Tiểu thuyết những năm chống Mỹ (1955 - 1975) - những đóng góp lớn cần khẳng định, tôn vinh

Thứ Bảy, 10/05/2025 08:03

. NGUYỄN THANH TÚ - NGUYỄN THỊ VUI

 

Từ góc độ tính cách tâm lý dân tộc và tiếp biến văn hoá, đặc biệt từ quan niệm văn học là một “binh chủng nghệ thuật”: cả nước đứng dậy chống giặc xâm lược, tất yếu văn học yêu nước cũng là một người lính; bài viết lý giải, phân tích, chứng minh nhờ giàu có tinh thần sử thi, văn học chống Mỹ, nhất là tiểu thuyết có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng, xứng đáng được khẳng định, tôn vinh.

I. Tiểu thuyết sử thi chống Mỹ - nhìn từ triết học liên văn hóa

Nhìn từ triết học liên văn hóa (The Intercultural Philosophy) - tìm hiểu những hiện tượng mang tính kết tinh do giao lưu, tiếp biến từ nhiều nguồn văn hóa nên tạo được những nét ánh sáng khác lạ, mới mẻ, để tạo nên một hệ hình (paradigm), thì văn học chống Mỹ là hệ hình của văn học sử thi, với các lý do sau.

Tính cách người Việt luôn hướng tới cái trong sáng, cái cao cả, chết trong còn hơn sống đục. Dù có đang sống nơi giàu sang nhưng vẫn hướng về quê nhà, không đâu bằng quê nhà có thể là nghèo nhưng trong sáng êm đềm: Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Con cò trong ca dao là biểu trưng cho người nông dân Việt dù chẳng may chịu cảnh sa cơ lỡ bước, dù có chịu chết nhưng vẫn hướng tới sự trong sạch: Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con. Tính cách này rất phù hợp với đặc điểm tôn thờ, ngưỡng vọng hướng về cái cao cả của sử thi.

Sinh sống ở mảnh đất có nhiều kẻ thù, cả hai chân, bốn chân và không chân nên người Việt rất sùng bái những anh hùng đánh giặc giữ yên bờ cõi. Theo thống kê của GS Ngô Đức Thịnh thì riêng tỉnh Bắc Ninh trong số 600 vị Thành hoàng thì có 469 là nhân thần, trong đó đa số là các nhân vật lịch sử hay nhân vật huyền thoại nhưng đã được lịch sử hoá. Ở Hà Tây (cũ) trong số 185 vị Thành hoàng là nhân thần thì có khoảng 2/3 là nhân vật lịch sử. Chỉ riêng trong tỉnh Nam Hà (cũ) Trần Hưng Đạo được thờ ở 400 làng xã[1]. Trong “tứ bất tử” thì có hai vị là anh hùng, Phù Đổng Thiên Vương và Tản Viên Sơn Thánh. Đấy là cách người Việt ghi công các anh hùng, như Thánh Gióng đuổi giặc hai chân là kẻ thù xâm lược, như Sơn Tinh đuổi giặc bốn chân là thú dữ và không chân là thiên tai. Thậm chí sự ngưỡng vọng của người Việt còn nâng đến mức tuyệt đối là cho thần tượng bay lên trời sống cùng các vị Tiên, và dĩ nhiên là phong thánh bất tử cho họ. Cho nên cũng dễ hiểu Đền thờ Đức Thánh Trần có ở rất nhiều nơi trên đất nước ta. Có thể nói phẩm chất anh hùng của sử thi có ở trong máu của mỗi người Việt, nhất là mỗi khi có kẻ thù xâm lăng thì phẩm chất ấy càng trỗi dậy mạnh mẽ.

Là một thể loại non trẻ trong gia đình văn học Việt Nam, do vậy không thể đòi hỏi nó có ngay một hệ thi pháp già dặn, vững vàng. Mà đã gọi là trẻ thì luôn có xu hướng hấp thu cái đi trước, cái mới. Cái đi trước ở đây là nói tới tư duy sử thi, cụ thể là sử thi phương Đông. Sử thi phương Đông luôn tôn thờ, nhấn mạnh những phẩm chất cao cả, nhất là trong sử thi Ấn Độ mà tiêu biểu là MahabharataRamayana. Mahabharata dài 22 vạn câu gấp 7 lần IliátÔđixê của Hy Lạp cộng lại. Ramayana dài gần 5 vạn câu. Sử thi Ấn Độ vừa miêu tả chiến tranh vừa rất coi trọng miêu tả sự xung đột giữa cái thiện và cái ác, giữa đạo lý và phi đạo lý. Mục đích của chiến tranh là hoà hợp. Điều luật của chiến tranh là lẽ công bằng. Những điều ấy đã góp phần tạo ra một “tinh thần Ấn Độ” đặc sắc. Tinh thần Ấn Độ ảnh hưởng đến các nước Đông Nam Á trước Công nguyên đi cùng với con đường truyền bá đạo Phật. Tư tưởng Phật giáo cũng hướng tới sự cao cả, thánh thiện. Biểu tượng Đức Phật nghìn tay nghìn mắt là một hình ảnh rõ nhất, tập trung nhất về khát vọng cao cả nhìn thấu bốn cõi (nghìn mắt) để thấy sự đau khổ trầm luân của chúng sinh mà ra tay (nghìn tay) cứu độ. Nhờ có những nét tương đồng mà tinh thần Phật giáo đã nhanh chóng hoà nhập, ăn sâu rồi trở thành quốc giáo một thời gian dài ở đất nước Đại Việt.

Tinh thần Ấn Độ, tư tưởng tích cực của đạo Phật ảnh hưởng tới và cùng với văn hoá bản địa góp phần tạo ra một tính cách Việt khoan hoà, nhân ái, hướng thượng, không thích chiến tranh, nếu buộc phải chiến tranh thì cũng vì mục đích hoà giải, hoà hợp, hoà bình. Đó cũng chính là cái mà văn học hướng tới để miêu tả, phản ánh. Cũng đúng với quy luật, thời có chiến tranh thì tính cách kia thể hiện rõ hơn và văn học phản ánh sâu đậm hơn.

Phía Bắc giáp ngay nước ta là Trung Quốc rộng lớn nhưng chiến tranh liên miên. Những bộ tiểu thuyết cổ điển về chủ đề chiến tranh như Tam quốc diễn nghĩa hầu như người Việt ai cũng biết đến hạt nhân ý nghĩa tích cực của nó là hướng con người đến cái nhân (như Lưu Bị “tuyệt nhân”), cái nghĩa (Quan Công “tuyệt nghĩa”), cái dũng (Trương Phi “tuyệt dũng”), cái trí (Khổng Minh “tuyệt trí”); căm ghét cái gian (Tào Tháo “tuyệt gian”). Bậc kỳ tài về binh pháp là Tôn Tử có ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược đánh du kích trong kháng chiến toàn dân chống ngoại xâm của nhân dân ta. Văn học Việt Nam viết về chiến tranh có quan hệ qua lại với văn học Trung Quốc cùng đề tài là lẽ đương nhiên. Nhưng do tính cách bản địa quy định mà nó chỉ tiếp nhận những gì là tinh hoa, những gì là phù hợp. Không ngẫu nhiên trong số các đại thụ thơ Đường Tống thì Đỗ Phủ được người Việt ưa thích hơn cả. Vì Đỗ là nhà thơ dân đen, nhà thơ hiện thực và nhất là nhà thơ phản chiến với những bài thơ đẫm nước mắt như Binh xa hành, Tam lại, Tam biệt… nổi tiếng.

Cái mới ở đây là sự hấp thu từ văn học Nga Xô-viết. Trước 1975 cửa ngõ quan hệ của chúng ta hầu như chỉ mở thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mà Liên Xô là chủ yếu. Các tác phẩm sử thi của Liên Xô vĩ đại được in với số lượng rất lớn đến tay bạn đọc Việt Nam: Số phận con người (Sôlôkhốp), Tuyết bỏng, Bến bờ, Lựa chọn (Bônđarep), Gắng sống đến bình minh, Bia mộ (Bưcốp), Sống mà nhớ lấy (Rasputin)... và không thể thiếu những bộ tiểu thuyết sử thi kinh điển: Chiến tranh và hoà bình, Sông Đông êm đềm... Đấy là chưa nói tới ảnh hưởng văn hoá phim ảnh. Những ai có tuổi thanh thiếu niên thời chống Mỹ đều có kỷ niệm mỗi tuần mong chóng đến buổi tối có chiếu trên màn ảnh rộng ngoài bãi cỏ “bộ phim màu chiến đấu của Liên Xô”!

Tất cả những điều trên cho phép đi đến một kết luận: tính chất sử thi luôn là một đặc tính, thuộc tính của văn học Việt Nam từ trước tới nay và mãi về sau. Chỉ nên phát triển nó, phát huy nó chứ không thể và cũng không phủ nhận được nó. Những ai “dị ứng” với văn học sử thi cần nên có một suy nghĩ khác.

Nhìn vào tiến trình vận động của tiểu thuyết sử thi Việt Nam từ 1945 đến nay dễ thấy có một quy luật: sự phát triển của thể loại này luôn gắn liền với những biến động lịch sử của dân tộc, của thời đại. Văn học là tấm gương phản ánh lịch sử nhưng đúng như tên gọi, tiểu thuyết sử thi là thể loại nhạy cảm hơn cả với bước đi của lịch sử, với những sự kiện lịch sử.

II. Tư cách, tư thế, nhiệm vụ của “binh chủng nghệ thuật”

Trong chiến tranh, đã gọi là “binh chủng” tức có chức năng trực tiếp chiến đấu, hoặc bảo đảm chiến đấu, có vũ khí, trang bị kĩ thuật, phương pháp tác chiến và hoạt động đặc thù. Tác chiến phải nhanh, gọn, hiệu quả, tức thì. Là một “binh chủng nghệ thuật”, văn học thời chiến phải nhanh chóng làm nhiệm vụ tư tưởng chính trị cổ vũ, động viên, phải có hình tượng mang tính mẫu mực mang tính lan tỏa cao để kịp thời “có mặt” ngay trên chiến hào. Văn chương phải tinh gọn, phù hợp đối tượng đọc là bộ đội ngay trên thao/chiến trường. Không nắm rõ đặc trưng này sẽ có những đánh giá không đúng về văn học thời chiến nói chung.

Âm hưởng vang dội của tiếng súng Đồng Khởi đầu những năm 60 của thế kỷ XX là những “cú hích” để tiểu thuyết sử thi phát triển mạnh mẽ. Hàng loạt tiểu thuyết ra đời: Một truyện chép ở bệnh viện (1959), Trước giờ nổ súng (1960), Sống mãi với Thủ đô (1961), Cao điểm cuối cùng (1961), Những người cùng làng (1961), Làng tề (1962), Một chặng đường (1962), Trên mảnh đất này (1962), Phá vây (1963), Đất lửa (1963)... Trong 3 năm 1960, 1961, 1962 có hơn 20 cuốn tiểu thuyết xuất bản, mỗi cuốn phát hành trên dưới một vạn bản[2]. Nhưng có lẽ nguyên nhân quan trọng hơn cả là vị thế dân tộc lúc này đang ở tầm cao của vũ đài chính trị thế giới. Sau khi chúng ta thắng Pháp với trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cả thế giới nhìn chúng ta với con mắt cảm phục, ngưỡng mộ.

Đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược miền Nam. Cả nước ta lại đoàn kết thành một khối Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Tố Hữu). Chưa bao giờ “không khí sử thi” lại bừng bừng mạnh mẽ như lúc bấy giờ. Những tiểu thuyết sử thi nguyên khối, tinh chất, không pha tạp ra đời như là một sự tất yếu: Vào lửa (1966), Hòn Đất (1966), Cửa sông (1967), Gia đình má Bảy (1968), Ở xã Trung Nghĩa (1969), Rừng U Minh (1970), Đường trong mây (1970), Vùng trời (1971), Đất Quảng (1971), Dấu chân người lính (1972), Thôn ven đường (1973), Mẫn và tôi (1972)... Nhà nghiên cứu Niculin (người Nga) nhận xét về cách xây dựng nhân vật của Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng là “đã bao bọc nhân vật trong bầu không khí vô trùng”. Nhưng có lẽ nhận xét ấy đúng với cả các nhân vật tiểu thuyết sử thi tiêu biểu của thời kỳ này: chị Sứ (Hòn Đất), Lữ (Dấu chân người lính), Mẫn (Mẫn và tôi), Hảo (Vùng trời)...

III. Từ cảm hứng sử thi đến diễn ngôn sử thi

Cảm hứng sử thi hào sảng đã tạo ra những nhân vật đậm chất lý tưởng. Nhân vật như một vầng hào quang trên bầu trời sử thi tỏa chiếu ánh sáng lý tưởng soi rọi, hướng bạn đọc đi về phía cái cao cả, cái anh hùng. Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu) có thể coi là một thành tựu của văn học Việt Nam hiện đại. Ngoài sự thành công xây dựng những điển hình anh hùng thời chống Mỹ (Kinh, Lữ), tiểu thuyết còn thể hiện được tinh thần của thời đại cả dân tộc một lòng đứng dậy đánh giặc: Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành (Tố Hữu).

Con người sử thi thời đó sống vì cái chung hơn vì cái riêng. Cái tôi càng như nhỏ bé đi trước cái ta cộng đồng. Nhân vật nói mà như “làm văn”: “Anh không cảm thấy cô đơn vì trên đầu anh là cả một trời sao và dưới cánh anh là những trời sao của đất nước”. Ngày nay bạn đọc trẻ tuổi không thể tưởng tượng đó là lời của một nhân vật chàng trai (Quỳnh) nói với người yêu, nhưng đấy là nét chung của ngôn ngữ thời đó. Thời của sử thi thì có ngôn ngữ sử thi. Không chỉ có trong Vùng trời của Hữu Mai mà dễ dàng tìm thấy ở bất kỳ tiểu thuyết nào thời đó, dĩ nhiên là phải cùng thể tài.

Con người sử thi là con người trong vắt, con người của lý tưởng, của niềm tin, rất khó tìm thấy ở họ có chút gì riêng tư cho cá nhân mình. Thế cho nên ta hiểu tiểu thuyết Chiến sĩ của Nguyễn Khải không chỉ là một người mà là tập thể những người lính can đảm, thông minh, giàu lòng yêu nước… Tình yêu là lĩnh vực riêng tư nhất nhưng ở tiểu thuyết giai đoạn này tình yêu trai gái hòa vào tình yêu đất nước, tình yêu nhỏ nằm trong tình yêu lớn. Thật dễ hiểu các cặp đôi như Lữ-Hiền (Dấu chân người lính); Quỳnh-Hảo (Vùng trời); Thiêm-Mẫn (Mẫn và tôi); Ngạn-Quyên (Hòn Đất); Tâm-Thành (Dưới đám mây màu cánh vạc)... đều là những nhân vật của sử thi, từ suy nghĩ đến “yêu đương” cũng rất “sử thi”. Chính vì thế mà trong bức thư của người vợ, dù đã có tuổi (vợ chính ủy Kinh) gửi cho chồng cũng có thể tìm thấy ở bất kỳ lá thư nào của những người vợ trẻ: “...ở nhà mọi người đều bình yên và đang tích cực sản xuất để góp phần cùng tiền tuyến chống Mỹ cứu nước” (Dấu chân người lính). Những người vợ ấy đã xác định rõ không chỉ gửi thư cho chồng mà còn cho cả đồng chí của chồng. Những người chồng cũng tương tự, lá thư không chỉ của riêng mình mà còn là của chung đồng đội. Tất cả, những người nơi hậu phương, nơi tiền tuyến, tiền tuyến-hậu phương đều coi nhau như trong một nhà, tất cả vì mục tiêu đuổi giặc. Cũng rất logic, khi đồng chí coi nhau như anh em trong nhà, thì anh em cha con ruột thịt lại coi nhau như đồng chí. Thậm chí khi yêu nhau người ta cũng coi nhau như đồng chí. Một câu thơ của Tố Hữu đã nói rất đúng cái tình thời đó là tình đồng chí: “Rồi hai đứa hôn nhau hai người đồng chí”. Rất dễ hiểu khi hai cha con Kinh-Lữ gặp nhau ngoài mặt trận thì người bố không nói bằng giọng người bố mà nói với giọng cấp trên (chính ủy): “Chốc nữa anh hãy báo cáo với tôi công việc anh đã làm từ ngày đi bộ đội. Quyết tâm thư khi đi chiến trường anh viết ra sao?” (Dấu chân người lính). Do vậy mà trước cái chết nhân vật chị Sứ cũng chỉ nghĩ về Đảng, về cách mạng: “Bữa nay, có lẽ mình chết. Nhưng mình chỉ thấy tiếc chớ không ân hận mắc cỡ gì cả... Tới phút này đối với Đảng, mình vẫn y nguyên, như chị Minh Khai, như Võ Thị Sáu... nên từ phút này trở đi, mình cũng phải giữ được như vậy” (Hòn Đất). Con người sử thi là con người “nén tình riêng vì nghĩa lớn”, thế cho nên nhân vật Khuê (Dấu chân người lính) khi biết tin “nhà bị bom, chết một đứa em lên năm, bà mẹ bị thương nặng, nhà bay mất không còn một mảnh ván” cũng coi như không có chuyện gì xảy ra, vì nếu nói sẽ ảnh hưởng đến tinh thần anh em trong đại đội. Cái chết của con người sử thi là cái chết “gieo mầm” (tên một truyện ngắn của Nguyễn Thiều Nam), cái chết của sự cao cả: “Người chiến sĩ điện thanh ấy trước khi hy sinh còn ngẩng cao đầu lên một lần cuối cùng: trên nền trời cao, rất cao và xanh, lá cờ đỏ mỗi lúc một thắm tươi đang bay, lá cờ mỗi lúc càng tiến dần đến trước mặt. Rồi anh nhắm mắt...” (Dấu chân người lính).

Diễn ngôn luôn chịu sự quy định, chi phối của “quyền lực” thời đại. Ở bối cảnh xã hội hừng hực tinh thần yêu nước: Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông (Chế Lan Viên - Sao chiến thắng), thì lý tưởng lên đường ra trận cùng “tất cả vì tiền tuyến” là khát vọng cũng là hành động cụ thể nhất của mọi công dân yêu nước.

Tương ứng với cảm hứng sử thi hào sảng và con người sử thi lý tưởng là một không gian sử thi hoành tráng. Đó là kiểu không gian mang tính xung đột căng thẳng: xung đột giữa nhân dân thôn Hòn Đất với tụi Mỹ Diệm (Hòn Đất); giữa bộ đội và du kích Làng Cá với quân Mỹ ngụy (Mẫn và tôi); giữa quân dân xã Hòa Thanh với cha con tên ác ôn Hứa Xâng, Hứa Min với bè lũ tay sai (Đất Quảng); giữa đoàn không quân Sao Vàng với bọn không lực “Huê Kỳ” (Vùng trời)... Thường là xung đột không cân sức, bên ta thì ít người, vũ khí thô sơ; bên giặc quá đông cùng vũ khí hiện đại. Đó là xung đột chính nghĩa - phi nghĩa mà kết cục chính nghĩa giành được thắng lợi. Không gian sử thi được biểu hiện cụ thể qua hình tượng con đường, hình tượng trận đánh. Đó là con “đường vui”, là “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”... cũng là trận tuyến “đẹp”: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Con người thời đó tìm niềm vui, nguồn vui ở trong những trận đánh giặc: “Đánh Tây sướng bằng tiên chớ cực gì” (Người mẹ cầm súng); “Bỗng dưng tôi bắt gặp một bông hoa vui đang nở ngập ngừng trong tôi, tỏa hương... Tôi nhận ra rồi. Nó là niềm vui được đánh giặc”. Đấy không chỉ là tâm trạng của nhân vật chị Út Tịch hay của Thiêm trong tiểu thuyết của Phan Tứ (Mẫn và tôi) mà còn là tâm trạng chung của hàng vạn, hàng triệu con người ở thời đó.

Đặc trưng của không gian sử thi là không gian con đường đông đúc, chật chội, con đường “ta đi đánh giặc”: “Dọc con đường giao liên bấy giờ, khu rừng hai bên có những quãng dòng thác người tự nhiên cứ quẩn lại, phình to ra, đông đúc và ồn ào như dòng nước lũ chảy qua một cái xoáy lớn... Không ai có tài nào mà phân biệt hoặc đếm được có bao nhiêu đơn vị, cũng không thể biết đây là đường rừng hay quảng trường, là rừng cây hay là rừng người và rừng súng đạn” (Dấu chân người lính). Trong không gian này lại mang một đặc điểm là tất cả như hòa lẫn vào nhau, con người lẫn vào thiên nhiên, người lẫn vào thác, người lẫn vào rừng, rừng lẫn vào súng đạn... Không chỉ con người đi đánh giặc mà cả không gian đi đánh giặc. Điều này càng tăng cường chất sử thi cho tiểu thuyết, đẩy hình tượng tiểu thuyết luôn vượt lên trên cái bình thường để trở thành cái phi thường.

Gắn liền với những biến động lịch sử của dân tộc nên khi cả đất nước ta đứng lên chống giặc Mỹ xâm lược, tất yếu văn học sử thi cũng đứng vào hàng quân tiên phong lên đường ra trận để kiến tạo những biểu tượng như một mã văn hóa đặc biệt lưu giữ cho các thế hệ sau về lý tưởng yêu nước, yêu hòa bình, về tinh thần xả thân vì Tổ quốc.

Một phương diện cơ bản làm nên đặc trưng không gian sử thi trong văn học 1945 - 1975 của ta là hình tượng con đường - một biểu trưng sinh động mà cụ thể cho đời sống tinh thần của cả dân tộc với sức mạnh, bản lĩnh, ý chí, niềm tin... Đó là con “đường vui”, là “đường ra trận mùa này đẹp lắm”... Phải sống trong không khí đậm chất lý tưởng của thời đánh giặc ấy mới thấy những câu thơ trên rất thật, không hề lên gân hay sáo rỗng như nhận định của một vài luận điệu lạc lõng… Đó là thời không khí ra trận giống như ngày hội lớn: Xóm dưới làng trên, con gái con trai/ Xôi nắm cơm đùm, ríu rít theo nhau/ Súng nhỏ súng to chiến trường chật chội/ Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu (Đường ra mặt trận - Chính Hữu). Những câu thơ tái hiện một không gian cả nước lên đường ra trận góp phần cắt nghĩa câu hỏi lớn của thời đại vì sao dân tộc Việt Nam nhỏ bé lại thắng một siêu cường đế quốc.

Từ điểm nhìn văn xuôi, hình tượng con đường ra trận được miêu tả chi tiết hơn: “Dọc con đường giao liên bấy giờ, khu rừng hai bên có những quãng dòng thác người tự nhiên cứ quẩn lại, phình to ra, đông đúc và ồn ào như dòng nước lũ chảy qua một cái xoáy lớn... Không ai có tài nào mà phân biệt hoặc đếm được có bao nhiêu đơn vị, cũng không thể biết đây là đường rừng hay quảng trường, là rừng cây hay là rừng người và rừng súng đạn” (Dấu chân người lính - Nguyễn Minh Châu). Trong không gian này lại mang một đặc điểm là tất cả như hòa lẫn vào nhau, con người lẫn vào thiên nhiên, người lẫn vào thác, người lẫn vào rừng, rừng lẫn vào súng đạn... để toát lên một chân lý không chỉ con người mà cả đất nước cùng ra trận. Cũng là một cách càng tăng cường chất sử thi, đẩy hình tượng vượt lên trên cái bình thường để trở thành cái phi thường. Nhà văn Lê Lựu có tiểu thuyết Mở rừng, nếu cho phép đặt một tên khác thì tên ấy là “Mở đường” vì nội dung tác phẩm phản ánh sinh động công việc mở đường Trường Sơn vô cùng gian nan ác liệt…

Sẽ phiến diện nếu chúng ta không điểm lại khu vực tiểu thuyết về đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà trên thực tế nó là mảng đề tài quan trọng ghi dấu cả một quá trình phát triển ý thức xã hội. Từ 1955 đến 1975 ở miền Nam diễn ra cuộc đấu tranh vũ trang giải phóng, ở miền Bắc là công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đồng thời với nhiệm vụ đánh trả cuộc xâm lược trên không của kẻ thù. Chúng ta có một loạt tiểu thuyết phản ánh cuộc đấu tranh cũ - mới, tiến bộ - lạc hậu, giữa làm ăn tập thể - cá thể: Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm (Đào Vũ), Bão biển, Đất mặn (Chu Văn); Xung đột, Chủ tịch huyện (Nguyễn Khải); Miền Tây (Tô Hoài), Đất làng (Nguyễn Thị Ngọc Tú)… Đặc điểm chung của các tác phẩm này là chú ý nhiều đến nội dung phản ánh hơn là hình thức biểu hiện. Chúng tập trung khai thác những xung đột trong cuộc sống lao động để mở ra một chân trời mới của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Ví như trong Đất làng (1974) là xung đột về đạo đức, tư cách, tác phong, trình độ khoa học… giữa các nhân vật Khái, Hân; mâu thuẫn giữa tính gia trưởng hẹp hòi của Tị với phẩm chất cần cù, vị tha, vì cái chung của Kếnh… Đọc những tác phẩm này người ta thấy phơi phới một niềm tin yêu vào sự tất thắng của cái mới, cái tốt, tin vào chủ nghĩa xã hội. Người ta cũng thấy rõ sự đơn giản trong lý giải các vấn đề xã hội… Cũng rất đúng với cuộc sống thời đó, tất cả đều giản đơn, hầu như ai ai cũng trong sáng một ý nghĩ: Tất cả vì tiền tuyến; Tất cả vì chủ nghĩa xã hội… Có thể là khập khiễng nhưng có đủ căn cứ để đi đến một nhận định này: Tư duy tiểu thuyết thời chiến tranh là tư duy của hồn nhiên cổ tích: tất cả đều rõ ràng, các xung đột quan hệ theo lối bổ đôi, phân cực địch - ta; tốt - xấu; tiến bộ - lạc hậu; cách mạng - phản cách mạng… Tâm thế tiếp nhận của bạn đọc thời đó cũng cực kỳ trong sáng. Hồn nhiên đến với hồn nhiên. Cho nên có những tiểu thuyết chưa hay nhưng vẫn có rất đông bạn đọc.

V. Những “siêu cấu trúc”

Gọi là “siêu cấu trúc” vì hình tượng quá cỡ, vượt khỏi giới hạn thông thường nên cấu trúc bị phá vỡ để vươn tới những phạm trù mang tính siêu việt.

Ở ngày hôm nay nhìn về văn học giai đoạn 1955 - 1975 thấy có hiện tượng này: vì được đẩy vượt lên quá mức giới hạn thông thường nên các phạm trù mỹ học cũng bị phá vỡ, vượt khỏi khung khái niệm. Nhân vật trở thành siêu nhân vật; không gian trở thành siêu không gian... rồi siêu kết cấu, siêu ngôn ngữ, siêu giọng điệu... Không còn là ngôn ngữ thông thường mà trở thành ngôn ngữ của lương tri, của trách nhiệm, của lý tưởng, chính nghĩa. Không còn là giọng điệu cá nhân đơn lẻ mà là giọng điệu của thời đại... Đấy cũng là lẽ tự nhiên. Chiến tranh là hiện tượng bất thường. Cuộc chiến vệ quốc của chúng ta phải chống lại và đánh thắng các siêu cường đế quốc nên là sự kiện mang tầm nhân loại. Nền văn học cách mạng đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh miêu tả, phản ánh cuộc chiến vĩ đại ấy. Phải khẳng định giá trị văn hóa lớn lao và ghi công vào trang vàng lịch sử nước nhà nền văn học nhân đạo này. Dĩ nhiên sản sinh ra trong thời kỳ đặc biệt mà nó mang những đặc điểm riêng, ví như vì dồn sức cho nhiệm vụ chính trị kêu gọi cổ vũ nên phải chạy theo sự kiện, coi trọng sự kiện, vấn đề con người còn bị xem nhẹ. Đây là đặc trưng chứ không phải là hạn chế (nếu có, thì hạn chế này thuộc về lịch sử). Ai đó phủ nhận nó thì thật có tội với lịch sử!

Thật dễ hiểu các cặp đôi như Lữ-Hiền (Dấu chân người lính); Quỳnh-Hảo (Vùng trời); Thiêm-Mẫn (Mẫn và tôi); Ngạn-Quyên (Hòn Đất)... đều là những nhân vật của sử thi, từ suy nghĩ đến “yêu đương” cũng rất “sử thi”. Tình cảm trong bức thư của người vợ gửi cho chồng (chính ủy Kinh) cũng có thể tìm thấy ở bất kỳ lá thư nào của những người vợ từ hậu phương: “...ở nhà mọi người đều bình yên và đang tích cực sản xuất để góp phần cùng tiền tuyến chống Mỹ cứu nước” (Dấu chân người lính). Con người sử thi là con người “nén tình riêng vì nghĩa lớn” nên cái chết của họ cũng là cái chết của sự cao cả, là cái chết “gieo mầm”.

Tương ứng với cảm hứng sử thi hào sảng và con người sử thi lý tưởng là một không gian sử thi hoành tráng được biểu hiện cụ thể qua hình tượng con đường, trận đánh. “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”... Con người thời đó tìm niềm vui, nguồn vui ở trong những trận đánh giặc: “Đánh Tây sướng bằng tiên chớ cực gì” (Người mẹ cầm súng)... Đấy không chỉ là tâm trạng của nhân vật chị Út Tịch mà còn là tâm trạng chung của hàng vạn, hàng triệu con người ở thời đó. Thời đánh giặc ấy không chỉ có những suy nghĩ sáng ngời lấp lánh một tinh thần sử thi của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… mà chúng ta có hàng triệu, hàng triệu những trái tim “trong như ngọc sáng ngời” như thế. Đấy là sự thật. Nhờ vậy chúng ta mới chiến thắng những đế quốc siêu cường cả về vũ khí cả về sự dã man.

Tiểu thuyết sử thi 1945 - 1975 đã manh nha một sự đổi mới, được biểu hiện trong Phá vây của Phù Thăng, rõ nhất ở tinh thần cật vấn phản biện. Đây là một tư duy nghệ thuật mới rất đáng trân trọng: Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi/ Lòng có mong chi đâu ngày trở về/ Ra đi, ra đi... Lòng Nghĩa cũng xúc động, nhưng anh vẫn thấy có một cái gì vương vấn trong tình thế hiện nay. Sao lại “Lòng có mong chi đâu ngày trở về?”. Nếu những người ra đi chiều nay với tâm lý như vậy thì không đáng mừng, cái tâm lý liều chết ấy sẽ trở nên nguy hại vô cùng... Và một tâm hồn liều lĩnh như vậy cần phải uốn nắn lại...”. Cùng một thái độ căm ghét chiến tranh rất nhân bản: “Chiến tranh không có gì đáng ca ngợi cả, và đời lính chỉ là cuộc đời nhọc nhằn mà thôi. Nếu như trong chiến đấu có thu được cái vinh quang chân chính của nó, thì cũng đã trả một giá quá đắt. Phải sớm kết thúc cuộc đổ máu cùng những thảm họa của nó”. Có thể xếp Phá vây vào hiện tượng tác phẩm lớn ra đời không đúng thời điểm. Chỉ tiếc những đổi mới này, tự mình một lối, thoát ra khỏi dàn đồng ca đang hào sảng say sưa, vì đi trước thời đại nên bị quy chụp, kết án nặng nề... Tài năng thường có cái nhìn khác, cách lý giải khác so với số đông. Nhìn từ “diễn ngôn” thì Phá vây, như một sự phản ứng với “quyền lực” mang tính thời đại, nên chưa được chấp nhận, là dễ hiểu. Thật tiếc một tài năng tiểu thuyết lóe sáng quá sớm. Đây là hạn chế về tầm nhìn, để lại bài học cho mai sau: đánh giá văn chương cần có cái nhìn độ lượng, phải chấp nhận những tiếng nói nhiều khi trái chiều!

Thay lời kết luận: Phẩm chất sử thi - một giá trị văn hóa của văn học Việt Nam

Trong tiến trình vận động của văn học Việt Nam từ 1945 đến nay thì sự phát triển của tiểu thuyết - với tư cách một thể loại cơ bản luôn gắn liền với những biến động lịch sử của dân tộc và thời đại. Tiểu thuyết sử thi là thể tài nhạy cảm hơn cả với bước đi của lịch sử, với những sự kiện lịch sử. Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên lý về cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện. Còn đúng với chân lý lịch sử, bất kỳ một dân tộc yêu nước nào bị xâm lược cũng đều có nền văn học chống xâm lược. Với Việt Nam ta càng thế, từ truyền thuyết Thánh Gióng đến cổ tích Thạch Sanh… đến bài thơ Thần, rồi hào khí Đông A, Cáo bình Ngô… Cũng đồng thời chứng minh một công lý của lẽ phải, niềm tin, của tình yêu tự do, tự quyết được, sẽ luôn chiến thắng.

Con người yêu nước có văn hóa trước hết là con người không được quên đi quá khứ của dân tộc mình. Một quá khứ cực kỳ cao cả, đẹp đẽ, hào hùng như thời cả nước lên đường ấy phải luôn được làm sống lại trong mỗi con tim người Việt hôm nay. Văn học hôm qua đã góp phần làm tốt nhiệm vụ đó. Cả dân tộc phải đổ máu để giành lại độc lập tự do. Có bà mẹ hy sinh cả chín mười người con cho sự nghiệp cứu nước. Kẻ thù đổ xuống dải đất thân yêu này hàng tỷ tấn vũ khí, giết hại hàng triệu dân thường, đốt phá hàng trăm nghìn làng mạc… Đây không phải là “một cuộc chiến tranh lạnh đầy thù địch” như có nhận định thiếu thiện ý mà là những cuộc chiến tranh tự vệ của một dân tộc khát khao có hoà bình, trân trọng con người, yêu tự do, không chịu nhục hèn chống lại bè lũ xâm lăng. Thế mà có ý kiến hàm hồ cho rằng cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại ấy là “cuộc chiến ý thức hệ”, “phi văn hoá”. Đây là sự cố tình lộn sòng các giá trị, đảo ngược các quan niệm, gây ra sự hiểu lầm về bản chất của những cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa. Phải có một quan niệm rõ ràng: đối với kẻ xâm lược, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đúng là “phi văn hoá” vì chúng là những kẻ giết người mang tội danh diệt chủng. Cho đến hôm nay vẫn có bao những em bé bị què quặt yếu ớt vì bị mang di chứng chất độc màu da cam. Kẻ rải chất độc chết người ấy xuống những cánh rừng nguyên sinh, xuống những làng mạc bình yên là “văn hoá” hay “phản văn hoá”? Đối với nhân dân Việt Nam thì đó là cuộc chiến cực kỳ có văn hóa, vì đó là cuộc chiến tranh bảo vệ con người, bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa!

N.T.T - N.T.V


[1] Nhiều tác giả, Văn hoá Việt Nam đặc trưng và cách tiếp cận (2007), Nxb Giáo dục, tr.169.

[2] Theo Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (2000) của Phan Cự Đệ, Nxb Giáo dục, tr.143.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)