động đến toàn dân tộc ở thời điểm đó cũng như trong cuộc kháng chiến sau này. Tất cả những điều đó tụ lại, làm toát lên ánh sáng minh triết từ Bác, thứ ánh sáng như một nhà thơ Nga đã nói, không đến từ phương Đông, không đến từ phương Tây mà đến từ tương lai: Ánh sáng không khơi lên từ trời/ Không thổi lên từ đất/ Không như tắt mở đêm ngày/ Có con đường tự giấu bao bí ẩn/ Vẫn âm thầm thắp lửa muôn nơi/ Ánh sáng từ tuệ mẫn trái tim Người/ Bác đã mang theo lên Việt Bắc/ Hồn núi sông, giành độc lập muôn đời.

Với Đường Bác lên Việt Bắc, nhà thơ Nguyễn Đình Phúc đã góp thêm một tác phẩm có giá trị và khẳng định sự trường tồn của đề tài Hồ Chí Minh trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại.

T.A

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)