VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Hoạ sĩ Vũ Thuỳ Mai: “Tôi muốn đưa văn hoá dân tộc vào tác phẩm của mình”

Thứ Hai, 13/01/2025 17:27

 Vũ Thuỳ Mai được biết đến là hoạ sĩ trẻ vẽ lụa tiêu biểu bởi phong cách riêng biệt. Những bức tranh tĩnh vật của chị tạo nên dấu ấn bởi sự tinh tế, tao nhã mà phóng khoáng, hoài cổ nhưng cũng đầy mới mẻ. Đặc biệt, trong tranh Vũ Thuỳ Mai, văn hoá Việt được khắc hoạ đậm nét. Nhân dịp triển lãm “Tết” của chị đang diễn ra tại 13B Nguyễn Gia Thiều, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với chị xoay quanh chủ đề này.

- Các hoạ sĩ đương đại không nhiều người chọn lụa, vì sao chị lại chọn chất liệu này?

+ Đặc tính của lụa là sự mềm mại, nhẹ nhàng, tinh tế. Vẽ tranh lụa đòi hỏi người họa sĩ có sự khéo léo và kiên trì nhất định vì đây là một chất liệu khá khó tả. Tôi chọn lụa vì sự yêu thích chất liệu, và cũng thấy nó phù hợp với tính cách và con người của mình. Mong manh, bình yên và đầy nữ tính.

- Những tác phẩm của chị cho thấy sự tỉ mỉ, công phu về kĩ thuật vẽ và sự đằm sâu, thăng hoa của tâm thức sáng tạo. Điều gì khiến chị kết hợp được những phẩm chất tuyệt vời này?

+ Nói đến chất liệu lụa thì một trong những hoạ pháp quen thuộc là rửa tranh sau khi vẽ, màu thấm vào thớ lụa, tạo hiệu ứng từ những nét loang, tranh thêm huyền ảo. Nhưng trong tranh của mình, tôi lại chọn cách thể hiện riêng, không dùng kĩ thuật rửa, những đường nét, hình khối, không gian đồng hiện tươi nguyên theo bảng màu, từng gam màu tự phô diễn vai trò của riêng nó.

Người ta nói tranh là người, người là tranh, nhìn vào tranh có thể đoán được tính cách con người. Những gì tôi vẽ và thể hiện trên tranh là những gì quen thuộc, gần gũi với chính cuộc sống xung quanh mình, mình tiếp xúc nó, cảm nhận nó, và qua những trải nghiệm cuộc sống của chính bản thân mình để thể hiện nó bằng ngôn ngữ riêng của hội hoạ, của chất liệu, của màu sắc.

- Vẽ tĩnh vật, tôi nghĩ đó là một thử thách. Bởi rất nhiều hoạ sĩ chọn đề tài này nhưng để ấn tượng được là rất khó. Với hoạ sĩ Vũ Thuỳ Mai, tôi thấy được sự đam mê trong từng tác phẩm tĩnh vật?

+ Tĩnh vật là một chủ đề quen thuộc với nhiều hoạ sĩ, chính vì nó quen thuộc và được nhiều hoạ sĩ chọn làm đề tài thể hiện, nên đúng là khi chọn đề tài này, nó là một thử thách đối với tôi. Nói là thử thách, bởi làm sao để từ một cái quen thuộc, mà có thể ghi lại dấu ấn, mới lạ, đặc biệt mà không gây cho người xem cảm giác nhạt nhoà, nhàm chán.

Giống như một món ăn quen thuộc, yêu thích của rất nhiều người, nhưng mỗi người sẽ có những cách tận hưởng khác nhau. Tôi không đặt quá nặng vấn đề mình phải vẽ gì, vẽ như thế nào, mà thể hiện nó một cách tự nhiên nhất, mình cứ làm theo những gì mình thích, như chính tính cách và con người của mình, chính vậy nó lại tạo ra sự khác biệt, không giống ai, vô hình trung tạo nên điểm nhấn của chính mình.

Đối với tôi, vẽ là để giải toả cảm xúc, để tĩnh tâm, để thiền, để chiêm nghiệm cuộc sống, và từ lúc nào vẽ trở thành hơi thở, là cuộc sống của mình. Có lẽ vì thế mà bạn thấy được sự đam mê của tôi qua tác phẩm.

- Với triển lãm “Tết” đang diễn ra, có thể thấy được không gian truyền thống thấm đẫm trong từng tác phẩm. Nhưng cũng ở đó bừng lên sức sống của hôm nay bởi lối biểu đạt rất hiện đại. Phải chăng chị đang muốn kết nối quá khứ, kể câu chuyện của quá khứ với tâm thế của người nghệ sĩ hôm nay?

+ Lụa là một chất liệu truyền thống, mọi người thường quen thuộc với lối nhẹ nhàng, màu sắc trầm ấm của lụa. Với tranh của tôi, bảng màu sắc được sử dụng tươi tắn hơn, cùng lối vẽ đồng hiện, tất cả đồ vật đường nét, hình khối, hiện ra tươi nguyên. Tôi muốn đưa tới người xem một sự tươi vui, mới lạ hơn, nhưng vẫn giữ được sự nhẹ nhàng, tinh tế, trong trẻo của chất liệu.

Khi nhìn vào tranh vừa thấy được sự mãnh liệt, tươi vui, đầy sức sống, vừa thấy được sự bình yên. Thông qua ngôn ngữ hội hoạ, tôi muốn kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Cổ vật đại diện cho quá khứ, di sản; hoa, quả hay những con vật là sự sống, là hiện tại. Tất cả đồng hiện trong nghệ thuật để cùng nhau đi vào tương lai. Những tác phẩm trong triển lãm “Tết” cũng thể hiện rõ rệt tinh thần đó.

Công chúng yêu nghệ thuật khi tới xem tranh của tôi thường đưa ra cảm nhận rằng họ thấy được những câu chuyện màu sắc của quá khứ, hoài cổ, và cũng thấy được sự hiện diện của thực tại, có chút gợi mở cho tương lai, vừa động vừa tĩnh, đan cài với nhau tạo nên sự sinh động, thu hút ánh mắt của người xem.

- Không đơn thuần là tĩnh vật, trong tranh của chị tôi thấy rõ bề dày văn hoá, sự am hiểu lịch sử, thời đại. Chị có cho rằng, đây là những yếu tố để hoạ sĩ đi được dài hơn trong sáng tạo?

+ Tôi là người sống trong hoài niệm, cũng rất yêu thích và muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hoá truyền thống. Chính vì vậy mà tôi cũng chọn lụa là một chất liệu truyền thống để nghiên cứu và sáng tác trong con đường hoạt động nghệ thuật của mình.

Ban đầu chỉ là sự yêu thích đồ cũ, những đồ vật tưởng như là không còn dùng đến, tôi đem về, trưng bày trong nhà, như một đồ vật để trang trí vì thấy thích, thấy hứng thú. Lâu dần, những sở thích sưu tầm đồ cũ đó ngấm dần và trở thành chất liệu cho mình sáng tác trong hội hoạ. Trong quá trình sáng tác, nghiên cứu, tìm hiểu thì phát triển lên, thêm những cơ duyên đưa tôi gặp gỡ và tìm hiểu tới những di sản văn hoá Việt, từ đó lấy di sản, văn hoá làm chất liệu sáng tác.

Di sản văn hóa Việt là kho tàng đồ sộ những tầng lớp các giá trị vật thể và phi vật thể, được kế thừa, gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ lịch sử. Cùng chung mong muốn, kế thừa và phát huy truyền thống văn hoá Việt, tháng 8/2024 vừa rồi, tôi cùng nhóm các nghệ sĩ Heritage and Art (viết tắt là H & A) do hoạ sĩ Nguyễn Minh khởi xướng đã cùng thực hiện dự án “Di sản văn hóa Việt qua góc nhìn Nghệ sĩ đương đại”. Dự án cũng nhận được nhiều sự quan tâm, ghi nhận của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật, yêu văn hoá truyền thống. Như PGS.TS. Phạm Thái Việt đã nhận định: Điểm độc đáo và có sức thu hút mạnh mẽ của dự án “Di sản văn hóa Việt qua góc nhìn nghệ sĩ đương đại” chính là việc các nghệ sĩ bằng tài năng của mình đã làm cho nghệ thuật sống lại trong nghệ thuật, văn hóa sống lại trong văn hóa. Sức lan tỏa của Dự án dường như được nhân bội khi có sự song trùng về năng lượng cảm xúc và có sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại.

Tôi cũng cho rẳng nền tảng văn hoá cùng sự am hiểu và say mê sẽ tạo nên nguồn cảm hứng bền vững cho sáng tạo.

- Bạn bè, đồng nghiệp hay những người yêu thích tranh của Vũ Thuỳ Mai, thường hay gọi chị với cái tên rất thân thương đó là “Hoạ sĩ vẽ về những mùa hoa”. Vì sao vậy?

+ Đúng vậy. Đặc biệt, trong triển lãm “Tết” lần này, tôi mang tới bộ tranh tứ bình về bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với tên gọi Bốn mùa bình yên. Hà Nội có khí hậu nhiệt đới đặc trưng của miền Bắc Việt Nam, với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt. Mỗi một mùa, mỗi tháng lại có những mùa hoa để lại dấu ấn riêng tạo nên sự khác biệt. Mùa xuân có hoa thược dược, thuỷ tiên. Mùa hạ có hoa sen. Mùa thu hoa sữa. Và cuối thu đầu đông có hoa cúc. Mùa nào, hoa nào cũng có vẻ đẹp và những câu chuyện riêng. Bốn mùa, bốn giai đoạn trong một năm, đều cầu may mắn bình an tới mọi người mọi nhà.

Tôi cũng từng vẽ bộ tác phẩm về 12 mùa hoa đặc trưng cho 12 tháng trong một năm. Tôi rất may mắn, vì có người bạn đời, cũng là hoạ sĩ, có cùng một tâm hồn đồng điệu, yêu cây cối, yêu hoa, gốm và những đồ vật giản dị nhưng đáng yêu. Mỗi một mùa tới, người bạn đời của tôi lại trồng những loại hoa yêu thích, vừa để ngắm và cũng để làm mẫu vẽ cho cả hai. Hay vào mùa hè chúng tôi thường lên đầm sen Hồ Tây, vào hồ sen từ sáng sớm tinh mơ, chọn tìm mua những bông sen thơm ngát về cắm. Học cách làm trà sen, để tìm hiểu và cảm nhận những giá trị, vẻ đẹp, ý nghĩa mà hoa sen đem lại từ đó tăng thêm cảm xúc để vẽ và đưa vào trong tranh thêm cảm xúc…

Bên cạnh đó, tôi cũng có những nhóm bạn dành tình yêu đặc biệt cho gốm cổ, hoa cỏ, trà, thiền… Chúng tôi thường gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ với nhau những câu chuyện xoay quanh những chủ đề đó. Chính vì vậy mà trong tranh luôn đầy ắp những hình ảnh quen thuộc trong không gian sống của gia đình, bạn bè.

Tôi luôn có xu hướng thích vẽ những gì hiện hữu, thân thuộc xung quanh mình, vẽ về những gì mình yêu thích và thân thuộc.

- Tranh tĩnh vật rất quan trọng bố cục. Vậy chị sắp đặt bố cục ấy ngẫu nhiên hay có nguyên tắc riêng nào không?

+ Mùa nào thức đó, khi tìm hiểu và vẽ về các loài hoa rồi, tôi lại tìm hiểu xem các loại quả mùa đó có gì và sắp xếp vào tranh như thế nào cho bố cục, màu sắc hài hoà hợp lí. Vừa có sự sắp xếp, tính toán, vừa ngẫu hứng theo cảm xúc của bản thân. Tất cả được sắp xếp theo bố cục đồng hiện. Mọi đồ vật cùng hiện hữu rõ nét trong cùng một không gian nhưng vẫn đem lại cảm giác hài hoà, nhẹ nhàng, tinh tế, không tranh chấp lẫn nhau.

Những nền gạch bông cổ, những viên gạch đá hoa với họa tiết đối xứng du nhập từ Pháp vào đời sống người Việt từ thời bao cấp, gắn liền với tuổi thơ của một thế hệ người Việt. Hay những bình gốm hoa nâu Lý - Trần, gốm hoa lam Lê Sơ, đồ sứ kí kiểu thời Lê - Trịnh, bình vôi các thời… những di sản, bảo vật quốc gia, những dấu tích thời gian và những câu chuyện mang dáng dấp của lịch sử đằng sau những đồ vật đó luôn cho tôi nhiều cảm hứng và thú vị để thể hiện cảm xúc của mình trong tranh.

Ngoài việc sắp xếp tĩnh vật bố cục, màu sắc sao cho hợp lí hài hoà, vừa đem lại cho người xem cảm giác thú vị, lôi cuốn không chỉ bởi cái đẹp của cách sắp xếp bố cục, màu sắc, mà những đồ vật tôi đưa vào tranh đều có chủ ý đan xen câu chuyện và ý nghĩa về văn hoá, lịch sử dân tộc.

- Chị có thể dẫn ra một ví dụ cụ thể về câu chuyện này để bạn đọc cũng như công chúng xem tranh cùng hình dung?

+ Ví dụ như chiếc bình vôi được tôi đưa vào tranh của mình khá nhiều. Từ xa xưa, bình đựng vôi là một đồ vật đơn sơ được làm bằng đất rất gần gũi và không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam. Bình vôi không chỉ đơn thuần là dụng cụ dùng để đựng vôi ăn trầu mà còn thể hiện tâm niệm, tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Bình vôi được xem như thần giữ của trong gia đình, đem lại may mắn cho gia chủ.

Và trong bộ tứ bình Bốn mùa bình yên là chiếc bình vôi với tạo hình quai bình là hình buồng cau, dây trầu, phần bầu tượng trưng cho tảng đá. Hình ảnh này gợi về Sự tích trầu cau. Tục ăn trầu nước ta có từ thời Việt cổ, định hình văn hóa trầu cau, và trong đó bình vôi là chi tiết không thể thiếu. Hay chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga, một đại diện tiêu biểu cho dòng gốm men trắng vẽ lam, thường gọi là gốm hoa lam. Dòng gốm hoa lam Việt Nam xuất hiện từ thời Trần thế kỉ 14 và phát triển liên tục cho tới ngày nay.

Như vậy, ngoài yếu tố sắp xếp bố cục hài hoà hợp lí, tạo ra tác phẩm đẹp về mặt thị giác cho người xem, tôi còn muốn lồng ghép yếu tố văn hoá Việt vào trong những tác phẩm của mình, điều này tăng thêm ý nghĩa, cảm xúc cho tác phẩm.

Tất cả những yếu tố đó tạo nên nguồn cảm hứng để tôi hoàn thành bộ tác phẩm Bốn mùa bình yên mong bốn mùa may mắn, bình yên tới mọi người, mọi nhà.

- Xin cảm ơn hoạ sĩ Vũ Thuỳ Mai về những chia sẻ chân thành, ấm áp!

KIM NHUNG thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)