VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này
THIẾU TƯỚNG LƯU TRỌNG LƯ - CHỦ TỊCH HỘI CỰU CHIẾN BINH TỈNH ĐIỆN BIÊN

Điện Biên hôm nay đã được bắt đầu từ bàn tay người lính

Chủ Nhật, 21/04/2024 06:43

 

Thiếu tướng Lưu Trọng Lư. Ảnh: Thành Duy

Có mặt tại Điện Biên trước thềm Đại lễ, chúng tôi đã có buổi làm việc với Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh. Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội CCB Điện Biên đã dành cho VNQĐ cuộc trao đổi về Điện Biên hôm qua và hôm nay giữa những ngày Thành phố Điện Biên Phủ rực rỡ cờ hoa mừng Ngày chiến thắng. Chủ tịch Hội CCB tỉnh Điện Biên khẳng định, những người lính Điện Biên đã đặt những viên gạch đầu tiên từ sau ngày mảnh đất này được giải phóng, tham gia tái thiết, xây dựng cuộc sống mới trên vùng chiến địa, kiến tạo nền móng cho một Điện Biên của hôm nay.

- Về Điện Biên những ngày này đâu đâu cũng cảm nhận được không khí rộn rã trong những hoạt động kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Hoà trong không khí tưng bừng và bận rộn ấy, Hội CCB tỉnh có lẽ cũng đã vào cuộc từ rất sớm thưa Thiếu tướng?

+ Với rất nhiều những hoạt động lớn kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, có thể nói cả tỉnh Điện Biên như một công trường lớn. Hội CCB chúng tôi cũng đã tham gia tích cực vào các hoạt động của tỉnh. Hội được đề nghị tham gia rất nhiều ban chỉ đạo: Ban Chỉ đạo 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Ban chỉ đạo làm nhà đại đoàn kết; Ban Chỉ đạo xây dựng đường cao tốc Điện Biên - Tây Trang - Sơn La giai đoạn 1. Vừa qua Tỉnh ủy cũng giao cho chúng tôi cũng tham gia phối hợp với Ban Tuyên giáo, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật để thực hiện công trình sách Anh hùng, chiến sĩ Điện Biên Phủ nói về đóng góp của các tỉnh cho Chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm tri ân các lực lượng bộ đội, dân công hoả tuyến, thanh niên xung phong trên cả nước đã dành sức người sức của cho Điện Biên. Chúng tôi đã cùng với các tỉnh thành, rà soát, tổng hợp lại danh sách các lực lượng tham gia Chiến dịch. Những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ phần lớn đã ra đi, số còn sống trong cả nước khoảng 8.000 cụ, tuổi đều 94, 95, thời gian còn lại của lứa các cụ cũng rất gấp gáp, không được bao lâu nữa, con số ấy sẽ biến động rất nhanh. Hơn một năm qua chúng tôi đã vật vã với công trình này. Rất may là chúng tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các tỉnh thành. Đây là lần đầu tiên có một công trình nói về sự tham gia của các địa phương một cách toàn diện, có hệ thống, dù công việc đi sưu tầm danh sách những người tham gia không khác gì đi mò kim đáy biển nhưng chúng tôi đã làm tốt nhất có thể. Ngày Đại lễ đã gần kề, cuộc mít tinh và diễu binh, diễu hành lớn tại Điện Biên Phủ đang chuẩn bị tổng duyệt tại Điện Biên Phủ. Trong lễ diễu binh, diễu hành của lễ mít tinh kỉ niệm cũng có một khối của Hội CCB tham gia…

Hình ảnh luyện tập cho diễu binh, diễu hành trong Lễ kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.  Ảnh: VGP

- Vâng! Đó là hình ảnh biểu tượng cho sự hiện diện của lực lượng CCB Điện Biên trong đội hình chung. Nói về đóng góp của Hội CCB với tỉnh Điện Biên trong suốt 70 năm qua thì có lẽ sẽ rất dài, nhưng Thiếu tướng có thể cho vài nét khái quát nhất về những gì Hội CCB Điện Biên đã làm trong những năm gần đây đối với mảnh đất lịch sử này?

+ Hội CCB Điện Biên hiện nay có số hội viên xấp xỉ 2 vạn, tổ chức hội có tại 10 huyện thị và khối cơ quan doanh nghiệp. Là tỉnh địa dầu, phên dậu phía Tây của cả nước, hoà cùng dòng chảy của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, những năm qua chúng tôi đã thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng của hội. Với đặc thù 80-90% hội viên của Hội CCB Điện Biên là người dân tộc thiểu số, tiếp nối truyền thống của CCB Điện Biên các thế hệ trước, chúng tôi đã thể hiện tinh thần người lính, tinh thần Điện Biên năm xưa, đóng góp cho tỉnh nhiều phần việc, trong đó, nhiệm vụ đầu tiên phải kể đến đó là tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, nhất là hệ thống chính trị. Các đồng chí đã biết, cách đây năm, mười năm, hệ thống chính trị của Điện Biên còn có những vấn đề, những lỗ hổng, nhưng đến nay cùng với cấp uỷ, chính quyền các cấp và sự đồng hành của Hội CCB tỉnh, hệ thống chính trị đã vững vàng lên rất nhiều. Có thể nói, so với thời kì năm 2011 đến nay đã có bước trưởng thành rất lớn, trong đó có sự đóng góp của hội viên Hội CCB tỉnh. Chúng tôi có 1.442 đồng chí hội viên tham gia cấp uỷ chính quyền, làm bí thư, hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân từ tỉnh, huyện, xã, đã góp phần quan trọng củng cố hệ thống chính trị các cấp.

Bên cạnh đó, các hội viên CCB còn tham gia xây dựng phát triển kinh tế xã hội. Trở về đời thường, các hội viên đã lăn lộn với cuộc sống, góp phần tích cực xoá đói giảm nghèo, là nòng cốt phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Hiện tại Điện Biên có 22 doanh nghiệp do CCB làm chủ, có 3 hợp tác xã của CCB trong đó 2 hợp tác xã trồng mắc ca và một hợp tác xã dịch vụ. Chúng tôi cũng có các tổ đội nhóm trồng cây công nghiệp mang lại giá trị cao, hội viên CCB đã duy trì hoạt động rất hiệu quả, được cấp uỷ, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao…

- Vâng! Những đóng góp ấy có lẽ rõ nhất ở khu vực biên giới, khu vực nhạy cảm về chính trị, nơi địa bàn trọng yếu về an ninh, quốc phòng…

+ Ở cấp cao nhất là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng có sự hiện diện của hội viên Hội CCB tỉnh, cùng với đó, Điện Biên có 29 xã biên giới thì các xã này cũng đều có Hội CCB tham gia vào hội đồng nhân dân, cấp uỷ chính quyền. Hội đã phát huy truyền thống, phát huy sức mạnh đại đoàn kết để cùng các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương giữ ổn định chính trị trên địa bàn, nhất là những khu vực biên giới, khu vực chiến lược về quốc phòng - an ninh… Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền vận động, nhân dân thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tích cực đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, phản động, tuyên truyền xuyên tạc, nhất là những hành vi xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ trương đường lối của Đảng. Trước đây vào Mường Nhé, bà con hiểu lơ mơ lắm, các chính sách của Đảng, sự hỗ trợ, ưu đãi dành cho đồng bào miền núi, vùng cao của Đảng, Chính phủ thì bị thế lực xấu xuyên tạc thành của Trời cho, của Chúa gửi đến. Trong một thời gian dài Hội CCB đã vận động, giải thích làm cho bà con tin và hiểu. Vụ tụ tập đông người ở Mường Nhé năm 2011 các đồng chí biết rồi, những kẻ xấu và lực lượng phản động đã xuyên tạc hoàn toàn, bằng luận điệu lừa bịp, chúng chỉ nói ngắn gọn, ai theo Vua Mông sẽ có nhà, có xe ô tô, thế là người ta theo, tụ tập hàng nghìn người ở Nậm Kè chờ Vua Mông xuất hiện. Các lượng lượng trên địa bàn đã phải rất vất vả mới giải tán an toàn, đưa bà con trở về địa phương và ổn định được tình hình. Bây giờ thì mọi thứ đã khác…

Mô hình trang trại tổng hợp của CCB huyện Điện Biên Đông. Ảnh: Hoàng Tâm

- Để giữ gìn địa bàn an toàn, bền vững nhất có lẽ là chúng ta cần làm tốt việc an sinh xã hội. Trong những năm qua được biết Hội CCB tỉnh cũng là nòng cốt, kết nối trong việc giúp dân vay vốn phát triển kinh tế, ổn định đời sống…

+ Hội CCB được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên tin cậy mời giữ vai trò uỷ thác vay vốn. Trong những năm qua việc tổ chức vay vốn này đã mang lại hiệu quả, phát huy tác dụng xã hội rất tốt. Hiện Hội CCB đang quản lí 516 tổ vay vốn tiết kiệm, từ đó 18 nghìn hộ đã được hưởng chính sách vay ưu đãi với số tiền cho vay 16,5 tỉ đồng dành cho các đối tượng gồm cả hội viên Hội CCB và nhân dân trên địa bàn. Những khoản vay ưu đãi, dù số tiền không nhiều nhưng có ý nghĩa rất lớn dành cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, bà con dân tộc thiểu số và hội viên khó khăn, gia đình chính sách. Các chương trình hỗ trợ lao động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm việc làm, học nghề… hướng đến nhiều đối tượng, không những củng cố kinh tế hộ gia đình, giúp người dân ổn định cuộc sống mà còn hỗ trợ các cháu con em nhân dân và hội viên học tập, phát triển tương lai. Nhiều hộ từ tiền vay ngân hàng đã mua một hai cặp bò nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình rất tốt, hay các cháu có tiền mua laptop, đầu tư cho học tập để có một tương lai tốt.

Các hội viên Hội CCB cũng luôn đi đầu gương mẫu trong phong trào hỗ trợ nhân dân xoá nghèo bền vững. Trong những năm qua và đặc biệt hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hưởng ứng phong trào do Trung ương Hội phát động, Hội CCB tỉnh đã tích cực tham gia đóng góp nguồn lực cho tỉnh làm công tác xã hội. Thực hiện phong trào Hướng về Điện Biên, hướng về đồng bào Tây Bắc, 5.000 căn nhà đại đoàn kết đã được Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi xây dựng dành cho Điện Biên. Hưởng ứng phong trào này, Hội CCB tỉnh cũng triển khai xoá được gần 300 căn nhà dột nát cho hội viên và nhân dân trong tỉnh. Đây là một sự cố gắng lớn trong khả năng của chúng tôi.

- Nhắc đến Điện Biên Phủ không thể không nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã để lại muôn vàn tình thương, sự kính phục của nhân dân các dân tộc Tây Bắc, nhân dân Điện Biên. Gắn bó với Lai Châu trước đây và Điện Biên sau này đã lâu, Thiếu tướng có kỉ niệm nào trong những lần Đại tướng về lại Điện Biên…

+ Trước khi nghỉ hưu và tham gia công tác Hội CCB tôi từng giữ cương vị Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên nên cũng có vinh hạnh được đón các vị lãnh đạo cấp cao của Bộ Quốc phòng, tướng lĩnh của Quân đội các thời kì, và đặc biệt là được đón Đại tướng về lại Điện Biên, về thăm lại Mường Phăng, nơi Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Năm 2004, kỉ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng về thăm Điện Biên, năm ấy Đại tướng đã 94 tuổi. Để đón Đại tướng về thăm Sở chỉ huy Mường Phăng, trong một buổi chiều quân và dân Điện Biên đã hoàn thành con đường vào Sở chỉ huy lát bằng cây và ghi sắt. Chỉ điều đó thôi đã nói lên tình cảm của quân và dân Điện Biên, của bà con các dân tộc tại Mường Phăng đối với Đại tướng. Đó cũng là lần về Điện Biên cuối cùng của Đại tướng, chín năm sau, người về với Bác Hồ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữa vòng tay nhân dân các dân tộc Điên Biên trong chuyến về Mường Phăng năm 2004. Ảnh: Đoàn Hoài Trung

Công lao to lớn của Đại tướng và thế hệ CCB chống Pháp với Điện Biên không sao kể hết, nền móng các cụ để lại là sơ cở để xây dựng Điện Biên hôm nay, quân và dân Điện Biên luôn ghi lòng tạc dạ. Không chỉ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các cán bộ tiền bối, các tướng lĩnh và cán bộ lão thành từng tham gia chỉ huy các đơn vị trong Chiến dịch Điện Biên Phủ về thăm lại chiến trường xưa từ trước đến nay chúng tôi đều tổ chức tiếp đón chu đáo, ân tình, không những bằng trách nhiệm mà còn xuất phát từ tình cảm, sự trân trọng quá khứ, trân trọng những con người làm nên lịch sử.

- Vào những ngày tháng 5, cựu chiến binh các tỉnh cũng về Điện Biên rất nhiều. Chắc hẳn Hội CCB Điện Biên đã có những sự chuẩn bị, những hoạt động kết nối, tiếp đón và giới thiệu về mảnh đất lịch sử này với CCB cả nước?

+ Ngoài những nhiệm vụ khác, chúng tôi cũng có trách nhiệm đón tiếp các đoàn khách về Điện Biên. Đó cũng là một áp lực vì rất đông đoàn về nguồn trong dịp này, nhưng chúng tôi luôn nhắc anh em vui vẻ tiếp đón, vì các cụ chống Pháp, chống Mĩ về thăm nơi ghi dấu lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam là một vinh hạnh cho Điện Biên. Được ở trên mảnh đất lịch sử này với những ý nghĩa thiêng liêng, nơi diễn ra sự kiện chấm dứt cuộc kháng chiến chống Pháp, dù vất vả khó khăn đến mấy cũng không thể bằng các cụ trước đây với những gian khổ, hi sinh để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Vừa rồi chúng tôi cũng được giao đăng cai sự kiện gặp gỡ cựu chiến binh cả nước tại Điện Biên của Trung ương Hội CCB Việt Nam. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều đến dự trọng thể, từ gặp mặt, giao lưu, đến tập huấn tuyên truyền kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cấp uỷ, lãnh đạo tỉnh đã tin tưởng và giao nhiệm vụ thì dù vất vả nhưng chúng tôi vẫn phấn khởi và hết mình thực hiện. Đến giờ này đã có năm chục đoàn đăng kí lên với Điện Biên và con số ấy chắc sẽ còn tăng nữa trước, trong và sau dịp Đại lễ.

Trên mảnh đất này còn nhiều các cụ chiến sĩ Điện Biên chưa tìm thấy xác. Đền thờ các liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ mới xây dựng nằm trên Đồi F, là mỏm nhô ra của Đồi A1, nơi cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, nhiều người không tìm thấy xác, đành làm ngôi nhà chung thờ các liệt sĩ. Chứng kiến các CCB đến thắp hương, nhìn đôi câu đối trong đền thờ liệt sĩ rưng rưng nước mắt: Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc / Hồn bay lên hóa nguyên khí quốc gia (hai câu thơ của nhà thơ Trần Thế Tuyển - PV) chúng tôi cũng cảm thấy nghẹn ngào.

Đền thờ các liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ được xây dựng trên Đồi F, kề Đồi A1 vào ban đêm. Ảnh: Kiến Việt

- Có một lực lượng các cựu chiến binh là các chiến sĩ từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ sau đó lại về xây dựng Nông trường Điện Biên, coi Điện Biên là quê hương thứ hai, số CCB này còn lại nhiều không và hiện tại ra sao thưa Thiếu tướng?

+ Có một số lượng các chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1958 theo chủ trương của Đảng đã trở lại Điện Biên xây dựng Nông trường Điện Biên, làm công nhân và sinh sống tại tỉnh nhà. Số này đại đa số thuộc quân của Đại đoàn 316 với con số ước tính khoảng trên 2.000 đồng chí. Trước dịp kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, theo thống kê, số chiến sĩ Điện Biên trên địa bàn tỉnh hiện còn sống là 140 đồng chí. Năm 1958 các cụ về xây dựng Nông trường Quân đội, đến năm 1960 các cụ mới "hạ sao" thành công nhân Nông trường Điện Biên, trồng lúa, ngô, mía, làm xanh lại cánh đồng Mường Thanh, chăn nuôi bò, lợn phát triển kinh tế. Các cụ cũng là người khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn lấy đất sản xuất và làm công tác hậu chiến, thu dọn chiến trường, thu gom hài cốt liệt sĩ, xây dựng nghĩa trang... Ngoài ra những người lính Điện Biên đã cùng với lực lượng thanh niên xung phong làm thuỷ lợi, đưa nước tưới cho cánh đồng Mường Thanh. Công trình vất vả gian khó nhất khi đó là công trình Đại thuỷ nông Nậm Rốm. Hai kênh tả và hữu được xây dựng dẫn nước tưới cho cánh đồng Mường Thanh đã đưa việc canh tác từ một vụ lên hai vụ. 49 cứ điểm với biết bao bãi mìn, dây thép gai phải giải phóng, gỡ bỏ ghê gớm lắm chứ. Đó là những nhân chứng sống ở lại xây dựng kinh tế, phát triển Điện Biên, đặt nền móng cho một Điện Biên sau này…

Con kênh dẫn nước tưới cho cánh đồng Mường Thanh. Ảnh: TL

- Có lẽ cũng cần có những ghi nhận thoả đáng về đóng góp của các chiến sĩ Điện Biên sau Chiến dịch quay lại xây dựng, kiến thiết mảnh đất này, là cơ sở để có một Điện Biên hôm nay…

+ Đảng bộ tỉnh rất trân trọng công lao đóng góp xây dựng Điện Biên của các cựu chiến binh, bộ đội, từ những ngày đầu làm thay đổi việc canh tác lúa bằng thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi vừa, sau đó là công trình thuỷ lợi lớn; làm thay đổi phương thức sản xuất, hướng dẫn đồng bào bản địa chuyển đổi nhận thức, thay đổi cung cách làm ăn, xây dựng Nông trường Điện Biên thành điểm sáng phát triển kinh tế, làm hậu phương lớn trên miền Bắc. Những chiến sĩ Điện Biên đã thành chiến sĩ lái máy cày, chiến sĩ chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Tây Bắc. Những cở sở hạ tầng đầu tiên của Điện Biên cũng được khởi tạo bởi những người lính. Các chiến sĩ Điện Biên đã đốt gạch, nung vôi, xây dựng những công trình công cộng, xây dựng những con đường giao thông đến Điện Biên, đường giao thông từ trung tâm Điện Biên Phủ đến các huyện. Nông trường Điện Biên với những phong trào nổi tiếng khắp cả nước lúc bấy giờ như phong trào ba tốt - sản xuất tốt, chăn nuôi tốt, thuỷ lợi tốt - còn dư âm đến ngày nay, cung cấp lương thực thực phẩm cho tiền tuyến đánh Mĩ, giải phóng miền Nam. Điện Biên cũng đã đóng góp những người con cho chiến trường C tại Lào. Thế hệ thứ hai, con của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa nhiều người cũng đang giữ các vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị của tỉnh. Bố đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch tỉnh cũng là một cựu chiến sĩ - công nhân Nông trường Điện Biên. Chị Lầu Thị Mại, nguyên Uỷ viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ là con gái của chiến sĩ Điện Biên Lầu A Vừ, chị nghỉ thì con trai chị, cháu là Kháng Mai Thu lại tiếp bước, hiện là Phó Bí thư Tỉnh Đoàn. Anh Lê Văn Hoàn, Bí thư Đảng uỷ xã Pom Lót, huyện Điện Biên cũng là con trai của chiến sĩ Điện Biên Lê Đăng Điệng, người sau này đã từng là Giám đốc Nông trường Điện Biên... Còn nhiều các trường hợp khác nữa. Họ đã góp phần xây dựng Đảng bộ, Chính quyền, hệ thống chính trị của Điện Biên sau này, tạo nền móng cho một Điện Biên phát triển như ngày nay, dù còn nhiều khó khăn nhưng so với trước đây đã chuyển động rất nhiều.

Có thể nói, chính những người lính Điện Biên đã góp phần giải phóng, xây dựng và kiến tạo một Điện Biên để bảy mươi năm sau chúng ta có một Điện Biên như hôm nay.
- Thiếu tướng Lưu Trọng Lư - 
                                                                                                                                                     Ảnh: Thành Duy

- Từ cuốn sách Anh hùng, chiến sĩ Điện Biên Phủ nói về sự đóng góp của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến thuộc các tỉnh thành cho Chiến dịch Điện Biên Phủ tôi lại liên hệ đến lực lượng tại chỗ, ngay tại Điện Biên, đã đóng góp, cống hiện thanh xuân để giải phóng, kiến tạo mảnh đất này. Dòng chảy ấy cũng mãnh liệt suốt chiều dài dài lịch sử, trước, trong và sau Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những nhân chứng ngày càng ít đi, đến một lúc sẽ không còn nữa. Có lẽ cũng cần làm gì đó để ghi lại những sự đóng góp nội tại một cách hệ thống, lưu lại những kí ức của Điện Biên để thế hệ sau có thể hình dung về sự vận động của Điện Biên từ sau giải phóng đến nay. Thiếu tướng nghĩ thế nào về điều này?

+ Đó là một đề xuất rất hay và cần thiết. Tôi cũng nghĩ là cần ghi lại những công lao, đóng góp của các thế hệ trước, nhất là lớp các cụ tham gia xây dựng Nông trường Điện Biên, cái này có lẽ tới đây phải đề xuất với Ban liên lạc Nông trường tập hợp những tư liệu, hình ảnh. Các cụ lên đây xây dựng nông trường nhưng không chỉ là xây dựng nông trường mà tái tạo sự sống trên vùng đất lịch sử. Điện Biên phát triển như hôm nay phải có nền móng, gốc gác của nó. Để làm được điều này cũng phải nhờ đến các nhà văn, nhà báo chứ nguyên cựu chiến binh chúng tôi thì cũng khó. Cái này Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Điện Biên cũng phải vào cuộc, và nếu không làm nhanh thì những nhân chứng sẽ không còn nữa. Bởi Ban liên lạc Nông trường Điện Biên cũng mãi năm 1986 mới thành lập, đến nay phần lớn các cụ đã đi xa, ngay cả trưởng ban, phó ban cũng đều mất cả rồi…

Đoàn cán bộ, phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội làm việc và tặng các ấn phẩm báo chí cho Hội Chiến binh tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thành Duy

- Các cụ CCB tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn Thành phố hiện nay đời sống ra sao và Thiếu tướng có thể nói về vai trò của các cụ trong đời sống xã hội, nhất là trước những dịp kỉ niệm chiến thắng như dịp này…

+ Các cụ CCB Điện Biên trên địa bàn Thành phố Điện Biên Phủ hiện nay còn 59 cụ, tuổi cao nhất là cụ Cà Văn An, dân tộc Thái, sinh năm 1921. Các cụ đều có cuộc sống ổn định, vẫn phát huy tốt truyền thống Điện Biên, gương mẫu trong cuộc sống, là chỗ dựa tinh thần của con cháu và là những nhân chứng sống của lịch sử. Trong Đại dịch Covid-19 vừa rồi, anh em Hội CCB đi vận động ủng hộ người dân cả nước chống dịch, tuy không vận động các cụ nhưng anh em đi qua các cụ thấy các cụ vẫn gọi vào, bảo “vào đây cho bác góp một tí”. Các cụ cũng tham gia tích cực trong tuyên truyền đến thế hệ trẻ về Chiến thắng Điện Biên Phủ, nói chuyện truyền thống trong các nhà trường. Các cụ là vốn quý không chỉ của Điện Biên.

Có thể nói, chính những người lính Điện Biên đã góp phần giải phóng, xây dựng và kiến tạo một Điện Biên để 70 năm sau chúng ta có một Điện Biên bừng sáng như hôm nay. Và những người lính hôm nay cũng vẫn đang tiếp tục góp phần xây dựng và bảo vệ vùng đất địa đầu mang đậm những giá trị lịch sử, giá trị truyền thống của dân tộc, xứng đáng với chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" năm xưa.

- Xin cám ơn Thiếu tướng đã dành thời gian chia sẻ với VNQĐ!

NGUYỄN XUÂN THUỶ thực hiện

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)