VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này
NHÀ VĂN TRẦN THÙY MAI:

Mỗi lúc nhớ quê hương tôi chuyển sang viết về lịch sử

Thứ Sáu, 11/10/2024 07:44

Tiểu thuyết “Công chúa Đồng Xuân” của nhà văn Trần Thùy Mai đã khắc họa một bức tranh sống động về lịch sử triều Nguyễn trong giai đoạn đầy biến động, khi đất nước phải đối mặt trực tiếp với cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Thông qua số phận bi kịch của nhân vật chính, tác phẩm đã vẽ nên chân dung một thời đại lịch sử đầy máu và nước mắt, đồng thời chứa đựng những suy tư sâu sắc về thân phận con người trước cơn sóng dữ của thời cuộc. Tiểu thuyết“Công chúa Đồng Xuân” vừa được vinh danh tại Giải thưởng VHNT Cố đô của Tỉnh Thừa Thiên – Huế lần VII (2018 – 2023). Nhân dịp này tôi đã có cuộc trò chuyện với bà về văn chương và cuộc sống cũng như công việc viết văn.

PV: Hình như “Công chúa Đồng Xuân” là phần kéo dài của “Từ Dụ Thái Hậu” trước đó thưa bà?

Nhà văn Trần Thùy Mai: Tiểu thuyết “Từ Dụ Thái Hậu” dừng lại khi nhân vật chính mới xấp xỉ bốn mươi tuổi, vì vậy tôi muốn chiều ý nhiều bạn đọc, viết tiếp đoạn đời sau của bà. Nhưng lúc này bà đã lớn tuổi, sức ảnh hưởng không còn như trước, nên cần phải có một nhân vật khác thuộc thế hệ sau tiến lên hàng đầu làm “nữ chính”. Thoạt đầu tôi chưa có ý định viết về công chúa Đồng Xuân, mà định viết về công chúa Mai Am, người có chồng chạy theo vua Hàm Nghi ra Tân Sở rồi mất tích trong rừng. Nhưng, sau khi cày kỹ tư liệu, thì tôi cho là công chúa Đồng Xuân, với vụ án tai tiếng cuối năm 1884 mới là “mắt bão”, từ đó có thể quán xuyến toàn bộ những biến động và xung đột trong xã hội Việt lúc bấy giờ.

Công chúa Đồng Xuân là con út vua Thiệu Trị, con dâu của đại tướng Nguyễn Tri Phương. Chồng của Đồng Xuân là phò mã Nguyễn Lâm, theo cha ra giữ thành Hà Nội. Thành mất về tay quân Pháp, Nguyễn Lâm tử trận, Nguyễn Tri Phương tử tiết. Đồng Xuân trở thành góa bụa khi mới 26 tuổi. Ở góa được hơn 10 năm thì Đồng Xuân can tội, bị giam vào ngục rồi bị truất làm nô tì.

Nếu Thái hậu Từ Dụ là người phụ nữ vinh quang nhất trong cung đình Nguyễn thì Đồng Xuân là người có số phận tủi nhục nhất. Hai số phận tương ứng với hai thời đoạn lịch sử, thời kì thịnh trị vẻ vang và thời kì suy yếu đau thương, khi phải đối đầu với sự uy hiếp của đế quốc Pháp.

- Tác phẩm này của bà muốn nhấn mạnh điều gì khi bàn tới tầm quan trọng của việc rút ra những bài học kinh nghiệm từ lịch sử? Có vẻ như bà muốn đưa đến một cách hiểu và giải quyết mâu thuẫn dân tộc trong quá khứ cho những vấn đề của hôm nay?

+ Về giai đoạn lịch sử 1858- 1885, tức là từ lúc Pháp chính thức nổ súng tấn công vào Đà Nẵng cho đến sự kiện Thất thủ kinh đô, trước đây đã có một vài tiểu thuyết đề cập rồi. Điểm chung của những tiểu thuyết trước là đề cao lòng yêu nước, ca ngợi khí tiết của nhà nho, cổ xúy cho chủ nghĩa anh hùng. Đó là những chủ đề xúc động và đáng trân trọng. Nhưng do chúng đã được khai thác nhiều rồi, để tránh sự lặp lại nên tôi muốn tác phẩm này đi theo một hướng khác. Tôi muốn phân tích nguyên nhân vì sao ta chịu thất bại liên tiếp để cuối cùng mất hẳn chủ quyền đất nước vào năm 1885, với chính biến đẫm máu “Thất thủ kinh đô” mà cho đến nay hàng năm người Huế vẫn tưởng niệm với tục cúng “hăm ba tháng năm”.

Thông thường các tác giả trước tái hiện cuộc chiến như sự xung đột giữa hai đất nước, đơn thuần là cuộc đối đầu Pháp - Việt, chứ không mô tả nó với cái nhìn hệ thống: đấy là cuộc đối đầu giữa Việt Nam, một đất nước cho đến lúc đó vẫn khép kín, bỗng bị va đập vào một sức mạnh vũ bão có tính toàn cầu: sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Trong tiểu thuyết này tôi chủ ý tái hiện cuộc chiến trong bối cảnh thế giới của nó, qua sự so sánh với một số nước Á Phi: Nhật, Thái, Algeria… Cùng đối diện với sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân đế quốc, mỗi nước đã có sự phản ứng khác nhau, và nhận lãnh những kết cuộc khác nhau. Nguồn gốc sâu xa của sự khác nhau ấy là sự khác biệt về dân tộc tính của từng nước, chứ không hẳn hoàn toàn do một ông vua hay một triều đại nào. Bởi vậy trong lời mở đầu tiểu thuyết, từ số phận một người đàn bà tội nghiệp trong lịch sử, tôi đã viết những ưu tư của mình về căn tính Việt. Nhìn ra những hạn chế trong dân tộc tính của mình để hoàn thiện căn tính ấy, đó là điều tôi nghĩ cần làm nhất khi tổng kết bài học lịch sử này.

Như chuyện về công chúa Đồng Xuân, lúc mới đọc Đại Nam Liệt Truyện, tôi cũng không hề nghĩ đây có thể là một vụ án oan. Nhưng khi lặn sâu vào các tư liệu, thấy những mắt xích liên tục nối kết các sự kiện, đọc kĩ lời chép trong sử gốc, từ đó thấy được vụ án này là mắt xích cuối trong một chuỗi tương tranh đã xảy ra trong triều đình, sĩ phu và dân chúng Việt Nam trong suốt gần ba mươi năm. Thay vì đoàn kết và canh tân đất nước, người Việt đã dùng sự hẹp hòi, độc đoán, buộc tội và loại trừ lẫn nhau để đối phó với họa ngoại xâm. Đó là bài học đau đớn đáng ghi nhớ. Bài học đó còn giá trị trong tương lai không? Tôi nghĩ là có.

Tiểu thuyết "Công chúa Đồng Xuân" của nhà văn Trần Thùy Mai

- Huế giữ vai trò là nguồn cảm hứng như thế nào trong các tác phẩm của bà? Với các tác phẩm như “Từ Dụ thái hậu" và “Công chúa Đồng Xuân”, bà đã chuyển hướng từ những câu chuyện đời thường sang tiểu thuyết lịch sử, tạo ra một sự thay đổi đáng ngạc nhiên trong cảm nhận của độc giả về phong cách sáng tác của Trần Thùy Mai. Điều gì đã thôi thúc bà thay đổi thể loại và nội dung sáng tác, để đi sâu vào những câu chuyện lịch sử và văn hóa này?

+ Tôi sống hơn năm mươi năm ở Huế và đã nghĩ rằng mình sẽ sống với Huế suốt đời. Hồi đó, chỉ cần sáng sớm ra ngồi ở quán cà phê ven sông Hương thì có thể “nhập tâm” được cả bầu trời, cả cõi người, và chạm được vào rất nhiều số phận, nhiều nỗi niềm ở quanh mình. Có thể nói Huế là nguồn dưỡng chất nuôi sống tác phẩm của tôi.

Sau này, vì lí do gia đình, tôi vào Nam, rồi vì sự đẩy đưa của duyên phận tôi lại sang Mĩ. Mặc dầu vẫn về Huế thường xuyên, nhưng “nguồn dưỡng chất” của đời thường không còn được cung cấp liên tục. Mỗi lúc nhớ quê hương tôi chuyển sang viết về lịch sử. Vì, lịch sử luôn còn trong kí ức, đi đâu cũng có thể đem theo, ở đâu mình cũng có thể tiếp cận… Huế là thủ phủ miền Nam, rồi là kinh đô cả nước trong suốt các thế kỷ 16, 17, 18,19, nên lịch sử Huế thời đó cũng chính là lịch sử Việt Nam. Từ những câu chuyện của Huế xưa, tôi có thể gửi gắm rất nhiều suy nghĩ về dân tộc mình, đất nước mình…

- Bà có thể chia sẻ thêm về quá trình “phôi thai” một truyện ngắn, từ việc tạo ra các chi tiết nhỏ cho đến khi câu chuyện hoàn chỉnh thành “hình hài” cụ thể?

+ Truyện ngắn khác với viết tiểu thuyết. Truyện ngắn là một lát cắt nhỏ từ cuộc sống, cho nên trong truyện ngắn đôi khi cốt truyện không quan trọng, cái quan trọng nhất để truyện có thể đọng lại, thậm chí có thể ám ảnh người đọc là những chi tiết. Vì vậy, khi ở Huế tôi thường đi nhiều nơi, nhìn sự việc. nghe tâm sự… từ đó tôi tích lũy chi tiết, tạo thành những phác thảo sơ khai: có khi là một câu nói độc đáo, có khi là một vẻ mặt, một nụ cười nhiều ẩn ý… Đến một ngày nào đó, nhiều chi tiết bỗng lắp ghép lại với nhau, tạo thành một ý nghĩa nhân văn. Ấy là khi cái bào thai đã có đủ mắt mũi, tay, chân, nó trở thành một sinh mệnh và đến lúc chào đời. Tôi viết khá chậm vì thường nuôi dưỡng những chi tiết trong lòng tôi rất lâu như vậy. Cho đến nay nhiều mảnh ghi chép vẫn còn nguyên dạng rời rạc trong sổ tay, chúng là những “bào thai chữ” mãi không đủ ngày đủ tháng.

Tuy vậy cũng có những truyện tôi viết rất nhanh, như hai truyện Thương nhớ hoàng lan Trăng nơi đáy giếng là tôi đã viết xong cả hai trong vòng ba ngày, mà không phải sửa chữa chi tiết nào. Ý tưởng ập tới và lúc đó, mình tập trung tinh thần cao độ, viết rất nhanh và đầy cảm xúc. Hồi trước tôi có đi học khí công, thầy có dạy tôi cách đạt đến trạng thái “đắc khí” bằng cánh nhiếp tâm. Lúc đắc khí thì làm việc gì cũng rất nhẹ nhàng mà hiệu quả. Sau này tôi thường gọi trạng thái viết nhanh và đầy cảm xúc đó là “viết đắc khí”. Nói một cách khác đi, đó là cách phát huy tối đa năng lượng tinh thần bằng cách tập trung cao độ, là lòng chí thành toàn tâm toàn ý vào trang viết.

- Viết tiểu thuyết yêu cầu một sự chuẩn bị kĩ lưỡng hơn rất nhiều so với truyện ngắn. Đâu là những thử thách lớn nhất bà gặp phải khi phải duy trì nguồn cảm hứng lâu dài trong quá trình sáng tác?

+ Viết tiểu thuyết thì khác. Tất nhiên, có rất nhiều cách viết, ở đây tôi chỉ nói cách của tôi. Để viết tiểu thuyết thì trước hết mình phải có ý tưởng chủ đạo. Sau đó bắt buộc phải tìm tư liệu, từ nhiều nguồn tư liệu mới lọc ra mạch vận động chung của vô số sự kiện, từ đó hình thành cốt truyện. Ở giai đoạn này thì mình gần như phải làm công việc của một nhà nghiên cứu, bởi vậy phải rất tỉnh táo và tuân thủ kỉ luật lao động, không tà tà chờ đợi cho quả chín như khi ấp ủ một truyện ngắn. Một điều cũng quan trọng không kém, là phải luôn đưa ra những câu hỏi phản biện khi sắp xếp và chọn lọc tư liệu. Ví dụ như khi đọc sử mà ta không nhìn thấy những kẽ hở, những chỗ ý tại ngôn ngoại, không đưa ra được một cái nhìn mới về sự kiện và nhân vật thì cuốn tiểu thuyết sẽ chỉ còn là một tác phẩm có tính minh họa mà thôi. Mà trong tất cả các ngành nghệ thuật hiện nay thì sự minh họa không bao giờ được đánh giá cao. Khi tư liệu đã ổn, khi sự phản biện đã có, những cột mốc của sự kiện đã chốt, đó là lúc mình cần giảm bớt sự tỉnh táo của lí trí để cho nguồn cảm xúc dẫn dắt. Chung quy thì cũng cần tập trung tinh thần cao độ, như khi viết truyện ngắn, nhưng với tiểu thuyết thì sự tập trung phải dài lâu hơn, bền bỉ hơn. Khi mình “nhập thần” được rồi thì dĩ vãng sẽ tái hiện, nhân vật sẽ sống dậy, câu chuyện sẽ tự bộc lộ hết các sự thực cuộc sống với logic của chính nó.

- Bà từng nhắc đến việc ép mình sáng tác trong trạng thái thiếu cảm hứng có thể dẫn đến những tác phẩm không đạt yêu cầu. Vậy làm sao để bà xác định khi nào nên dừng lại và khi nào nên tiếp tục theo đuổi một ý tưởng?

+ Cách hay nhất để viết trở thành một niềm vui, và không phải nặn óc vất vả khi cầm bút, đó là luôn duy trì một cuộc sống đầy cảm hứng. Tất nhiên sẽ có lúc “lực bất tòng tâm” bởi trên cuộc đời của mỗi chúng ta luôn có quá nhiều gánh nặng đè lên, lấn át những xúc cảm. Có những giai đoạn ta đột nhiên trở nên “ù lì”, không biết viết gì cả, không muốn viết gì cả. Nếu mình sống hoàn toàn nhờ nhuận bút, như khi tôi còn trẻ, thì lúc đó vẫn phải cày thôi, và phép chữa chạy của tôi khi lâm vào hoàn cảnh “tắc tị” thường là tạm ngừng viết trong vài tuần để chuyển sang đọc. Đọc những gì mình thích, chứ không phải đọc những gì mình bắt buộc phải đọc bạn nhé! Cứ thanh thản đọc rồi tự nhiên cảm hứng sẽ được kích phát, sẽ tìm được một khoảnh khắc “đắc khí” mới. Đó là kinh nghiệm cá nhân tôi trong quá trình sáng tác.

- Bà có tin rằng sự tập trung cao độ và lòng chân thành có thể giúp một tác giả kết nối với độc giả của mình ở mức độ sâu sắc hơn không? Nếu có, bà có thể chia sẻ về những trải nghiệm cụ thể trong sự nghiệp của mình liên quan đến điều này?

+ Trong khi làm việc thì tôi không có sở thích gì đặc biệt, chỉ nghĩ tới viết lách. Chẳng hạn như mỗi khi thiền định thì mình nhận ra mọi giá trị về tinh thần đều xuất phát từ sự tập trung cao độ, gọi là “nhiếp tâm”. Khi ta “nhiếp tâm” thì luôn có cảm giác một năng lượng từ đâu đó trong vũ trụ xuất hiện từ đó tạo thành năng lượng riêng của mình. Tôi luôn giữ suy nghĩ phải tập trung cao độ, việc mình làm mới hoàn thành tốt được. Hoặc Nho giáo có một quan niệm gọi là “chí thành”. Tức là khi mình chân thành nghĩ tới điều gì đó thì mới có thể đạt tới được. “Chí thành thông thánh”, lòng “chí thành” có thể làm cảm động “thần thánh”. Đây chính là cốt lõi của các giá trị tinh thần.

Nhà văn Trần Thùy Mai và tác giả. Ảnh: NVCC

- Cái mới dường như là một thành tố cần thiết trong một nền văn chương. Bà nghĩ thế nào về cái mới và làm sao để các nhà văn Việt Nam có thể tiếp cận tốt hơn với những xu hướng văn học mới trên thế giới?

+ Cái mới là một vấn đề lớn nên tôi ít khi nghĩ tới, vì mỗi nhà văn thường có một thế giới riêng của mình. Chỉ cần tập trung vào thế giới đó thôi cũng đã đủ mệt rồi, nhưng nếu nhìn tổng quan thì các nhà phê bình văn học có lẽ nắm rõ hơn. Họ làm công việc phê bình nên tiếp cận nhiều thế giới khác nhau, còn nhà văn thì chỉ tập trung vào thế giới riêng của mình, cần đi sâu vào nó. Vì vậy, đôi khi mình lại lơ đãng với những điều xảy ra xung quanh. Tuy nhiên, theo tôi, khi tiếp cận với cái mới, tôi có một chút thắc mắc. Tôi cảm thấy rằng trong văn chương, người Việt hình như vẫn chưa nắm bắt được những xu hướng mới nhất của thế giới. Ví dụ, có những người nói rằng họ đang viết theo phong cách mới, nhưng thực ra cái “mới” đó đã xuất hiện ở phương Tây cách đây rất lâu rồi và giờ cũng không còn được ưa chuộng nữa. Cái mới của một thế kỉ trước có thể đã từng là mới, nhưng bây giờ thì không còn mới nữa.

Tôi thấy có hiện tượng nhiều nhà văn trẻ, rất tài năng và viết rất hay, nhưng lại đi theo lối viết rối rắm, khó hiểu. Tôi nhớ ngày xưa có câu “vô tri bất mộ” – không hiểu thì làm sao mà thích được. Bây giờ, mình viết mà độc giả không hiểu gì thì làm sao họ thích được. Ví dụ, có tác phẩm của một nhà văn đầy triển vọng, viết theo lối mới nhưng lại không được ai nhắc đến, vì đơn giản là họ không hiểu hết nội dung. Độc giả có thể thấy văn phong đẹp, nhưng nếu không nắm chắc ý nghĩa, họ ngại đề cập hoặc sợ viết sai. Vì vậy, tôi nghĩ rằng giới viết của mình không nên chạy theo những thứ gọi là “mới” mà thực ra không hiểu rõ cái mới đó là gì. Ngay cả khi một tác phẩm văn chương được tung hô, đôi khi nó cũng giống như câu chuyện “Bộ quần áo mới của hoàng đế” của Andersen. Nhiều khi những người tung hô thậm chí không hiểu rõ họ đang tung hô điều gì. Đôi lúc, điều này còn được góp phần bởi những nhà phê bình giỏi tung hỏa mù chữ nghĩa, khiến mọi thứ trở nên mơ hồ hơn.

Nếu mình chỉ đi theo phương Tây, thì mình luôn đi sau họ, vì những gì mình bắt chước từ họ đã có từ lâu. Mình chỉ trở thành một “phiên bản vụng về” của họ mà thôi. Chưa kể, điều đó thậm chí không còn mới với họ nữa. Tôi nghĩ, điều quan trọng là phải tự mình làm, tìm kiếm tiếng nói và ngôn ngữ của dân tộc mình. Cách tốt nhất là viết sao cho những người xung quanh mình có thể hiểu được và chia sẻ với mình. Cách tiếp cận đó có giá trị hơn nhiều so với việc chạy theo những cái gọi là “mới”mà thực chất không còn phù hợp.

Thật lòng mà nói, trong thời đại này, mọi thứ càng nhanh gọn càng tốt. Không ai có đủ thời gian để ngồi phân tích, suy nghĩ xem mình đang nói gì. Viết rõ ràng, mạch lạc còn khó thu hút độc giả, nên những lối viết quá phức tạp có lẽ sẽ có một vị trí khác, có thể không như mong muốn.

- Trong bối cảnh toàn cầu hóa, là người sống ở Mĩ, góc nhìn của bà về vấn đề này thế nào? Bà nghĩ rằng Việt Nam cần làm gì để vừa hội nhập quốc tế vừa giữ gìn bản sắc dân tộc?

+ Ý thức về bản sắc văn hóa không phải là điều gì quá phức tạp, sâu xa mà nó chỉ là những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày như cách ăn uống, cư xử, nói năng.... Điều đáng sợ nhất có lẽ là việc con người bị “đồng hóa”, “phẳng hóa” vì sức ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Trung Quốc, Hàn Quốc, phương Tây… Ngay cả trên các phương tiện truyền thông – nơi mà những lời ăn tiếng nói nói ra phải có sự chính thống của tiếng Việt thì cũng đang xuất hiện sự “vay mượn” tiếng nước ngoài. Ngày xưa, trong tiếng Việt có nhiều từ ngữ không biểu đạt được toàn diện ý nghĩa của sự vật, sự việc đó thì khi ấy ta buộc phải “mượn” tiếng nước ngoài. Còn bây giờ kể cả những từ thuần Việt ta vẫn có nhưng sự “vay mượn” vẫn xuất hiện, thậm chí ngày càng phổ biến. Cả những người Việt sinh ra và lớn lên tại Việt Nam vẫn sử dụng tên “Tây”. Cá nhân tôi cảm thấy chỉ khi ta là ta thì nó mới hay, mới đẹp, mới bản sắc. Khi mình đi mượn người khác thì dù có bóng bẩy, hào nhoáng bao nhiêu thì vẫn không mấy giá trị. Kể cả vấn đề phim Trung Quốc, đặc biệt là phim cổ trang, tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều cũng gián tiếp gây ra sự lãng quên của người Việt đối với lịch sử nước nhà, các nhân vật vang danh trong lịch sử dân tộc có thể bị quên lãng trước những diễn viên nước ngoài, một bộ phận biết sử Trung hơn sử Việt là vì thế.

Điều quan trọng nhất là trách nhiệm bảo tồn văn hóa Việt, bản sắc Việt, người Việt tự hào vì mình là người Việt. Tình yêu đất nước xuất phát từ những điều này chứ không phải ở đâu xa lạ. Đất nước không phải là nơi ta dựa vào để gây chiến, đánh nhau, chia rẽ dân tộc mà Đất nước là nơi mà ta ý thức được vẻ đẹp của dân tộc từ đó bộc lộ tình yêu, ham muốn gìn giữ, bảo vệ nơi mình sinh ra và lớn lên. Thách thức lớn nhất của văn hóa dân tộc chính là sự truyền bá mạnh mẽ của một số nền văn hóa trên thế giới khiến ta bị ảnh hưởng, biến đổi văn hóa theo chiều hướng không mong muốn. Đặc biệt là sự thu hút hấp dẫn của văn hóa bên ngoài. Cái quan trọng là ta phải ý thức được giá trị của mình, phát huy những văn hóa tốt đẹp của đất nước. Khi ta hãnh diện ta là người Việt hiển nhiên khi đó ta sẽ cố gắng giữ gìn những gì tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam.

Xu hướng của thế giới hiện nay là “phẳng hóa” vì thế điều quan trọng nhất là mình phải khẳng định được chính mình và khẳng định vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam.

Xin cảm ơn nhà văn Trần Thùy Mai về cuộc trò chuyện này. Chúc luôn an vui và có thêm nhiều tác phẩm mới!

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)