Tôi hát bằng trái tim của người nghệ sĩ - chiến sĩ

Thứ Hai, 05/08/2024 00:18

Đại tá, NSND Hồng Hạnh sinh năm 1975 tại Uông Bí, Quảng Ninh. Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, chị đã giành nhiều thành tích xuất sắc: Huy chương Vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc (1995); Huy chương Vàng cuộc thi Mùa xuân và người chiến sĩ do Bộ Quốc phòng tổ chức (2001); Huy chương Vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quân… cùng nhiều giải thưởng khác. Chị được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 2023.

Hơn 30 năm đem tài năng phục vụ bộ đội và nhân dân, Đại tá, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Nguyễn Thị Bích Hạnh (Hồng Hạnh) đã chiếm trọn trái tim nhiều thế hệ khán giả bằng giọng nữ trầm, đậm màu sắc dân gian trữ tình. Hiện tại dù rất bận rộn trên cương vị người đứng đầu Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội - một trong những cánh chim đầu đàn trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của lực lượng vũ trang, trong chị luôn cháy bỏng khát khao đem lời ca tiếng hát của người nghệ sĩ - chiến sĩ dâng hiến trọn vẹn cho nghệ thuật nói chung, cho nền âm nhạc cách mạng và người lính nói riêng. Khát vọng ấy đã bộc lộ chân thành trong cuộc trò chuyện của chị với Văn nghệ Quân đội.

- Chị bắt đầu đến với con đường âm nhạc ra sao, thưa Đại tá, NSND Hồng Hạnh?

+ Trong những năm đầu thập niên 80 đầy gian khó của thế kỉ trước, phương tiện nghe nhìn còn hiếm nên chủ yếu tôi nghe nhạc qua chiếc loa phóng thanh đầu xóm, bẩm sinh sẵn niềm đam mê, yêu thích ca hát nên chỉ nghe vài lần là có thể thuộc và hát theo được. Cũng dạo đó, tôi đã rất tích cực tham gia các phong trào văn nghệ của lớp, của trường và các chương trình biểu diễn của địa phương. Khi biết Nhà máy điện Uông Bí có câu lạc bộ âm nhạc, tập hợp nhiều “nghệ sĩ vùng mỏ” (một danh xưng trang trọng cho các nghệ sĩ ở đây), tôi háo hức đi bộ hơn mười cây số để đến xem các cô chú tập đàn, tập hát. Thấy tôi có năng khiếu, có niềm đam mê, các cô chú cho thử sức rồi “kết nạp” luôn vào câu lạc bộ và tôi được theo các cô chú đi biểu diễn phục vụ người lao động ở khắp các mỏ. Chính những buổi biểu diễn ban đầu ấy đã nhen nhóm trong tôi ước mơ trở thành người nghệ sĩ chuyên nghiệp, đem tiếng hát của mình phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

- Vâng, thế sau đó cơ duyên từ đâu đã đưa chị trở thành người lính văn công?

+ Cha tôi là người lính đặc công, từng góp mặt trong trận đánh 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, nên tuổi thơ của tôi đã ghi dấu hình ảnh cao đẹp mà thân thuộc của người lính - cha tôi. Cha tôi cũng chính là người truyền lửa, tạo cảm hứng cho tôi biết yêu thương, trân trọng và hát về người lính, hát về quê hương, đất nước. Sau này, mỗi lần được mời biểu diễn để tiễn những đoàn tân binh lên đường nhập ngũ, khi nhìn thấy niềm xúc động, bịn rịn của các chiến sĩ tôi càng mong muốn trở thành người nghệ sĩ - chiến sĩ. Khi giành Huy chương Vàng Họa mi vàng lần thứ Nhất và lần thứ Hai; Giải đặc biệt cuộc thi Giọng hát phụ nữ tỉnh Quảng Ninh; Huy chương Vàng Giọng hát Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh… nhiều người biết đến Hồng Hạnh nên nhiều đơn vị nghệ thuật đã mời tôi về cộng tác, nhưng tôi đều từ chối, vì còn đang bận học phổ thông trung học. Năm 1993, khi chuẩn bị tốt nghiệp phổ thông, các nghệ sĩ, những thầy tài danh như NSND Ứng Duy Thịnh, NSND Doãn Tần, NSND Đặng Hùng trong Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) có đến gặp gia đình, động viên, thuyết phục tôi về Đoàn công tác. Cha mẹ và tôi đã đồng ý. Với tôi thì đó là niềm vinh dự và thật sự tự hào khi được mặc lên người chiếc áo lính giống như cha mình. Ngay khi về Đoàn tôi đã được Quân đội đặc cách phong quân hàm chuẩn úy, được thủ trưởng Đoàn tin tưởng giao vai trò hát “solo” biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân khắp nơi. Sau đó lại được tạo điều kiện cho đi học Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội theo hình thức “vừa học vừa làm”. Chính môi trường vừa học lí thuyết, vừa được thực hành ấy là cơ hội quý báu rèn giũa để tôi trưởng thành.

- Và nghệ danh Hồng Hạnh, luôn được đông đảo khán giả, thính giả trong và ngoài nước mến mộ đã gắn với chị từ khi nào?

+ Tôi rất biết ơn cô Hồng Mơ, người phụ trách Nhà văn hóa tỉnh Quảng Ninh là người đã đặt nghệ danh cho tôi. Cô biết tôi qua các hoạt động phong trào và các cuộc thi tiếng hát lứa tuổi học đường hồi đó. Khi tỉnh Quảng Ninh tổ chức cuộc thi Họa mi vàng lần thứ Nhất cô đã mời tôi tham gia, nhưng do còn nhỏ nên tôi không biết cách đăng kí, cô liền chủ động đăng kí với nghệ danh Hồng Hạnh. Lấy từ tên đệm “Hồng” của cô và “Nguyễn Hồng” - dòng họ của cha tôi.

- Trong hành trình hoạt động nghệ thuật của mình, đâu là thể loại âm nhạc chị yêu thích và thành công nhất?

+ Chất giọng của tôi là nữ trầm (mezzo alto), mang đậm màu sắc dân gian trữ tình, có khả năng trình bày đa dạng các thể loại. Nhưng tôi yêu thích và thấy mình thể hiện thành công nhất các bài hát về Bác Hồ kính yêu, về Đảng, quê hương và người mẹ: Vầng trăng Ba Đình; Bác Hồ một tình yêu bao la; Trở về dòng sông tuổi thơ; Màu hoa đỏ; Huyền thoại mẹ; Câu hò bên bờ Hiền Lương... Các ca khúc về những đề tài trên gắn liền với sự trưởng thành về nghệ thuật của tôi, cũng như những giải thưởng, những huy chương mà tôi có được: Huy chương Vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc (1995) với ca khúc Cho con xin câu hát (sáng tác Minh Quang); Huy chương Vàng tại Cuộc thi Mùa xuân và người chiến sĩ do Bộ Quốc phòng tổ chức (2001) với ca khúc Mẹ tôi 1 (sáng tác An Thuyên); Huy chương Vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quân với ca khúc Chỉ tại dòng sông đa tình (sáng tác An Thuyên)…

Đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng; Đồng chí Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tặng hoa các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội trong chương trình giao lưu điển hình tiêu biểu “Ngời sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” năm 2024. Ảnh: PV

- Là một nghệ sĩ của Quân đội, thường xuyên có những chương trình biểu diễn ở mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là ở miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa, chắc hẳn mỗi chuyến đi, mỗi lần biểu diễn sẽ đọng lại trong chị rất nhiều kỉ niệm?

+ Người nghệ sĩ Quân đội đi đến đâu cũng được bộ đội chào đón, yêu mến. Bộ đội luôn tha thiết, chờ đợi nghe chúng tôi múa, hát, nên chặng đường hơn 30 năm hoạt động nghệ thuật trong Quân đội của tôi là một hành trình đong đầy kỉ niệm, khó có thể kể hết được. Tôi nhớ nhất những năm 1990, giao thông hồi đó cực kì khó khăn, mỗi lần đến được các đồn, trạm thường phải cuốc bộ mấy tiếng đồng hồ. Tuy có vất vả, nhưng khi đến nơi, nhìn ánh mắt chiến sĩ và nhân dân đang háo hức đợi chờ văn công giữa đất trời heo hút thì chúng tôi quên hết mệt mỏi, lại tươi tắn lên sân khấu múa hát say sưa. Tôi cũng nhớ những chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa, lên đảo nổi, đảo chìm, lên nhà giàn… hay phải hát qua bộ đàm khi không thể lên một nhà giàn nào đó vì sóng dữ, lúc tàu rời đi, lấp loáng trong mưa những cánh tay chiến sĩ vươn lên để vẫy chào mãi mà xúc động vô cùng. Lại có kỉ niệm vui thế này, ở một trường sĩ quan, khi tôi vừa hát xong ca khúc về quê hương thì có bạn học viên chạy lên sân khấu tặng hoa, bạn ấy nói nhỏ: “Em hát hay quá!”, rồi bất ngờ, tinh nghịch “thơm” một cái lên mái tóc... Tôi nghĩ, đó là những buổi biểu diễn thành công khi tiếng hát của người nghệ sĩ trên sân khấu đã gần lại, chạm được vào trái tim, chạm đến những kí ức thẳm sâu về quê hương, gửi gắm tình hậu phương và khơi lên tình yêu với Tổ quốc, động viên cán bộ, chiến sĩ luôn yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

- Tôi có xem một video biểu diễn của chị trong chương trình nghệ thuật tri ân thương binh liệt sĩ phát trên nền tảng số, và thấy bên dưới video ấy hiển thị rất nhiều bình luận như: “Ca khúc rất hay, tôi đã hát theo, vừa hát vừa khóc vì nhớ thương bao đồng đội của tôi không về…”; “Tôi là lính cầm súng thời kì chống Mĩ cứu nước, bài hát hay, người thể hiện tuyệt vời, đúng với cảm xúc của người lính”; “Tôi 4 năm chiến đấu ở Quảng Trị từ 5/1971 đến 12/1974, nghe bài hát quá xúc động”; “Giọng hát của Hồng Hạnh ấm áp, cuốn hút người nghe, muốn về lại Quảng Trị ngay!”; “Nghe mà da diết nhớ thương, xúc động đến tận cùng con tim”… Đó là những bình luận thật chân thành, khiến tôi rưng rưng xúc động. Khi đọc những nhận xét như vậy thì chị có cảm xúc ra sao, thưa NSND Hồng Hạnh?

+ Tôi rất trân trọng và hạnh phúc khi được khán giả nhớ mặt, nhớ tên. Người lính Cụ Hồ là một trong những hình tượng trung tâm của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam, trong đó có âm nhạc. Những ca khúc về người lính Vệ quốc đã cất lên trên chiến lũy sáu mươi ngày đêm bảo vệ Thủ đô, trong chiến hào “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”; những hành khúc về người chiến sĩ Giải phóng quân được cất lên trong những đoàn quân trên đỉnh Trường Sơn với khẩu hiệu “tiếng hát át tiếng bom”, trong những lần xông lên diệt đồn bốt giặc, trong ngục tù đế quốc và trong khúc khải hoàn chiến thắng… Nhịp đập âm nhạc chưa bao giờ ngưng trên môi người chiến sĩ mà trách nhiệm của các thế hệ nghệ sĩ - chiến sĩ chúng tôi là kế tục cha anh, cố gắng truyền tải hết tinh thần của ca khúc đến với bộ đội, nhân dân. Nghĩ vậy nên mỗi khi cất lên tiếng hát cũng là quá trình tôi hóa thân vào câu chuyện, vào bài hát. Khi thể hiện ca khúc Trở về Quảng Trị (thơ Đỗ Quý Doãn, nhạc Xuân Đồng), tôi thấy bài hát như kể về cuộc đời chinh chiến của cha tôi. Tôi hát và tưởng tượng đang dắt tay cha trở lại mảnh đất Quảng Trị nóng bỏng, đi giữa những hàng bia mộ liệt sĩ mà “thắp nén tâm nhang giữa trời xứ sở” để nhớ thương, tri ân bao đồng đội của cha tôi.

- Được phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ nhân dân, vinh dự ấy có gây áp lực hơn với chị trong những chặng đường nghệ thuật tiếp theo của mình không?

+ Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân là một sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những cống hiến, nỗ lực không ngừng nghỉ của người nghệ sĩ. Nhận được danh hiệu lớn lao ấy, tôi thấy mình phải có trách nhiệm nhiều hơn. Tôi luôn tự nhủ lòng mình không được phép thỏa mãn, dừng lại, phải cố gắng thêm và không bao giờ ngừng học hỏi, tiếp tục phát huy tinh thần cống hiến hết mình cho nghệ thuật, vì nghệ thuật của người nghệ sĩ - chiến sĩ, hằng đem lại nhiều tác phẩm hay, có giá trị cao đẹp đến với công chúng trong và ngoài nước.

- Vâng, nãy giờ chúng ta đã xoay quanh câu chuyện về chặng đường hoạt động nghệ thuật của NSND Hồng Hạnh. Giờ xin được tiếp tục trò chuyện với chị trên cương vị thủ trưởng của một cơ quan Quân đội có trách nhiệm giữ gìn, phát huy nền âm nhạc cách mạng và người lính. Tiến tới kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 80 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị, trên cương vị Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, chị có thể cho bạn đọc Văn nghệ Quân đội biết về lịch sử vẻ vang của Nhà hát?

+ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội tiền thân là Tổng đội Văn công được thành lập năm 1951 (năm 1955 đổi tên là Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị), nhưng có lẽ nhân dân và bộ đội đã quen với cái tên “Văn công Quân đội” thân thương. 73 năm qua Nhà hát đã đồng hành cùng nhân dân và chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật. Các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ, nhân viên Nhà hát đã nghiên cứu, dàn dựng, biểu diễn nhiều chương trình đặc sắc, phản ánh chân thực, sinh động, phong phú cuộc sống chiến đấu, lao động, sản xuất, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc cũng như tham gia dàn dựng, biểu diễn, phục vụ tốt công tác đối ngoại của Đảng, của Quân đội từng thời kì. Với phương châm “ở đâu có bộ đội và nhân dân, ở đó có nghệ sĩ - chiến sĩ”, Nhà hát tự hào với những tác phẩm và tên tuổi lừng danh trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam như: Chiến thắng Điện Biên (Đỗ Nhuận); Đường chúng ta đi (Huy Du); Đường tôi đi dài theo đất nước (Vũ Trọng Hối); Biết ơn chị Võ Thị Sáu (Nguyễn Đức Toàn); Tiếng đàn Ta lư (Huy Thục); Tiến bước dưới quân kỳ (Doãn Nho); Sông Lô chiều cuối năm (Minh Quang), tác phẩm múa Mùa hoa ban nở (Minh Tiến); Con quỷ và nàng tiên (Kim Tiến); Vũ điệu chim công (Ứng Duy Thịnh)... Đến nay, Nhà hát có 14 đồng chí được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân; 73 đồng chí được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú; nhiều nghệ sĩ, tác phẩm được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Huy chương Vàng trong các hội thi, hội diễn toàn quân và toàn quốc về văn hóa, nghệ thuật... Nhà hát cũng vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

- Theo như tôi biết, ở Nhà hát cũng có nhiều ca sĩ, nhạc sĩ trẻ thành công trong mảng đề tài về người lính, về chiến tranh cách mạng...

+ Tôi vô cùng biết ơn thủ trưởng Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Tổng cục Chính trị và các cơ quan chức năng luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ ở Nhà hát có cơ hội phát triển tốt nhất. Tôi cũng biết ơn các cô chú lãnh đạo Nhà hát từng thời kì dày công vun đắp, đặt nền móng vững chắc trong việc đào tạo đội ngũ nghệ sĩ trẻ để hôm nay chúng tôi được kế thừa những kinh nghiệm quý báu, cách làm hay trong việc phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng lực lượng đầy tài năng này. Hiện Nhà hát có một dàn nghệ sĩ trẻ hùng hậu như các nhạc sĩ: Hoàng Hồng Ngọc; Dương Quang Việt; Thế Dũng; Phan Trọng Quang; Bùi Tuấn Ngọc; Tạ Tuấn; các ca sĩ: Minh Ngọc; Cẩm Tú; Lan Anh; Thu Thủy; Viết Danh; NSƯT Plong Thiết…; các nghệ sĩ múa: Trương Thị Bích Hạnh; Văn Thịnh; Phi Trường; Hồng Nhung; Trà My… Với sức trẻ, nhiệt huyết, chịu khó bám sát đời sống bộ đội, đời sống âm nhạc, họ đã có nhiều sáng tạo khi sáng tác và hát về Bác Hồ kính yêu, về Đảng, về người lính… được bộ đội và công chúng đón nhận nồng nhiệt. Hi vọng các tác phẩm và tiếng hát của họ sẽ ngày càng bay cao, bay xa, trở thành những ngôi sao tên tuổi, kế tục xứng đáng truyền thống của các thế hệ nghệ sĩ - chiến sĩ tiền bối lừng lẫy: NSND Lê Dung; NSND Doãn Tần; NSND Mạnh Hưng; NSND Linh Nhâm; NSND Thúy Mỵ; NSND Bích Việt…

- Về vấn đề âm nhạc cho người lính, hiện nay có ý kiến cho rằng, chỉ nên đem đến cho người lính những sáng tác nói về họ, gần gũi với họ chứ không nên biểu diễn các ca khúc thuộc các đề tài khác. Theo quan niệm này, bất cứ tác phẩm nào không gắn với người lính thì dù hay đến đâu cũng “không cần thiết”. Vì thế nên có trường hợp ca nhạc “dành cho chiến sĩ” chỉ toàn những bài hát với ca từ hào hùng, sôi nổi mà thiếu vắng những giai điệu tình yêu mềm mại, trữ tình...

+ Thời nào tình yêu cũng là đề tài hấp dẫn được các nhạc sĩ quan tâm và đưa vào sáng tác của mình. Trong âm nhạc cách mạng, tình yêu đôi lứa được thể hiện với những nét độc đáo, riêng biệt; ở đó tình yêu nam nữ gắn liền với tình yêu đất nước, tình yêu nhân dân, yêu hòa bình. Tình yêu đôi lứa mang giá trị tích cực sẽ tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ vượt qua mọi thử thách, mọi gian khổ hiểm nguy với niềm tin tất thắng. Tôi đã quan sát thực tế và thấy rằng, trong mỗi chương trình biểu diễn cho bộ đội, ngoài những tác phẩm hành khúc, hào hùng, khi ca sĩ hát tình ca luôn làm nóng khán trường và được bộ đội ủng hộ nhiệt liệt. Rõ ràng, không chỉ tráng ca mới có thể truyền tải hết thông điệp và nâng tâm hồn người lính; ở một không gian cụ thể, bài tình ca tích cực, giàu rung cảm sẽ khiến người lính yêu thích mà lạc quan, yêu đời, sống nhân văn, nhân ái hơn.

- Hơn 30 năm mang tiếng hát đến với bộ đội, bây giờ chị mong mỏi nhất điều gì?

+ Qua những dịp gần gũi, tiếp xúc với bộ đội, tôi thấy rằng chiến sĩ hiện nay rất thông minh trong lựa chọn văn hóa nghe - nhìn - đọc. Ngoài những thiết chế văn hoá ở đơn vị cơ sở, chiến sĩ có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với thị trường âm nhạc hiện đại. Nhưng việc bùng nổ thị trường âm nhạc đầy màu sắc sẽ không tránh khỏi những tác phẩm thị trường dễ dãi ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, hưởng thụ âm nhạc lành mạnh. Tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều ca khúc về người lính ngọt ngào, sâu lắng nhưng không uỷ mị, không lên gân mà vẫn giản dị, gần gũi, vừa nói lên được hoàn cảnh, tâm hồn của người lính vừa phù hợp với thời đại để Nhà hát chúng tôi dàn dựng, biểu diễn, góp phần lan tỏa ngày một sâu rộng; để tất cả người lính cùng hát, cùng hoà nhập trong thế giới âm thanh trong sáng, lành mạnh khiến tâm hồn sảng khoái, thanh thản sau những ngày giờ học tập, huấn luyện vất vả ở đơn vị.

- Vâng, đây chính là tinh thần hết mình vì nghệ thuật, vì người lính thân yêu của người nghệ sĩ - chiến sĩ.

+ Sân khấu của người nghệ sĩ - chiến sĩ ngoài các sàn diễn nghệ thuật lớn còn phải là trên thao trường, bãi tập, nơi núi rừng biên giới, hải đảo xa xôi… Cho dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh môi trường như thế nào chúng tôi cũng hát bằng cả trái tim và tình yêu nghệ thuật mãnh liệt nhất. Chỉ khi hát bằng trái tim và tình yêu của người nghệ sĩ - chiến sĩ thì bài hát mới đến gần hơn với nhân dân và người lính, đó là con đường ngắn nhất chạm tới cảm xúc của người nghe.

- Xin trân trọng cảm ơn Đại tá, NSND Hồng Hạnh về cuộc trò chuyện ý nghĩa này!

LÝ HỮU LƯƠNG thực hiện

VNQD
Thống kê