Văn học đề tài chống Mỹ cứu nước thời hậu chiến - một góc nhìn về sự tiếp nối

Chủ Nhật, 11/05/2025 08:03

. NGUYỄN HỮU QUÝ

 

1. Dòng văn học kháng chiến từng chiếm lĩnh vị trí số 1 trong nền văn học Việt Nam suốt ba thập kỷ tính từ năm 1946 đến năm 1975. Những tác phẩm văn học ra đời trong hai cuộc chiến tranh yêu nước chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược thấm đẫm chất anh hùng ca, vừa bi tráng vừa lãng mạn trở thành nguồn động viên cổ vũ vô cùng lớn lao cho chiến sĩ đồng bào ta. Đội ngũ nhà văn chiến sĩ trở nên hùng hậu trong giai đoạn cả dân tộc Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Không thể nói khác được, đấy là một “Binh chủng đặc biệt” tuy rằng họ không phải là các chiến sĩ đặc công xuất quỷ nhập thần trong lòng địch. Một đội quân đánh giặc bằng ngòi bút với những trang văn câu thơ hừng hực tinh thần yêu nước, căm thù giặc, tô đậm lòng dũng cảm sự xả thân vì Tổ quốc, đậm đà tình đồng chí và dạt dào chất lãng mạn cách mạng như ta thường hay nhắc tới. “Binh chủng đặc biệt” ấy không đứng đằng sau cuộc chiến mà đã có mặt ở tuyến đầu khốc liệt, cùng hành quân ra trận, cùng đánh giặc với chiến sĩ đồng bào mình như những người lính thực thụ và cái để phân biệt họ với đồng đội nhân dân là trang viết. Đất nước của những người con gái, con trai/ Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép/ Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt; đấy là những câu thơ nổi tiếng nhất của Nam Hà, một nhà văn ra trận từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cùng thời với Nam Hà có Thu Bồn, Phạm Ngọc Cảnh… cũng là những nhà thơ mang áo trận lừng danh. Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ nổi tiếng từ trong chiến tranh với trường ca Mặt đường khát vọng trong đó có chương Đất nước còn được nhiều bạn đọc yêu thích đến bây giờ. Chế Lan Viên nổi tiếng với những bài thơ “đánh giặc” như Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? Và Huy Cận lại bắt nhịp vào cuộc kháng chiến vĩ đại với Ngã ba Đồng Lộc... Từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phạm Tiến Duật lên đường để trở thành người lính rồi sau đó là thi sĩ Trường Sơn nổi tiếng để có những câu thơ đẹp không tỳ vết về cô thanh niên xung phong Cạnh giếng nước có bom từ trường/ Em không rửa ngủ ngày chân lấm/ Ngày em phá nhiều bom nổ chậm/ Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà/ Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa/ Thương em, thương em, thương em biết mấy...; về chiến sĩ lái xe Cái vết thương xoàng mà đi viện/ Hàng còn đầy bến tiếng xe reo/ Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo... Trước khi về Nhà số 4, Nguyễn Đức Mậu đã là lính nên mới có Nấm mộ và cây trầm cũng như Nguyễn Duy vượt Trường Sơn mới viết hay Bầu trời vuông; Anh Ngọc giẫm lên cỏ đường Chín ám mùi khói bom ở Quảng Trị mới sinh nở được Cây xấu hổ; rồi Hữu Thỉnh có Năm anh em trên một chiếc xe tăng vào thời điểm cuộc chiến đang ác liệt và Lê Anh Xuân đã hiến dâng cho đất nước Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ từ dáng vóc bất tử của chiến sĩ Giải phóng quân hy sinh trên đường băng Tân Sơn Nhất vào mùa xuân 1968… Đội ngũ nhà thơ chống Mỹ thật đông đảo, ngoài những tác giả tôi vừa nêu có thể kể tên các anh chị Giang Nam, Thanh Hải, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Quang Tính, Nguyễn Mỹ, Trần Nhật Thu, Vương Trọng, Lưu Quang Vũ, Lê Thị Mây, Văn Lê... và một trường hợp độc đáo của thi ca chống Mỹ khi Trần Đăng Khoa xuất hiện. Đấy là mấy chấm phá thật sơ lược về thơ ca chống Mỹ còn văn xuôi đã khắc ghi vào lòng người đọc một thời những tác phẩm xúc động của Nguyễn Thi, Anh Đức, Nguyên Ngọc, Nam Hà, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Nguyễn Chí Trung, Triệu Bôn, Đỗ Chu, Khuất Quang Thụy, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Xuân Đức, Phạm Hoa...

2. Chiến tranh chống Mỹ kết thúc nhưng văn học về đất nước và con người trong quá khứ đầm đìa mồ hôi, máu và nước mắt ấy dường như vẫn là dòng chảy chưa hề ngưng lại trong hòa bình. Ngay sau cuộc chiến một loạt trường ca ra đời như sự nối dài của dòng văn học chống Mỹ do chính những nhà thơ thế hệ đó sáng tác với những Hữu Thỉnh (Sức bền của đất; Đường tới thành phố); Thanh Thảo (Những người đi tới biển; Trẻ con ở Sơn Mỹ); Nguyễn Đức Mậu (Trường ca Sư đoàn); Trần Mạnh Hảo (Đất nước hình tia chớp; Mặt trời trong lòng đất); Anh Ngọc (Sóng Côn Đảo); Thi Hoàng (Gọi nhau qua vách núi); Hoàng Trần Cương (Trầm tích)... Đặc điểm chung của các trường ca giai đoạn này vẫn coi trọng chất sử thi và âm hưởng anh hùng ca, là những diễn ngôn mang tính truyền thống đậm đặc chất đại tự sự...

Tuy nhiên, nhìn tổng thể cuộc chiến tranh chống Mỹ bi tráng vẫn là nỗi ám ảnh của dân tộc này trong đó nó như là vết chạm rất sâu trong trái tim của nhiều người cầm bút đã từng đi qua bom đạn. Nỗi mất mát đau thương quá lớn. Những trang viết hào hùng chỉ phản ánh một phía, một phần của cuộc chiến kéo dài hơn hai thập kỷ với những cái chết nối theo nhau từng ngày, từng giờ; với những tan hoang đổ vỡ không kể xiết; với những chia ly đằng đẵng của không ít lứa đôi và những bi kịch không giấu che nổi của biết bao thân phận xót xa sau chiến tranh. Càng lùi xa cuộc chiến mỗi nhà văn càng thấy trang viết của mình dường như đang thiếu hụt những cái gì đấy về sự thật trần trụi của nó, cảm thấy chưa yên lòng khi nỗi đau dân tộc chưa được mổ xẻ đúng mức, và những sáng tạo từ con chữ chưa chạm sâu vào được cốt lõi nhân bản văn chương. Cả tính dân tộc và nhân loại chưa được đi tới tận cùng trong những vật vã, trăn trở rất thật của hành trình sáng tạo và kết quả của nó. Bắt đầu có sự bổ sung, bù đắp của những tác phẩm thời hậu chiến, trước hết là từ chính những người cầm bút đi qua những năm tháng tàn khốc dữ dội đó. Họ viết không chỉ đơn thuần cho văn chương mà tôi nghĩ, trước hết cho những người đã ngã xuống với những tư thế khác nhau trong cuộc chiến tranh đã đi qua, cho những bi kịch không dễ bù đắp được của đồng đội, bạn bè, người thân của những người lính và cho cả mình nữa. Họ nghĩ mình nên viết chân thực cho cả hai phía có lý và phi lý, chính nghĩa và phi nghĩa bằng cái căn cước của nhân loại, có thể mới thấm thía đủ, đau đớn đủ, cô đơn đủ của hành trình vượt lên mình trong cuộc đối chiến với kẻ mạnh hơn rất nhiều. Viết như là sự chưa bằng lòng, chưa thỏa mãn với những gì mình đã nhận thức, đã tư duy, đã phản ánh trong văn học kháng chiến một thời khi quá tô đậm đề cao cái chung mà coi nhẹ, cái riêng; tôn vinh tập thể mà bỏ rơi cá thể; ưu tiên cái đẹp mà bỏ lơ cái xấu; ca ngợi hết mức phía ta lại bôi xấu thậm tệ kẻ thù... Sự thiếu khách quan, chưa công bằng trong nhìn nhận hiện thực; chưa đặt địch - ta trong đặc điểm chung và các mối quan hệ con người trong những ràng buộc với nhân loại, dân tộc, lịch sử, văn hóa kế thừa cũng như nặng về tính sử thi, anh hùng ca mà coi nhẹ tính tự sự, trữ tình đích thực. Có lẽ nhờ thế mà văn học đề tài chống Mỹ sau năm 1975 đến nay đa dạng, đa chiều, đa tầng hơn rất nhiều; nó tiệm cần gần hơn với bản chất văn học là viết về con người với những khoảng mờ tỏ đan xen trong đó, với những tự vấn về quá khứ, thời đại, về những giá trị đã được đóng khung, với cả chính mình… trên nền tảng luân lý truyền thống và quy ước đạo đức nhân loại. Chính vậy, văn học mới bắt kịp tư duy và yêu cầu của hiện tại cả về nội dung và nghệ thuật trong sự chuyển động gắn liền với sự nghiệp dựng nước, giữ nước hôm nay.

Cái giá của hòa bình ta đang được hưởng là đây, nói nhiều cũng được, nói bao nhiêu cũng được nhưng với tôi thì khắc sâu hai câu thơ này của Hữu Thỉnh: Một đời người mà chiến chinh nhiều quá/ Em níu giường níu chiếu đợi anh (Nghe tiếng cuốc kêu). Trong giai đoạn Đường ra trận mùa này đẹp lắm (Phạm Tiến Duật - Trường Sơn đông, Trường Sơn tây) thì rất nên, phải nên cất đi, giấu đi những “than thở” thi ca như thế nhưng sau khúc khải hoàn rất nên, phải nên có những xót xa sâu thẳm vậy. Nên cần có những Đất trắng (Nguyễn Trọng Oánh); Bến không chồng (Dương Hướng); Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh); Bến đò xưa lặng lẽ (Xuân Đức); Chim én bay (Nguyễn Trí Huân); Đối chiến (Khuất Quang Thụy); Lạc rừng (Trung Trung Đỉnh); Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai); Thời xa vắng (Lê Lựu); Thượng Đức (Nguyễn Bảo); Thư về quá khứ (Nguyễn Trọng Tân)...

Con người! Không nói khác được đâu ạ, văn học là viết về con người trong tận cùng đau khổ và hạnh phúc của nó. Vậy nên, đừng bao giờ nghĩ rằng viết về chiến tranh và người lính là không cần thiết nữa. Viết về chiến tranh là viết về khát vọng hòa bình, là viết về Nhân dân, Tổ quốc và Nhân loại, Thế giới đấy. Một đề tài không bao giờ cũ nếu không muốn nói là vô tận, vô biên.

Lại có một lớp nhà văn trẻ hơn hay rất trẻ vẫn quan tâm đúng mức đề tài văn học chống Mỹ trong nửa thế kỷ qua. Họ là thế hệ cầm bút sau 30 tháng 4 năm 1975 nhưng lại tâm huyết với đề tài chiến tranh và người lính, đặc biệt là giai đoạn chống Mỹ. Tuy rằng, đó là một thách thức không hề nhỏ với họ khi đằng trước đã có những nhà văn đàn anh lừng lững sinh ra thời đất nước đánh giặc. Nếu như thế hệ đàn anh điềm tĩnh lại trong nhìn nhận hiện thực họ từng trải qua thì lớp nhà văn thời hậu chiến chủ tâm viết “khác” người đi trước. Đương nhiên rồi, cái giọng hùng hồn hào sảng đã không còn là âm hưởng chủ đạo nữa, trái lại nó xoáy xiết vào những đau thương, những mất mát, những thiệt thòi của con người trong và sau chiến tranh. Người lính không còn là nhân vật chính, nhân vật trung tâm nữa mà có thể đã thay vào đó là những người thân của họ như mẹ, vợ, người yêu, con cái… Nhà văn không e ngại viết về những bi kịch chiến tranh, những vết thương chiến tranh rất khó hóa giải hay chữa lành. Xin được điểm danh đội ngũ những người cầm bút như thế với Trần Anh Thái, Lương Ngọc An, Trần Quang Đạo, Nguyễn Minh Khiêm, Hải Đường, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Thanh Mừng, Nguyễn Sỹ Đại, Hồng Thanh Quang, Nguyễn Linh Khiếu, Phan Hoàng, Mai Nam Thắng, Nguyễn Trọng Văn, Đoàn Minh Tuấn, Phạm Sỹ Sáu, Thai Sắc, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hưng Hải, Phan Hoàng, Nguyễn Ngọc Phú, Nguyễn Quang Hưng, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Thanh Hải, Lữ Mai, Lý Hữu Lương, Phạm Vân Anh, Nguyễn Thị Kim Nhung... (Thơ); Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Thế Tường, Nguyễn Bình Phương, Sương Nguyệt Minh, Tạ Duy Anh, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Hải Yến, Hồ Kiên Giang, Nguyễn Thị Kim Hòa, Đinh Phương, Lê Quang Trạng... (Văn).

3. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mang trong nó những giá trị lịch sử văn hóa rất đáng được ghi nhận và trân trọng. Với thế hệ hôm nay và mai sau thì trước tiên đó là lòng biết ơn. Biết ơn và tri ân thế hệ đi trước đã hy sinh để giành lại độc lập tự do, hòa bình cho đất nước. Những hi sinh của phần lớn là tuổi thanh xuân, tỉ lệ riêng tư trong chặng đời ngắn ngủi của họ vô cùng ít ỏi, mười tám đôi mươi đã dấn thân vào chinh chiến rồi ngã xuống trong thăm thẳm thế giới khác một cách bất ngờ nhất. Họ để lại cho cuộc sống hôm nay những ký ức và liên tưởng, những tâm tư chưa được giãi bày và những khát vọng chưa được bay lên. Ở thế giới khác họ đang nhìn về phía chúng ta chờ đợi những cách miêu tả, giải đáp, suy ngẫm của những người đang háo hức bước vào/ bay vào kỷ nguyên mới về sự không trở lại nơi mình đã ra đi của muôn vàn thanh xuân đang lặng lẽ vô hình. Đó cũng chỉ là một phần của cuộc chiến đã đi qua nửa thế kỷ trầm kha và chòng chành bất ổn. Còn đây nữa những hậu quả của chiến tranh đang phơi bày hay ẩn giấu đâu đó. Những thương tổn về vật chất, tinh thần cần được chia sẻ, cảm thông, nâng dìu. Có những tế bào, những nhiễm sắc thể bị biến dạng bởi mù sương nhân tạo màu da cam từ cuộc chiến năm nào. Tiếng bánh xe lăn. Chiếc nạng gỗ lốc cốc trên đường. Những cuộc kiếm tìm đồng đội, bạn bè... Chúng ta cần viết về những sự không lành lặn của con người bởi chiến tranh. Nhân tính và sự chung sống hiền hòa. Hướng thiện và những thực hành nhân nghĩa. Khát vọng hòa bình và những soi chiếu vào hiện thực. Bài học giữ nước hôm nay. Cuộc chiến chống ngoại xâm và cuộc chiến chống nội xâm. Tôi nghĩ đủ hiện thực cho các nhà văn kéo về nơi lưu giữ của mình và biến nó thành tác phẩm xúc động về chiến tranh, về người lính, về Nhân dân… Thế hệ đi qua chiến tranh chống Mỹ đang vơi dần đi. Quy luật sinh tử lạnh lùng lắm, không còn nhiều đâu những nhà văn mang áo lính viết về chiến tranh nữa. Một thế hệ nữa sắp đi qua, thật bàng hoàng khi thốt lên điều đó nhưng biết làm sao được, đấy là sự thật. Trong khi cuộc kháng chiến vĩ đại, cũng rất huyền thoại và chất chứa muôn vàn mất mát đau thương ấy đang có nhiều điều để viết. Viết vì hôm qua. Viết cho hôm nay. Viết để mai sau. Viết để cho những thế hệ không đi qua chiến tranh biết được ông cha mình đã từng sống, chiến đấu, yêu thương như thế nào trong một thời như vậy. Cho hòa bình không bị rẻ rúng coi thường, cho giá trị của nhân phẩm được nâng cao và từ đó sống có trách nhiệm hơn với dân tộc, nhân loại.

Những trang viết về chiến tranh bằng góc nhìn mới và bằng những sáng tạo văn chương chưa xuất hiện. Đó vừa là yêu cầu cũng là thách thức không hề nhỏ với đội ngũ nhà văn sinh sau chiến tranh. Dẫu là quá khứ, đã nửa thế kỷ cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc nhưng tôi nghĩ vẫn còn rất nhiều những trầm tích lịch sử và dấu vết của nó. Nhân vật. Sự kiện. Không gian. Thời gian. Chắc chắn vẫn chưa hiện lộ hết, đang chờ đợi những tài năng văn chương khám phá và thể hiện bằng cách riêng của mình. Cái khó của các nhà văn trẻ là cuộc chiến tranh đã lùi đi khá xa. Hiện thực ấy đã trở thành quá khứ. Lớp bụi thời gian đã phủ lên quá dày trên những lớp, những mảng cuộc sống bề bộn, ngổn ngang khốc liệt một thời. Họ phải viết về cái không được nhìn thấy, không được trải qua như cha chú mình. Nhưng tôi nghĩ, chả sao cả, sức tưởng tượng, khả năng hư cấu sẽ tạo dựng nên những tác phẩm viết về đề tài chống Mỹ vừa lạ vừa hay. Tuy vậy, chúng ta đừng bao giờ quên tính kế thừa trong văn học. Dân tộc luôn lưu giữ lâu bền truyền thống và lấy đó làm năng lượng sạch cho công cuộc dựng nước và giữ nước hôm nay thì văn học cũng biết sáng tạo trên những gì đã có của cha anh. Lịch sử sẽ gợi ý cho tác giả những điểm nhìn, những lựa chọn, những triển khai, những hình tượng, những nhân vật, những bối cảnh... bất ngờ và thú vị. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh viết Hồ Quý Ly (một tiểu thuyết lịch sử xuất sắc) là một dẫn chứng đầy tính thuyết phục về điều tôi vừa nói. Bằng tâm cảm bén nhạy của nhà văn, họ sẽ biết viết như thế nào cho cuộc kháng chiến yêu nước vĩ đại nhất trong thế kỷ hai mươi của dân tộc ta không bị lu mờ hay bị bóp méo. Họ viết như là sự tiếp nối thiêng liêng bằng tinh thần tự nguyện và trên cam kết không lời với thế hệ nhà văn đi trước. Cam kết ấy cũng chính là sự biết ơn với những hi sinh vô cùng to lớn của cha anh đã dám đối mặt với kẻ thù xứng đáng của dân tộc để giành lại độc lập tự do, hòa bình thống nhất cho đất nước muôn đời.

N.H.Q

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)